Video Bệnh Zona thần kinh có lây không?
Bản thân bệnh zona thần kinh không phải bệnh truyền nhiễm. Bạn không thể lây bệnh zona thần kinh cho người khác được. Tuy nhiên, nếu bạn đang mắc zona thần kinh thì bạn hoàn toàn có thể truyền vi-rút varicella-zoster sang cho người khác, và có thể khiến họ mắc bệnh thuỷ đậu.
Vi-rút varicella-zoster này, một khi chúng đã xâm nhập vào cơ thể người, chúng sẽ tồn tại trong tế bào thần kinh của người đó suốt cuộc đời của họ. Hầu hết thời gian, chúng sẽ tồn tại dưới dạng không hoạt động. Nhưng nếu hệ miễn dịch của người đó bị suy yếu, thì con vi-rút này sẽ hoạt động trở lại và có thể gây bệnh zona thần kinh.
Nội dung dưới đây sẽ đi sâu vào bệnh zona thần kinh này, cũng như cách phòng tránh nguy cơ lây lan vi-rút varicella-zoster.
Cách mà bệnh zona thần kinh có thể “lan” từ người này sang người khác là gì?
Một người đang mắc bệnh zona thần kinh hoàn toàn có khả năng lây lan vi-rút varicella-zoster sang cho người chưa từng mắc bệnh thuỷ đậu. Bởi vì ở một người từng bị thuỷ đậu, cơ thể họ đã có sẵn kháng thể chống lại vi-rút này từ lần mắc bệnh trước.
Người mắc bệnh zona thần kinh có thể dễ dàng lây truyền vi-rút varicella-zoster sang người khác ở giai đoạn các vết tổn thương mụn nước bắt đầu vỡ ra và dịch ở trong rỉ ra ngoài. Những người khác tiếp xúc trực tiếp với dịch này đều có thể đã mang vi-rút, đặc biệt là những người chưa từng mắc thuỷ đậu trước đây. Và điều này có thể khiến họ mắc bệnh thuỷ đậu.
Giai đoạn mụn nước là giai đoạn dễ lây lan của vi-rút. Nguồn ảnh: webmd.com
Giai đoạn khi mà các tổn thương bắt đầu khô lại và đóng vảy là giai đoạn mà vi-rút không thể truyền sang người khác nữa. Tuy nhiên, ở giai đoạn vẫn còn là các mụn nước, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan bằng cách che chắn các vết tổn thương cẩn thận khi phải tiếp xúc với người khác.
Khi các vết tổn thương khô lại và đóng vảy thì vi-rút không có khả năng lây lan được nữa. Nguồn ảnh: everydayhealth.com
Bạn không thể mắc bệnh zona thần kinh qua đường tiếp xúc với nước bọt hay dịch mũi họng của một người đang mắc bệnh này, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt hiếm. Điều đó nói lên rằng, bạn cũng khó có thể bị nhiễm zona thần kinh nếu một bệnh nhân mắc bệnh này ho hay hắt xì vào bạn.
Những ai là mục tiêu của bệnh zona thần kinh?
Những người từng mắc bệnh thuỷ đậu trong quá khứ đều có thể phát triển thành bệnh zona thần kinh sau này. Điều đó là bởi vì các vi-rút gây bệnh thuỷ đậu vẫn luôn tồn tại trong cơ thể bạn ở dưới dạng bất hoạt ngay cả khi bạn đã khỏi bệnh thuỷ đậu. Và khi các vi-rút này hoạt động trở lại, nó sẽ gây bệnh zona thần kinh cho bạn. Người ở mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh này, tuy nhiên những người ở độ tuổi 60,70 là những người có nguy cơ cao nhất.
Bệnh zona thần kinh là một bệnh phổ biến. Một nửa dân số Hoa Kỳ sẽ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh tính đến năm họ 80 tuổi.
Vi-rút này sẽ có xu hướng tái hoạt động khi hệ miễn dịch của bạn đang yếu hơn trạng thái bình thường. Vì vậy việc bạn có thể mắc bệnh zona thần kinh khi đang ốm hoặc căng thẳng thần kinh là điều bình thường.
Triệu chứng bệnh zona thần kinh
Các triệu chứng ở giai đoạn sớm của bệnh bao gồm: đau đầu, sốt và có các cơn ớn lạnh. Tuy nhiên, các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đó là các nốt mụn nước và các cơn đau dây thần kinh ở vị trí tổn thương.
Đau đầu cũng là một trong những triệu chứng sớm của bệnh zona thần kinh. Nguồn ảnh: health.havard.edu
Các nốt mụn nước
Triệu chứng bên ngoài của bệnh zona thần kinh thực ra có nhiều điểm tương đồng so với bệnh thuỷ đậu. Cả hai bệnh đều xuất hiện các nốt mụn nước, phát triển dần rồi vỡ ra, rỉ dịch, sau đó đóng vảy.
Trong khi các tổn thương trên da của thuỷ đậu có thể lan ra khắp các vùng khác nhau trên cơ thế, thì bệnh zona thần kinh thường chỉ tập trung tấn công vào một vùng. Các dải mụn nước của bệnh zona thần kinh thường tập trung tại vùng eo hông, tại đây chúng thường tập trung thành dải và bám xung quanh eo của bệnh nhân chỉ ở 1 bên cơ thể. Thực chất tên tiếng anh của bệnh zona thần kinh là “shingles” chính là một từ có nguồn gốc Latin có nghĩa là “thắt lưng”. Những tổn thương của bệnh zona thần kinh cũng có thể xuất hiện ở 1 bên của mặt, nếu điều này xảy ra, bạn còn liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Cảm giác đau
Vi-rút gây bệnh zona thần kinh nằm dọc theo dây thần kinh gây ra các cơn đau và cảm giác không bình thường. Tại vị trí tổn thương, da của bạn có thể có cảm giác châm chích hoặc nóng rát nhẹ trước khi các mụn nước xuất hiện. Ngứa và vùng da tổn thưởng trở nên nhạy cảm hơn cũng là những triệu chứng của bệnh zona thần kinh.
Các cơn đau của bệnh zona thần kinh có các mức độ khác nhau, từ đau nhẹ tới các cơn đau nghiệm trọng mà khó có thể làm giảm bằng các loại thuốc giảm đau mua không cần đơn. Để làm giảm cơn đau ở các dây thần kinh, các bác sĩ có thể kê các thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chứa steroids.
Kết luận
Ở hầu hết các ca mắc bệnh zona thần kinh, các triệu chứng như đau hoặc gây khó chịu cho người bệnh chỉ kéo dài trong một giai đoạn ngắn sau đó thì tình trạng sức khoẻ sẽ hồi phục hoàn toàn. Và thông thường những người đã từng mắc zona thần kinh sẽ không bị mắc lại bệnh này lần nào nữa.
Bệnh zona thần kinh chỉ là một tình trạng bệnh tạm thời và sẽ khỏi bệnh hoàn toàn trong vòng một tháng. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp để lại những ảnh hưởng tới sức khoẻ con người về sau này.
Một trong số những ảnh hưởng đó có thể kể đến là các cơn đau thần kinh, các cơn đau này có thể tiếp tục xuất hiện trong vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi các tổn thương trên da đã lành. Theo ghi nhận, những cơn đau dai dẳng thường chỉ xuất hiện ở những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi. Còn đối với các trường hợp trẻ tuổi, thường không có triệu chứng nào còn diễn ra sau khi các tổn thương dải mụn nước trên da đã lành.
Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, như vắc-xin phòng bệnh zona thần kinh và vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu, sẽ làm giảm số người mắc 2 loại bệnh này trong tương lai.
Cách phòng tránh lan rộng bệnh zona thần kinh sang người khác
Thông thường, vi-rút varicella-zoster có thể truyền từ người này sang người khác, nhưng người mắc bệnh zona thần kinh khi truyền vi-rút này cho người khác, thì người đó sẽ không mắc bệnh zona thần kinh mà họ sẽ có nguy cơ mắc bệnh thuỷ đậu. Giai đoạn dễ lây truyền vi-rút là từ khi các dấu hiệu triệu chứng bắt đầu xuất hiện cho đến khi các mụn nước vỡ ra, đóng vảy và khô lại.
Nếu bạn đang mắc zona thần kinh nhưng vẫn cảm thấy tình trạng sức khoẻ của mình bình thường, thì bạn vẫn có thể đi ra ngoài hoặc đi làm. Nhưng bạn vẫn cần phải ghi nhớ và thực hiện những điều sau:
Giữ vùng tổn thương trên da sạch sẽ và được che chắn cẩn thận. Điều này để ngăn cho người khác không tiếp xúc trực tiếp với các vết mụn nước vẫn còn khả năng lây truyền vi-rút.
Rửa tay thường xuyên. Đồng thời, hạn chế sờ tay vào các vết mụn nước.
Tránh tiếp xúc với phụ nữ mang thai. Vi-rút varicella-zoster có thể gây ra các nguy cơ nguy hiểm cho sức khoẻ của bà mẹ và thai nhi. Các nguy cơ có thể là: viêm phổi hoặc dị tật bẩm sinh. Nếu bạn vô tình tiếp xúc gần với phụ nữ đang mang thai, hãy cảnh báo và nhắc nhở họ về tình trạng hiện tại của bạn; để họ có thể nhanh chóng, kịp thời liên hệ với bác sĩ chuyên ngành sản khoa, phụ khoa để được tư vấn cụ thể. Đặc biệt cần chú ý không tiếp xúc với phụ nữ mang thai nhưng chưa mắc bệnh thuỷ đậu trước đó hoặc chưa tiêm vắc-xin cho bệnh này.
Tránh xa những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Trong đó bao gồm: trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ em chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh thuỷ đậu hoặc chưa mắc thuỷ đậu trước đó. Cũng cần tránh tiếp xúc với những người có hệ miễn dịch suy yếu, như: bệnh nhân HIV, bệnh nhân ghép tạng hay những người đang điều trị các bệnh tự miễn hoặc đang trong quá trình hoá trị.
Vắc-xin phòng bệnh zona thần kinh.
Vắc-xin phòng bệnh zona thần kinh và vắc-xin phòng bệnh thuỷ đậu là hai loại vắc-xin khác nhau. Vắc-xin phòng bệnh zona thần kinh có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh và làm giảm mức độ của các cơn đau thần kinh đi kèm.
Người lớn trên 60 tuổi nên tiêm vắc-xin phòng bệnh zona thần kinh. Nên tư vấn bác sĩ về trường hợp cụ thể tình hình sức khoẻ của mình trước khi tiêm vắc-xin.
Xem thêm :