Ho mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Đôi khi ho có thể gây khó chịu nhưng nó thực sự cần cho cơ thể trong một số trường hợp. Khi ho chất nhầy và vật lạ từ đường thở gây kích ứng phổi sẽ được đẩy ra ngoài. Ho cũng có thể là phản ứng của viêm nhiễm hoặc bệnh tật.

Video: [CME] Ho mạn tính: Phần I - Giới thiệu

Hầu hết các cơn ho đều diễn ra trong thời gian ngắn. Bạn có thể bị cảm lạnh hoặc cúm, ho trong vài ngày hoặc vài tuần, sau đó sẽ bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Ít phổ biến hơn là ho kéo dài trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Khi các cơn ho diễn ra liên tục mà không rõ nguyên nhân, có thể là biểu hiệu một bệnh lí nghiêm trọng.

Ho kéo dài từ tám tuần trở lên được gọi là ho mạn tính. Nguyên nhân của ho mạn tính có thể là kết quả của các tình trạng như chảy dịch mũi sau hoặc dị ứng. Hiếm khi là triệu chứng của ung thư hoặc các tình trạng bệnh lý phổi có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, ho mạn tính có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, có thể khiến bạn phải thức giấc vào ban đêm và gây mất tập trung trong công việc, cuộc sống hằng ngày. Đó là lý do tại sao bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra bất kỳ cơn ho nào kéo dài hơn ba tuần.

Nguyên nhân gây ho mạn tính

Những nguyên nhân phổ biến nhất của ho mạn tính là:

  • Chảy nước mũi sau
  • Hen suyễn, đặc biệt là hen suyễn thể ho đơn thuần có triệu chứng chính là ho
  • Trào ngược axit hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Viêm phế quản mạn tính hoặc các dạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khác (COPD)
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm phổi hoặc viêm phế quản cấp tính
  • Sử dụng thuốc ức chế enzym chuyển, là thuốc được sử dụng để điều trị cao huyết áp 
  • Hút thuốc lá


Bệnh sarcoidosis ở phổi (nguồn: https://www.lungandsleepspecialists.com/) Bệnh sarcoidosis ở phổi (nguồn: https://www.lungandsleepspecialists.com/) 
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ho mạn tính bao gồm:
  • Giãn phế quản, là tổn thương đường dẫn khí làm cho các thành phế quản trong phổi bị viêm và dày lên
  • Viêm tiểu phế quản, là tình trạng nhiễm trùng và viêm các tiểu phế quản, các đường dẫn khí nhỏ trong phổi
  • Xơ nang, một tình trạng di truyền làm tổn thương phổi và các cơ quan khác do tiết quá nhiều chất nhày
  • Bệnh phổi kẽ, một tình trạng liên quan đến sự dày lên của các mô trong phổi
  • Suy tim
  • Ung thư phổi
  • Ho gà một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn 
  • Bệnh sarcoidosis, xuất hiện tập hợp các tế bào bị viêm tạo thành u hạt, hình thành trong phổi và các cơ quan khác của cơ thể 

Các triệu chứng khác có thể có của ho mạn tính

Cùng với ho, các triệu chứng khác có thể xuất hiện tùy thuộc vào nguyên nhân. Các triệu chứng phổ biến thường đi kèm với ho mạn tính bao gồm:

  • Cảm giác chất lỏng chảy xuống phía sau cổ họng 
  • Ợ nóng
  • Giọng nói khàn
  • Sổ mũi
  • Viêm họng
  • Ngạt mũi
  • Thở khò khè
  • Khó thở

Ho mạn tính cũng có thể gây ra những vấn đề sau:

  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Đau ngực và khó chịu
  • Nhức đầu
  • Thất vọng và lo lắng, đặc biệt nếu không tìm ra nguyên nhân
  • Mất ngủ
  • Són tiểu

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn hiếm khi xảy ra, nhưng hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu:

  • Ho ra máu
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Sốt cao
  • Hụt hơi
  • Gầy sút cân không rõ nguyên nhân
  • Đau ngực dai dẳng

Các yếu tố nguy cơ gây ho mạn tính

Bạn có nhiều khả năng bị ho mạn tính nếu hút thuốc. Khói thuốc lá làm tổn thương phổi và có thể dẫn đến các tình trạng như COPD. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu dễ bị nhiễm trùng gây ho mạn tính.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Đi khám bác sĩ nếu cơn ho kéo dài hơn ba tuần. Ngoài ra, hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng như giảm cân không rõ nguyên nhân, sốt, ho ra máu hoặc khó ngủ. Trong khi khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng ho và các triệu chứng khác và có thể cần thực hiện một số xét nghiệm sau để tìm nguyên nhân gây ho:

  • Xét nghiệm trào ngược axit giúp đo lượng axit trong thực quản.
  • Nội soi sử dụng một dụng cụ để xem xét thực quản, dạ dày và ruột non.
  • Cấy đờm để kiểm tra chất nhầy ho ra để tìm vi khuẩn và các nguyên nhân nhiễm trùng khác.
  • Đo chức năng hô hấp xem phổi có thể hít thở bao nhiêu không khí, cùng với các hoạt động khác của phổi. Bác sĩ sử dụng các xét nghiệm này để chẩn đoán COPD và một số tình trạng bệnh lý phổi khác.
  • Chụp X-quang và chụp CT có thể tìm thấy các dấu hiệu của ung thư hoặc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi. Bạn cũng có thể cần chụp X-quang các xoang để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng khác.
Soi mũi bằng kìm khám mũi (nguồn: https://www.researchgate.net/ ) Soi mũi bằng kìm khám mũi (nguồn: https://www.researchgate.net/ ) 

Nếu những xét nghiệm này không giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ho, họ có thể đưa một ống mỏng qua cổ họng hoặc đường mũi để quan sát bên trong đường hô hấp trên.

Nội soi phế quản sử dụng một ống soi để quan sát niêm mạc của đường thở dưới và phổi. Bác sĩ của bạn cũng có thể sử dụng nội soi phế quản để lấy một mẫu mô để kiểm tra đây được gọi là sinh thiết.

Soi mũi là phương pháp sử dụng một ống soi để quan sát bên trong mũi.

Điều trị ho mãn tính

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra ho:

Trào ngược axit

Sử thuốc để trung hòa, giảm bớt hoặc làm ngăn chặn dạ dày tiết axit. Thuốc chữa trào ngược bao gồm:

  •  Thuốc trung hòa axit
  •  Thuốc chẹn thụ thể H2
  •   Thuốc ức chế bơm proton

Bạn có thể mua một số loại thuốc này mà không cần kê đơn. Một số loại thuốc khác sẽ cần có một đơn thuốc từ bác sĩ.

Bệnh hen suyễn

Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn có thể bao gồm steroid dạng hít và thuốc giãn phế quản cần phải được kê đơn. Những loại thuốc này làm giảm phù nề đường thở và giãn rộng các đường dẫn khí bị hẹp để giúp bạn thở dễ dàng hơn. Các thuốc này có thể cần phải dùng hàng ngày, lâu dài, để ngăn ngừa các cơn hen suyễn hoặc dùng khi cần để điều trị các cơn hen khi chúng xảy ra.

Viêm phế quản mạn tính

Thuốc giãn phế quản và steroid dạng hít được sử dụng để điều trị viêm phế quản mạn tính và các dạng COPD khác.

Nhiễm trùng

Thuốc kháng sinh có thể giúp điều trị viêm phổi hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác.

Chảy nước mũi sau

Thuốc điều trị ngạt mũi có thể làm giảm tiết dịch. Thuốc kháng histamin và thuốc xịt mũi steroid có thể ngăn chặn phản ứng dị ứng gây tăng tiết chất nhầy và giúp giảm phù nề niêm mạc mũi.

Các phương pháp bổ sung giúp kiểm soát triệu chứng của ho mạn tính

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp ngôn ngữ có thể có hiệu quả trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của ho mạn tính. Bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn đến một nhà ngôn ngữ trị liệu.

Để kiểm soát cơn ho, có thể thử dùng thuốc giảm ho. Thuốc ho không kê đơn có chứa dextromethorphan (Mucinex, Robitussin) giúp giảm phản xạ ho. Bác sĩ có thể kê một loại thuốc như benzonatate (Tessalon Perles) nếu các thuốc không kê đơn không có tác dụng, loại thuốc này làm ức chế phản xạ ho. Thuốc kê đơn gabapentin (Neurontin), một loại thuốc chống động kinh, đã được phát hiện có tác dụng ở một số người bị ho mạn tính.

Các loại thuốc ho khác thường chứa codeine hoặc hydrocodone. Mặc dù những loại thuốc này có thể giúp làm dịu cơn ho, nhưng cũng có thể gây buồn ngủ và có thể gây nghiện.

Tiên lượng ho mạn tính

Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra ho mạn tính và cách điều trị. Thường thì các cơn ho sẽ khỏi khi được điều trị đúng cách.

Nếu bạn bị ho kéo dài hơn ba tuần, hãy đến gặp bác sĩ. Sau khi biết nguyên nhân gây ra ho, bạn có thể thực hiện các bước để điều trị. Cho đến khi cơn ho biến mất, hãy thử các mẹo sau để kiểm soát cơn ho:

  • Uống nhiều nước hoặc nước trái cây. Chất chất nhầy sẽ loãng ra. Uống nước ấm như trà và canh nóng có thể giúp làm dịu cổ họng.
  • Ngậm viên ngậm trị ho.

Viên ngậm giảm ho (nguồn: https://www.strepsils.co.uk/) Viên ngậm giảm ho (nguồn: https://www.strepsils.co.uk/) 

  • Nếu bị trào ngược axit, hãy tránh ăn quá no và ăn cách giấc ngủ hai đến ba giờ. Giảm cân cũng có thể hữu ích.
  • Bật máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí, hoặc tắm nước nóng và hít hơi nước.
  • Dùng nước muối sinh lý xịt mũi hoặc nhỏ mũi (bình xịt mũi). Nước muối sẽ làm loãng và giúp làm tiêu chất nhầy.
  • Nếu bạn đang hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về cách bỏ thuốc lá và tránh xa bất kỳ ai khác hút thuốc.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!