Video: 10 bài thuốc dân gian trị ho cho trẻ cực đơn giản
Một số bệnh gây ra ho và biết nguyên nhân có thể giúp bạn xác định phương pháp điều trị ho tại nhà nào sẽ hiệu quả nhất.
Dưới đây là cách xác định các loại ho khác nhau, khi nào cần đi khám bác sĩ và những gì bạn có thể làm để giúp con bạn cảm thấy dễ chịu hơn - ngay bây giờ.
Những dấu hiệu cần đi khám hoặc cần được cấp cứu
Cho dù nguyên nhân gây ho của trẻ là gì, có một số dấu hiệu cảnh báo chắc chắn rằng bạn cần được trợ giúp y tế. Nếu con bạn đang ho và có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đến phòng cấp cứu tại địa phương.
- Khó thở hoặc thở cần hỗ trợ
- Sốt cao hơn 38°C (trẻ dưới 3 tháng) hoặc cao hơn 39°C (trẻ trên 3 tháng)
- Ho có máu
- Khó nuốt
- Khó mở miệng toàn bộ
- Sưng amidan đáng kể chỉ ở một bên
Các triệu chứng khác cần lưu ý:
- Bất kỳ cơn ho nào ở trẻ sơ sinh trong vài tuần đầu tiên
- Ho kéo dài 8 tuần hoặc lâu hơn
- Ho nặng hơn theo thời gian, đặc biệt là sau 3 tuần
- Ho kèm theo đổ mồ hôi ban đêm hoặc sụt cân
- Ho khan hoặc có đờm - kèm theo thở khò khè hoặc thở nhanh
Ngay cả khi trẻ không có các dấu hiệu nghiêm trọng nhưng có những hành vi khác với bình thường, hãy gọi cho bác sĩ nhi khoa. Bạn hiểu rõ con mình nhất. Bác sĩ có thể giúp hướng dẫn bạn tại phòng cấp cứu hay tại phòng khám.
Các phương pháp làm dịu cơn ho tại nhà
Ngay cả khi các triệu chứng của con bạn không nghiêm trọng. Biết một số biện pháp điều trị ho tại nhà có thể cung cấp cho bạn một số ý tưởng về những điều cần thử để bạn không cảm thấy bất lực.
Cân nhắc việc có một bộ dụng cụ chăm sóc tại nhà bao gồm như nước muối sinh lý và ống hút, để khi cần dùng dễ dàng hơn.
Bổ sung đủ nước
Giữ cho trẻ đủ nước là chìa khóa để giúp cho đờm dễ chảy ra và dễ dàng ho ra. Nếu trẻ bị mất nước, nước mũi và các chất tiết khác của trẻ có thể khô lại và khó hết ho.
Điều này có nghĩa là cho trẻ bú mẹ hoặc cho trẻ uống sữa công thức thường xuyên theo nhu cầu của trẻ. Các chuyên gia nói rằng không cần thiết phải uống thêm nước, nhưng họ khuyên bạn nên duy trì lượng bình thường.
Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và sữa công thức. Có thể sử dụng nước và nước trái cây không đường cho trẻ lớn hơn.
Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý
Một cách khác để làm ẩm dịch tiết là nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ. Khi trẻ bị cảm cúm, trẻ thường có triệu chứng ở mũi.
Chất nhầy trong mũi của trẻ có thể chảy xuống phía sau mũi và cổ họng của chúng gây chảy nước mũi sau. Điều này gây kích ứng cổ họng và tạo ra tiếng ho khan, có đờm và tiếng kêu lục cục ở đường hô hấp trên (không phải ở ngực). Đặc biệt bạn có thể nhận thấy cơn ho này sau khi trẻ ngủ dậy.
Nhỏ hai đến ba giọt nước muối vào lỗ mũi một vài lần trong ngày. Em bé của bạn có thể không thích cảm giác nhỏ thuốc vào mũi hoặc có thể hắt hơi. Điều này rất hay xảy ra, đừng lo lắng.
Thử hút mũi
Bạn cũng có thể thử hút chất nhầy ra khỏi mũi của trẻ trước khi chất nhầy có cơ hội tiếp cận và gây kích ứng cổ họng và đường thở của trẻ.
Sau khi nhỏ nước muối sinh lý, hãy lấy ống hút và bóp để đẩy không khí ra ngoài. Trong khi vẫn ấn, hãy đẩy từ 1 đến 2 cm vào lỗ mũi của trẻ, đảm bảo hướng về phía sau / bên mũi.
Thả tay để ống hút chất nhầy ra ngoài, lưu ý làm sạch trước khi lặp lại ở phía bên kia và trước khi cất. Lặp lại nếu cần thiết trong suốt cả ngày, chú ý bạn có thể làm kích ứng lỗ mũi của trẻ nếu bạn làm như vậy quá thường xuyên.
Bật máy tạo độ ẩm
Làm ẩm không khí có thể giúp trẻ dễ chịu hơn. Tất nhiên, bạn có thể mua máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho nhà trẻ của bé. Tuy nhiên, một số bác sĩ cho biết các thiết bị này có thể không cung cấp đủ độ ẩm cần thiết và khó làm sạch, do đó, hãy cẩn thận khi sử dụng.
Một giải pháp thay thế có thể áp dụng là coi phòng tắm của bạn giống như một phòng xông hơi. Bạn có thể tắm nước nóng dưới vòi hoa sen, đóng cửa phòng tắm và để độ ẩm tăng lên. Chỉ cần 10-15 phút là bạn có thể thực hiện được việc này.
Bạn cũng có thể cân nhắc việc vỗ nhẹ vào ngực và lưng của trẻ để giúp làm lỏng chất nhầy. Vỗ mạnh hơn một chút so với khi bạn cho trẻ ợ hơi.
Cho trẻ uống mật ong (áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi)
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, bạn có thể cho trẻ uống một lượng nhỏ mật ong trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa. Mật ong sẽ giúp giảm kích ứng vùng họng của trẻ. Một nghiên cứu cho thấy mật ong có thể có hiệu quả tương tự như dextromethorphan giảm ho không kê đơn.
Cho trẻ ăn từ một nửa đến một thìa cà phê mật ong. Tuy nhiên, mật ong không thích hợp cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc, mặc dù đây là tình trạng hiếm gặp.
Đỡ trẻ lên
Bạn có thể nhận thấy rằng bé ho nhiều nhất vào ban đêm. Một số chuyên gia khuyên nên kê thêm gối cho trẻ lớn để giúp nâng cao đầu và cải thiện nhịp thở.
Cảnh báo
Không sử dụng gối hoặc các dụng cụ định vị khác cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng. Thay vào đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để xem liệu việc tựa đầu vào cũi của trẻ có thể giúp trẻ ngủ hay không.
Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ cảnh báo về việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ - ghế ô tô, đệm tựa, các sản phẩm nghiêng khác - đặt trẻ nhỏ hơn ở độ nghiêng lớn hơn 10 độ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Nếu bạn lo lắng về cơn ho và tiếng thở của con mình, hãy cân nhắc ngủ chung phòng với trẻ để bạn có thể giúp con khi cần thiết.
Loại bỏ các chất gây kích ứng
Hãy thử loại bỏ bất kỳ chất kích thích nào có thể gây ra bệnh hen suyễn hoặc dị ứng trong nhà. Bao gồm khói thuốc lá, bụi, nấm mốc và bất cứ thứ gì khác mà xét nghiệm dị ứng cho thấy là nguyên nhân kích thích trẻ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng cho biết bạn nên tránh ra ngoài trời vào những ngày có chất lượng không khí kém.
Những điều có thể giúp không khí trong nhà không gây kích ứng:
- Không hút thuốc xung quanh em bé hoặc trong nhà (Thêm vào đó, khói thuốc có thể bám vào các loại vải như quần áo, vì vậy tốt nhất nên bỏ thuốc lá hoàn toàn).
- Hút bụi thảm bằng cách sử dụng máy hút với bộ lọc không khí dạng hạt hiệu quả cao
- Sử dụng máy lọc không khí trong phòng có bộ lọc không khí dạng hạt
- Giữ độ ẩm trong nhà của bạn từ 40 đến 50 phần trăm
- Không để thú cưng vào phòng ngủ
- Sử dụng vỏ nệm và vỏ gối chống chất gây dị ứng
Nguyên nhân gây ho ở trẻ em
Ho là kết quả của việc đường thở của trẻ bị kích thích hoặc bị ảnh hưởng theo một cách nào đó. Nó có thể được gây ra bởi sự tích tụ chất nhầy dư thừa liên quan đến bệnh do virus hoặc các chất kích thích từ môi trường như phấn hoa hoặc khói. Bạn có thể xem xét các triệu chứng khác của con để giúp thu hẹp nguyên nhân.
Cảm và cúm
Có hơn 200 loại virus gây cảm lạnh khác nhau mà bé có thể tiếp xúc. Đây là các nguyên nhân gây ra ngạt mũi, hắt hơi, sốt và ho. Điều trị ho tại nhà bằng cách giữ cho trẻ cảm thấy thoải mái và sử dụng thuốc không kê đơn để giải quyết sốt và đau.
Các dấu hiệu của bệnh cúm ở trẻ em bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau nhức cơ thể và đau đầu
- Viêm họng
- Ngạt mũi
- Ho khan
Trẻ cũng có thể bị đau bụng kèm theo nôn hoặc tiêu chảy. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus nếu bạn phát hiện bệnh sớm. Nếu không, hãy nghỉ ngơi, truyền nước, dùng thuốc hạ sốt không kê đơn và kiên nhẫn là điều cần thiết.
Viêm thanh khí phế quản cấp
Tiếng ho khan ở bệnh này không thể nhầm lẫn được. Bạn có thể nghĩ rằng có một con hải cẩu đang “kêu” trong cũi của con bạn.
Trong khi các triệu chứng khác rất biến đôi, con bạn có thể có:
- Sổ mũi
- Viêm thanh quản (mất giọng nói)
- Sốt
- Thở rít
Viêm thanh khí phế quản mức độ nhẹ thường có thể điều trị tại nhà. Có thể giải quyết tình trạng viêm phổi nặng bằng phương pháp hỗ trợ oxi hoặc steroid.
Viêm phổi
Cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh khác có thể tiến triển thành viêm phổi - hoặc trẻ có thể mắc bệnh này từ một đứa trẻ hoặc người lớn khác bị nhiễm một số loại bệnh nhất định. Ho có đờm, có nghĩa là nó tạo ra chất nhầy và có thể gây đau.
Trẻ cũng có thể bị sốt, mệt mỏi và nôn hoặc tiêu chảy. Điều trị bao gồm thuốc kháng sinh, uống đủ nước và nghỉ ngơi.
Bệnh ho gà
Cùng với sốt nhẹ và sổ mũi, trẻ bị ho nhẹ kèm theo ho gà. Trong giai đoạn thứ hai của bệnh, ho có thể trở nên nghiêm trọng và xuất hiện từng cơn. Tiếng ho có vẻ khô và gắt và có thể kết thúc bằng âm thanh đặc trưng.
Con bạn có thể cần dùng thuốc kháng sinh và / hoặc nhập viện để điều trị.
Bệnh hen suyễn
Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các đợt hen ở trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống. Ho dai dẳng và có thể kèm theo thở khò khè và thở gấp (lỗ mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, v.v.).
Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Thở nhanh
- Ăn/bú kém
- Li bì
- Tím
Điều trị bằng thuốc hen suyễn cụ thể.
Dị ứng
Trẻ cũng có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm hoặc hoá chất hoặc thậm chí dị ứng theo mùa. Các triệu chứng khác với những triệu chứng liên quan đến cảm lạnh và cúm ở chỗ chúng được kích hoạt khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Ho có thể là một triệu chứng dị ứng, nhưng nó không phải là một triệu chứng phổ biến như khi bị cảm lạnh. Sự khác biệt chính là dị ứng không gây sốt, đau nhức và hiếm khi gây đau họng. Nếu nghi ngờ dị ứng, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra thêm.
Trào ngược
Con của bạn có thường xuyên nôn, trớ, sụt cân, hay gắt gỏng trong hoặc sau khi bú không? Nó có thể bị trào ngược.
Ho kèm theo trào ngược thường có tính chất mạn tính do sự trào ngược của các chất và axit trong dạ dày. Một số trẻ sẽ hết trào ngược theo thời gian. Những trường hợp khác có thể cần thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác để khỏi bệnh.
Kết luận
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh trung bình 8 lần mỗi năm. Sau một thời gian, bạn sẽ là người phụ trách chính trong việc xác định điều gì giúp con bạn dễ chịu hơn khi chúng cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.
Nếu bạn lo lắng về cơn ho của con mình, hãy hẹn gặp bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán chính xác. Sau khi biết nguyên nhân, bạn có thể tìm ra các biện pháp điều trị ho tại nhà có thể giúp con bạn cảm thấy tốt hơn và giải quyết bất kỳ vấn đề y tế nào khác cần được chăm sóc chuyên môn.
Xem thêm:
- Tại sao tôi lại bị ho? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa
- Các kiểu ho khác nhau có nghĩa là gì? Và các biện pháp điều trị
- Trị ho cho trẻ: Các biện pháp tại nhà và điều trị y tế
- Trị ho cho phụ nữ mang thai: Biện pháp tại nhà và các loại thuốc có thể sử dụng
- 10 phương pháp trị ho tại nhà hiệu quả khi mang thai