Video tác hại khi thừa cân béo phì ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ bị béo phì có nhiều nguy cơ bị các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ. Con của họ cũng có nguy cơ sinh non và mắc một số dị tật bẩm sinh cao hơn. Trước đây, các bác sĩ không khuyến khích giảm cân trong thời kỳ mang thai cho phụ nữ bị béo phì vì họ sợ nó sẽ làm tổn thương em bé. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy rằng phụ nữ bị béo phì có thể tập thể dục và ăn kiêng một cách an toàn để giảm cân mà không gây bất kỳ tác động tiêu cực nào đến sức khỏe của em bé.
Nếu bạn bị béo phì, bạn vẫn có thể mang thai và sinh nở khỏe mạnh. Hãy tiếp tục đọc để biết những lời khuyên về cách giảm cân an toàn và hiệu quả khi mang thai.
Giảm cân khi mang thai có an toàn không?
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh Quốc cho thấy những phụ nữ bị béo phì được tư vấn về chế độ ăn uống và tập thể dục khi mang thai sẽ có kết quả tốt hơn cho cả mẹ và con. Họ là những người phụ nữ tiếp nhận tư vấn về chế độ ăn uống cân bằng, ghi nhật ký thực phẩm và tham gia vào các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ.
Nghiên cứu cho thấy những can thiệp này- đặc biệt là thay đổi chế độ ăn uống, có tương quan đến việc giảm 33% nguy cơ tiền sản giật và giảm 61% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Ăn uống lành mạnh cũng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ và sinh non.
Nếu bạn bị béo phì và bạn đang mang thai, thì thai kỳ của bạn có thể là cơ hội hoàn hảo để bắt đầu mới với một lối sống lành mạnh.
Liệu bạn có bị coi là béo phì không?
Bạn bị coi là béo phì nếu có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. BMI được tính bằng chiều cao và cân nặng của bạn. Bạn có thể nhập thông tin của mình và tìm ra chỉ số BMI của mình bằng web tính toán online. Nếu bạn bị béo phì thì chắc chắn bạn không phải là người duy nhất. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, cứ 3 phụ nữ trưởng thành ở Hoa Kỳ thì có 1 người bị béo phì.
Bạn có thể gặp những nguy cơ nào nếu bạn đang mang thai và bị béo phì?
Béo phì khi mang thai làm tăng nguy cơ mắc biến chứng. Chỉ số BMI của bạn càng cao, bạn càng có nguy cơ mắc những vấn đề sau:
- Sảy thai
- Đái tháo đường thai kỳ
- Huyết áp cao và tiền sản giật
- Tắc mạch do các cục máu đông
- Chảy máu nhiều hơn bình thường sau khi sinh
Những vấn đề này cũng có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ mang thai nào, dù có béo phì hay không. Nhưng với chỉ số BMI cao hơn, nguy cơ sẽ tăng lên.
Những nguy cơ nào cho em bé nếu bạn đang mang thai và bị béo phì?
Béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cho con bạn.
Các vấn đề đối với em bé của bạn có thể bao gồm:
- Sinh non (trước 37 tuần)
- Tăng cân nặng sơ sinh
- Tăng mỡ cơ thể khi sinh
- Thai chết lưu
- Dị tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim hoặc đái tháo đường sau này
Làm thế nào để có thể giảm cân một cách an toàn khi mang thai?
Dù bạn làm gì, hãy làm điều đó một cách vừa phải. Bây giờ không phải là lúc để thử nghiệm một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc một chương trình tập thể dục cường độ cao.
Tham khảo ý kiến bác sĩ
Hãy tham vấn với bác sĩ trước khi bạn bắt đầu một chương trình tập luyện thể dục khi mang thai. Bác sĩ sẽ giúp bạn thiết lập một liệu trình và trả lời bất kỳ câu hỏi nào bạn thắc mắc. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến với chuyên gia dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên để đánh giá và đưa ra lời khuyên cho bạn về việc ăn uống lành mạnh và tập thể dục khi mang thai.
Hãy coi việc mang thai của bạn như một cơ hội
Mang thai có thể là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu một chương trình tập luyện thể dục và thay đổi chế độ ăn uống. Phụ nữ mang thai hay thường xuyên đến gặp bác sĩ và đặt rất nhiều câu hỏi. Họ cũng có xu hướng rất muốn thay đổi lối sống để giữ cho thai nhi khỏe mạnh.
Bắt đầu từ từ
Bạn nên bắt đầu từ từ với bất kỳ bài tập mới nào và tăng dần lên theo thời gian. Bắt đầu chỉ với 5 hoặc 10 phút tập thể dục mỗi ngày. Thêm 5 phút nữa vào tuần tiếp theo.
Mục tiêu cuối cùng của bạn là duy trì vận động trong khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày. Đi bộ và bơi lội đều là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người mới tập thể dục. Cả hai đều nhẹ nhàng cho các khớp.
Hãy viết nhật ký
Nhật ký thực phẩm online là một cách tuyệt vời để đảm bảo rằng bạn đang được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước mỗi ngày. Bạn có thể xác định xem chế độ ăn uống của mình có quá nhiều đường hay natri hoặc thiếu một chất dinh dưỡng quan trọng nhất định nào hay không. Nhật ký cũng là một công cụ hữu ích để theo dõi tâm trạng và mức độ đói của bạn.
Ngoài ra, viết nhật ký là cách tốt nhất để lập kế hoạch tập luyện và tạo thói quen phù hợp với bạn. Càng sớm có thói quen thì càng tốt.
Nhiếu trang web có diễn đàn cộng đồng giúp bạn có thể kết nối với những người có cùng mục tiêu. Bạn cũng có thể chia sẻ các thói quen thể dục, công thức nấu ăn và các mẹo khác để thích nghi với lối sống lành mạnh mới của mình.
Tránh những thực phẩm calo rỗng
Trong thời kỳ mang thai, hãy ăn uống điều độ (hoặc cắt bỏ hoàn toàn):
- Thức ăn nhanh
- Đồ chiên
- Bữa tối bằng lò vi sóng
- Nước ngọt
- Bánh ngọt
- Kẹo
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những thay đổi trong chế độ ăn uống mang lại hiệu quả tốt hơn so với chỉ tập thể dục đơn thuần trong việc giúp phụ nữ giảm cân và cải thiện những nguy cơ cho em bé. Những người phụ nữ ăn một chế độ ăn uống cân bằng với sự kết hợp của tinh bột, đạm và chất béo, đồng thời ghi nhật ký thực phẩm để chắc chăn rằng họ nhận đủ các chất dinh dưỡng phù hợp.
Một chế độ ăn thất bại
Mang thai không phải là thời điểm để thử một xu hương ăn kiêng mới. Những chế độ ăn kiêng này thường rất hạn chế calo. Chúng sẽ không cung cấp cho con bạn các chất dinh dưỡng cần thiết để khỏe mạnh. Trên thực tế, các kiểu ăn kiêng có thể cực kỳ nguy hiểm cho con bạn nếu nó làm bạn giảm cân quá nhanh, hoặc nếu nó chỉ cho phép bạn ăn một lượng rất nhỏ các loại thực phẩm. Em bé của bạn cần rất nhiều loại vitamin khác nhau nên chúng ta không thể sử dụng một chế độ ăn kiêng hạn chế. Tốt hơn hết bạn nên xem đó là một sự thay đổi lối sống chứ không phải là một chế độ ăn kiêng.
Đừng tập luyện quá sức
Hoạt động thể chất ở cường độ vừa phải sẽ không gây hại cho em bé của bạn. Nhưng tập thể dục gắng sức có thể nguy hiểm trong thai kỳ. Một nguyên tắc nhỏ khi tập là bạn vẫn có thể trò chuyện với bạn bè một cách thoải mái. Nếu bạn thở quá nặng để nói chuyện, thì có lẽ bạn đang làm việc quá sức. Lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu có điều gì đó gây đau, hãy ngừng tập luyện và nghỉ ngơi.
Tránh bất kỳ loại thể thao hoặc hoạt động tiếp xúc nào có thể khiến bạn mất thăng bằng và khiến bạn ngã, chẳng hạn như trượt tuyết, cưỡi ngựa hoặc đi xe đạp leo núi.
Nếu bạn muốn đạp xe, một chiếc xe đạp cố định sẽ an toàn hơn một chiếc xe đạp bình thường.
Sử dụng thực phẩm bổ sung trước khi sinh
Trong khi một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh chứa hầu hết các vitamin và khoáng chất cần thiết cho bạn và thai nhi. Việc sử dụng các thực phẩm bổ sung trước khi sinh có thể giúp lấp đầy bất kỳ thiếu sót nào. Vitamin bổ sung trước khi sinh khác với vitamin tổng hợp dành cho người lớn. Chúng chứa nhiều axit folic giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh và chứa nhiều sắt hơn giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
Các chất bổ sung trước khi sinh cũng có thể giúp bạn ngăn chặn cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều vì khi đó cơ thể bạn không cảm thấy thiếu.
Hãy nhớ rằng
Nếu bạn bị béo phì, bạn vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh. Cố gắng duy trì vận động và ăn những thực phẩm lành mạnh. Cung cấp cho bé các vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết là việc quan trọng hơn nhiều so với những con số trên cân. Nếu bạn không thể giảm cân, đừng lo lắng. Bạn cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ, và cố gắng hạn chế việc tăng cân.
Sau khi con đã đến với bạn, hãy tiếp tục thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục để bạn có thể trở thành một bà mẹ khỏe mạnh.
Xem thêm :