Nguyên nhân khối u vùng thượng vị
Nhiều nguyên nhân có thể gây ra khối vùng thượng vị. Bao gồm:
Phình động mạch chủ bụng (AAA- Abdominal aortic aneurysm)
Động mạch chủ bụng là một mạch máu lớn ở bụng mang máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan. Phình động mạch chủ bụng là tình trạng một vùng động mạch chủ bụng bị yếu và phình ra. Nếu AAA quá lớn, tăng nguy cơ vỡ mạch gây chảy máu nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Triệu chứng: Hầu hết AAA không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể thấy xuất hiện một khối lớn vùng bụng, đập cùng nhịp tim. Bạn có thể bị đau bụng đột ngột, dữ dội và mất ý thức khi AAA bị vỡ.
Sarcom mỡ vùng bụng (liposarcoma)
Liposarcoma là một loại ung thư phát triển từ tế bào mỡ trong cơ thể.
Triệu chứng: bạn có thể bị đau dạ dày, đầy bụng, khó tiêu, đại tiện bất thường, suy nhược, buồn nôn hoặc nôn.
U tế bào thần kinh
U tế bào thần kinh phát triển từ các tế bào Schwann của hệ thần kinh. Đa số chúng thường phát triển ở tủy sống hoặc những nơi khác trong hệ thống thần kinh trung ương,hiếm gặp hơn ở vùng bụng. Tuy nhiên u có thể phát triển trong dạ dày
Các triệu chứng: có thể sờ thấy một khối ở bụng, mềm khi chạm vào, đau dạ dày và cảm giác đầy bụng.
Các khối u dạ dày
Các khối u mô đệm dạ dày - ruột (GIST -Gastrointestinal stromal tumors) thường phát triển trong thành dạ dày hoặc ruột non. Ung thư dạ dày thường nhỏ và phát triển tương đối chậm nên bạn có thể không cảm nhận được.
Các triệu chứng bao gồm: đại tiện ra máu, đau dạ dày, buồn nôn, cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn, chán ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân.
Các khối trong ổ bụng
Một khối u ở trong ổ bụng có thể là bệnh của cơ quan khác chẳng hạn như trong ruột, thận hoặc gan.
Bao gồm:
- Ung thư đại tràng
- Bệnh Crohn
- Túi thừa
- Lách to
- Thận ứ nước
- Ung thư gan
- Ung thư thận
- Xoắn ruột
Các triệu chứng thường gặp khối u vùng thượng vị
Ngoài cảm giác xuất hiện khối u hoặc khối u lớn lên, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng sau:
- Bụng chướng hơi
- Khó chịu hoặc đau
- Máu trong phân có thể màu sẫm hoặc đỏ tươi
- Cảm giác no ngay cả khi chỉ ăn một lượng ít
- Buồn nôn
Các triệu chứng phụ thuộc vào các tình trạng của khối u.
Chẩn đoán khối u vùng thượng vị
Sau khi hỏi và khám bệnh bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán. Các xét nghiệm bao gồm:
- Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT, hoặc MRI giúp phát hiện và đánh giá khối u cũng như các cơ quan khác trong ổ bụng.
- Nội soi dạ dày: sử dụng một đèn sáng có gắn camera ở đầu dò để thăm dò thực quản, dạ dày và đoạn đầu của ruột non. Nội soi dạ dày giúp xác định u và lấy mẫu mô.
- Xét nghiệm máu: tổng phân tích tế bào máu ngoại vi hoặc xét nghiệm tìm máu trong phân. Nếu kết quả cho thấy bạn bị thiếu máu hoặc có máu ẩn trong phân, gợi ý một tình trạng mất máu do khối u hoặc nguyên nhân gây chảy máu khác.
Đôi khi, khối u vùng thượng vị được phát hiện tình cờ khi bạn khám sức khỏe.
Có thể dễ nhầm khối u dạ dày với các tình trạng bệnh lý khác, bao gồm:
- Thoát vị thành bụng: Sự nhô ra của mô hoặc ruột qua thành bụng.
- U mỡ: u trên da do tích tụ tế bào mỡ. U mỡ khác với sarcom mỡ. U mỡ không phải là ung thư và khi chạm vào có cảm giác mềm hơn và di dộng hơn.
- U xơ tử cung: u lành tính phát triển từ lớp cơ của tử cung. Khi khối u xơ đủ lớn, bạn có thể nhầm nó với một khối u ở bụng.
Bác sĩ cần chỉ định thêm các thăm dò để xác định vị trí chính xác của khối u ổ bụng, khối bắt nguồn từ bên ngoài hay bên trong dạ dày.
Điều trị khối u vùng thượng vị
Bác sĩ sẽ phối hợp các triệu chứng, sức khỏe toàn thân, nguyên nhân gây ra khối u và tình trạng u để đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Khối u lành tính: Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u đề phòng biến chứng.
Khối u ác tính: có thể phối hợp xạ trị và phẫu thuật.
Biến chứng khối u vùng thượng vị
Các biến chứng có thể xảy ra phụ thuộc vào nguyên nhân và kích thước của u. Nếu uác tính, các tế bào ung thư có thể di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể, còn gọi là di căn.
U cũng có thể gây ra chảy máu, khó ăn và đau. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về chẩn đoán, các biến chứng có thể xảy ra và tiên lượng bệnh.
Khi nào nên đi khám bác sĩ
Bạn nên đi khám khi có các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như:
- Chán ăn
- Gặp khó khăn khi ăn
- Đau dạ dày
- Sụt cânkhông rõ nguyên nhân
Khi các triệu chứng liên quan đến dạ dày xuất hiện dai dẳng hoặc nặng lên, bạn nên đi khám.
Kết luận
Có nhiều bệnh lý gây ra một khối u ở ổ bụng, có thể từ trong hoặc ngoài dạ dày.
Bạn cần đi khám khi có các dấu hiệu bất thường.
Xem thêm: