Ho ra máu: Nguyên nhân và các dấu hiệu cấp cứu

Ho ra máu là một dấu hiệu đáng báo động cho dù đó là số lượng nhiều hay ít. Ho ra máu luôn là một triệu chứng của một tình trạng bệnh lý.

Video: Bài giảng: Ho ra máu

Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào lượng máu và thời gian ho ra máu nhưng không bao giờ được bỏ qua triệu chứng này. Máu khi ho có thể đến từ mũi, họng, đường hô hấp trên hoặc phổi. Thuật ngữ y khoa của tình trạng này gọi là ho máu.

Khi nào cần gọi cho bác sĩ hoặc đi đến bệnh viện

Điều cần chú ý là liên hệ với bác sĩ bất cứ khi nào bạn ho ra máu, vì đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý hô hấp nghiêm trọng. Gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu:

  • Bắt đầu ho ra máu sau khi bị ngã hoặc chấn thương vùng ngực
  • Ho ra máu số lượng nhiều hơn vài thìa cà phê
  • Có máu trong nước tiểu hoặc phân
  • Đau ngực, chóng mặt, sốt, choáng váng hoặc khó thở

Cần lưu ý gì khi bị ho ra máu

Máu từ phổi hoặc đường dẫn khí thường có hiện tượng sủi bọt. Điều này là do nó bị trộn lẫn với không khí và chất nhầy trong phổi. Màu sắc có thể từ màu gỉ sắt đến màu đỏ tươi. Chất nhầy có thể hoàn toàn dính máu hoặc chỉ có những vệt máu trộn với chất nhầy. Chảy máu từ miệng (ví dụ như trong trường hợp chấn thương) không giống như ho ra máu. Nếu bị chảy máu miệng, bạn có thể nhận thấy khi đánh răng hoặc sau khi ăn.

Nguyên nhân của ho ra máu

Triệu chứng ho máu có thể do một số vấn đề khác nhau gây ra, từ kích ứng cổ họng đến ung thư phổi. Mặc dù ho ra máu không phải là một triệu chứng có thể bỏ qua nhưng hầu hết các nguyên nhân đều nhẹ và không nghiêm trọng. Khi một người bị bệnh đường hô hấp hoặc ho mạnh, điều này có thể gây kích ứng đường hô hấp và có khả năng khiến họ ho ra máu.

Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ, tại các phòng khám (khám chữa bệnh ngoại trú), nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là những nguyên nhân phổ biến nhất của ho ra máu. Trong bệnh viện (khám chữa bệnh nội trú), gặp chủ yếu là giãn phế quản, ung thư phổi, viêm phế quản hoặc viêm phổi. Tuy nhiên, trên toàn thế giới nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh lao. Có một số nguyên nhân nghiêm trọng có thể gây ra ho ra máu. Những điều này cần được cấp cứu ngay lập tức. Những ví dụ như:

  • Chấn thương ở ngực
  • Dị vật đường thở
  • Chấn thương động mạch phổi
  • Bệnh xơ nang
  • Ung thư phổi
  • Cục máu đông trong phổi
  • Bệnh lao 

Cục máu đông trong động mạch phổi (nguồn: https://www.everydayhealth.com/) Cục máu đông trong động mạch phổi (nguồn: https://www.everydayhealth.com/)  Một số xét nghiệm và thủ thuật y tế, chẳng hạn như nội soi phế quản, đo chức năng hô hấp, nội soi thanh quản, cắt amidan, phẫu thuật mũi và sinh thiết đường thở trên, có thể gây tác dụng phụ là ho ra máu. 

Điều trị triệu chứng ho máu

Tùy thuộc vào nguyên nhân, ho ra máu có thể được điều trị bằng nhiều cách. Nếu kích ứng cổ họng đơn giản do ho quá nhiều là nguyên nhân, thì viên ngậm và thuốc giảm ho không kê đơn có thể đáp ứng đủ. Bác sĩ sẽ khám ngực, phổi và thường sẽ bắt đầu bằng chụp X-quang phổi. Các thăm dò sau cũng có thể được chỉ định thêm bao gồm:

  • Nội soi phế quản (để xem bên trong phổi bằng camera có gắn đèn)
  • Chụp CT ngực (cung cấp hình ảnh cắt lớp ngực)
  • Công thức máu đầy đủ (theo dõi một số bệnh lý nhất định)
  • Sinh thiết phổi (lấy một phần mô phổi để kiểm tra)
  • Chụp xạ hình phổi (giúp đánh giá lưu lượng máu và luồng khí đến phổi)
  • Chụp động mạch phổi (đánh giá lưu lượng máu trong phổi)
  • Cấy đờm (tìm các sinh vật gây nhiễm trùng)
  • Đo bão hòa oxy (kiểm tra nồng độ oxy trong máu)
Sinh thiết xuyên thành ngực (nguồn: https://www.cancer.gov/) Sinh thiết xuyên thành ngực (nguồn: https://www.cancer.gov/) 

Các thăm dò này sẽ được sử dụng để xác định hoặc loại trừ một số bệnh có thể khiến bạn ho ra máu.

Mục tiêu điều trị trước tiên là cầm máu, đặc biệt là ho máu với số lượng lớn, sau đó điều trị nguyên nhân cơ bản. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.

Trong trường hợp chảy máu nghiêm trọng cần phải nhập viện. Bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật được gọi là can thiệp nội mạch để cầm máu. Các thủ thuật hoặc phẫu thuật khác có thể được làm tùy thuộc vào nguyên nhân.

Cách ngăn ngừa ho ra máu

Ho ra máu là một triệu chứng của một bệnh lý. Bỏ qua triệu chứng này có thể khiến nguyên nhân gây bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, việc phòng ngừa nằm ở việc giải quyết nguyên nhân và điều trị thích hợp. Bỏ thuốc lá (hoặc không hút thuốc), cũng như tránh ra ngoài trời khi ô nhiễm và nồng độ khói bụi cao có thể có tác dụng.

Điều trị dứt điểm cơn ho dai dẳng cũng có thể giúp ngăn ngừa ho máu.

Tiên lượng khi bị ho ra máu

Ho ra máu có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tương đối nghiêm trọng. Ngay cả khi bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân là một vấn đề không đáng ngại, bạn cũng nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế thích hợp.

Hãy chuẩn bị để mô tả sự xuất hiện của máu ho ra, bao gồm cả màu sắc và tính chất. Gọi cấp cứu hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn đang ho khạc ra nhiều máu, có các triệu chứng khác như đau ngực hoặc khó thở, hoặc nếu tình trạng chảy máu trầm trọng hơn.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!