Video: Ho kéo dài kèm tức ngực là dấu hiệu của bệnh gì?
Để giúp xác định nguyên nhân chính xác, hãy xem danh sách 10 nguyên nhân có thể gây đau ngực và ho sau đây.
Viêm phế quản cấp
Viêm phế quản là tình trạng viêm ở đường dẫn khí. Đôi khi nó được gọi là cảm lạnh.
Kích thích ống phế quản có thể gây ra các cơn ho lặp đi lặp lại, dẫn đến cảm giác khó chịu trong lồng ngực. Viêm phế quản cấp thường diễn biến trong thời gian ngắn với các triệu chứng cải thiện trong khoảng một tuần, mặc dù ho có thể kéo dài đến vài tuần.
Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng các phế nang (túi chứa khí) trong phổi. Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus hoặc nấm. Viêm phổi làm tăng sản xuất đờm, từ đó gây gây ho. Các cơn ho dai dẳng sẽ gây ra các cơn đau tức ngực.
Các triệu chứng khác của viêm phổi bao gồm:
- Sốt cao
- Ớn lạnh
- Chán ăn
- Đổ mồ hôi
- Mệt mỏi
- Lú lẫn
Viêm màng phổi
Ho và đau ngực có thể do viêm màng phổi. Đây là tình trạng viêm ở khoang giữa phổi và ngực. Tình trạng viêm có thể gây đau ngực dữ dội, trầm trọng hơn khi thở, hắt hơi hoặc ho.
Tình trạng viêm cũng có thể gây khó thở, gây ho.
Cúm
Cảm cúm là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp gây ra các triệu chứng sau:
- Sốt
- Đau cơ
- Chảy nước mũi
- Đau đầu
- Mệt mỏi
Tăng tiết đờm cũng có thể gây ra ho dai dẳng, có thể dẫn đến tức ngực hoặc đau ngực. Tình trạng này được cải thiện sau khi cơn ho giảm bớt.
COPD
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một thuật ngữ chung để mô tả các bệnh phổi mạn tính, tiến triển. Nó bao gồm khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính và hen suyễn dai dẳng. Triệu chứng chính của COPD là khó thở.
Hút thuốc và tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây ra COPD.
Tình trạng viêm trong phổi làm tăng tiết đờm, gây ra ho mạn tính và tức ngực.
Hen
Khi bị hen, các đường dẫn khí bị hẹp lại do viêm. Điều này gây ra ho và đau ngực mạn tính ở nhiều người.
Trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là bệnh lý tiêu hóa xảy ra khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh này có thể gây nôn và buồn nôn, cũng như ho. Ợ chua là một triệu chứng cổ điển của trào ngược axit. Người bệnh có thể cảm thấy như nóng rát trong lồng ngực.
Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là tình trạng một cục máu đông di chuyển đến phổi. Triệu chứng của bệnh này có thể là khó thở, đau ngực và ho. Cục máu đông trong phổi có thể cảm thấy giống như một cơn đau tim và có thể ho ra những vệt đờm có máu.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau chân hoặc sưng chân
- Sốt
- Đổ mồ hôi
- Lâng lâng
- Chóng mặt
Ung thư phổi
Nếu bạn có tiền sử hút thuốc và bị ho dai dẳng kèm theo đau ngực, hãy đi khám.
Ung thư phổi giai đoạn đầu có thể không gây ra các triệu chứng. Khi ung thư phát triển, bạn có thể bị tức ngực hoặc đau. Khó thở có thể dẫn đến ho ra máu mạn tính.
Lupus
Lupus là một bệnh lý tự miễn ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể. Bệnh có biểu hiện ở nhiều cơ quan như khớp, da và phổi
Khi lupus ảnh hưởng đến phổi, lớp niêm mạc bên ngoài phổi sẽ bị viêm. Tình trạng viêm này gây ra đau ngực, khó thở và ho mạn tính.
Các triệu chứng khác của bệnh lupus bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau khớp
- Sốt
- Ban cánh bướm trên mặt
Chẩn đoán đau ngực kèm ho
Không có một xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân cơ bản gây ra ho và đau ngực.
Khi đi khám, bác sĩ có thể tiến hành khám sức khỏe và hỏi về các triệu chứng đi kèm. Từ đây, bác sĩ có thể yêu cầu làm các chẩn đoán hình ảnh lồng ngực để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm hoặc khối u.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm, bao gồm:
- Các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm chụp X-quang ngực, chụp CT hoặc MRI.
- Đo chức năng hô hấpđo lường mức độ phổi cung cấp oxy cho máu.
- Xét nghiệm đờm để tìm dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc dị ứng.
- Tổng phân tích máu. Xét nghiệm này có thể giúp xác định hoặc loại trừ bệnh lupus. Xét nghiệm này đánh giá số lượng tế bào hồng cầu. Số lượng thấp có thể cho thấy tình trạng thiếu máu, một triệu chứng của bệnh lupus. Xét nghiệm máu cũng có thể kiểm tra các kháng thể giúp chẩn đoán bệnh lupus.
Điều trị đau ngực kèm ho
Điều trị đau ngực và ho tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Nhiễm virus. Không điều trị nguyên nhân nhiễm virus như cúm. Trong trường hợp này, nhiễm virus diễn biến theo các giai đoạn, mặc dù thuốc cảm cúm không kê đơn có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Những loại thuốc này có thể làm giảm sốt, đau nhức cơ thể và các triệu chứng khác.
- Nhiễm khuẩn. Nếu bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm phế quản hoặc viêm phổi, bạn cần dùng thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể kê đơn một liệu trình từ 7 đến 10 ngày. Uống đủ liệu trình kháng sinh theo quy định để đảm bảo điều trị nhiễm trùng.
- Bệnh mạn tính. Đối với các tình trạng mạn tính như COPD, hen suyễn hoặc bệnh lý trào ngược, bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Ví dụ, thuốc giãn phế quản và các loại thuốc COPD khác có thể giúp giảm tình trạng khó thở. Hoặc bạn có thể cần sử dụng ống hít tác dụng ngắn hoặc tác dụng kéo dài cho bệnh hen suyễn.
- Thuyên tắc phổi. Điều trị thuyên tắc phổi sẽ bao gồm thuốc làm loãng máu và có thể phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông lớn.
- Ung thư phổi. Điều trị ung thư phổi bao gồm phẫu thuật, t hóa trị hoặc xạ trị để thu nhỏ kích thước khối u.
- Lupus. Thuốc chống viêm không kê đơn như ibuprofen (Motrin) và naproxen natri (Aleve) có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh lupus, cũng như corticosteroid để giảm viêm và các thuốc ức chế miễn dịch.
Các biện pháp điều trị tại nhà giúp giản triệu chứng đau ngực kèm ho
Cùng với liệu pháp thông thường, các biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Nếu một cơn ho dai dẳng gây đau ngực, điều trị ho có thể làm dịu khó chịu ở ngực.
- Uống nước ấm. Nước ấm hoặc trà có thể làm dịu cổ họng, làm dịu cơn ho dai dẳng. Mật ong cũng có thể giúp giảm ho, vì vậy hãy thêm 1 hoặc 2 thìa cà phê mật ong vào đồ uống của bạn.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm. Máy tạo độ ẩm làm giảm độ khô trong không khí. Độ ẩm tăng thêm có thể làm lỏng hoặc loãng đờm trong cổ họng của bạn.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc. Tiếp xúc với khói thuốc và các chất ô nhiễm không khí khác có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ho và làm tăng cơn đau ngực. Cố gắng tránh hút thuốc lá thụ động và nếu bạn đang hút thuốc, hãy bắt đầu cai thuốc lá
- Ngậm thuốc giảm đau họng để làm dịu cổ họng. Cổ họng bị kích ứng do nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn trong lồng ngực cũng có thể gây ho dai dẳng, dẫn đến đau ngực.
- Các thuốc không kê đơn. Thuốc giảm ho có thể giúp làm dịu cơn ho. Để tránh tương tác thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước nếu bạn dùng thuốc theo toa.
Biến chứng của đau ngực kèm ho
Ho và đau ngực có thể gây khó chịu mức độ nhẹ hoặc có thể tiến triển thành các biến chứng nghiêm trọng.
Cảm cúm và viêm phế quản không được điều trị có thể dẫn đến viêm phổi. Nếu không được điều trị, viêm phổi có thể gây nhiễm trùng huyết và suy đa tạng.
COPD nặng và cơn hen cũng có thể đe dọa tính mạng nếu chúng gây suy hô hấp. Tương tự, thuyên tắc phổi không được điều trị có thể gây tổn thương mô và gây suy tim.
Theo Mayo Clinic, khoảng một phần ba số người bị thuyên tắc phổi không được chẩn đoán và điều trị dẫn đến tử vong.
Điều trị sớm cũng rất quan trọng với bệnh ung thư phổi để ngăn chặn các tế bào ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Khi nào cần đi khám khi bị đau ngực kèm ho
Một cơn ho dai dẳng có thể không có gì đáng lo ngại. Đi khám bác sĩ nếu ho không rõ nguyên nhân và không cải thiện, đặc biệt khi nó kèm theo đau ngực hoặc các triệu chứng khác như:
- Sốt cao hơn 39°C
- Đau chân hoặc sưng chân
- Khó thở
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
Tổng kết
Một số tình trạng có thể gây ho kèm theo đau ngực, do đó khó xác định nguyên nhân gây bệnh. Đi khám bác sĩ và nêu ra tất cả các vấn đề bạn đang gặp phải. Bạn càng cung cấp nhiều thông tin, bác sĩ càng dễ dàng chẩn đoán.
Xem thêm: