Rách tầng sinh môn khi sinh và cách làm giảm tổn thương

Rách tầng sinh môn khi sinh là một chấn thương xảy ra với mô xung quanh âm đạo và trực tràng trong quá trình sinh nở. Có bốn mức độ rách có thể xảy ra, với mức độ 4 là mức độ nghiêm trọng nhất. Cắt tầng sinh môn là một thủ thuật có thể được sử dụng để mở rộng cửa âm đạo một cách có kiểm soát.

Tổng quan về rách tầng sinh môn

Video: Rạch tầng sinh môn có đau không?

Rách tầng sinh môn là gì?

Vết rách tầng sinh môn có thể xảy ra trong quá trình sinh nở. Đây là vết rách ở da và cơ xung quanh âm đạo và đáy chậu của bạn. Vùng tầng sinh môn là không gian giữa cửa âm đạo và hậu môn.

Trong một ca sinh thường qua ngả âm đạo, da tầng sinh môn chuẩn bị cho quá trình sinh nở bằng cách mỏng đi. Vùng này có thể được kéo dãn và cho phép đầu và cơ thể của em bé đi qua mà không bị chấn thương. Tuy nhiên, có một số lý do khiến vết rách tầng sinh môn có thể xảy ra. Những lý do này có thể bao gồm:

  • Em bé quá lớn
  • Chuyển dạ nhanh (da chưa kịp căng và mỏng).
  • Sử dụng forcep trong khi sinh.

Mức độ nghiêm trọng

Có một số mức độ rách tầng sinh môn khác nhau. Các mức độ này được xác định bởi mức độ nghiêm trọng của vết rách.

  • Rách độ 1: ít nghiêm trọng nhất, chỉ xảy ra tại lớp da vùng tầng sinh môn – da xung quanh âm đạo và giữa âm đạo với hậu môn. Sản phụ có thể cảm thấy đau nhẹ hoặc xót khi đi tiểu tiện. Vết rách không cần phải khâu và tự lành sau 1 vài tuần.
  • Rách độ 2: là những vết rách bao gồm da và cơ vùng tầng sinh môn, có thể rộng lên trên thành âm đạo. Những vết rách này cần phải khâu phục hồi lại để vết Thương lành lại sau 1 vài tuần.
  • Rách độ 3: vết rách vào đến cơ quanh hậu môn – cơ vòng hậu môn. Vết rách này đôi khi cần giảm đau tốt tại phòng mổ để bác sĩ khâu phục hồi lại cơ vòng hậu môn. Có thể phải theo dõi sự hồi phục dài hơn bình thường, bởi biến chứng hay gặp sau sinh trong những trường hợp này là són phân và đau khi quan hệ cần phải theo dõi.
  • Rách độ 4: là mức độ nặng nhất. Vết rách xé qua phên cơ hậu môn vào niêm mạc trực tràng. Vết rách mức độ này yêu cầu kỹ thuật khâu đặc biệt hơn và thường phải thực hiện tại phòng mổ. Đại tiện không tự chủ và đau khi quan hệ thường là biến chứng hay gặp và cần phải theo dõi, phát hiện sớm sau sinh.

Nguyên nhân gây rách tầng sinh môn

Nguyên nhân nào gây ra rách tầng sinh môn khi sinh nở?

Vết rách tầng sinh môn khi sinh nở có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số yếu tố có thể gây ra vết rách có thể bao gồm:

  • Sinh lần đầu.
  • Vị trí của em bé (tư thế ngửa).
  • Sử dụng forcep hoặc giác hút khi sinh.
  • Trọng lượng em bé lớn (trên 4kg).
  • Đã bị rạch tầng sinh môn trước đây.

Quản lý và điều trị vết rách tầng sinh môn

Làm thế nào để điều trị hoặc phục hồi vết rách?

Điều trị vết rách tầng sinh môn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Ở vết rách cấp độ 1, bạn có thể không cần khâu. Trong vết rách 2, 3, 4, bạn sẽ được khâu để phục hồi. Mọi vết khâu sẽ tự tiêu biến trong vòng 6 tuần. Trong một số trường hợp nghiêm trọng nhất, bác sĩ cần phải khâu phục hồi cơ vòng hậu môn. Điều này sẽ được thực hiện với các mũi khâu không thể tháo rời. Bạn có thể cảm thấy khó chịu trong vài tuần sau khi sinh cho tới khi vết rách của bạn lành lại. Có một số điều bạn có thể làm để giúp giảm bớt cảm giác khó chịu này. Những mẹo này có tác dụng với từng loại vết rách.

  • Dùng bình xịt để rửa mình sạch sẽ khu vực tầng sinh môn sau khi đi vệ sinh.
  • Nhẹ nhàng thấm khô tầng sinh môn bằng giấy vệ sinh thay vì lau.
  • Tránh táo bón bằng cách uống nhiều nước và dùng thuốc làm mềm phân.

Nếu quá đau, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau. Nhớ tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào.

Vết rách tầng sinh môn bao lâu thì lành?

Hầu hết phụ nữ cảm thấy giảm đau do rách tầng sinh môn trong khoảng 2 tuần. Nếu vết rách của bạn cần phải khâu lại, chúng sẽ tự tiêu trong vòng 6 tuần. Bạn sẽ không cần phải quay lại bệnh viện để cắt bỏ các vết khâu. Hãy để ý đến bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào trong khi vết rách lành lại:

  • Tiết dịch có mùi hôi.
  • Sốt.
  • Cơn đau không biến mất ngay cả khi dùng thuốc.

Một số phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục sau khi bị rách tầng sinh môn. Nếu bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu, hãy trao đổi với bác sĩ

Phòng ngừa rách tầng sinh môn

Cắt tầng sinh môn có thể giúp tôi không bị rách không?

Cắt tầng sinh môn là một thủ thuật mà bác sĩ chủ động cắt tầng sinh môn, từ lỗ âm đạo ra phía ngoài. Điều này nhằm mục đích để mở rộng lỗ âm đạo một cách có kiểm soát.

Mặc dù một vết rạch tầng sinh môn sẽ mở rộng lỗ âm đạo, nhưng nó không phải lúc nào cũng giúp bạn không bị rách. Cắt tầng sinh môn thường được coi là một trong những nguy cơ gây ra vết rách nghiêm trọng hơn (độ 3 hoặc độ 4). Hãy trao đổi với bác sĩ về những ưu và nhược điểm của thủ thuật này.

Tiên lượng cho người bị rách tầng sinh môn

Tôi có thể sinh ngả âm đạo ở lần mang thai thứ hai nếu trước đó tôi đã bị rách tầng sinh môn không?

Trong hầu hết các trường hợp, bị rách tầng sinh môn trong lần sinh đầu không có nghĩa là bạn sẽ bị rách lại trong lần sinh sau. Hầu hết các vết rách nhỏ đều lành lại và sẽ không ngăn cản bạn sinh con qua đường âm đạo trong tương lai. Nếu bạn đã từng bị rách cấp độ 3 hoặc độ 4 trong quá khứ, bạn có thể có nguy cơ bị rách khi sinh con qua âm đạo trong tương lai. Rủi ro thường đủ thấp để bạn vẫn có thể sinh thường nếu muốn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị sinh mổ để ngăn ngừa vết rách.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!