Giãn dây chằng: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách xử trí

Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động, đôi khi vận động sai tư thế, hoạt động thể chất quá mức, tai nạn không mong muốn khiến cho bạn đột ngột bị đau cơ, khớp, thậm chí có thể gây hạn chế vận động kéo dài. Điều này có thể là một tình trạng giãn dây chằng bao quanh vùng khớp, hoặc nặng hơn có thể kèm theo tình trạng rạn xương, gẫy xương. Giãn dây chằng là gì? Giãn dây chằng có nguy hiểm không? Cần đi khám ngay hay nên xử trí và chăm sóc tại nhà? Bài viết sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về cách xử trí tình trạng này nhé.

Giãn dây chằng là gì?

Giãn dây chằng là tình trạng dây chằng ở các khu vực như: khớp đầu gối, cột sống, cổ, thắt lưng,… bị kéo căng quá mức nhưng không bị đứt. Dây chằng là vùng cân cơ bao quanh các khớp, giúp cố định, bảo vệ khớp và tham gia vào các động tác hoạt động của cơ thể. Nguyên nhân làm dây chằng bị giãn là do vận động sai tư thế, tai nạn hoặc va chạm mạnh trong quá trình lao động. Lúc này, vùng khớp bị tổn thương sẽ sưng to lên khiến bạn cảm thấy đau nhức. Đồng thời, việc đi lại hay vận động cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do khớp bị lỏng lẻo.

Triệu chứng của giãn dây chằng

Triệu chứng giãn dây chằng

Đau nhức: Cơn đau xuất hiện đột ngột tại vùng khớp bị tổn thương, thường là đau chói, đau tăng lên khi vận động khớp. Khi thời tiết chuyển lạnh, ẩm ướt thì đau sẽ dữ dội hơn. Đau khớp sau giãn dây chằng làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Sưng, đỏ và tím bầm:Khi dây chằng bị kéo căng quá mức thì các vùng tổn thương xung quanh dây chằng đó sẽ sưng tấy. Đồng thời, do máu tập trung lại nhiều nên vùng tổn thương sẽ bị nóng và đỏ lên. Sau một thời gian, vùng da tại đó sẽ chuyển thành tím bầm.

Khớp bị căng cứng:Khi dây chằng bị kéo căng quá mức, bạn sẽ bị căng cứng khớp. Để vận động lại bình thường thì bạn phải xoa bóp khớp vài phút. Nếu dây chằng bị đứt thì việc đi lại sẽ trở nên khó khăn do khớp xương bị lỏng lẻo.

Giãn dây chằng khớp gối 

Sưng, đau khớp gối trong giãn dây chằng khớp gối. Nguồn: Alleviate Pain ClinicSưng, đau khớp gối trong giãn dây chằng khớp gối. Nguồn: Alleviate Pain Clinic

Giãn dây chằng khớp gối nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt gây va đập trực tiếp vào đầu gối, hay chấn thương xoắn (khi chạy, đi xe máy... bị ngã bất ngờ người bệnh dùng một chân để trụ và chống đỡ dẫn đến tình trạng chấn thương xoắn).

Video Dấu hiệu chấn thương dây chằng đầu gối

Phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng cùng với các chuyên gia là điều cần thiết. Nguồn: Bolton physiotherapy clinicPhục hồi chức năng cùng với các chuyên gia là điều cần thiết. Nguồn: Bolton physiotherapy clinic

Điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân giãn dây chằng đầu gối dựa trên nguyên tắc kết hợp vật lý trị liệu với các bài tập phục hồi chức năng nhằm tăng tầm vận động khớp gối, tăng sức mạnh cơ, giúp người bệnh trở lại các vận động sinh hoạt và chơi thể thao bình thường.

Các phương thức điều trị vật lý

  • Nhiệt trị liệu: Hồng ngoại; paraffine: Tác dụng giãn cơ, tăng tuần hoàn, giảm đau, tạo thuận cho các bài tập
  • Chườm lạnh: Giai đoạn sưng nóng và sau tập
  • Sóng ngắn trị liệu: Tác dụng chống viêm, giảm phù nề, kích thích tái tạo tổ chức tổn thương
  • Điện xung trị liệu: Tác dụng giãn cơ giảm đau, gia tăng tuần hoàn; ức chế dẫn truyền đau
  • Siêu âm trị liệu: Tác dụng chống viêm (viêm gân, viêm cân cơ, viêm bao hoạt dịch...), gia tăng tuần hoàn, thúc đẩy quá trình hàn gắn tổn thương (xương, dây chằng...), chống xơ dính, cốt hóa mô mềm...

Phục hồi chức năng giãn dây chằng khớp gối

Được chia làm 04 giai đoạn:

Giai đoạn INgay sau chấn thương càng sớm càng tốt đến hết tuần thứ nhất

  • Mục đích: Giảm đau giảm sưng nề, duỗi gối hoàn toàn và gấp khớp gối được từ 0 đến 90 độ.
  • Chườm lạnh: 
  • Chườm 10 - 15 phút / lần trong mỗi 2 tiếng, trong ngày đầu tiên.
  • Giảm xuống chườm 3 lần/ ngày và 10 - 15 phút /lần trong những ngày tiếp theo tùy theo tình trạng sưng nề.
  • Không chườm đá lạnh trực tiếp lên da, phải bọc đá trong khăn bông tránh bị bỏng lạnh.

Giai đoạn IISau tuần thứ nhất đến hết tuần thứ 02

  • Mục đích: Giảm đau, giảm sung, gấp gối được hơn 90 đến 120 độ, có thể chạy bộ chậm sau 02 tuần nếu không đau khi vận động.
  • Chườm lạnh: Ngày 2 -3 lần tùy theo tình trạng sưng nề, chườm sau khi tập.

Giai đoạn III: Sau tuần thứ 02 đến tuần thứ 04

  • Mục đích: Khớp gối vận động được hết tầm vận động khớp với sức mạnh tương đương chân lành, trở lại chạy và chơi một số môn thể thao đặc thù.

Giai đoạn IVThường bắt đầu sau 04 tuần và kéo dài 3 đến 6 tuần.

  • Mục đích là để trở lại đào tạo và thi đấu.

Giãn dây chằng cổ tay

Đau và hạn chế vận động cổ tay trong giãn dây chằng cổ tay. Nguồn: HealthlineĐau và hạn chế vận động cổ tay trong giãn dây chằng cổ tay. Nguồn: Healthline

Giãn dây chằng cổ tay là chấn thương phổ biến, thường gặp ở vận động viên, người lao động nặng, mẹ hoặc người bà hay bế trẻ nhỏ. Giãn dây chằng cổ tay khi dây chằng vùng khớp cổ tay bị giãn, gây sưng và đau đột ngột vùng cổ tay.

Có 3 cấp độ giãn dây chằng cổ tay là:

  • Cấp 1: Bệnh nhân bị đau đi kèm với dây chằng bị tổn thương nhẹ;
  • Cấp 2: Bệnh nhân bị đau, dây chằng tổn thương nặng hơn, có cảm giác lỏng lẻo ở khớp và cổ tay;
  • Cấp 3: Người bệnh bị đau, dây chằng bị rách hoàn toàn, lỏng khớp nghiêm trọng, mất chức năng cổ tay.

Các chấn thương giãn dây chằng vừa và nhẹ có thể tự khỏi sau một thời gian. Để tăng tốc độ chữa lành thì bệnh nhân có thể làm theo những lưu ý sau:

  • Để cổ tay nghỉ ngơi tối thiểu 48 giờ;
  • Băng cổ tay: Nhằm mục đích giảm sưng, đau. Người bệnh có thể băng cổ tay 20 - 30 phút sau mỗi 3 - 4 giờ một lần trong vòng 2- 3 ngày hoặc cho tới khi hết đau;
  • Dùng nẹp cố định cổ tay: Thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về thời gian sử dụng nẹp
  • Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm: Paracetamol, Mobic, Alaxan.
  • Tập các bài tập căng cơ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với các trường hợp bị giãn dây chằng nặng (cấp độ III) khi dây chằng bị đứt hoàn toàn thì bệnh nhân có thể cần làm phẫu thuật để điều trị.

Giãn dây chằng thắt lưng

Đau thắt lưng đột ngột sau vận động có thể là triệu chứng của giãn dây chằng thắt lưng. Nguồn: Medical News TodayĐau thắt lưng đột ngột sau vận động có thể là triệu chứng của giãn dây chằng thắt lưng. Nguồn: Medical News Today

Khi vận động sai tư thế hoặc quá sức, dây chằng thắt lưng bị kéo giãn bất thường và bị tổn thương, được gọi là hiện tượng giãn dây chằng thắt lưng. Nguyên nhân có thể do: Tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ngã ngồi, mang vác vật nặng, sai tư thế, phụ nữ mang thai.

 Giãn dây chằng thắt lưng có hai cấp độ:

  • Đau nhẹ: Hạn chế vận động ở mức độ nhẹ, đau lưng mức độ nhẹ, có thể chịu đựng được. Dây chằng tự phục hồi sau vài ngày thì triệu chứng cũng biến mất;
  • Tổn thương nặng: Cơn đau dữ dội, hành hạ và cản trở người bệnh di chuyển. Cần điều trị kịp thời và đúng cách để tránh diễn tiến nặng hơn và dần trở thành mãn tính.

Cách sơ cứu giãn dây chằng thắt lưng:

  • Không nên cử động khi phát hiện dấu hiệu bị giãn dây chằng, tránh khiến tình trạng tổn thương trầm trọng hơn 
  • Nên chườm đá lạnh ngay sau khi bị chấn thương trong khoảng 30 phút giúp giảm đau giảm sưng. Không dán hoặc thoa cao có công dụng làm nóng vì sẽ khiến dây chằng và cơ căng thêm, khó co lại như bình thường.
  • Đi khám sớm để đánh giá tình trạng tổn thương, phát hiện tình trạng thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh.

Nguyên tắc điều trị:

  • Nghỉ ngơi tại giường: Khi bị đau thắt lưng, người bệnh nên nằm ngửa và thả lỏng cơ thể để nghỉ ngơi. Tư thế nằm thẳng, đầu, vai, mông và gót chân chạm giường. Lưu ý không nên nằm trên giường nệm quá dày và cứng để tránh đè ép cơ và mạch máu.
  • Dùng thuốc theo đơn
  • Điều trị ngoại khoa

Nếu triệu chứng đau thắt lưng đã được điều trị nội khoa tích cực lâu dài nhưng không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa, đặc biệt đối với trường hợp đau lưng dữ dội và ảnh hưởng nặng nề đến vận động, sinh hoạt.

Ngoài ra kéo giãn cột sống, đeo đai hỗ trợ vùng thắt lưng, chiếu đèn hồng ngoại hoặc điều trị điện xung, kết hợp châm cứu,...cũng là những liệu pháp bệnh nhân có thể tham khảo áp dụng trong điều trị đau lưng do giãn hoặc đứt dây chằng thắt lưng.

  • Tập phục hồi chức năng

Những động tác của bài tập yoga có tác dụng tăng độ dẻo dai, chắc khỏe cho xương khớp, cơ bắp và dây chằng. Do đó luyện tập yoga không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần, thể chất linh hoạt, mà cũng là cách phục hồi nhanh tổn thương khi bị giãn dây chằng thắt lưng.

  • Xoa bóp/ massage

Người bệnh cũng nên kết hợp với phương pháp xoa bóp, massage hai bên cột sống khoảng 30 phút/lần theo y học cổ truyền để giúp giảm đau, điều hòa khí huyết, tăng cường lưu thông máu, và giảm tắc nghẽn hiệu quả.

Tổng kết

Giãn dây chằng là tình trạng thường gặp trong sinh hoạt, đặc biệt là với người lao động, những người có yếu tố nguy cơ về các bệnh lý cơ xương khớp.

Khi gặp tình trạng đau lưng, đau khớp gối,đau cổ tay đột ngột sau chấn thương hoặc một tư thế sai, tốt nhất bạn nên đi khám sớm, nhằm loại trừ một số tình trạng tổn thương nặng hơn cần can thiệp sớm như thoát vị đĩa đệm, đứt dây chằng cổ tay, vỡ xương, gãy xương... Hãy lắng nghe cơ thể mình để quyết định xem có nên đi khám ngay hay không, thực hiện cố định khớp tổn thương, chườm đá, gọi người hỗ trợ để đưa bạn đi khám.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!