Phương pháp và thuốc điều trị mụn cóc ở ngón tay

Mụn cóc là một tổn thương lành tính phát triển trên da hoặc niêm mạc. Mụn cóc có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm ngón tay, mặt, da đầu và cơ quan sinh dục.

Virus HPV là nguyên nhân gây ra mụn cóc. Các dòng HPV gây ra các loại mụn cóc khác nhau. 

Mụn cóc có thể tự thoái triển. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên gặp bác sĩ khi có tổn thương mụn cóc để được hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị. 

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu các thuốc và phương pháp điều trị mụn cóc ở ngón tay tại nhà cũng như tại bệnh viện. 

Điều trị mụn cóc ở ngón tay tại nhà

Mặc dù mụn cóc có thể tự khỏi, người bệnh có thể cần điều trị nếu mụn cóc gây đau, khó chịu hoặc vấn đề thẩm mỹ. 

Bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị tại nhà, bao gồm các thuốc không cần kê đơn. Một số ví dụ được liệt kê dưới đây.  

Salicylic axit  

Axit salicylic là một chất phân giải tế bào sừng. Điều đó có nghĩa là nó có thể phá vỡ cấu trúc các tế bào của da. Người bệnh chỉ cần bôi axit salicylic trực tiếp vào mụn cóc, tránh bôi vào vùng da lành xung quanh. 

Bác sĩ và dược sĩ đôi khi khuyến cáo che chắn vùng da xung quanh trước khi bôi axit salicylic vào mụn cóc. Một cách phổ biến là bôi sáp dầu khoáng. 

Bác sĩ có thể khuyến cáo ngâm mụn cóc với nước ấm khoảng 5’ trước khi bôi thuốc. Người bệnh có thể thử dùng đá tắm hoặc bột đá mài xoa trên mụn cóc để làm bong biểu bì dày trên bề mặt. 

Những cách này có thể giúp thuốc đi sâu vào các lớp của da - vùng chứa virus HPV. 

Axit salicylic có sẵn ở nhiều dạng và nhiều nồng độ khác nhau. Tuy nhiên, theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ, người bệnh nên sử dụng dạng thuốc chứa 17% axit salicylic. Nồng độ như vậy có hiệu quả và ít khi gây kích ứng. Tuy nhiên, một số người có thể thấy ngứa nhẹ ở vị trí bôi thuốc.  

Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ khuyến cáo người bệnh có thể phải điều trị 2 lần/ ngày trong tối đa 12 tuần để có kết quả. 

Imiquimod (Aldara) 

Một số bác sĩ khuyến cáo dùng Imiquimod (Aldara) dạng kem để điều trị mụn cóc ở ngón tay. Tuy nhiên, Tổ chức Lương thực và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) chỉ cho phép sử dụng loại kem này để điều trị mụn cóc tại cơ quan sinh dục và vùng quanh hậu môn. 

Băng dính  

Một nghiên cứu năm 2019 của hội bác sĩ gia đình Canada mô tả cách điều trị mụn cóc ở trẻ em sử dụng băng dính với tỷ lệ thành công ước tính là 80%. 

Mặc dù bằng chứng về sự hiệu quả của phương pháp này còn hạn chế nhưng sử dụng băng dính khá an toàn. 

Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Canada, người bệnh có thể sử dụng băng dính trên mụn cóc trong 4-7 ngày. Người bệnh nên bỏ băng dính sau tối đa 7 ngày. 

Khi bóc băng dính, người bệnh phải rửa sạch vùng da được dán với xà phòng và nước. Sau đó, người bệnh có thể dùng bột đá mài để loại bỏ da chết trên mụn cóc. Người bệnh có thể dán băng dính khác sau 12 giờ. Người bệnh có thể cần lặp lại điều trị trong khoảng 4-6 tuần. 

Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ lưu ý rằng hiệu quả của băng dính để loại bỏ mụn cóc còn chưa rõ ràng. Vì vậy, bác sĩ chỉ khuyến cáo sử dụng phương pháp này kèm với axit Salicylic hoặc với các phương pháp điều trị khác. 

Các thủ thuật điều trị mụn cóc 

Nhiều thủ thuật được sử dụng để điều trị mụn cóc ngón tay ở phòng khám. Dưới đây là một số thủ thuật được bác sĩ và chuyên gia da liễu sử dụng để điều trị mụn cóc. 

Áp lạnh 

Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ giải thích áp lạnh là một thủ thuật được thực hiện ở phòng khám bệnh viện, sử dụng khí ni tơ lỏng được làm lạnh tới nhiệt độ -321 độ F (-196 độ C). Phương pháp này có thể phá hủy nhiều lớp của mụn cóc, gây nên sự xơ hóa sau 3-4 lần điều trị. Áp lạnh có tác dụng trong 50-70% các trường hợp. 

Dụng cụ áp lạnh mụn cóc tại nhà hiện giờ có bán trên thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tác dụng điều trị mụn cóc của các dụng cụ áp lạnh tại nhà không đạt được nhiệt độ bề mặt thấp như các máy tại phòng khám và bệnh viện. 

Kháng nguyên nấm Candida và quai bị 

Kháng nguyên là một chất có thể gây nên phản ứng miễn dịch cơ thể. Một nghiên cứu thử nghiệm năm 2001 chỉ ra rằng khi tiêm kháng nguyên nấm Candida hoặc quai bị vào mụn cóc gây nên phản ứng miễn dịch chống lại HPV. 

Phản ứng miễn dịch có thể xảy ra ở vùng được tiêm và vùng khác. 

Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ, người bệnh có thể cần tiêm 3 lần, cách nhau 3-4 tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.  

Liệu pháp quang động với axit aminolevulinic 

Liệu pháp quang động với axit aminolevulinic là một phương pháp điều trị mụn cóc đắt tiền. Phương pháp này khiến mụn cóc trở nên nhạy cảm với ánh sáng sau khi bôi axit aminolevulinic 3-8 tiếng. Chuyên gia da liễu sau đó sẽ chiếu ánh sáng vào mụn cóc khiến mụn cóc thiếu ổn định và bị phá hủy. 

Một nghiên cứu ở tạp chí Mỹ phẩm - Ứng dụng và Khoa học Da liễu cho thấy tỷ lệ thành công cao khi sử dụng thủ thuật này để điều trị mụn cóc 

Các thủ thuật khác 

Các thủ thuật điều trị mụn cóc không cho hiệu quả giống nhau. Theo một nghiên cứu năm 2011, các nhà khoa học đã chỉ ra hiệu quả của các thủ thuật sau:

  • Tiêm Bleomycin vào tổn thương mụn cóc: Bleomycin là một chất điều trị ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp này để trị những mụn cóc khó trị và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Laser mạch: phương pháp này được thực hiện bằng cách chiếu tia sáng năng lượng cao trực tiếp vào mụn cóc để phá hủy mao mạch trong mụn cóc nhưng không gây ảnh hưởng da vùng xung quanh.
  • Cắt bỏ mụn cóc bằng dao hoặc bằng dao điện: bác sĩ có thể lấy bỏ mụn cóc với dao lưỡi tròn hoặc đốt bằng dao điện. 

Chăm sóc sau điều trị mụn cóc ở ngón tay

Mụn cóc có thể tồn tại nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Người bệnh có thể phải thực hiện các phương pháp điều trị nhiều lần / ngày trong một thời gian dài.

Người bệnh cần được lưu ý rằng mụn cóc có thể tự khỏi dù không điều trị. 

Khi bác sĩ chẩn đoán và điều trị mụn cóc ở ngón tay, họ sẽ đưa ra lời khuyên chăm sóc sau điều trị. Các thông tin chăm sóc sau điều trị có thể bao gồm:

  • Cách để tránh tổn thương vùng mụn cóc
  • Làm sao để tránh lan truyền HPV sang người khác. 

Các phương pháp phòng chống có thể giúp người bệnh giảm nguy cơ phát triển mụn cóc ra các vùng khác bao gồm:

  • Tránh cắn móng tay
  • Đi loại giày thích hợp ở vùng ẩm ướt
  • Rửa tay thường xuyên có thể giúp loại bỏ virus khỏi da 

Người bệnh thường sẽ không có sẹo hoặc tổn thương tồn dư sau điều trị mụn cóc. 

Mụn cóc có bị tái phát không? 

Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị mụn cóc nhưng hiệu quả và giá thành của mỗi loại lại khác nhau. 

Mụn cóc tái phát là rất thường xuyên với tất cả các phương pháp điều trị. Vì lý do này, người bệnh nên áp dụng phương pháp điều trị ít tốn kém nhất ban đầu.

Bác sĩ thường ưu tiên các phương pháp đắt tiền hơn cho các trường hợp mụn cóc tái phát nhiều lần. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Mặc dù mụn cóc có thể được điều trị bằng các thuốc không kê đơn, người bệnh vẫn nên xin ý kiến của bác sĩ để có chẩn đoán đúng nhất. Mụn cóc có thể giống với các tổn thương da khác cần điều trị với các phương pháp hoàn toàn khác. 

Người bệnh nên gặp bác sĩ nếu không thấy bất cứ sự tiến triển nào của mụn cóc ngón tay sau khi sử dụng axit salicylic 17% sau 12 tuần sử dụng. 

Liệu mụn cóc có thể tự khỏi? 

Thường mụn cóc có thể tự biến mất, vì vậy đôi khi bác sĩ sẽ khuyến cáo theo dõi tổn thương mụn cóc thay vì dùng thuốc ngay lập tức. 

Mụn cóc có lây được không?

Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ lưu ý rằng mụn cóc có thể lây nhiễm. Một người có thể bị mụn cóc khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với mụn cóc của người khác. Ví dụ như khi chạm vào tay nắm cửa hoặc đi chân trần trên nền bể bơi công cộng.

HPV bị da chặn lại, vì vậy nếu một người có vết thương hở và tiếp xúc với HPV, họ có nguy cơ mắc virus. 

Tổng kết 

Mụn cóc ngón tay là một bệnh lây nhiễm thường gặp trên da, gây ra bởi HPV. Mụn cóc có thể phát triển trên ngón tay thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa người - người. 

Mụn cóc có thể tự khỏi nhưng người bệnh thường muốn điều trị do mụn cóc gây khó chịu, đau hoặc vấn đề thẩm mỹ.

Có nhiều phương pháp điều trị mụn cóc ở ngón tay bao gồm các thuốc và thủ thuật da liễu. Các phương pháp điều trị có hiệu quả không giống nhau và có nguy cơ tái phát sau điều trị. 

Mặc dù người bệnh có thể điều trị mụn cóc tại nhà nhưng người bệnh có thể gặp bác sĩ để có chẩn đoán chính xác nhất. Mụn cóc có thể giống với các tổn thương da khác cần được kiểm soát và điều trị.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!