Khi chấn thương xảy ra, người bệnh có thể nghe thấy âm thanh tạo ra do xương trượt lên nhau và trật ra ngoài, đầu gối sưng, đau, hạn chế vận động. Sau chấn thương, nhiều người vẫn có thể cố gắng đi lại được, tuy nhiên đã có tổn thương đứt dây chằng chéo. Tuy nhiên việc cố gắng đi lại vận động khi đứt dây chằng sẽ làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Sự mất vững của khớp gối khiến cho mâm chày trượt ra trước so với lồi cầu đùi khiến cho sụn chêm bị kẹt giữa 2 xương và bị rách gây ra sự mất vững của khớp gối. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho sụn chêm càng ngày càng bị rách rộng, làm cho sụn khớp bị tổn thương, khiến khớp gối bị thoái hóa.
Vậy việc nhận biết các dấu hiệu có thể bạn đã bị đứt dây chằng chéo, để đi khám và điều trị sớm là điều quan trọng.
Các biểu hiện của đứt dây chằng chéo khớp gối
Video Dấu hiệu chấn thương dây chằng đầu gối
Đứt dây chằng chéo đầu gối sẽ có một số triệu chứng như:
- Khi mới bị chấn thương, người bệnh sẽ bị đau, sưng gối do chảy máu.
- Hạn chế vận động do gối đau, sưng nhưng sau khoảng một thời gian từ 2-3 tuần thì các triệu chứng này sẽ biến mất. Hiện tượng teo cơ sẽ xuất hiện. Mức độ sưng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Những dây chằng nhỏ sẽ ít bị sưng hơn. Nếu dây chằng bị xé rách hoàn toàn thì đầu gối sẽ sưng rất nhanh và rất đau.
- Gối bị lỏng do mâm chày không có gì giữ nên bị bán trật ra trước gây nên triệu chứng mất vững hoặc đau hoặc cả hai.
- Khi vết rách dây chằng nhỏ, bạn vẫn có thể đi lại được tuy nhiên không thể di chuyển đầu gối bình thường và bị suy giảm khả năng vận động nghiêm trọng. Khi thực hiện các động tác mạnh như chạy nhanh, nhảy cao, người bệnh dễ bị ngã.
- Đi lại khập khiễng do đầu gối không cố định.
- Có thể xuất hiện vết thâm ở đầu gối
- Có cảm giác chân yếu khi đi lại, hoạt động.
- Khi xuống dốc hay đi lên cầu thang, bạn sẽ cảm thấy khó khăn.
- Bạn cảm giác bị đau khi chân bị thương tiếp đất.
- Teo cơ: Do teo cơ nên bên đùi bị chấn thương sẽ nhỏ hơn so với bên lành. Bên cạnh đó, còn do người bệnh ít vận động và đau bởi khớp gối bị lỏng lẻo nên triệu chứng này thường xuất hiện muộn. Những người ít vận động như nhân viên văn phòng, học sinh... thường dễ xảy ra tình trạng teo cơ. Khi đi lại chủ yếu đè lên chân lành, dẫn đến cơ đùi ngày càng teo và chân càng yếu.
Điều trị
Khi bị chấn thương tại vùng khớp gối và có biểu hiện của đứt dây chằng, bạn cần đi khám ngay để đánh giá tình trạng tổn thương dù chân còn đi được. Khớp gối là khớp có cấu trúc phức tạp của xương, cân, cơ, dây chằng, khớp. Điều quan trọng là người bệnh cần được chẩn đoán chính xác và kịp thời để hạn chế những biến chứng do tổn thương dây chằng mang lại. Bạn chỉ có thể đánh giá được tổn thương tại khớp gối thông qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như XQ xương, siêu âm và MRI khớp gối.
Khi bạn bị đứt dây chằng chéo đầu gối, cách điều trị tốt nhất là bạn nên phẫu thuật tái tạo dây chằng bị đứt, từ 1 tuần đến 2 tháng sau khi dây chằng bị đứt là thời gian thích hợp.
Đối với trường hợp bị đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn, thực hiện phẫu thuật tạo hình dây chằng chéo trước để chức năng khớp gối được cải thiện và ngăn ngừa các tổn thương thứ phát do đứt dây chằng chéo trước gây ra.
Với trường hợp bị đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn nhưng bên còn lại không còn đủ giữ vững khớp gối cũng có thể chỉ định phẫu thuật tạo hình đứt dây chằng chéo trước.
Đặc biệt sau mổ, bạn phải tập phục hồi chức năng để giúp dây chằng mới được máu nuôi sống tốt, khỏe, đủ để giữ vững khớp gối. Nếu bạn luyện tập không đúng phương pháp, dây chằng mới sẽ bị chết.
Các biến chứng
Những người gặp chấn thương đứt dây chằng chéo có nguy cơ cao bị viêm xương khớp ở đầu gối. Viêm khớp có thể xảy ra ngay cả khi bạn phẫu thuật để tái tạo lại dây chằng.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ viêm khớp, chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của chấn thương ban đầu, sự hiện diện của các chấn thương liên quan ở khớp gối hoặc mức độ hoạt động sau khi điều trị.
Phòng ngừa
Huấn luyện và tập thể dục thích hợp có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương đứt dây chằng . Bác sĩ y học thể thao, nhà trị liệu vật lý, huấn luyện viên thể thao hoặc chuyên gia khác về y học thể thao có thể hỗ trợ, hướng dẫn và giúp bạn giảm thiểu rủi ro.
Các chương trình giảm chấn thương dây chằng chéo bao gồm:
- Các bài tập để tăng cường sức mạnh cho phần cốt lõi - bao gồm hông, xương chậu và bụng dưới - với mục tiêu huấn luyện các vận động viên tránh di chuyển đầu gối vào trong khi ngồi xổm
- Các bài tập tăng cường cơ bắp chân, đặc biệt là các bài tập gân kheo, để đảm bảo sự cân bằng tổng thể về sức mạnh cơ chân
- Huấn luyện và tập thể dục nhấn mạnh kỹ thuật và vị trí đầu gối thích hợp khi nhảy và hạ cánh từ các bước nhảy
- Huấn luyện nâng cao kỹ thuật khi thực hiện các động tác xoay và cắt
Tập luyện để tăng cường cơ bắp của chân, hông và cốt lõi - cũng như tập luyện để cải thiện kỹ thuật nhảy và tiếp đất, ngăn chặn chuyển động vào trong của đầu gối - có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương đứt dây chằng chéo cao hơn ở các vận động viên nữ.
Xem thêm: