Mật ong và hạnh nhân giúp giảm cholesterol

Ăn một nắm hạnh nhân nướng mật ong có thể hơi khó khăn, nhưng đó là 1 cách lành mạnh để cải thiện lượng cholesterol trong cơ thể. Hai nghiên cứu gần đây cho thấy mật ong và hạnh nhân đều có những đặc tính có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các nguy cơ mắc bệnh tim.

Video: Cách làm hạnh nhân tẩm mật ong.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chỉ ăn mật ong với các món ăn nhiều hạt như loại bánh tráng miệng baklava và hy vọng lượng cholesterol trong cơ thể tự nhiên giảm xuống. Thay vào đó, các nhà khoa học cho biết mật ong và hạnh nhân nên được từ từ đưa vào chế độ ăn uống bằng cách thay thế các thực phẩm giàu calo khác để có thể có được nhiều lợi ích nhất mà không tăng cân.

Trong một nghiên cứu tại đại học Illinois ở Urbana-Champaign phát hiện ra rằng mật ong có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa bằng với nhiều loại trái cây và rau quả như rau bina, táo, chuối, cam và dâu tây. Nhưng bạn phải sử dụng một lượng mật ong tương đương để nhận được cùng liều lượng các chất chống oxy hóa như khi bạn ăn một miếng trái cây.

Nghe có vẻ như bạn phải sử dụng rất nhiều mật ong, tuy nhiên tác giả của nghiên cứu là tiến sĩ Nicki Engeseth cho biết một lượng nhỏ mật ong cũng có thể gia tăng tác dụng của một chế độ ăn uống vốn đã tốt cho tim mạch và góp phần giữ mức cholesterol trong giới hạn bình thường.

Engeseth nói: “Mọi người chỉ cần dùng mật ong thay đường vào những lúc mà họ cần một loại chất tạo ngọt, và điều này có thể cung cấp cho cơ thể một lượng đáng kể chất chống oxy hóa.”

Trên thực tế, Engeseth và các cộng sự đã phát hiện ra rằng hỗn hợp khoảng 4 thìa mật ong với 480ml nước đã giúp cải thiện hàm lượng chất chống oxy hóa trong máu của 25 người đàn ông tham gia nghiên cứu trong 5 tuần. Các nhà khoa học cho biết đây là lần đầu tiên mật ong được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa lành mạnh ở người.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đó của cùng nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mật ong sẫm màu có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất. Phát hiện của họ đã được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Hóa học Mỹ. Hiệp hội mật ong quốc gia đã tài trợ cho nghiên cứu này.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học Canada phát hiện ra rằng ăn hạnh nhân có thể làm giảm đáng kể lượng cholesterol "xấu" (LDL) trong máu.

Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ăn các loại hạt có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng mọi người lại không biết chính xác phải ăn số lượng bao nhiêu để có tác dụng. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã nghiên cứu 3 chế độ ăn kiêng khác nhau trên 27 người đàn ông và phụ nữ có hàm lượng cholesterol cao trong thời gian 3 tháng.

Trong một tháng, những người tham gia đã ăn một lượng lớn hạnh nhân (khoảng 2 nắm tay), chiếm ít hơn 1/4 tổng lượng calo trong ngày của họ. Trong tháng tiếp theo, họ ăn một lượng nhỏ hơn (1 nắm) hạnh nhân. Và trong tháng cuối, họ đã ăn một chiếc bánh muffin làm từ lúa mì nguyên cám, ít chất béo có cùng lượng calo, protein và chất béo (bão hòa và không bão hòa đa) tương tự như hạnh nhân.

Sau khi so sánh mức cholesterol trong và sau mỗi chế độ ăn kiêng, các nhà học học nhận thấy rằng mức LDL đã giảm trung bình khoảng 4,4% khi ăn 1 lượng nhỏ hạnh nhân và 9,4% khi ăn với lượng lớn hơn. Nghiên cứu được tài trợ bởi Hiệp hội quả hạnh California.

“Chúng tôi rất ấn tượng” - Tác giả của nghiên cứu bác sĩ David J.A.Jenkins, giám đốc trung tâm điều chỉnh yếu tố nguy cơ và dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện St. Michael ở Toronto, trong một thông cáo báo chí đã cho biết.

Ngoài ra, tỷ lệ giữa LDL và cholesterol "tốt" HDL đã giảm gần 8% đối với nửa khẩu phần và giảm 12% đối với khẩu phần đầy đủ vào tuần thứ 4. Điều này có nghĩa là hạnh nhân có tác dụng làm giảm cholesterol "xấu" LDL mà không làm giảm cholesterol “tốt” HDL.

Ngược lại, mức cholesterol không thay đổi đáng kể sau tháng cuối ăn bánh muffin.

Các loại hạt là một nguồn cung cấp protein tốt và không chứa cholesterol, nhưng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng chúng có thể có hại nhiều hơn có lợi nếu bạn ăn thêm chứ không phải thay thế các thực phẩm khác vì các loại hạt chứa nhiều chất béo và calo.

Các loại hạt khác ngoài hạnh nhân, bao gồm óc chó, hồ đào, đậu phộng, hạt macca và quả hồ trăn (hạt dẻ cười) cũng đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu. Bác sĩ Jenkins cũng nói thêm rằng mặc dù chưa có đủ nghiên cứu để khẳng định rằng tất cả các loại hạt đều giống nhau về giá trị dinh dưỡng, nhưng hạnh nhân là 1 loại hạt được nghiên cứu đặc biệt.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!