Những người khác nhau có kinh nguyệt khác nhau – cả về mức độ, chu kỳ lẫn số ngày hành kinh.
Sau một vài năm có kinh nguyệt, đa số phụ nữ đều có hiểu biết về tình trạng của bản thân – bao gồm tần suất, thời gian xuất hiện và lượng máu mất đi mỗi lần. Do đó, mỗi khi có bất thường xảy ra thì rất dễ để nhận biết.
Dấu hiệu nhận biết kinh nguyệt bất thường không thể bỏ qua
Kinh nguyệt như thế nào được coi là bình thường?
Đối với đa số phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, kéo dài khoảng 3 – 5 ngày, tuy nhiên ở một số người có thể có sự khác biệt.
Do đó, bạn nên chú ý vào những thay đổi của bản thân, từ đó nhận biết các bất thường xảy ra – thay vì so sánh với người khác.
Các thay đổi thường gặp nhất bao gồm chậm kinh hoặc tắt kinh.
Vấn đề đầu tiên cần chú ý ở đây là bạn đang ở độ tuổi nào.
Đối với độ tuổi từ 20 – 39 tuổi, thời điểm đa số phụ nữ đang sinh hoạt tình dục bình thường thì chậm kinh hoặc tắt kinh có thể là dấu hiệu của việc mang thai – ngay cả khi có sử dụng biện pháp tránh thai.
Đối với độ tuổi từ 40 – 59, chậm kinh hoặc tắt kinh có thể do cơ thể đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, lượng estrogen tiết ra giảm dần, do đó kinh nguyệt có thể ít hơn. Đồng thời chu kỳ cũng ngắn hơn, mức độ cũng nhẹ hơn trước. Khi kinh nguyệt không xuất hiện trong 12 tháng liên tiếp thì đó là dấu hiệu bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh.
Độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ là 51 tuổi.
Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến tắt kinh là tập thể dục thể thao quá mức. Khoảng 5 – 25 % vận động viên nữ không có kinh nguyệt, thường gặp chủ yếu ở các bộ môn như múa ballet hay điền kinh. Nguyên nhân của hiện tượng này là do việc tập luyện quá mức ảnh hưởng đến việc sản xuất và bài tiết các hormone sinh sản – hormone đóng vai trò điều hòa kinh nguyệt.
Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa cũng có khả năng gây ra vô kinh – nguyên nhân là do năng lượng cơ thể hấp thụ quá ít, gây ức chế bài tiết hormone sinh dục nữ.
Một vài nguyên nhân khác có thể kể đến như:
- Rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến yên
- Rối loạn bài tiết hormone vùng dưới đồi
- Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú
- Thừa cân, béo phì
- Sử dụng thuốc tránh thai đường uống
- Stress
- Hội chứng buồng trứng đa nang hoặc mất cân bằng nội tiết tố cơ thể
- Suy giảm chức năng buồng trứng
- Các bệnh về tử cung
Tình trạng mất máu
Hầu hết phụ nữ sẽ mất khoảng 30 – 40 ml máu mỗi lần hành kinh, khi lượng máu mất từ 75 ml trở lên thì có thể được gọi là rong kinh – kinh nguyệt nhiều.
Việc mất máu quá nhiều gây ra tình trạng thiếu chất, đặc biệt là thiếu sắt – nguyên liệu để sản xuất hemoglobin, giúp tế bào hồng cầu có thể vận chuyển oxi đi nuôi các mô cơ thể. Khi thiếu máu, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như khó thở, da nhợt nhạt, mệt mỏi,…
Dưới đây là một vài nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng mất máu nhiều do kinh nguyệt:
- U xơ tử cung
- Sẩy thai hoặc mang thai ngoài tử cung
- Sử dụng một số loại thuốc (thuốc chống đông, thuốc làm loãng máu hoặc steroids)
- Thay đổi loại thuốc tránh thai đang sử dụng
- Rối loạn đông máu
- Ung thư tử cung
Việc đánh giá lượng máu mất nhiều hay ít có thể dựa vào số lượng băng vệ sinh mà bạn sử dụng. Nếu bạn phải thay băng vệ sinh mỗi giờ, trong vài giờ liên tiếp thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất máu nhiều một cách bất thường.
Chảy máu khi chưa đến kỳ
Nguyên nhân của việc chảy máu khi chưa đến kỳ khá đa dạng, có thể là lành tính như do tổn thương ở vùng âm đạo hoặc quên sử dụng thuốc tránh thai, hoặc do những biến cố nghiêm trọng như ung thư, mang thai ngoài tử cung,…Do đó, nếu cảm thấy xuất hiện bất thường thì bạn nên cần đến sự tư vấn của bác sĩ.
Đau đớn bất thường
Việc cảm thấy đau mỗi khi đến kỳ là hoàn toàn bình thường – nguyên nhân là do sự co bóp của tử cung để làm bong lớp niêm mạc. Tình trạng đau thường không quá nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm sau 1 hoặc 2 ngày. Ở một số phụ nữ khác, cơn đau có thể dữ dội hơn, đến mức họ không thể ra khỏi giường.
Trong đa số các trường hợp, nguyên nhân gây đau chính là do kinh nguyệt. Nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại một số nguyên nhân khác như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung,… Do đó, để tìm hiểu chính xác về vấn đề này, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ.
Bên cạnh đau bụng, có thể có các triệu chứng khác đi kèm với kinh nguyệt như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau đầu hoặc đau lưng.
Để giảm đau, bạn có thể sử dụng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) – thuốc có tác dụng giảm đau đồng thời ức chế tiết prostaglandin, một chất gây tăng co bóp tử cung. Đối với các tình trạng nặng hơn như u xơ hoặc lạc nội mạc tử cung, bác sĩ có thể sẽ đề xuất can thiệp phẫu thuật.
Xem thêm:
- Hiểu biết về cơ thể của bạn: Kinh nguyệt thay đổi thế nào theo thời gian
- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều? Nhận biết và cách điều trị
- Có nên tập luyện thể dục trong những ngày “đèn đỏ" không?
- Sự đồng bộ chu kỳ kinh nguyệt: niềm tin hay sự thật?
- Đau bụng kinh: nguyên nhân và biện pháp khắc phục