Ngộ độc protein là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Protein là một trong ba chất dinh dưỡng đa lượng cùng với chất béo và tinh bột. Đây là những chất cần thiết cho hoạt động tối ưu của cơ thể. Tuy nhiên, quá nhiều protein đặc biệt là không có chất béo hoặc tinh bột có thể gây hại. Đây là điều cần lưu ý khi xem xét mức độ phổ biến của các chế độ ăn giàu protein.

Ngộ độc protein là khi cơ thể hấp thụ quá nhiều protein mà không đủ chất béo và tinh bột trong một thời gian dài. Các tên khác của tình trạng này là "thỏ đói" hoặc "mal de caribou." Những thuật ngữ này chỉ mô tả việc ăn protein rất nạc như thịt thỏ, mà không ăn các chất dinh dưỡng khác. Vì vậy, mặc dù có thể nhận đủ calo từ protein, nhưng cơ thể sẽ bị suy dinh dưỡng do thiếu các chất dinh dưỡng khác như chất béo và tinh bột.

Gan và thận đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein. Khi tiêu thụ quá nhiều, cơ thể có nguy cơ tăng nồng độ amoniac, urê và axit amin trong máu. Mặc dù rất hiếm, ngộ độc protein có thể gây tử vong do nồng độ các chất này tăng lên.

Triệu chứng ngộ độc protein

Các triệu chứng ngộ độc protein bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Thay đổi cảm xúc
  • Suy nhược
  • Mệt mỏi
  • Huyết áp thấp
  • Đói và thèm ăn
  • Tiêu chảy
  • Nhịp tim chậm

Nguyên nhân ngộ độc protein

Để hoạt động bình thường, cơ thể cần:

  • Protein
  • Tinh bột
  • Chất béo
  • Vitamin
  • Khoáng chất

Nếu có quá ít hoặc quá nhiều trong số này, chức năng sẽ suy giảm. Ngay cả khi chúng ta đang nhận đủ calo từ một chất dinh dưỡng đa lượng thì việc đảm bảo sự cân bằng đó là điều quan trọng để có sức khỏe tối ưu.

Dư thừa protein được định nghĩa là nhiều hơn 35 % tổng lượng calo ăn vào hoặc hơn 175 gam protein cho chế độ ăn 2.000 calo. Phạm vi phân phối dinh dưỡng đa lượng được chấp nhận (Acceptable macronutrient distribution range - AMDR) được định nghĩa là phạm vi liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính trong khi đáp ứng nhu cầu chất dinh dưỡng của cơ thể. AMDR hiện tại theo Viện Y học Hoa Kỳ khuyến nghị:

  • Lượng protein: 10 đến 35 % tổng lượng calo
  • Lượng tinh bột: 45 đến 65 % tổng lượng calo
  • Lượng chất béo: 20 đến 35 % tổng lượng calo

Tiêu thụ quá nhiều các chất dinh dưỡng đa lượng ngoài ADMR có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính và không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Có những ngoại lệ đối với AMDR của các chất dinh dưỡng đa lượng như tinh bột và chất béo, nhưng không phải đối với protein. Các trường hợp ngoại lệ về chế độ ăn uống bao gồm chế độ ăn Keto, trong đó chất béo chiếm phần lớn hoặc trong chế độ ăn kiêng chủ yếu là thực vật, tinh bột có thể chiếm hơn 65% chế độ ăn uống. Một trong hai chế độ ăn này có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Lượng protein vượt quá AMDR hoặc 35% calo không cho thấy những lợi ích tương tự và có thể dẫn đến ngộ độc protein.

Nhu cầu hàng ngày

Mức hấp thụ hàng ngày (Recommended daily allowance - RDA) được khuyến nghị đối với protein là 0,8 gam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Đây là lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu cơ bản của cơ thể.

Tuy nhiên, các khuyến nghị về nhu cầu protein sẽ khác nhau tùy thuộc vào:

  • Chiều cao
  • Cân nặng
  • Mức độ hoạt động
  • Tình trạng sức khỏe

Nhu cầu protein thường dao động từ 1,2 đến 2,0 gam cho mỗi kg trọng lượng cơ thể

Điều trị ngộ độc protein

Điều trị ngộ độc protein khá đơn giản, là ăn nhiều chất béo và tinh bột hơn và giảm lượng protein. Nên tìm kiếm sự cân bằng hợp lý của các chất dinh dưỡng đa lượng như đã đề cập ở trên.

Giảm lượng protein ăn vào không quá 2,0 gam cho mỗi kg trọng lượng cơ thể - đồng thời bao gồm một lượng vừa phải chất béo  lành mạnh và tinh bột hợp lý trong chế độ ăn uống - có thể điều trị ngộ độc protein, tăng lượng chất xơ và cải thiện sức khỏe tổng thể. Cân bằng là chìa khóa quan trọng.

Các chế độ ăn giàu protein

Hầu hết các chế độ ăn giàu protein, bao gồm Atkins, Keto và Palo khuyến khích ăn nhiều chất béo hơn và một số tinh bột, do đó ngộ độc protein khó có thể xảy ra.

Loại bỏ hoàn toàn chất béo và tinh bột không được khuyến khích. Điều quan trọng là phải tìm một chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo không có khoảng trống chất dinh dưỡng và lối sống lành mạnh.

Ngộ độc protein so với nhiễm độc protein

Khi chức năng thận bị quá tải và cơ thể không thể chuyển hóa protein, độc tính có thể xảy ra. Điều này khác với ngộ độc protein.

Ngộ độc protein là do hấp thụ quá nhiều protein mà không có tinh bột và chất béo làm cân bằng chất dinh dưỡng. Nhiễm độc protein là sự tích tụ các chất thải chuyển hóa protein do thận hoạt động kém.

Nhiễm độc protein thường gặp ở những người bị bệnh thận, người ăn nhiều protein hơn mức cơ thể có thể xử lý.

Thông điệp

Nhìn chung, ngộ độc protein là rất hiếm. Tuy nhiên, đó là điều cần lưu ý do có nhiều chế độ ăn kiêng có lượng protein cao.

Nếu có câu hỏi cụ thể về lượng chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết để hỗ trợ mức độ hoạt động hiện tại và nhu cầu sức khỏe, hãy trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng. Nhu cầu protein mỗi người có thể sẽ khác nhau dựa trên một số yếu tố.

Mặc dù protein cần thiết cho hoạt động của cơ thể, nhưng có quá nhiều cũng không tốt, đặc biệt nếu thiếu các chất dinh dưỡng đa lượng khác.

Xem thêm: 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!