Mụn cóc bàn chân có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các thuốc tại nhà có thể được sử dụng để đẩy nhanh quá trình lành bệnh một cách an toàn và hiệu quả.
Ở bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu các thuốc dùng tại nhà cho mụn cóc bàn chân.
Mụn cóc bàn chân là gì?
Mụn cóc bàn chân là tổn thương lành tính phát triển ở lớp ngoài cùng của da và ở lòng bàn chân.
Theo Hiệp hội da liễu Hoa Kỳ (AAD), mụn cóc bàn chân có màu da và cứng, tuy nhiên có thể có màu nâu hoặc màu xám, phẳng và mịn.
Người bệnh có thể nhầm lẫn mụn cóc bàn chân với chai chân, tuy nhiên, mụn cóc thường gây đau khi bị ấn vào.
Phương pháp điều trị mụn cóc bàn chân
Mặc dù mụn cóc có thể tự biến mất, các phương pháp điều trị giúp đẩy nhanh tốc độ lành bệnh.
Axit Salicylic
Có rất nhiều sản phẩm chứa axit Salicylic không cần kê đơn trên thị trường. Thuốc chứa axit Salicylic có các dạng gel, nước hoặc bản đắp.
Theo AAD, người bệnh có thể làm mềm mụn cóc bằng cách chườm nước ấm trước khi sử dụng axit Salicylic một lần một ngày. Đôi lúc, vùng da xung quanh mụn cóc có thể đau hoặc ngứa.
Với những trường hợp này, AAD khuyến cáo dừng điều trị tạm thời và bắt đầu điều trị lại sau vài ngày. Thời gian điều trị có thể kéo dài vài tuần, kể cả với những phương pháp hiệu quả nhất, vì vậy, dừng điều trị một thời gian không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả điều trị.
Băng dính
Sử dụng băng dính mụn cóc là một phương pháp điều trị không tốn kém và thuận tiện.
AAD khuyên cáo nên thay băng dính sau vài ngày để lột các lớp trên cùng của mụn có đi. Sau khi dán nhiều lần, mụn cóc có thể bị lột đi hoàn toàn.
Tuy nhiên, các nghiên cứu không khẳng định tác dụng của phương pháp này. Một nghiên cứu năm 2020 được đăng trên tạp chí Điều trị da liễu chỉ ra rằng các phương pháp áp lạnh truyền thống ở cơ sở y tế có tác dụng hơn băng dính. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng khẳng định sử dụng băng dính thì an toàn hơn và cũng cho kết quả ở một số trường hợp.
Sử dụng khí lạnh ở nhà
Một sản phẩm không kê đơn khác để điều trị mụn cóc là xịt lạnh.
Các nhà sản xuất khẳng định khí lạnh có thể làm đông lạnh giống như áp lạnh. Tuy nhiên, áp lạnh gây giảm nhiệt độ sâu hơn để phá hủy mụn cóc.
Theo một nghiên cứu trước năm 2006, bác sĩ đã sử dụng khí ni tơ lỏng với nhiệt độ xuống tới -196 độ C. Các sản phẩm làm lạnh có thể làm giảm nhiệt độ da xuống tới -70 độ C và tốn nhiều thời gian để có kết quả hơn là khí ni tơ.
Người bệnh có thể cần nhiều thời gian để điều trị hơn với sản phẩm xịt lạnh tại nhà. Kể cả sau khi áp dụng áp lạnh, người bệnh cũng cần vài tháng để thấy hiệu quả.
Theo một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ, áp lạnh có tác dụng tốt hơn ở các trường hợp mụn cóc thông thường so với mụn cóc bàn chân.
Dầu tràm
Dầu tràm có thể được sử dụng trong điều trị mụn cóc và nhiễm khuẩn da khác.
Một nghiên cứu trước năm 2008 trên tạp trí Điều trị bổ sung trong lâm sàng báo cáo 1 ca lâm sàng điều trị mụn cóc ngón tay thành công ở trẻ em với dầu tràm.
Ở nghiên cứu này, tổn thương được điều trị với dầu tràm 1 lần 1 ngày trong 12 ngày. Mụn cóc sau đó đã biến mất và tác giả báo cáo vùng tổn thương đã lành hẳn sau 12 ngày.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy dầu tràm có tác dụng trên mụn cóc bàn chân.
Lưu ý rằng, dầu tràm có nhiều mức độ hoạt động. Người bệnh có thể bôi trực tiếp trên da, nhưng họ phải pha loãng với một loại dầu khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Iodine
Một nghiên cứu năm 2015 được đăng trên tạp chí Da liễu và điều trị báo cáo tác dụng của dung dịch Povidone-iodine 2% trong điều trị mụn cóc thông thường.
Bác sĩ và các chuyên gia y tế thường sử dụng các dung dịch iodine để sát trùng da của người bệnh trước phẫu thuật hoặc trước thủ thuật để phá vỡ hàng rào bảo vệ da.
Sản phẩm được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm iodine và một số thành phần không có sẵn. Mặc dù kết quả có vẻ hứa hẹn nhưng chưa có đủ chứng cớ cho thấy tác dụng của sản phẩm không kê đơn này để điều trị mụn cóc bàn chân.
Zijinding
Zijinding là một phương thuốc thảo dược điều trị mụn cóc của Trung Quốc. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Da liễu đưa ra 3 ca lâm sàng điều trị thành công mụn cóc bàn chân với Zijinding trộn với dấm trắng.
Ba người bệnh tham gia được đắp Zijinding trên bề mặt mụn có bàn chân của họ trong 1.5 - 5 tháng. Các tác giả báo cáo có cải thiện triệu chứng và không tái phát trong ít nhất 10 tháng sau dừng thuốc.
Ngoài ra, không có bất cứ nghiên cứu nào kiểm định lại kết quả của 3 trường hợp trên.
Nguyên nhân gây mụn cóc ở bàn chân
Virus u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân gây nên mụn cóc ở bàn chân.
Mụn cóc có thể lây nhiễm được. Một người có thể mắc mụn cóc nếu tiếp xúc với nguồn lây virus, thông thường là qua tiếp xúc da - da với người nhiễm bệnh.
Người bệnh cũng có thể mắc mụn cóc bàn chân nếu đi bộ chân trần trên nền bể bơi hoặc phòng thay đồ.
Tùy thuộc vào loại HPV, các mụn cóc bàn chân có thể có hình dáng khác nhau. Các nhà nghiên cứu tìm thấy hơn 100 loại virus HPV.
Yếu tố nguy cơ của mụn cóc ở bàn chân
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Suy giảm miễn dịch
- Chấn thương da
- Tiếp xúc với người có mụn cóc
- Các hoạt động đi chân trần
Phòng tránh mụn cóc ở bàn chân
Mụn cóc bàn chân có thể phòng tránh. AAD khuyến cáo mọi người nên đi dép hoặc ủng ở nhà tắm công cộng, phòng thay đồ và bể bơi.
Mụn cóc bàn chân có thể lây nhiễm qua tiếp xúc. Vì vậy, nên tránh tiếp xúc với người có mụn cóc.
Các chuyên gia da liễu khuyến cáo che phủ mụn cóc hoặc rửa tay ngay sau khi sờ vào mụn cóc. Không nên cạo các vùng có mụn cóc do nguy cơ lan ra các vùng khác của cơ thể.
Các lời khuyên khác bao gồm:
- Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, dao cạo râu, cắt móng tay hoặc tất với người có mụn cóc
- Làm sạch và che phủ các vết thương và xước
- Bảo đảm da không bị khô nẻ
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh nên gặp bác sĩ khi không chắc chắn tổn thương ở chân là mụn cóc.
AAD khuyến cáo các trường hợp có nhiều mụn cóc ở chân nên được thăm khám và điều trị bởi các chuyên gia da liễu.
Mụn cóc bàn chân có thể không có triệu chứng nhưng cũng có thể gây đau, ngứa, chảy máu hoặc bỏng rát. Khi có triệu chứng, người bệnh nên gặp bác sĩ.
Người bệnh với hệ miễn dịch suy yếu không nên tự điều trị mụn cóc ở chân tại nhà, đặc biệt với những người có bệnh đái tháo đường.
Người bệnh mắc đái tháo đường có nguy cơ tổn thương dây thần kinh của bàn chân vĩnh viễn, vì vậy, họ cần có sự tham vấn của bác sĩ.
Tổng kết
Mụn cóc bàn chân là một tổn thương thường gặp. Người bệnh có thể nhiễm HPV thông qua tiếp xúc da - da. Để phòng chống mụn cóc bàn chân, chúng ta nên tránh đi chân trần ở những nơi công cộng như bể bơi, phòng gym hoặc phòng thay đồ.
Mặc dù một số mụn cóc có thể tự biến mất mà không cần điều trị, một số thuốc điều trị tại nhà có thể hữu ích, ví dụ axit Salicylic. Một số thuốc điều trị tại nhà khác có thể có công dụng, mặc dù chưa có đủ bằng chứng để khẳng định hiệu quả của chúng.
Xem thêm: