Nhiễm khuẩn Salmonella: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Salmonella là một trong những loại ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất do vi khuẩn gây ra. Thường gây co thắt dạ dày và tiêu chảy kéo dài 4-7 ngày, có thể nặng hơn đối với một số bệnh nhân.

Nhiễm vi khuẩn salmonella là gì 

Tổng quát về nhiễm khuẩn Salmonella

Salmonella là gì?

Salmonella là một trong những loại ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất do vi khuẩn gây ra ở Hoa Kỳ. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ nhận được khoảng 42.000 báo cáo về vi khuẩn salmonella mỗi năm. Các chuyên gia tin rằng số lượng trường hợp thực sự có thể lên đến hơn 1,2 triệu. Salmonella phổ biến vào mùa hè hơn mùa đông.

Salmonella thường là bệnh cấp tính với các cơn đau bụng và tiêu chảy kéo dài 4-7 ngày. Nhìn chung, trẻ em có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn salmonella hơn các nhóm tuổi khác.

Ai có nguy cơ bị nhiễm khuẩn salmonella nặng?

  • Người lớn tuổi (65 tuổi trở lên)
  • Trẻ sơ sinh
  • Người có hệ miễn dịch kém (bệnh nhân ung thư, người già yếu, người nhiễm HIV hoặc AIDS).
  • Những người bị bệnh (Viêm loét đại tràng hoặc Bệnh Crohn)

Triệu chứng và nguyên nhân nhiễm khuẩn Salmonella

Cơ chế nhiễm khuẩn salmonella

Salmonella là một loại vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa (ruột) của người và động vật khác. Salmonella có thể đi ra ngoài theo phân. Một người có thể bị nhiễm Salmonella do:

  • Ăn thức ăn chưa nấu chín bị nhiễm phân động vật. Nấu chín thức ăn sẽ tiêu diệt vi khuẩn Salmonella. Ăn thịt bò, thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín (như gà hoặc vịt) và hải sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thực phẩm có trứng sống cũng là một nguy cơ lây nhiễm salmonella (như bột bánh quy hoặc sốt mayonnaise tự làm). Sữa, rau sống và trái cây chưa rửa sạch cũng có thể có vi khuẩn Salmonella.
  •  Ăn thức ăn được chế biến trên bề mặt đã tiếp xúc thịt sống (chẳng hạn như thớt hoặc mặt bàn).
  •  Ăn thức ăn bị nhiễm phân người nếu nhân viên thực phẩm không rửa tay trước khi xử lý thực phẩm.
  • Ôm, hôn hoặc vuốt ve rùa, rắn, thằn lằn, gà con và chim con. Những động vật này có khả năng mang vi khuẩn Salmonella. Con người có thể bị nhiễm bệnh nếu không rửa tay sau khi tiếp xúc với những động vật này hoặc chạm vào phân hoặc môi trường của chúng (chuồng, nền đất, v.v.). Năm 1975, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đã cấm buôn bán rùa ở Hoa Kỳ vì nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella.

Các triệu chứng của nhiễm khuẩn salmonella 

  • Tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày xuất hiện từ 12-72 giờ sau khi nhiễm trùng
  • Đau đầu
  • Buồn nôn, nôn mửa, chán ăn

Chẩn đoán và xét nghiệm nhiễm khuẩn Salmonella

Chẩn đoán

Các triệu chứng của vi khuẩn Salmonella rất mơ hồ và có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh. Cách duy nhất để chắc chắn các triệu chứng tiêu chảy, chuột rút và sốt là do nhiễm vi khuẩn Salmonella là xét nghiệm phân bệnh nhân.

Có hơn 2.000 loại vi khuẩn salmonella khác nhau gây bệnh cho người. Kháng sinh không thể chống lại tất cả các chúng. Nếu người bệnh đi khám, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm vi khuẩn trong mẫu phân để xác định loại vi khuẩn salmonella. Thông tin đósẽ giúp bác sĩ lựa chọn loại kháng sinh điều trị.

Kiếm soát và điều trị nhiễm khuẩn Salmonella

Điều trị salmonella 

Hầu hết bệnh nhân nhiễm khuẩn salmonella sẽ bình phục sau 4-7 ngày và không cần điều trị. Trong thời gian bị bệnh, bệnh nhân nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất do tiêu chảy.

Bị tiêu chảy nặng hoặc ốm lâu hơn một tuần có thể phải nhập viện. Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được truyền dịch tĩnh mạch. Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định điều trị cho trẻ sơ sinh, những người trên 65 tuổi, những người có hệ miễn dịch kém (như bệnh nhân ung thư) và những người bị tiêu chảy nặng, sốt cao, có nhiễm khuẩn máu.

Biến chứng nhiễm khuẩn salmonella 

Hầu hết bệnh nhân nhiễm khuẩn salmonella hồi phục trong vòng một tuần, một vài tháng để hệ thống ruột hồi phục hoàn toàn.

Trong trường hợp nặng, vi khuẩn Salmonella có thể xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn máu và di chuyển đến gan, thận hoặc các cơ quan khác, khi đó bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu không được điều trị sớm, nhiễm trùng có thể gây tử vong. Khoảng 400 người chết vì vi khuẩn salmonella mỗi năm ở Hoa Kỳ.

Hội chứng Reiter là một biến chứng hiếm gặp của vi khuẩn salmonella, bệnh nhân bị đau khớp, kích ứng mắt và đau khi đi tiểu. Hội chứng Reiter có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm và có thể dẫn đến viêm khớp rất khó điều trị.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella

Bất cứ rối loạn đường tiêu hóa khiến tăng lượng vi khuẩn Salmonella đều có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Bao gồm:

  • Sử dụng kháng sinh: Thuốc kháng sinh tiêu diệt nhiều vi khuẩn “tốt” trong dạ dày và ruột, khiến việc chống lại nhiễm khuẩn salmonella trở nên khó khăn hơn
  • Thuốc kháng axit: Thuốc kháng axit làm giảm nồng độ axit dạ dày, giúp vi khuẩn Salmonella dễ tồn tại 
  • Bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng: Làm tổn thương niêm mạc ruột, khiến vi khuẩn Salmonella dễ trú ngụ tại đó
  • Vật nuôi: Đặc biệt lưu ý khi có trẻ sơ sinh và vật nuôi trong nhà vì vi khuẩn salmonella có thể truyền từ động vật sang người

Một số mẹo để ngăn ngừa vi khuẩn salmonella 

  • Khi nấu ăn, hãy rửa tay, thớt, đồ dùng và mặt bàn sau khi đã tiếp xúc với thịt hoặc gia cầm sống. Rửa tay khi xử lý thực phẩm khác nhau (ví dụ như thịt và rau).
  • Rửa kỹ rau và trái cây tươi trước khi ăn.
  • Nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn được khuyến nghị:

  63°C đối với thịt nướng

  71°C đối với thịt xay

  74°C cho tất cả thịt gia cầm

  • Giữ tủ lạnh dưới 5°C.

 Đặt thức ăn đã chuẩn bị vào tủ lạnh trong vòng 30 phút sau khi ăn.

 Để các thực phẩm dễ hỏng trong tủ lạnh.

 Để thực phẩm tươi vào tủ lạnh ngay sau khi đi chợ.

  • Giữ thức ăn nóng và thức ăn nguội lạnh.
  • Không ăn hoặc uống thực phẩm có trứng sống hoặc sữa sống (chưa tiệt trùng).
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với rắn, thằn lằn, hoặc các loài bò sát khác; chim hoặc gà con.

Không để trẻ sơ sinh hoặc người có hệ miễn dịch kém tiếp xúc với các loài bò sát, phân của chúng.

Chung sống 

Khi nào cần đi khám bác sĩ 

Liên hệ với bác sĩ nếu:

  • Bệnh kéo dài hơn 7 ngày
  • Tiêu chảy dữ dội hoặc có máu
  • Sốt trên 38,5°C kéo dài hơn một ngày
  • Người bệnh có nguy cơ bị nhiễm khuẩn salmonella nặng:

 Bệnh nhân 65 tuổi trở lên

 Trẻ sơ sinh

 Người có hệ miễn dịch kém

 Bệnh nhân viêm ruột

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!