Các nguyên nhân phổ biến của mất ngủ bao gồm: căng thẳng, lịch trình ngủ không đều, thói quen ngủ kém, rối loạn sức khỏe tâm thần (như lo lắng và trầm cảm), bệnh tật và đau đớn, thuốc, vấn đề thần kinh và rối loạn giấc ngủ cụ thể. Đối với nhiều người, sự kết hợp của các yếu tố này có thể khởi phát và làm trầm trọng thêm chứng mất ngủ.
Tất cả các chứng mất ngủ có giống nhau không?
Không phải tất cả chứng mất ngủ đều giống nhau, mọi người có thể trải nghiệm tình trạng này theo những cách khác nhau. Mất ngủ cấp tính chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, trong khi đó mất ngủ mãn tính phải kéo dài từ 3 tháng trở lên. Đối với một số người thì vấn đề chính là khó đi vào giấc ngủ; còn những người khác phải vật lộn với việc duy trì giấc ngủ (không ngủ sâu được, dễ tỉnh giấc hay khó ngủ lại).
Cách một người bị ảnh hưởng bởi chứng mất ngủ có thể thay đổi đáng kể dựa trên nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng của nó bởi các bệnh lý có sẵn.
Nguyên nhân gây mất ngủ thường gặp
Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng mất ngủ, và trong nhiều trường hợp, nhiều yếu tố có thể liên quan. Giấc ngủ kém cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe khác, tạo ra một chuỗi nguyên nhân và hậu quả phức tạp gây ra chứng mất ngủ.
Ở mức độ tổng thể, mất ngủ được cho là do trạng thái phấn khích làm khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ ngon được. Phấn khích có thể là cả về thể chất và tinh thần, được kích hoạt bởi một loạt các hoàn cảnh và vấn đề sức khỏe.
Mất ngủ và căng thẳng
Căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần đều có thể tạo ra sự phấn khích. Bản thân việc mất ngủ có thể trở thành nguồn gốc của căng thẳng, khiến bạn ngày càng khó phá vỡ vòng liên quan giữa căng thẳng và mất ngủ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng một số cá nhân dễ bị các vấn đề về giấc ngủ do căng thẳng gây ra. Những người này được coi là có “phản ứng khi ngủ” cao, liên quan đến các vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
Mất ngủ và lịch trình ngủ không đều
Nhiều người có lịch trình ngủ không đều khiến nhịp sinh học của họ bị lệch. Hai ví dụ nổi tiếng là hiện tượng rối loạn cơ thể do thay đổi múi giờ (jet lag) và làm việc theo ca. Hiện tượng rối loạn cơ thể do thay đổi múi giờ làm thay đổi giấc ngủ vì cơ thể của một người không thể thích ứng kịp với sự thay đổi nhanh chóng của múi giờ. Công việc theo ca đòi hỏi một người làm việc xuyên đêm và ngủ vào ban ngày. Cả 2 đều có thể làm nhịp sinh học bị gián đoạn và gây mất ngủ.
Ở một số người, nhịp sinh học có thể bị dịch chuyển về phía trước hoặc lùi lại mà không có nguyên nhân rõ ràng, dẫn đến khó khăn dai dẳng về thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ tổng thể.
Mất ngủ và lối sống
Những thói quen không lành mạnh liên quan đến lối sống và đồ ăn thức uống có thể làm tăng nguy cơ mất ngủ của một người.
Các lựa chọn lối sống khác nhau có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ:
- Giữ cho bộ não được kích thích đến tối muộn, chẳng hạn như làm việc muộn, chơi trò chơi điện tử, hoặc sử dụng các thiết bị điện tử khác.
- Ngủ trưa muộn vào buổi chiều có thể khiến khó ngủ vào ban đêm.
- Ngủ muộn hơn để bù lại giấc ngủ đã mất có thể làm rối loạn đồng hồ bên trong cơ thể và gây khó khăn cho việc thiết lập một lịch trình ngủ lành mạnh.
- Sử dụng giường cho các hoạt động bên cạnh giấc ngủ có thể tạo ra mối liên hệ tinh thần giữa giường và sự tỉnh táo của bạn.
Mặc dù thường bị bỏ qua, các lựa chọn về chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò trong các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ.
- Caffeine là một chất kích thích có thể tồn tại trong cơ thể hàng giờ, khiến bạn khó ngủ hơn và có khả năng gây mất ngủ khi sử dụng vào buổi chiều và buổi tối. Nicotine là một chất kích thích khác có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.
- Rượu, một loại thuốc an thần có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, thực sự có thể khiến giấc ngủ của bạn tồi tệ hơn bằng cách làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ và gây ra giấc ngủ không sâu, dễ tỉnh; và kết quả là bạn tỉnh dậy trong trạng thái mệt mỏi, không hồi phục.
- Ăn các bữa ăn nặng và thức ăn cay có thể gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa và có khả năng gây ra các vấn đề về giấc ngủ khi ăn hơn vào buổi tối.
Mất ngủ và rối loạn sức khỏe tâm thần
Các bệnh lý hay tình trạng sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực thường dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ nghiêm trọng. Người ta ước tính rằng 40% những người bị mất ngủ bị rối loạn sức khỏe tâm thần.
Những bệnh này có thể kích động những suy nghĩ tiêu cực lan tràn và phấn khích làm rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng mất ngủ có thể làm trầm trọng chứng rối loạn lo âu, khiến cho các triệu chứng tồi tệ hơn và thậm chí làm tăng nguy cơ tự tử ở những người bị trầm cảm.
Mất ngủ, bệnh tật và đau đớn
Hầu như bất kỳ tình trạng nào gây ra cơn đau đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ bằng cách khiến bạn khó nằm thoải mái trên giường. Đau đớn khi bị mất ngủ có thể khuếch đại nó, làm tăng các vấn đề về căng thẳng và giấc ngủ.
Các biến chứng sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2 có thể là một phần nguyên nhân cơ bản của mất ngủ. Các tình trạng như đau do bệnh thần kinh ngoại biên, nhu cầu uống nước và đi tiểu thường xuyên hơn, sự thay đổi lượng đường trong máu nhanh chóng có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra còn có mối tương quan giữa bệnh tiểu đường và các bệnh lý khác được biết là có thể gây trở ngại cho giấc ngủ bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và trầm cảm.
Các loại bệnh thể chất khác, bao gồm cả những bệnh ảnh hưởng đến hệ hô hấp hoặc hệ thần kinh, có thể gây khó khăn cho giấc ngủ và có thể dẫn đến chứng mất ngủ ngắn hạn hoặc mãn tính.
Mất ngủ và thuốc
Khó ngủ và mất ngủ có thể là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc. Ví dụ như thuốc huyết áp, thuốc chống hen suyễn và thuốc chống trầm cảm. Các loại thuốc khác có thể gây buồn ngủ ban ngày và làm mất ngủ vào ban đêm.
Không chỉ dùng thuốc có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Khi ai đó ngừng dùng thuốc, cai nghiện một loại thuốc/chất kích thích cũng có thể gây khó hoặc mất ngủ.
Mất ngủ và các vấn đề thần kinh
Các vấn đề ảnh hưởng đến não, bao gồm thoái hóa thần kinh và rối loạn phát triển thần kinh, được phát hiện có liên quan đến nguy cơ mất ngủ cao.
Thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh sa sút trí tuệ và mất trí nhớ Alzheimers, có thể làm mất đi nhịp sinh học và nhận thức của một người về các dấu hiệu hàng ngày thúc đẩy chu kỳ ngủ - thức. Lú lẫn vào ban đêm có thể làm chất lượng giấc ngủ trở nên tồi tệ hơn.
Các rối loạn phát triển thần kinh như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể gây ra chứng tăng động khiến người bệnh khó có được giấc ngủ mà họ cần. Các vấn đề về giấc ngủ thường gặp ở trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Mất ngủ và rối loạn giấc ngủ cụ thể
Rối loạn giấc ngủ cụ thể có thể là một nguyên nhân gây mất ngủ. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, gây ra nhiều đợt thở gấp và gián đoạn giấc ngủ tạm thời, ảnh hưởng đến 20% số người và có thể là một yếu tố cơ bản gây ra chứng mất ngủ và buồn ngủ vào ban ngày.
Hội chứng chân không nghỉ (RLS) gây mất ngủ bằng cách gây ra một sự thôi thúc mạnh mẽ để di chuyển chân. Các hành vi bất thường trong khi ngủ, được gọi là bệnh mất ngủ giả (parasomnias), có thể cản trở giấc ngủ. Một số ví dụ nổi tiếng về bệnh mất ngủ giả bao gồm mộng du, ác mộng và tê liệt khi ngủ.
Nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi
Người lớn tuổi là đối tượng thường gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ, ước tính khoảng 30 - 48% người già bị mất ngủ. Cũng giống như ở những người trẻ tuổi, căng thẳng, các bệnh về thể chất, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thói quen ngủ kém có thể gây ra chứng mất ngủ ở người già. Tuy nhiên, người cao tuổi thường nhạy cảm hơn với những nguyên nhân này vì họ có khả năng mắc cao hơn bệnh lý mãn tính, sự cô lập với xã hội và việc gia tăng sử dụng nhiều loại thuốc kê đơn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người trên 60 tuổi có hiệu quả ngủ kém hơn, giấc ngủ dễ bị xáo trộn. Việc giảm tiếp xúc với ánh sáng ban ngày, giảm các tín hiệu môi trường về giấc ngủ và giảm sự tỉnh táo có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học, đặc biệt là đối với người cao tuổi trong các cơ sở chăm sóc có quản lý.
Nguyên nhân gây mất ngủ ở thanh thiếu niên
Mất ngủ được ước tính ảnh hưởng đến 23,8% thanh thiếu niên. Những thay đổi sinh học khiến thanh thiếu niên đi ngủ muộn hơn (kiểu “cú đêm”), nhưng lại thường không thể ngủ bao lâu tùy thích vào buổi sáng vì thời gian bắt đầu đi học.
Thanh thiếu niên có thể đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thời gian học quá nhiều và căng thẳng từ các nghĩa vụ ở trường, công việc, xã hội. Thanh thiếu niên cũng có tỷ lệ sử dụng thiết bị điện tử trong phòng ngủ cao. Mỗi yếu tố này đều góp phần làm tăng tỷ lệ mất ngủ ở tuổi vị thành niên.
Nguyên nhân gây mất ngủ khi mang thai
Nhiều yếu tố có thể gây mất ngủ khi mang thai:
- Khó chịu: Cân nặng tăng lên và cơ thể thay đổi có thể ảnh hưởng đến vị trí và sự thoải mái trên giường.
- Ngưng thở: Tử cung phát triển đè ép lên phổi, gây ra các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ. Những thay đổi về nội tiết tố có thể làm tăng chứng ngáy và nguy cơ ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân trung ương, bao gồm những lần thở gấp.
- Trào ngược: Quá trình tiêu hóa chậm hơn có thể gây ra chứng trào ngược dạ dày - thực quản vào buổi tối.
- Tiểu đêm: Số lần đi tiểu nhiều hơn có thể khiến phụ nữ mang thai phải ra khỏi giường để đi vệ sinh.
- Hội chứng chân không nghỉ: Không rõ nguyên nhân chính xác, nhưng phụ nữ mang thai có nguy cơ bị hội chứng chân không nghỉ cao hơn ngay cả khi chưa từng có triệu chứng trước khi mang thai.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hơn một nửa số phụ nữ mang thai gặp các vấn đề về giấc ngủ. Trong 3 tháng đầu tiên, phụ nữ mang thai thường ngủ nhiều hơn tổng số giờ ngủ, nhưng chất lượng giấc ngủ của họ giảm xuống. Sau 3 tháng đầu, tổng thời gian ngủ giảm đi, với các vấn đề về giấc ngủ đáng kể nhất xảy ra trong 3 tháng cuối.
Xem thêm: