Video Nứt kẽ hậu môn?
Nứt kẽ hậu môn thường xảy ra ở tuổi trung niên, nhưng cũng là nguyên nhân chảy máu hậu môn hay gặp ở tuổi thiếu niên. Đa số các trường hợp bệnh sẽ khỏi trong vòng vài tuần với việc cải thiện tình trạng táo bón, nhưng một số ít nứt kẽ hậu môn sẽ thành mạn tính và cần phải điều trị bằng phẫu thuật.
Bệnh được chia thành hai giai đoạn:
- Nứt kẽ hậu môn cấp tính là những vết nứt giống như vết giấy rách.
- Nứt kẽ hậu môn mãn tính gây xuất hiện các mẩu da thừa ở trong và ngoài ống hậu môn.
Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn
Nguyên nhân gây ra nứt kẽ hậu môn là do những chấn thương ở vùng ống hậu môn hoặc hậu môn bị giãn quá căng khi đại tiện. Cục phân rắn thường là nguyên nhân gây ra những chấn thương này. Nhưng phân lỏng khi bị tiêu chảy cũng là nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn. Những bệnh nhân có cơ thắt hậu môn (cơ vòng hậu môn) chặt thường có nguy có mắc bệnh nứt kẽ hậu môn cao hơn. Tăng độ chặt của cơ thắt hậu môn làm cho máu vào nuôi vùng bị tổn thương kém và ảnh hường đến quá trình liền vết thương. Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng việc làm mềm phân, làm cơ thắt hậu môn lỏng hơn để giúp vết thương liền tốt hơn.
Ngoài ra có các nguyên nhân khác gây bệnh như :
- Viêm loét đại tràng, bệnh Crohn (liên quan đến viêm đường ruột), viêm xơ cơ thắt trong hậu môn.
- Do vệ sinh hậu môn không đúng cách hoặc do giấy vệ sinh quá cứng và dày làm tổn thương.
- Do quá trình sinh đẻ của phụ nữ, hoặc bệnh nhân điều trị cắt trĩ.
- Bệnh tiêu chảy kéo dài mà không chữa dứt điểm, đi đại tiện nhiều làm tổn thương vòng cơ hậu môn.
- Cũng có thể là do quan hệ tình dục đồng tính ở nam, hay các bệnh như giang mai, herpes.
- Do cơ địa: Có thể cấu tạo vòng hậu môn của một số người nhỏ.
Những triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn có thể khiến việc đi đại tiện trở nên rất đau đớn. Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ sau khi người bệnh đi đại tiện, thậm chí một số người bệnh còn có xu hướng tránh để đại tiện để ngăn ngừa các triệu chứng.
Nếu bị nứt kẽ hậu môn cấp tính, người bệnh có thể cảm nhận thấy vết rách ở hậu môn khi đi đại tiện. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau đớn: Khi đi đại tiện người bệnh có thể cảm thấy đau buốt và cảm thấy bỏng rát nhiều giờ sau khi đi đại tiện. Điều này có thể khiến một số bệnh nhân không đi đại tiện và làm tăng nguy cơ táo bón và bệnh trĩ. Tuy nhiên việc trì hoãn đi vệ sinh có thể khiến phân trở nên khô, cứng và lớn hơn. Điều này sẽ khiến vết nứt kẽ hậu môn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chảy máu: Chảy máu ở bệnh nhân nứt kẽ hậu môn thường là máu tươi, có màu đỏ, dính trên giấy vệ sinh hoặc phân.
- Ngứa hậu môn: Cảm giác ngứa ngáy xảy ra thường xuyên, kéo dài và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người bệnh. Đôi khi hậu môn có thể tiết dịch, khiến hậu môn có mùi hôi, ẩm ướt và gây ngứa ngáy dữ dội.
- Khó tiểu: Người bệnh có thể bị khó tiểu hoặc thường xuyên đi tiểu với số lượng nước tiểu ít hơn so với bình thường.
Trong trường hợp tình trạng nứt kẽ hậu môn trở thành mãn tính, người bệnh có thể cảm thấy có một mảnh thẻ da dư ở rìa hậu môn. Tình trạng này có thể gây ngứa ngáy, khó chịu khi người bệnh đứng, ngồi hoặc sinh hoạt bình thường.
Nứt kẽ hậu môn có nguy hiểm không?
Theo chia sẻ của các chuyên gia y tế: nứt kẽ hậu môn tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu kéo dài các vết nứt, vết loét ở hậu môn sẽ chuyển sang mãn tính và lan dần sang cơ vòng hậu môn trong, quá trình co thắt hậu môn làm cho vết rách rộng và khó lành hơn.
Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mãn tính thì người bệnh sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:
Gây hoại tử và ung thư hậu môn
Hiện tượng nứt kẽ hậu môn kèm theo bị viêm nhiễm kéo dài sẽ khiến cho các tế bào niêm mạc hậu môn bị tổn thương dẫn đến hoại tử. Khi bị kích thích, sẽ liên tục xâm lấn ra vùng xung quanh hậu môn và hình thành các khối u ác tính. Tình trạng hoại tử hậu môn cần phải được chữa trị kịp thời, nếu để càng lâu thì tính mạng của bệnh nhân càng bị đe dọa.
Gây thiếu máu nghiêm trọng
Tình trạng nứt kẽ hậu môn mãn tính đồng nghĩa với việc bệnh nhân thường xuyên bị chảy máu hậu môn mỗi khi đi đại tiện. Lượng máu chảy ra tỉ lệ thuận với mức độ nặng của bệnh, nếu kéo dài sẽ dẫn đến bị mất máu và thiếu máu nghiêm trọng, cơ thể suy nhược, suy giảm trí nhớ, hoa mắt chóng mặt, tụt huyết áp và choáng ngất. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Gây nhiễm trùng hậu môn
Các vết nứt tại hậu môn là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng xâm nhập. Nếu hậu môn không được vệ sinh sạch sẽ lại nóng, ẩm thì tình trạng viêm nhiễm càng nghiêm trọng hơn.
Hậu môn có biểu hiện sưng phồng ngứa ngáy, đau nhức dữ dội khi đi đại tiện, nếu không khắc phục hiệu quả vi khuẩn còn có thể xâm nhập qua các vết nứt vào mạch máu gây nhiễm trùng máu hoặc tấn công ngược dòng lên đường ruột gây viêm nhiễm và hình thành polyp hậu môn.
Sức khỏe cơ thể suy nhược mệt mỏi
Các triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn luôn khiến cho người bệnh cảm thấy khổ sở, phiền toái và khó chịu vì các cơn đau gây nên. Tình trạng đau và chảy máu hậu môn khiến người bệnh thường cảm thấy sợ phải đi đại tiện, cảm giác chán ăn và mệt mỏi, cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, và suy nhược kéo dài.
Tình trạng nứt kẽ hậu môn sẽ càng nghiêm trọng hơn khi cơ thể người bệnh không còn sức đề kháng, nguy cơ viêm nhiễm nặng, hậu môn sưng tấy, cơ thể sốt cao hậu môn càng chảy máu nhiều hơn.
Những tác hại của nứt kẽ hậu môn gây ra đối với sức khỏe người bệnh là rất nguy hiểm và nghiêm trọng. Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu bị nứt kẽ hậu môn mọi người cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa hậu môn trực tràng để thăm khám và chữa trị càng sớm càng tốt.
Đối tượng nguy cơ bệnh nứt kẽ hậu môn
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nứt kẽ hậu môn là:
- Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có lượng chất béo bão hòa cao, ăn ít chất xơ
- Thiếu vận động
- Trẻ em: nhiều trẻ nhỏ bị nứt kẽ hậu môn trong những năm đầu đời mà không có nguyên nhân
- Người lớn tuổi: nhiều người lớn tuổi có thể bị nứt kẽ hậu môn do sự giảm máu nuôi, hậu quả của việc giảm tưới máu vùng hậu môn trực tràng
- Táo bón: rặn nhiều khi đi cầu và phân quá cứng
- Hậu sản: nứt kẽ hậu môn thường xảy ra với phụ nữ trong thời kỳ hậu sản, có thể do chế độ ăn uống quá kiêng khem gây ra táo bón
- Bệnh Crohn
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Khám lâm sàng
Trước tiên bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi liên quan đến cơn đau hay các thói quen đi đại tiện của người bệnh.
Xem trực tiếp bằng mắt vết thương để phán đoán tình trạng viêm nhiễm, đưa ra phán đoán là búi trĩ hay nứt kẽ hậu môn. Vị trí vết nứt sẽ giúp bác sĩ đưa ra nguyên nhân gây bệnh.
Khám hậu môn: Bác sĩ có thể dùng thuốc giảm đau để đưa ngón tay vào hậu môn nếu nghi ngờ vết thương có vấn đề nghiêm trọng. Nhưng thao tác này khá đau nên bác sĩ sẽ cân nhắc nếu cần thiết.
Xét nghiệm
Để xác định chính xác bệnh thì cần làm các xét nghiệm nhanh kiểm tra tình hình vết rách. Ngoài ra có thể phân biệt chính xác là nứt kẽ hậu môn hay các bệnh lý khác.
Bác sĩ sẽ đánh giá độ nhạy cảm và lực co thắt vòng cơ bằng cách đo áp lực hậu môn. Ngoài ra xem xét chức năng của đại tràng có ổn định hay không.
Nội soi trực tràng dành cho người bệnh có tuổi nhỏ hơn 50. Những người không có nguy cơ các bệnh về ruột non hay ung thư trực tràng.
Nội soi đại tràng chỉ định với người hơn 50 tuổi. Những bệnh nhân lớn tuổi cần kiểm tra tổng quát đại tràng do các chức năng hệ tiêu hóa trong cơ thể có thể không còn tốt nữa.
Điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn như thế nào?
Phần lớn bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn không cần phải phẫu thuật. Bệnh nhân nứt kẽ hậu môn cấp thường được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn, nhiều chất xơ, uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để phân mềm, khuôn hơn. Sử dụng những thuốc đặt tại chỗ để giảm đau, kháng viêm và ngâm hậu môn vào nước ấm 10-20 phút, nhiều lần trong ngày (đặc biệt sau khi đại tiện) sẽ làm dịu và lỏng cơ thắt hậu môn, do đó giúp quá trình liền vết thương tốt hơn.
Một số thuốc bôi, đặt tại chỗ (nitroglicerin, nifedipine, diltiazem) có thể được sử dụng để làm cho cơ thắt lỏng hơn. Sử dụng thuốc này phải được kê đơn và hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa hậu môn trực tràng.
Những bệnh nhân với vết nứt kẽ mãn tính, thường điều trị nội khoa không hiệu quả, tái phát và phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng phương phương pháp mở cơ thắt trong bán phần
Các biện pháp dự phòng nứt kẽ hậu môn
Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng nứt kẽ hậu môn bằng các biện pháp đơn giản dưới đây:
Chế độ ăn uống:
- Bổ sung chất xơ, uống đủ nước giúp làm mềm phân, đồng thời thúc đẩy lành vết nứt. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: trái cây, rau củ, hạt và ngũ cốc nguyên cám.
- Khi nấu ăn, có thể cho tăng một chút dầu ăn, như dầu đậu, dầu vừng, dầu lạc, dầu hạt cải…
- Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp cho cơ thể dễ dàng bài tiết chất cặn bã ra bên ngoài vào sáng hôm sau.
- Tránh đồ ăn, thức uống cay, nóng như rượu, café, tỏi, ớt,…
- Tránh ngồi liên tục trong thời gian dài, tăng cường luyện tập thể lực
- Luyện tập thói quen đại tiện
Xem thêm: