Video: Người bị trào ngược dạ dày nên ăn gì, kiêng gì?
Tổng quan
Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay GERD bao gồm: ho, buồn nôn và khàn giọng. Các triệu chứng phổ biến hơn là: ợ hơi, đau cổ họng hoặc trào ngược thức ăn và dịch vị. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn uống hợp lý hơn, chọn các loại thực phẩm, đồ uống có lợi và tránh những loại có hại có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh. .
Các loại đồ uống đứng đầu trong danh sách nên tránh bao gồm: cà phê, coca và các loại nước hoa quả có chưa axit citric. Những loại thức uống này sẽ làm tăng các triệu chứng của GERD.
Dưới đây sẽ liệt kê các loại đồ uống có lợi giúp làm giảm các triệu chứng của GERD.
Trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc có khả năng tăng cường tiêu hoá và giải quyết một số vấn đề về dạ dày như đầy hơi hay nôn nao. Trà thảo mộc không chưa caffeine rất tốt cho tình trạng trào ngược axit dạ dày, tuy nhiên nên tránh các loại lá bạc hà, trà bạc hà vì chúng kích thích các cơn trào ngược.
Trà hoa cúc, cam thảo, cây du đỏ và cây thục quỳ là những thành phần thảo mộc có công dụng làm dịu các triệu chứng của GERD. Trong đó cam thảo có tác dụng làm tăng lớp nhầy bảo vệ niêm mạc thực quản, lớp nhầy này sẽ làm giảm ảnh hưởng của axit lên thành thực quản.
Tuy nhiên, tác dụng của các loại thảo mộc khác như tiểu hồi, rễ cây thục quỳ hoặc trà đu đủ đối với các triệu chứng của GERD vẫn chưa được chứng minh.
Cách sử dụng các loại trà được chiết suất từ thảo mộc như sau: pha 1 thìa cà phê trà với 1 cốc nước nóng, đậy nắp cốc nước, hãm lá trà hoặc hoa trà trong đó từ 5 tới 10 phút. Nếu bộ phận sử dụng trong trà là rễ của các cây thảo mộc thì thời gian hãm cần tăng lên là từ 10 tới 20 phút. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên uống từ 2 tới 4 cốc một ngày.
Tuy nhiên, có một vài loại thảo mộc có thể tương tác với một số loại thuốc mà bác sĩ có thể kê đơn cho bạn. Vì vậy cần tư vấn trước với bác sĩ về các loại thảo mộc mà bạn định sử dụng.
Sữa ít chất béo hoặc sữa gầy (sữa được loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn chất béo)
Sữa bò chứa rất nhiều chất béo và khó tiêu hoá đối với một số người. Những loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, trong đó có sữa bò nguyên béo sẽ khiến cho cơ thắt thực quản dưới giãn ra bất thường tạo điều kiện cho tình trạng trào ngược tệ hơn.
Nếu bạn bắt buộc phải sử dụng sữa bò hoặc các sản phẩm làm từ sữa bò trong khẩu phần ăn, hãy chọn loại có ít chất béo nhất có thể.
Các loại sữa có nguồn gốc thực vật
Các loại sữa có nguồn gốc thực vật là một lựa chọn hoàn hảo cho những người mắc chứng không dung nạp lactose hoặc những người bị trào ngược axit dạ dày khi dung nạp sữa và những sản phẩm từ sữa động vật. Ngày nay, có rất nhiều sự lựa chọn cho sữa có nguồn gốc thực vật như:
- Sữa đậu nành
- Sữa hạnh nhân
- Sữa hạt lanh
- Sữa hạt điều
- Sữa dừa
Trong sữa hạnh nhân có chứa thành phần gọi là alkaline, đây là một thành phần có tính kiềm với pH>7, vì vậy nó có khả năng trung hoà axit dạ dày và làm giảm triệu chứng trào ngược.
Sữa đậu nành là loại sữa chứa ít chất béo nhất trong các sản phẩm sữa. Đây là một sự lựa chọn an toàn cho những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Carrageenan là một chất phụ gia thực phẩm phổ biến trong các sản phẩm đồ uống không phải sữa, và có thể góp phần làm xuất hiện các triệu chứng bệnh liên quan tới tiêu hoá. Vì vậy, bạn nên kiểm tra bảng thành phần dinh dưỡng của thực phẩm và đồ uống trên nhãn và tránh chất phụ gia này nếu bạn đang mắc GERD.
Nước ép hoa quả
Những loại nước ép có vị chua và chứa axit citric như nước ép dứa hay nước ép táo có tính axit rất cao. Vì vậy chúng là những thức uống làm tăng triệu chứng trào ngược axit dạ dày.
Những loại nước ép quả khác có tính axit thấp hơn sẽ ít ảnh hưởng hơn tới các triệu chứng GERD. Một số ví dụ để bạn lựa chọn là:
Nước ép cà rốt
Nước ép nha đam
Nước ép bắp cải
Nước ép hoa quả tươi được làm từ các loại quả ít có tính axit như củ cải đường, dưa hấu, rau chân vịt, dưa chuột hay quả lê.
Vì những loại thức ăn và thực phẩm được chế biến từ cà chua cũng làm tăng triệu chứng trào ngược nên cũng cần tránh nước ép cà chua trong khẩu phần ăn hàng ngày để làm giảm tình trạng trào ngược.
Đồ uống xay với đá (smoothies)
“Smoothies” là một phương pháp chế biến đồ uống rất tốt cho sức khoẻ vì nó giúp cơ thể nạp thêm vitamin và chất khoáng có lợi. Chúng còn là những lựa chọn tuyệt vời, và cũng rất ngon, cho những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Khi chế biến “smoothies”, bạn cần lựa chọn nguyên liệu trái cây là những quả có tính axit thấp giống như lựa chọn với nước ép, ví dụ như quả lê hay dưa hấu. Bên cạnh đó, việc kết hợp thêm một số loại rau xanh như rau chân vịt hay cải xoăn cũng rất tốt cho sức khoẻ.
Chúng tôi xin gợi ý 2 loại smoothies tốt cho sức khoẻ, ít đường, đơn giản và dễ thực hiện, đó là: rau chân vịt với quả bơ và trà xanh với quả nho xanh.
Nước
Thỉnh thoảng, biện pháp đơn giản nhất lại là biện pháp hợp lý nhất, đó là nước. pH của hầu hết các loại nước đều bằng 7, trung tính. Vì vậy chúng có thể làm tăng pH nếu bữa ăn của bạn có tính axit cao.
Tuy nhiên, cách này cũng không thông dụng do uống quá nhiều nước có thể phá vỡ sự cân bằng của chất khoáng trong cơ thể bạn, điều này có khả năng làm tăng triệu chứng trào ngược.
Nước dừa
Nước dừa nguyên chất (không bỏ đường) cũng là một sự lựa chọn tuyêt vời cho những người có triệu chứng trào ngược axit. Đây là một loại đồ uống cung cấp nhiều các chất điện giải tốt cho cơ thể, như là kali. Các chất điện giải này giúp cân bằng độ pH trong cơ thể, là một yếu tố quan trọng để kiểm soát tình trạng trào ngược.
Những loại đồ uống nên tránh
Một vài loại đồ uống sẽ làm nặng tình trạng trào ngược axit dạ dày. Vì vậy nếu bạn mắc GERD, bạn nên tránh những loại đồ uống này. Danh sách sẽ bao gồm một số loại nước ép hoa quả, đồ uống có chứa caffeine và đồ uống có gas.
Nước ép hoa quả chua (chứa axit citric)
Các loại nước ép có vị chua thường có tính axit cao, điều này sẽ làm tình trạng trào ngược tệ hơn. Các loại nước ép đó là:
- Nước ép chanh (chanh vàng và chanh xanh)
- Nước ép cam
- Nước ép quýt
- Nước ép bưởi
Các loại hoa quả có vị chua do chúng có chứa axit citric. Tuy niêm mạc dạ dày có cấu tạo có thể chịu được các loại thức ăn và đồ uống có tính axit cao, nhưng niêm mạc thực quản thì không. Vì vậy, các loại nước ép kể trên sẽ là một yếu tố không tốt tới thực quản.
Khi mua nước ép hoa quả, bạn nên kiểm tra kỹ và tránh các loại hoa quả có tính axit, kể cả khi chúng chỉ là thành phần để tạo vị
Cà phê
Uống cà phê mỗi buổi sáng là một thói quen của rất nhiều người, tuy nhiên những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì nên bỏ thói quen này khi có thể. Cà phê có khả năng làm tăng tiết axit dịch vị dạ dày khiến chúng trào ngược lên thực quản làm tình trạng trào ngược nặng hơn, nhất là khi bạn uống một lượng lớn cà phê.
Những loại đồ uống chứa caffeine khác như soda hay trà cũng có ảnh hưởng tương tự, vì vậy bệnh nhân mắc GERD cũng cần phải tránh.
Rượu, bia
Rượu, bia gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đối với triệu chứng trào ngược axit. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào bạn uống một ly rượu vang hay một ly margarita (rượu mạnh).
Những loại rượu mạnh có nồng độ cồn cao thường có khả năng làm triệu chứng trào ngược tệ hơn nhiều hơn so với các loại rượu có nồng độ thấp (như rượu vang). Nhưng nếu bạn dùng một ly rượu vang kèm theo một bữa ăn lớn hoặc đồ ăn có tính axit cao cũng có thể ảnh hưởng không tốt với tình trạng trào ngược.
Việc sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn cũng có thể là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày- thực quản do nó làm tổn hại tới lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và niêm mạc thực quản, từ đó làm tổn thương hai loại niêm mạc này.
Trào ngược axit dạ dày ở phụ nữ có thai
Có một số trường hợp phụ nữ xuất hiện triệu chứng trào ngược axit dạ dày và ợ nóng trong thai kỳ, mặc dù họ chưa từng bị trào ngược trước khi mang thai. Trong số đó cũng có rất nhiều trường hợp không còn triệu chứng trào ngược hoặc các triệu chứng giảm rõ rệt sau khi họ sinh con. Điều này là hoàn toàn bình thường.
Bên cạnh thực hiện theo những điều đã liệt kê ở trên, cũng cần chú ý thêm một số lưu ý sau: khi uống nước, hãy uống từng ngụm nhỏ thay cho việc uống một lượng quá nhiều và quá nhanh trong cùng một lúc; theo dõi các loại thực phẩm đã sử dụng và tránh dùng các loại thực phẩm làm triệu chứng trào ngược tệ hơn. Những điều trên có thể giúp bạn ngăn ngừa các triệu chứng trào ngược trong thai kỳ.
Chăm sóc và điều trị
Nếu những thay đổi trong chế độ ăn và sinh hoạt không đủ để làm giảm các triệu chứng GERD như trào ngược dịch vị dạ dày thì nên sử dụng thuốc.
Những thuốc không cần kê đơn, có thể mua tại các nhà thuốc là:
- Thuốc kháng axit tạm thời như calcium-carbonate (Tums).
- Thuốc ức chế bơm proton (PPIs), như omeprazole (Prilosec) hoặc lansoprazole (Prevacid)
- Thuốc kháng histamin H2 (chặn kênh H2) như famotidine (Pepcid AC)
- Deglycyrrhizinated cam thảo (DGL)
Những loại thuốc cần kê đơn của bác sĩ là:
- Thuốc ức chế bơm proton loại mạnh
- Thuốc chặn kênh H2 loại mạnh.
Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, phẫu thuật là một lựa chọn nên được cân nhắc. Phẫu thuật có thể giúp tăng cường cơ thắt thực quản dưới.
Những thói quen uống có lợi cho bệnh nhân GERD
Giống như việc ăn, việc bạn uống đồ uống khi nào và uống như thế nào có thể ảnh hưởng tới các triệu chứng GERD. Những lưu ý sau có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng này:
- Tránh bỏ bữa sáng, vì điều này sẽ dẫn tới việc bạn ăn hoặc uống quá nhiều vào cuối ngày.
- Không ăn vặt vào ban đêm, bao gồm cả các đồ uống vì chúng có thể gây ra tình trạng ợ nóng. Các đồ uống bao gồm đồ uống chứa carbonate và đồ uống chứa caffeine.
- Trong và sau khi ăn, uống vài giờ nên giữ tư thế ngồi thẳng. Không ăn trước khi đi ngủ ít nhất 3 tiếng.
- Hạn chế uống rượu. Uống quá nhiều đồ uống chứa cồn có thể gây ra triệu chứng trào ngược ở một số người.
- Giảm hoặc loại bỏ hẳn các loại đồ ăn cay nóng và đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ.
- Nằm ngủ nâng cao đầu tránh trào ngược dịch vị lên thực quản trong khi ngủ nhờ tác dụng của trọng lực.
Bằng việc thực hành một thói quen uống tốt cho sức khoẻ và theo dõi phản ứng của cơ thể đối với các loại thực phẩm, bạn có thể làm giảm triệu chứng trào ngược và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xem thêm:
- Cải thiện giấc ngủ cho những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
- Ợ chua nghiêm trọng? Có thể bạn đã bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD)?
- Các loại thảo mộc và thực phẩm bổ sung giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và hen phế quản
- Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: liệu các tổn thương có thể chữa lành?