Video Đau xương cùng cụt
Tổng quát
Đau xương cụt (coccydynia) là gì?
Đau xương cụt, hay còn có tên là coccydynia, là cơn đau ở trong và xung quanh chiếc xương hình tam giác nhỏ ở dưới cùng của cột sống, ở phía trên kẽ mông.
Từ “coccyx” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “cuckoo” vì loại xương này có hình dạng giống mỏ của một con chim có đầu nhọn chỏ xuống. “Dynia” có nghĩa là “đau” nên “ccocydynia” có nghĩa dễ hiểu là “đau xương cụt”. Xương này ở người tương ứng với xương ở đuôi của động vật nên nó được gọi là “xương cụt”.
Xương cụt là gì?
Xương cụt được tạo thành từ 3 đến 5 đốt xương sống hợp nhất. Xương này nằm ở dưới cùng của cột sống và được liên kết với một số gân, cơ và dây chằng. Cả xương cụt và ống xương cùng (2 xương tạo nên đáy khung chậu) đều phải chịu sức nặng của cơ thể khi bạn ngồi xuống. 2/3 số người trưởng thành có xương cụt hơi cong lên thay vì hướng thẳng xuống. Trong một số trường hợp, xương cong lên quá mức có thể gây đau đớn.
Vì sao tôi cảm thấy đau xương cụt?
Các cơn đau có thể bắt đầu từ đau âm ỉ đến đau dữ dội và có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc lâu hơn. Có 3 lý do dẫn đến đau xương cụt:
- Chấn thương ngoài: Một cú ngã có thể khiến xương cụt bị bầm tím, gãy hoặc lệch.
- Chấn thương trong: Chấn thương gây ra do sinh đẻ khó khăn hoặc do ngồi trên bề mặt hẹp, cứng quá lâu.
- Các lý do khác: Nhiễm trùng, áp xe, khối u.
Tuy nhiên 1/3 số người bị đau xương cụt đều không rõ nguyên nhân.
Đau xương cụt có vĩnh viễn không?
Không. Đau xương cụt hiếm khi kéo dài suốt đời.
Đau xương cụt có phổ biến không?
Đau xương cụt khá phổ biến. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 lần nam giới. Người lớn và thanh thiếu niên mắc bệnh này thường xuyên hơn trẻ em. Những người béo phì dễ mắc bệnh hơn gấp 3 lần những người có cân nặng lý tưởng theo thang BMI (chỉ số khối cơ thể). Bạn cũng có thể bị chấn thương nếu giảm cân quá nhanh.
Triệu chứng và nguyên nhân đau xương cụt
Nguyên nhân gây đau xương cụt?
- Ngã
Chắc mọi người đều đã ngã ít nhất một lần. Bạn có thể bị trượt chân vì băng quá trơn, bị ngã khỏi thang hoặc bạn có thể đã ngả người quá sâu vào chiếc ghế văn phòng của mình. Một cú ngã mạnh có thể khiến xương cụt bị bầm tím, gãy hoặc trật khớp.
- Chấn thương do căng lặp lại (RSI)
Các môn thể thao như đạp xe và chèo thuyền yêu cầu bạn phải ngả người ra sau và kéo căng cột sống. Chuyển động lặp đi lặp lại quá nhiều có thể làm căng các mô xung quanh xương cụt của bạn.
- Mang thai/ Sinh con
Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, cơ thể phụ nữ sẽ tiết ra hormone làm mềm vùng giữa xương cùng và xương cụt, cho phép xương cụt di chuyển nếu cần trong quá trình sinh nở. Đây là một quá trình tự nhiên nhưng những thay đổi này có thể kéo căng các cơ và dây chằng xunh quanh xương cụt và gây đau đớn. Sức căng đối với các mô mềm đó khiến chúng không thể nâng đỡ xương cụt ở một góc chính xác.
- Béo phì
Trọng lượng cơ thể nặng sẽ tạo thêm áp lực lên xương cụt và khiến nó ngả về phía sau. Bạn sẽ cảm thấy đau xương cụt nếu nó bị lệch khỏi vị trí.
- Thiếu cân
Nếu bạn không có đủ mỡ ở mông để ngăn xương đùi cọ xát với cơ, dây chằng và gân thì sự cọ xát có thể khiến các mô mềm bị viêm.
- Ngồi
Hành động đơn giản này cũng có thể làm tăng cơn đau xương cụt, đặc biệt nếu bạn phải ngồi trên một bề mặt cứng hoặc hẹp. Hãy đứng dậy thường xuyên, vươn vai và đi vài bước. Bạn nên tìm một chỗ ngồi êm ái, thoải mái hoặc sử dụng ghế có đệm.
- Ung thư
Trong một số trường hợp siêu hiếm thì đau xương cụt có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Các triệu chứng của đau xương cụt
Các triệu chứng đau xương cụt bao gồm:
- Đau nhức hoặc đau thấu ở xương cụt
- Đau dữ dội khi đứng dậy
- Đau dữ dội khi ngồi quá lâu
- Đau khi đại tiện
- Đau khi quan hệ tình dục
Các triệu chứng khác có thể liên quan tới đau xương cụt:
- Trầm cảm
- Lo âu
- Ngủ không ngon giấc
- Đau mông
- Đau lưng
Đau xương cụt có phải dấu hiệu mang thai không?
Khi thai nhi phát triển, trọng lượng của em bé sẽ tạo áp lực lên vùng xương chậu của người mẹ và gây đau ở khu vực đó.
Đau xương cụt có thể gây đau trực tràng không?
Có. Đau xương cụt mãn tính là một trong những nguyên nhân gây ra đau trực tràng.
Kinh nguyệt có gây đau xương cụt không?
Đau xương cụt thường nặng hơn khi phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt.
Chẩn đoán và xét nghiệm đau xương cụt
Chẩn đoán đau xương cụt
Đầu tiên, sau khi nhận được bệnh sử tổng quát của bản thân, các nhân viên y tế sẽ hỏi bạn về các chấn thương bạn gặp phải gần đây như ngã hoặc sinh con. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra trực quan khu vực chấn thương để tìm kiếm dấu hiệu gãy xương, biến dạng, các khối u hoặc áp xe (nhiễm trùng).
Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán đau xương cụt
Kiểm tra các dấu hiệu gãy xương:
- Chụp X quang
- Chụp CT.
Kiểm tra dấu hiệu viêm nhiễm và u chordoma (một loại khối u ung thư hiếm gặp ở cột sống):
- Chụp MRI
- Xạ hình xương
Kiểm soát và điều trị đau xương cụt
Điều trị đau xương cụt
Hầu hết mọi người đều tự khỏi mà không cần được điều trị và 90% các trường hợp cần được điều trị chỉ cần áp dụng các biện pháp tự điều trị tại nhà:
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen để giảm đau và giảm sưng.
- Giảm thời gian ngồi. Hãy rướn người về phía trước nếu bạn phải ngồi lâu.
- Tắm nước ấm để thả lỏng gân cốt và giảm đau.
- Sử dụng đệm gel hình cái nêm hoặc đệm xương cụt (gối “bánh rán”) khi ngồi.
- Uống thuốc làm mềm phân để giảm áp lực lên xương cụt khi đi đại tiện.
- Giãn và tăng cường sức khỏe các cơ ở lưng và xương chậu.
- Chườm nóng hoặc lạnh vùng lưng dưới. Đắp không quá 20 đến 30 phút cho mỗi lần đắp và đắp một vài lần trong ngày.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
Điều trị ngoại trú cho chứng bệnh đau xương cụt bao gồm:
- Sử dụng thuốc tê và steroid dể giảm viêm và chặn thần kinh ở khu vực xương cụt.
- Điều trị mát-xa (thường chỉ giúp giảm đau tạm thời).
- Các bài tập giãn cơ và cải thiện tư thế gợi ý bởi các chuyên gia vật lý trị liệu.
- Châm cứu.
- TENS (kích ứng thần kinh dưới da bằng xung điện).
Các lựa chọn phẫu thuật:
- Cắt một phần xương cụt.
- Loại bỏ hoàn toàn xương cụt
Thời gian hồi phục sau khi phẫu thuật cắt xương cụt có thể lên đến vài tháng và thậm chí là 1 năm. Thật không may là không có gì đảm bảo rằng cơn đau sẽ biến mất ngay cả khi xương cụt đã bị loại bỏ. Hãy nhớ rằng thủ thuật này hiếm khi được áp dụng.
Một vài triệu chứng khác có thể xảy ra đồng thời với bệnh đau xương cụt như trầm cảm, lo âu và đau thần kinh tọa cũng cần được giải quyết và điều trị.
Điều trị đau xương cụt ở phụ nữ đang mang thai
Khi bạn đang mang thai, đau xương cụt là chuyện hoàn toàn bình thường. Cơn đau thường xuất hiện khi bạn ngồi trong một khoảng thời gian dài nhưng cũng có thể xảy ra khi bạn đứng lên và di chuyển. Điều này xảy ra do thai nhi càng ngày càng lớn và gây áp lực lên xương của bạn. Các nhà vật lý trị liệu khuyên bạn nên nằm nghiêng khi ngủ và ngồi trên đệm cho xương cụt. Giảm bớt áp lực lên xương cụt có thể khiến cơn đau dịu đi.
Đi bộ có giúp giảm đau xương cụt không?
Câu trả lời là có. Đứng lên và đi lại làm giảm áp lực lên xương cụt giúp giảm đau.
Tôi nên nằm ngủ như thế nào khi bị đau xương cụt?
Ngồi, lái xe, cúi người và ngủ đều có thể bị ảnh hưởng bởi đau xương cụt. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh này có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bạn. Hãy nằm nghiêng để giảm đau.
Các bác sĩ trị liệu thần kinh cột sống có giúp điều trị đau xương cụt được không?
Có. Các bác sĩ nắn chỉnh xương có thể điều chỉnh tình trạng xương cụt bị nghiêng quá xa về đằng trước hoặc đằng sau.
Phòng ngừa đau xương cụt
Làm sao để giảm nguy cơ bị đau xương cụt?
Bạn có thể làm giảm nguy cơ bị đau xương cụt bằng các cách sau:
- Tránh bị ngã. Hãy giữ sàn nhà và lối đi thông thoáng, không có nhiều đồ vật, mảnh vụn nhỏ hay dây điện lỏng lẻo. Hãy đảm bảo rằng các lối đi này đều được chiếu sáng và có tay vịn chắc chắn. Đừng vừa đi vừa lướt điện thoại.
- Tránh các hoạt động làm trầm trọng thêm các triệu chứng như đạp xe hay ngồi yên trong một khoảng thời gian dài.
Tiên lượng
Điều gì có thể xảy ra khi tôi bị đau xương cụt?
Bạn có thể cảm thấy đau đớn ở nhiều mức độ. Cơn đau sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn ngồi, đứng lên hoặc khi bạn đi tiểu hay quan hệ tình dục.
Đau xương cụt kéo dài bao lâu?
Chỉ một vài ngày hoặc vài tuần. Tình trạng này sẽ càng được rút ngắn nếu bạn áp dụng các biện pháp tự điều trị tại nhà.
Khi nào tôi có thể quay trở lại làm việc?
Đau xương cụt có thể gây khó chịu nhưng nó sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến các hoạt động hàng ngày của bạn. Nếu cơn đau quá trầm trọng thì hãy gọi điện và đặt lịch khám sức khỏe với các nhân viên y tế ngay lập tức.
Tổng quan về đau xương cụt
Bạn không bắt buộc phải sống chung với đau xương cụt. Hãy áp dụng các biện pháp tự khắc phục tại nhà và tham khảo các ý kiến của các nhân viên y tế về các lựa chọn ngoại trú.
Sống chung với bệnh đau xương cụt
Cách tự chăm sóc bản thân
Đừng ngồi quá lâu mà hãy đứng lên và đi lại vài vòng hoặc thực hiện một số động tác vươn vai. Hãy tạm ngừng đạp xe nếu đấy là hoạt động thể thao thường xuyên của bạn. Hãy nằm nghiêng khi ngủ và dành nhiều thời gian đứng dậy hơn. Các biện pháp tự khắc phục tại nhà và lời khuyên từ các nhân viên y tế có thể giúp ích cho bạn.
Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?
Hãy đi khám bác sĩ nếu cơn đau không cải thiện sau vài tuần và các biện pháp tự điều trị tại nhà không có tác dụng.
Tôi nên hỏi bác sĩ những câu gì?
- Nguyên nhân khiến tôi bị đau xương cụt là gì?
- Cơn đau này sẽ kéo dài bao lâu?
- Tôi nên sử dụng loại thuốc gì?
- Tôi nên dùng hãng gối donut nào?
- Tôi có thể áp dụng phương pháp tự điều trị tại nhà nào?
- Tôi có cần đến phẫu thuật không?
- Tôi có thể làm gì để giảm bớt cơn đau?
- Hãy gợi ý cho tôi một bác sĩ chỉnh hình
- Có chuyên gia y tế nào khác có thể hỗ trợ tôi?
Một vài lời từ Phòng khám Cleveland
Cơn đau xương cụt chỉ là tạm thời nhưng hãy uống thuốc theo đúng chỉ định, chườm đá, tắm nước nóng, sử dụng đệm donut và dành nhiều thời gian đứng dậy và đi lại hơn. Hãy đi khám bác sĩ ngay khi cơn đau xương cụt trở nên quá sức chịu đựng.
Xem thêm: