Axit dạ dày mạnh như thế nào? Tình trạng tăng- giảm axit dạ dày

Axit dạ dày là một chất lỏng không màu được sản xuất bởi niêm mạc dạ dày. Nó có tính axit mạnh, giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng. Điều này khiến cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Để có thể tiêu hóa được tất cả các loại thực phẩm, nó phải có tính axit mạnh.

Video Axit dạ dày mạnh cỡ nào

Bình thường, cơ thể con người có nhiều cơ chế để bảo vệ dạ dày dưới tác động của axit, do đó nó không gây ra bất kỳ bệnh tật hoặc biến chứng sức khỏe nào.

Tuy nhiên, những cơ chế đó đôi khi không hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân có thể do dịch vị có nồng độ axit quá thấp hoặc quá cao.

Bài viết giúp bạn tìm hiểu về độ mạnh của axit dạ dày và điều gì sẽ xảy ra khi khả năng sản xuất axit dạ dày quá mạnh hoặc quá yếu. 

Axit dạ dày mạnh như thế nào?

Axit dạ dày tác động lên tất cả mọi thứ mà bạn ăn uống. Nó chia nhỏ thức ăn thành các mảnh dễ tiêu hóa hơn. Nó cũng hoạt động như một hàng rào bảo vệ đầu tiên chống lại các tác nhân và vi khuẩn có thể gây bệnh.

Do đó, nó cần có tính axit khá mạnh. Vậy, cơ chế nào tạo nên tính axit mạnh này?

Để thực sự hiểu axit dạ dày mạnh như thế nào, trước tiên bạn cần hiểu cách đo nồng độ axit của dung dịch.

Tính axit được đo bằng thang độ pH. Thang đo này có giá trị trong khoảng từ 0 đến 14. Độ pH càng thấp, tính axit của dung dịch càng mạnh.

Ví dụ: axit trong pin có độ pH bằng 0. Đây là một axit mạnh. Dung dịch có tính axit thấp nhất là 14, được gọi là dung dịch kiềm. pH 7,0 là các dung dịch trung tính như nước tinh khiết.

Axit dạ dày có tính axit khá mạnh với độ pH từ 1 đến 2.

Axit trong pin có thể hòa tan các vật liệu như kim loại và xương. Vì vậy, axit dạ dày, với độ pH chỉ cao hơn một hoặc hai bậc, cũng có thể gây phá hủy một số chất chắc chắn nhất như xương và răng.

Axit dạ dày gồm những thành phần gì?

pH của axit dạ dày thấp phần lớn là nhờ thành phần: axit clohydric (HCl).

Tuy nhiên, chỉ có một lượng rất nhỏ HCl trong axit dạ dày. Các thành phần khác bao gồm clorua kali (KCl) và natri clorua (NaCl).

Các tế bào niêm mạc dạ dày tiết ra ba chất này. Các tế bào cũng tiết ra một số enzym và chất nhầy.

Chất nhầy này cực kỳ quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Nó bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến axit và các enzym khác không phá hủy cơ quan lân cận.

Niêm mạc dạ dày sản xuất chất nhầy để tránh sự phá hủy của axit. Nguồn ảnh: https://pinnaclerealtyexp.com/ Niêm mạc dạ dày sản xuất chất nhầy để tránh sự phá hủy của axit. Nguồn ảnh: https://pinnaclerealtyexp.com/ 

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu dạ dày có nồng độ axit clohydric thấp?

Bình thường, nồng độ axit dạ dày thay đổi theo thời gian.

Một số trường hợp nhất định như dùng thuốc hoặc căng thẳng tinh thần có thể cản trở việc sản xuất HCl tại dạ dày.

Các triệu chứng của tình trạng giảm axit dạ dày

Khi điều này xảy ra, bạn có thể bắt đầu gặp các triệu chứng như:

  • Ợ hơi
  • Chướng bụng
  • Đau bụng
  • Ợ nóng
  • Tiêu chảy
  • Khó tiêu
  • Buồn nôn kèm theo nôn mửa
  • Đầy hơi
  • Rụng tóc

Nếu nồng độ HCl thấp trong thời gian dài, có thể bạn đã mắc phải tình trạng giảm axit dạ dày (hypochlohydria).

Có khá nhiều biến chứng của tình trạng giảm axit dạ dày mạn tính. Giai đoạn đầu, tình trạng này có thể dẫn đến khó tiêu và giảm hấp thu các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần để hoạt động bình thường.

Nếu không được điều trị, nó có thể gây ra rối loạn tiêu hóa. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe mạn tính.

Điều trị tình trạng giảm axit dạ dày

Việc điều trị cụ thể đối với tình trạng giảm axit dạ dày sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân của nó.

Có thể điều trị bằng cách bổ sung HCl để làm tăng axit dạ dày. Ngoài ra, có thể bổ sung enzym pepsin. Enzym này cũng giúp tăng nồng độ axit dạ dày.

Các phương pháp điều trị khác bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng
  • Cải thiện chế độ ăn uống và tăng cường chất bổ sung
  • Quản lý sử dụng thuốc
  • Giảm căng thẳng

Điều gì sẽ xảy ra nếu dạ dày có nồng độ axit clohydric cao?

Nếu nồng độ axit dạ dày quá cao, chất nhầy của niêm mạc dạ dày có thể ngừng phát huy tác dụng.

Nồng độ axit dạ dày cao có thể dẫn đến một số biến chứng, bao gồm:

  • Loét dạ dày
  • Trào ngược axit
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease – GERD)

Các triệu chứng của tình trạng tăng axit dạ dày

Các triệu chứng rõ ràng nhất của tình trạng tăng nồng độ axit dạ dày bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Chướng bụng
  • Cảm giác khó chịu ở bụng tăng lên khi đói
  • Tiêu chảy
  • Ợ nóng
  • Chán ăn
  • Sút cân không rõ nguyên nhân

Điều trị tình trạng tăng axit dạ dày

Axit dạ dày tăng thường được điều trị bằng thuốc. Thuốc ức chế bơm proton (Proton pump inhibitors - PPIs) có tác dụng làm giảm axit dạ dày. Thuốc này có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các loại thuốc khác.

Các phương pháp điều trị khác sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng tăng axit dạ dày. Các phương pháp điều trị này có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh
  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u, cắt dạ dày bán phần hoặc cắt dây thần kinh phế vị

Nguyên nhân khiến nồng độ axit clohydric cao hoặc thấp?

Một số nguyên nhân, thuốc men và chế độ sinh hoạt có thể gây ra thay đổi nồng độ axit dạ dày. Một số thay đổi là bình thường nhưng một số lại là tình trạng bệnh lý.

Ngoài ra, nồng độ axit dạ dày thấp hoặc cao kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Áp dụng điều trị có thể ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.

Nguyên nhân của tình trạng giảm axit dạ dày

Một số nguyên nhân cụ thể làm tăng nguy cơ dẫn đến nồng độ axit thấp. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm:

  • Sinh non
  • Trên 65 tuổi
  • Phẫu thuật dạ dày
  • Căng thẳng cao độ
  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm
  • Nhiễm trùng do helicobacter pylori
  • Bệnh mạn tín

Nguyên nhân của tình trạng tăng axit dạ dày

Tương tự như vậy, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến nồng độ axit dạ dày cao, bao gồm:

  • Sản xuất quá nhiều các hormon kích thích tiết axit dạ dày
  • Tăng tiết axit hồi ứng sau khi ngừng thuốc làm giảm axit dạ dày
  • Nhiễm Helicobacter pylori
  • Hẹp môn vị
  • U dạ dày (hiếm gặp)

Hãy đi gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng tăng hoặc giảm nồng độ axit dạ dày.

Điểm mấu chốt

Axit dạ dày là một loại dịch có tính axit mạnh do cơ thể sản xuất để giúp tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Dạ dày cũng sản xuất các enzym và chất nhầy để bảo vệ cơ thể khỏi sự phá hủy của axit.

Nồng độ axit dạ dày cao có thể dẫn đến chứng ợ nóng, trào ngược axit và cuối cùng là loét dạ dày. Nồng độ axit dạ dày thấp có thể làm giảm khả năng tiêu hóa.

Cần thăm khám và điều trị nếu có dấu hiệu của tình trạng tăng hoặc giảm nồng độ axit dạ dày. Cả hai tình trạng này đều có thể trở nên nghiêm trọng nếu diễn biến kéo dài và không được điều trị đúng cách.

Bác sĩ sẽ thăm khám và quyết định phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Một số trường hợp có thể phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn như nhiễm trùng, góp phần làm thay đổi nồng độ axit dạ dày.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!