Tình trạng giảm axit dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Khi gặp tình trạng giảm axit dạ dày, cơ thể không thể sản xuất đủ axit clohydric (HCl) tại dạ dày.

Axit dạ dày cùng một số enzym giúp tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, các chức năng khác của axit này bao gồm:

  • Hỗ trợ cơ thể hấp thu một số chất dinh dưỡng như protein và vitamin B12
  • Tiêu diệt vi khuẩn và các mầm bệnh khác trong dạ dày để ngăn ngừa nhiễm trùng

Bài viết này sẽ mô tả các triệu chứng và nguyên nhân của tình trạng giảm axit dạ dày, cũng như các phương pháp điều trị.

Nguyên nhân tình trạng giảm axit dạ dày

Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng giảm axit dạ dày bao gồm:

Tuổi tác

Dạ dày có thể giảm sản xuất axit do quá trình lão hóa.

Theo một đánh giá năm 2013, tình trạng giảm axit dạ dày là sự thay đổi chính của dạ dày ở người lớn tuổi. Những người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Căng thẳng

Mặc dù căng thẳng hàng ngày có thể không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất axit trong dạ dày, nhưng căng thẳng kéo dài có thể góp phần gây ra tình trạng giảm axit dạ dày.

Thuốc

Sử dụng thuốc kháng axit trong thời gian dài, các loại thuốc điều trị trào ngược axit hoặc ợ nóng có thể làm giảm sản xuất axit dạ dày.

Các bác sĩ thường kê thuốc ức chế bơm proton để điều trị trào ngược axit, những loại thuốc này có thể gây ra tình trạng giảm axit dạ dày.

Nhiễm khuẩn

Hơn 50% dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori). Điều này có thể góp phần làm giảm nồng độ axit dạ dày và loét dạ dày.

Thiếu kẽm

Kẽm cần thiết cho việc sản xuất axit dạ dày. Việc thiếu khoáng chất này có thể góp phần gây ra tình trạng giảm axit dạ dày.

Phẫu thuật dạ dày

Một số phẫu thuật, trong đó có phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, có thể làm giảm lượng axit mà dạ dày tạo ra.

Triệu chứng tình trạng giảm axit dạ dày

Các triệu chứng của giảm axit dạ dày có thể bao gồm:

  • Chướng bụng
  • Ợ hơi
  • Tiêu chảy
  • Đầy hơi
  • Rụng tóc
  • Ợ nóng
  • Nhiễm trùng đường ruột
  • Buồn nôn khi dùng các sản phẩm bổ sung
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng, bao gồm cả thiếu sắt và vitamin B12
  • Đi ngoài phân sống
  • Đau bụng
  • Móng tay dễ gãy

Ngoài ra, có mối liên hệ giữa tình trạng giảm axit dạ dày và một số vấn đề sức khỏe khác như:

  • Dị ứng
  • Thiếu máu
  • Bệnh hen suyễn
  • Bệnh tự miễn
  • Các vấn đề về da, trong đó có mụn trứng cá và bệnh vảy nến

Các yếu tố nguy cơ tình trạng giảm axit dạ dày

65 tuổi trở lên là một yếu tố nguy cơ tiến triển tình trạng giảm axit dạ dày. Nguồn ảnh: https://www.medicalnewstoday.com/65 tuổi trở lên là một yếu tố nguy cơ tiến triển tình trạng giảm axit dạ dày. Nguồn ảnh: https://www.medicalnewstoday.com/

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tiến triển tình trạng giảm axit dạ dày như:

  • Dùng thuốc gây giảm sản xuất axit dạ dày
  • Từ 65 tuổi trở lên
  • Thường xuyên căng thẳng cao độ
  • Chế độ ăn uống thiếu kẽm hoặc hấp thu kẽm kém
  • Nhiễm H. pylori
  • Tiền sử phẫu thuật dạ dày

Chẩn đoán tình trạng giảm axit dạ dày

Chẩn đoán tình trạng giảm axit dạ dày dựa trên tiền sử bệnh và thăm khám tổng thể.

Cũng có thể kiểm tra nồng độ axit dạ dày bằng một viên nang nhỏ có chứa bộ cảm biến. Sau khi nuốt nuốt viên nang, bộ cảm biến sẽ ghi lại nồng độ axit trong đường tiêu hóa.

Các bác sĩ so sánh nồng độ axit với thang đo pH. Giá trị pH từ 3 – 5 cho thấy tình trạng giảm axit dạ dày, còn pH nhỏ hơn 3 là pH bình thường của axit dạ dày.

Nếu giá trị pH lớn hơn 5, điều này chứng tỏ gần như không có axit trong dạ dày, được gọi là tình trạng mất axit dạ dày (achlohydria).

Nếu kết quả cho thấy tình trạng giảm hoặc mất axit dạ dày, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra sự thiếu hụt sắt hoặc các chất dinh dưỡng khác.

Bác sĩ có thể kê đơn bổ sung HCl để xác định chẩn đoán. Nếu người bệnh cảm thấy tốt hơn khi dùng các sản phẩm bổ sung HCl, có thể nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó là tình trạng giảm axit dạ dày.

Điều trị tình trạng giảm axit dạ dày

Điều trị giảm axit dạ dày tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Dùng thuốc kháng sinh diệt H. pylori

Nhiễm H. pylori cần điều trị bằng kháng sinh.

Bác sĩ thường sẽ kê đơn ít nhất hai loại thuốc kháng sinh cùng lúc. Dùng kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh sẽ ngăn ngừa khả năng kháng một trong các loại thuốc của vi khuẩn.

Bác sĩ sẽ kiểm tra lại sau 4 tuần điều trị. Nếu vi khuẩn vẫn còn tồn tại, bác sĩ sẽ kê thêm các thuốc khác để kết hợp.

Xem lại việc sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc kháng axit và thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng giảm axit dạ dày. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên ngừng sử dụng thuốc hoặc chuyển sang một phương pháp điều trị khác.

Luôn nói chuyện với bác sĩ trước khi thay đổi thuốc hoặc ngừng thuốc.

Bổ sung HCl và enzym tiêu hóa

Bổ sung HCl và enzym pepsin rất có ích trong việc làm tăng axit dạ dày. Phương pháp điều trị này có thể đặc biệt có ích cho người lớn tuổi bị giảm nồng độ axit dạ dày không rõ nguyên nhân.

Men tiêu hóa tự nhiên cũng có sẵn trong các cửa hàng y tế và hiệu thuốc. Những loại này thường chứa chiết xuất từ đu đủ và dứa, có thể kích thích sản xuất axit dạ dày.

Nhiều loại thuốc bổ sung men tiêu hóa cũng có thể mua trực tuyến.

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung HCl.

Kiểm soát căng thẳng

Tập yoga có thể giúp kiểm soát  căng thẳng kéo dài. Nguồn ảnh: https://www.medicalnewstoday.com/Tập yoga có thể giúp kiểm soát  căng thẳng kéo dài. Nguồn ảnh: https://www.medicalnewstoday.com/Kiểm soát căng thẳng kéo dài có thể phục hồi chức năng tiêu hóa. Những thay đổi lối sống sau đây có thể giúp:

  • Quản lý và giảm thiểu các nguyên nhân gây căng thẳng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Học cách hít thở sâu và các kỹ thuật thư giãn cơ
  • Tập thiền định và chánh niệm
  • Tập yoga
  • Tham gia trị liệu

Thay đổi thói quen ăn uống

Thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh giảm axit dạ dày.

Tránh thức ăn khó tiêu hóa, như đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ chiên rán. Ngoài ra, nhai kỹ từng miếng để nghiền nhỏ và trộn thức ăn với các enzym tiêu hóa trong miệng. Các hạt thức ăn nhỏ dễ tiêu hóa trong dạ dày hơn.

Bạn nên tránh ăn ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp cơ thể tiêu hóa hoàn toàn trước khi ngủ và có thể làm giảm nguy cơ ợ chua vào ban đêm.

Không nằm ngay sau bữa ăn, không vừa ăn vừa nằm.

Giải quyết tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng

Để dạ dày sản xuất HCl, cơ thể cần hấp thu kẽm từ chế độ ăn uống. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm:

  • Hạt bí ngô
  • Hàu và cua
  • Thịt bò và thịt lợn
  • Ngũ cốc
  • Đậu hầm
  • Hạt điều

Nồng độ axit dạ dày thấp có thể dẫn đến các thiếu hụt khác như thiếu sắt, vitamin B12 và canxi. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn nên dùng sản phẩm bổ sung hoặc ăn các thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng này, đặc biệt trong trường hợp đang điều chỉnh nồng độ axit dạ dày trở lại bình thường.

Tổng kết

Nếu không được điều trị, tình trạng giảm axit dạ dày có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần của con người. Điều quan trọng là khi có các triệu chứng liên quan, bạn cần đến bệnh viện để được khám và làm các xét nghiệm.

Sau khi xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm axit dạ dày, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp để giảm bớt hoặc ngăn ngừa các triệu chứng. Điều trị kịp thời cũng làm giảm nguy cơ biến chứng.

Các phương pháp điều trị bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, dùng sản phẩm bổ sung và thay đổi liệu trình dùng thuốc.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!