Video Zona thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Những mảng đỏ này thông thường chỉ phát triển ở một phía của cơ thể. Nó thường tấn công các vùng như eo, hông hoặc vùng mặt.
Bạn là một người có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh nếu trước đó bạn đã từng mắc bệnh thuỷ đậu. Điều đó là vì vi-rút gây bệnh thuỷ đậu, varicella zoster, cũng chính là con vi-rút đã gây ra bệnh zona thần kinh. Sau khi mắc thuỷ đậu và khỏi bệnh, vi-rút này vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể bạn dưới dạng bất hoạt hay còn gọi là “ngủ đông”. Sau đó, vi-rút này có thể trở lại dạng hoạt động sau một vài năm, hoặc nhiều năm, thậm chí là vài chục năm và gây bệnh zona thần kinh.
Bệnh zona thần kinh có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, nhưng những người già thường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với người trẻ. Ở Hoa Kỳ, cứ 3 người thì có 1 người mắc zona thần kinh ở một giai đoạn trong cuộc đời.
Nguyên nhân để giải thích cho việc vì sao vi-rút varicella-zoster lại trở lại dạng hoạt động ở người này, nhưng lại vẫn tiếp tục duy trì dạng bất hoạt ở người khác hiện vẫn chưa được khẳng định. Tuy nhiên, có người cho rằng “stress” hay còn được biết tới là hiện tượng căng thẳng thần kinh có thể là một nguyên nhân thúc đẩy trong việc này và một số nghiên cứu đã được tiến hành. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu hơn vào mối quan hệ giữa bệnh zona thần kinh và stress.
“Stress” và bệnh zona thần kinh
Hầu hết mọi người đều đã bị “stress” ở một hoặc nhiều thời điểm trong cuộc đời họ. Những sự kiện mang tính khủng hoảng như mất đi người bạn đời (vợ/chồng) hay mất việc có thể làm tăng mức độ “stress”một cách nghiêm trọng. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng tới sức khoẻ chung của cơ thể, sức khoẻ tâm thần hay cảm giác trầm cảm, và cả hệ miễn dịch.
Stress có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, trong đó có hệ miễn dịch. Nguồn ảnh: healthyplace.com
Một vài nhà nghiên cứu cho rằng một hệ miễn dịch yếu chính là điều kiện thuận lợi cho vi-rút varicella-zoster quay trở lại dạng hoạt động của nó. Và vì “Stress” được cho là có ảnh hưởng tới hệ miễn dịch nên “stress” cũng có thể là điều kiện thuận lợi cho bệnh zona thần kinh xuất hiện.
Những nhà nghiên cứu từ nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra mối liên hệ giữa căng thẳng thần kinh kéo dài, stress hàng ngày và các sự kiện gây ra căng thẳng thần kinh nghiêm trọng được coi là yếu tố nguy cơ lớn dẫn tới bệnh zona thần kinh. Tuy nhiên, một số người khác lại chỉ cân nhắc stress là một yếu tố nguy cơ khi có các yếu tố sau cùng xuất hiện, như: người cao tuổi, người có rối loạn cảm xúc và người có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Những yếu tố mà cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt lên hệ miễn dịch.
Những nghiên cứu gần đây đã đánh giá lại mối quan hệ giữa stress và bệnh zona thần kinh. Nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng là 39.000 người đã từng trải qua giai đoạn căng thẳng thần kinh trong cuộc đời họ, bao gồm việc mất vợ/chồng hoặc tình hình sức khoẻ của vợ/chồng họ tệ dần theo thời gian. Và không có mối liên hệ nào giữa stress và bệnh zona thần kinh được đưa ra.
Ảnh hưởng của stress lên cơ thể
Các nhà khoa học còn nhiều tranh cãi và đưa ra những ý kiến trái chiều về mối quan hệ giữa stress và bệnh zona thần kinh. Tuy nhiên, hầu hết đều đồng ý rằng stress có những ảnh hưởng tiêu cực lên cơ thể. Các nhà khoa học đã liên hệ mối quan hệ giữa stress (cụ thể là stress mức độ nặng và kéo dài) tới nhiều loại tình trạng sức khoẻ, bao gồm:
- Rối loạn hệ tiêu hoá
- Huyết áp cao
- Béo phì
Béo phì cũng là một trong số những hậu quả của stress kéo dài. Nguồn ảnh: news-medical.net
- Các bệnh lý về tim mạch
- Tiểu đường
- Mất ngủ
- Cơn đau tức ngực
- Đau đầu
- Rối loạn quan hệ tình dục
- Rối loạn cảm xúc, gia tăng các cảm xúc tiêu cực như tức giận, đau buồn, lo lắng.
- Rối loạn ăn uống: ăn quá nhiều, ăn quá ít.
- Nghiện chất
Những yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh zona thần kinh
Yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh zona thần kinh là có tiền sử mắc thuỷ đậu trước đây. Và những người đã tiêm phòng vắc-xin thuỷ đậu vẫn có thể có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh.
Tổn thương nốt mụn gây ra bởi thuỷ đậu. Những người đã từng mắc thuỷ đậu trước đây đều có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh. Nguồn ảnh: vietnammedicalpractice.com
Một yếu tố nguy cơ khác là độ tuổi. Trẻ em, trẻ tuổi vị thành niên, và thanh niên hoàn toàn có thể mắc bệnh zona thần kinh, tuy nhiên phần lớn những người mắc phải bệnh này lại nằm ở nhóm có độ tuổi từ 50 tuổi trở lên.
Người có hệ miễn dịch kém cũng có nguy cơ cao mắc zona thần kinh. Vì vậy, để giữ cho cơ thể có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh, thì đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt và ngủ đủ là rất quan trọng.
Một số bệnh, tình trạng sức khoẻ và quá trình điều trị chúng cũng làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cho cơ thể dễ trở thành mục tiêu của bệnh zona thần kinh. Ví dụ như:
- HIV
- Thuốc chống đào thải dành cho bệnh nhân ghép tạng
- Ung thư
- Điều trị ung thư, ví dụ như hoá xạ trị.
Những triệu chứng của bệnh zona thần kinh.
Quá trình tiến triển của bệnh zona thần kinh bắt đầu là các triệu chứng trên da. Trên cơ thể lúc này xuất hiện các vùng da có cảm giác nóng, châm chích hoặc đau nhẹ chạy dọc theo một bên mặt hoặc vùng eo hông. Từ 1 tới 5 ngày sau, ở những vùng da có cảm giác đau đó xuất hiện những mảng đỏ, rát. Trong vài ngày tiếp theo, những mảng đỏ sẽ hình thành những nốt mụn nước cạnh nhau, nối liền tạo thành dải.
Tổn thương mụn nước liền nhau tạo thành dải ở bệnh nhân zona thần kinh. Nguồn ảnh: webmd.com
Những mụn nước này sau đó sẽ vỡ ra, đóng vảy rồi khô lại sau vài tuần và từ từ biến mất ở vài tuần tiếp theo. Một vài người có thể chỉ cảm thấy cảm giác ngứa nhẹ những vùng tổn thương, tuy nhiên có những trường hợp khác thì cơn đau có thể rất nặng.
Nếu cơ thể bạn có xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào có thể nghi bệnh zona thần kinh, thì bạn nên đến các cơ sở khám, chữa bệnh càng sớm càng tốt để được khám, chẩn đoán và điều trị, đặc biệt khi những vùng tổn thương tập trung ở trên vùng mặt hoặc quanh mắt. Bệnh zona thần kinh có thể gây ra mất thính giác và thị giác vĩnh viễn nếu bạn không chữa trị và can thiệp kịp thời.
Tổn thương nghiêm trọng do zona thần kinh gây ra ở mắt có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn. Nguồn ảnh: gponline.com
Tuy vậy, kể cả khi tổn thương xuất hiện ở những vùng khác trên cơ thể, bạn vẫn nên tới bác sĩ tư vấn để được điều trị nhanh chóng. Các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và kê đơn để khiến cho các mụn nước khô và nhanh lành. Điều này có thể làm giảm thời gian mắc bệnh và giảm nhẹ những khó chịu do bệnh gây ra.
Điều trị và chăm sóc bệnh zona thần kinh như thế nào?
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị tận gốc căn bệnh zona thần kinh này, nhưng hầu hết họ chỉ mắc một lần trong đời.
Để giảm bớt những khó chịu do bệnh gây ra và khiến cơ thể thoải mái hơn, bạn có thể thử áp dụng những cách sau đây:
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Dùng khăn mềm và nhúng ẩm bằng nước mát để làm dịu các vết tổn thương.
- Tắm bằng bột keo yến mạch
Sữa tắm bột keo yến mạch và kem bôi calamine là những cách hiệu quả để giảm ngứa. Nguồn ảnh: webmd.com
- Tránh không cho cơ thể bị stress hoặc cố gắng giữ nó ít nhất có thể.
Khi phải tiếp xúc với người khác, bạn nên che chắn các vết tổn thương lại cẩn thận và rửa tay thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút. Bệnh zona thần kinh không phải bệnh truyền nhiễm, nhưng bạn có thể khiến cho người khác mắc bệnh thuỷ đậu bằng cách lan truyền loại vi-rút này.
Bệnh zona thần kinh thường kéo dài từ 2 tới 6 tuần. Ở một vài trường hợp, khi các tổn thương đã lành hoàn toàn, nhưng các cơn đau dọc dây thần kinh tại vị trí tổn thương cũ vẫn tồn tại. Cơn đau kéo dài này gọi là hội chứng đau dây thần kinh hậu zona (PHN). PHN thường sẽ giảm dần theo thời gian. Để giảm bớt các cơn đau này, các bác sĩ có thể kê thêm cho bạn thuốc giảm đau.
Kết luận
Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa bệnh zona thần kinh và stress vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng và còn nhiều mâu thuẫn, dường như vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy có tồn tại mối liên hệ này. Tuy nhiên, điều này vẫn thường xảy ra và còn cần phải nghiên cứu thêm. Để phòng tránh mắc bệnh zona thần kinh, hãy tư vấn với bác sĩ để tiêm phòng bệnh này. Và giảm bớt các cơn căng thẳng thần kinh hay lo âu sẽ có tác dụng tốt cho cơ thể.
Có thể làm gì để không bị stress?
Thực ra, việc giảm hoặc cố gắng loại bỏ stress ra khỏi cuộc sống của bạn vẫn chưa thể đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ không mắc bệnh zona thần kinh, nhưng có thể đảm bảo cho cơ thể của bạn khoẻ mạnh hơn. Để tìm ra cách giảm stress nào hiệu quả nhất với bản thân mình, bạn có thể thử các phương pháp sau:
- Tìm ra và loại bỏ những thứ khiến bạn bị stress. Hãy cân nhắc có một cuốn sổ nhật ký ghi lại cảm xúc của bạn.
Một quyển nhật ký sẽ giúp bạn ghi lại cảm xúc và loại bỏ những ý nghĩ tiêu cực. Nguồn ảnh: thepencompany.com
- Thư giãn trước khi ngủ bằng cách đọc một cuốn sách, rời xa màn hình máy tính hay tạo cho bản thân mình một thói quen tốt trước khi đi ngủ.
- Biến những bữa ăn đơn thuần thành thời gian giao lưu với những người bạn yêu thương, bạn có thể nói chuyện, nghe nhạc hoặc cùng nhau chuẩn bị đồ ăn.
- Nếu bạn thích động vật, có thể dành nhiều thời gian cho thú cưng của bạn hoặc thú cưng của bạn bè.
Dành thời gian cho thú cưng cũng là một cách giải stress rất tốt. Nguồn ảnh: bbc.com
- Hạn chế sử dụng điện thoại, thậm chí là tắt hẳn nó đi.
- Thử bỏ thời gian ra để hoà mình cùng với thiên nhiên, ví dụ như đi bộ trong yên lặng để cảm nhận không khí thanh bình xung quanh.
- Thử thiền
- Thử yoga
- Tham gia một nhóm hỗ trợ cộng đồng.
- Luyện các bài tập thở.
- Tập luyện thể dục, thể thao
Tập thể dục, thể thao, thiền hay yoga hàng ngày có thể giải toả căng thăng.
Bạn có thể thêm vào các hoạt động thể thao vào cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như đi bộ, đạp xe đạp hoặc leo núi.
Xem thêm :