Phần lưng trên là vùng giữa cổ và đáy lồng ngực. Có 12 xương cột sống tạo nên phần lưng trên, được gọi là cột sống ngực.
Xương đầu tiên của lưng trên bắt đầu ở nền cổ và xương thứ 12 kết thúc ngay dưới lồng ngực. Đau lưng trên có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trong khu vực này.
Hầu hết mọi người mô tả đau lưng trên là cảm giác nóng rát hoặc co kéo ở một vị trí, có thể là nơi bị chấn thương hoặc căng cơ.
Nguyên nhân phổ biến của đau lưng trên
Mặc dù đau lưng trên ít gặp hơn đau lưng dưới hoặc đau cổ nhưng một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Occupational Medicine chỉ ra rằng 1/10 nam giới và 1/5 phụ nữ có thể bị đau lưng trên.
Các bác sĩ gọi đau lưng trên là đau cột sống ngực. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Suy giảm chức năng cơ và tư thế xấu
Sử dụng cơ không thường xuyên hoặc không đúng cách có thể gây đau lưng.
Mọi người có thể tập luyện để cơ bắp khỏe hơn hoặc bền hơn theo thời gian thông qua các bài tập.
Điều ngược lại cũng đúng. Con người có thể bị giảm sức mạnh cơ bắp theo thời gian do không sử dụng chúng đúng cách.
Ở một số cơ, bao gồm cả cơ lưng, quá trình thoái hóa rất dễ diễn ra nếu bạn ngồi vào bàn làm việc với tư thế không đúng quá lâu.
Theo thời gian, sự suy yếu của các cơ có thể dẫn đến đau ở khu vực đó khi chúng bị căng hoặc kích ứng.
Khi một người đứng thõng vai, áp lực từ trọng lực và chính cơ thể sẽ đẩy lên cột sống, cổ, đĩa đệm và dây chằng. Lâu dần, áp lực này có thể dẫn đến đau và các biến chứng khác.
Có thể tập luyện để cơ bắp khỏe hơn trong hầu hết các trường hợp. Quá trình này nên bắt đầu bằng việc điều chỉnh tư thế khi ngồi và nên nghỉ ngơi thường xuyên khi làm việc lâu dài, dành thời gian di chuyển và vươn vai.
Các bài tập cũng có thể cải thiện sức mạnh ở lưng. Sử dụng bàn đứng cũng có thể hữu ích.
Tuy nhiên, việc tập luyện cơ bắp đòi hỏi sự kiên nhẫn. Những người bị đau lưng trên mạn tính do cơ yếu có thể đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu để xây dựng kế hoạch luyện tập khắc phục cơn đau.
Co cơ quá mức
Co cơ lưng quá mức là một nguyên nhân phổ biến khác của đau lưng trên. Điều này thường xảy ra do lặp đi lặp lại các chuyển động giống nhau trong thời gian dài. Đây có thể là một nguyên nhân của:
- Căng cơ
- Cứng cơ
- Cơ dễ bị kích ứng
Ví dụ cổ điển về nguyên nhân này là ở một vận động viên ném bóng chày, họ thực hiện một chuyển động tương tự mỗi khi ném bóng, điều này thường có thể gây ảnh hưởng cho vai.
Các hoạt động lặp đi lặp lại khác có thể gây ra cơn đau tương tự. Ví dụ, một người nào đó phải thực hiện cùng một chuyển động cả ngày hoặc nâng vật cao quá đầu suốt cả ngày, có thể bắt đầu bị kích ứng, căng cứng hoặc căng cơ. Nó có thể chuyển thành đau mạn tính nếu bỏ qua những biểu hiện này.
Điều trị tình trạng này thường bắt đầu bằng cách cho cơ nghỉ ngơi, chườm ấm hoặc chườm đá để thúc đẩy lưu thông máu đến các mô cơ. Nên tránh các chuyển động lặp lại nếu có thể hoặc nghỉ giải lao giữa các hoạt động.
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề nghị các bài tập để tăng cường sự linh hoạt và sức mạnh cơ.
Chấn thương
Chấn thương cũng có thể dẫn đến đau lưng. Đây có thể là kết quả của các tình huống sau:
- Tai nạn ô tô
- Trượt và ngã
- Tai nạn nghề nghiệp
- Nâng không đúng tư thế
- Làm việc quá nhiều
Vết thương đôi khi rất rõ và cơn đau xuất hiện ngay sau chấn thương. Một số trường hợp khác, cơn đau có thể không phát triển ngay, có thể bị đau vào ngày hôm sau.
Các tổn thương do chấn thương có thể nghiêm trọng như gãy đốt sống, khiến một người có nguy cơ bị các biến chứng lâu dài, gồm đau mạn tính, tổn thương thần kinh và tê liệt.
Bác sĩ nên xem xét tất cả các chấn thương lưng tiềm ẩn vì việc chữa đúng cách tránh đau lâu dài là rất quan trọng.
Bác sĩ có thể giới thiệu người đó đến một nhà vật lý trị liệu để giúp các tổn thương cơ lành lại đúng cách. Các tổn thương nặng có thể phải phẫu thuật.
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm gặp nhiều hơn ở lưng dưới nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra ở lưng trên.
Đĩa đệm là mô mềm như cao su đệm giữa mỗi đốt sống. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi một mảnh mô này thoát ra ngoài và gây áp lực lên cột sống.
Ngay cả một áp lực nhỏ cũng có thể dẫn đến đau đáng kể ở giữa lưng, cũng có thể gặp các triệu chứng khác, gồm tê hoặc yếu ở cánh tay hoặc chân.
Hầu hết mọi người không cần phẫu thuật khi bị thoát vị đĩa đệm, nó sẽ phục hồi khi nghỉ ngơi hoặc bằng cách dùng thuốc chống viêm.
Dây thần kinh bị chèn ép
Đĩa đệm thoát vị có thể trượt ra ngoài và chèn ép dây thần kinh gần đó. Một dây thần kinh ở lưng giữa bị chèn ép có thể gây ra:
- Tê và đau ở tay hoặc chân
- Tiểu không tự chủ
- Yếu hoặc liệt ở chân
Khi dây thần kinh bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm thì cách điều trị cũng tương tự như điều trị thoát vị đĩa đệm. Một dây thần kinh bị chèn ép thường không cần phẫu thuật, các bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid cạnh cột sống trong một số trường hợp.
Viêm xương khớp
Nguồn gốc của đau lưng đôi khi không phải là ở các cơ mà là một vấn đề ở xương khớp.
Sụn đệm và bảo vệ xương có thể bị mài mòn khi con người già đi. Tình trạng đó gọi là viêm xương khớp. Theo Viện Lão khoa Quốc gia Hoa Kỳ, đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất ở người lớn tuổi.
Viêm xương khớp cuối cùng có thể dẫn đến sụn giữa các xương bị mài mòn hoàn toàn, khiến các xương cọ xát vào nhau. Điều này cũng có thể gây áp lực lên các dây thần kinh ở cột sống, gây tê hoặc ngứa ran ở tay và chân.
Bất cứ ai nghi ngờ mình bị viêm xương khớp nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Điều trị thường tập trung vào việc kiểm soát cơn đau và giữ cho các khớp hoạt động đúng cách.
Đau cân cơ
Cơn đau cũng có thể xuất phát từ các vấn đề ở mô liên kết của lưng được gọi là cân cơ.
Đau cân cơ có thể gặp sau chấn thương hoặc sử dụng cơ quá mức. Đau cân cơ mạn tính có thể kéo dài sau chấn thương ban đầu.
Vẫn chưa chắc chắn lý do tại sao cơn đau cân cơ vẫn tiếp tục trong một số trường hợp. Các bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp vật lý trị liệu và liệu pháp giải phóng cân cơ để giảm đau và tăng cường vận động cơ.
Nhiễm trùng cột sống
Hiếm khi nhiễm trùng có thể là nguyên nhân gây ra đau lưng trên. Áp xe ngoài màng cứng tủy sống do vi khuẩn sẽ hình thành ổ mủ giữa tủy sống và xương của cột sống.
Áp xe có thể phát triển và sưng lên, dẫn đến đau đớn. Việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng và các bác sĩ sẽ nhanh chóng điều trị áp xe cột sống để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Thuốc kháng sinh thường được chỉ định và có thể cần phẫu thuật để làm sạch áp xe và giảm nguy cơ biến chứng.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí BioMed Research International lưu ý rằng tỷ lệ tử vong có thể thay đổi từ 2 đến 25% ở những người bị áp xe ngoài màng cứng tủy sống vì chậm được chẩn đoán.
Ung thư phổi
Trong một số trường hợp rất hiếm, đau lưng có thể là do ung thư phổi.
Nghiên cứu trên tạp chí Bác sĩ Chuyên khoa về Ung thư họ đã chỉ ra rằng ung thư di căn đến xương trong khoảng 30 đến 40% ở những người bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Các nguyên nhân khác
Các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến cột sống hoặc cơ cũng có thể dẫn đến đau lưng trên. Có thể kể đến:
- Vẹo cột sống
- Đau cơ xơ hóa
- Biến dạng cột sống
- Gù lưng
Điều trị cho mỗi nguyên nhân sẽ khác nhau và sẽ có mức độ thành công cũng không giống nhau
Phòng ngừa đau lưng trên
Không thể ngăn ngừa tất cả các nguyên nhân gây đau lưng trên nhưng có một số bước đơn giản mà mọi người có thể thực hiện để tránh được một số nguyên nhân phổ biến, đó là:
- Thường xuyên nghỉ ngơi khi ngồi quá lâu và hãy nằm xuống để kéo giãn và vận động các nhóm cơ khác nhau.
- Hãy thường xuyên nghỉ ngơi khi làm việc tại bàn làm việc để kéo giãn, giúp cơ bắp thả lỏng.
- Dành vài phút để kéo căng cơ hoặc làm nóng cơ thể trước bất kỳ hoạt động nào.
- Những người nâng vật nặng nên tránh vặn người hoặc nâng bằng lưng.
- Thường xuyên mát-xa để giúp giải quyết tình trạng căng cơ.
- Làm việc với chuyên gia vật lý trị liệu để tăng cường các cơ yếu và giảm áp lực lên các khớp.
- Tránh đeo ba lô hoặc túi nặng.
- Luôn luôn có ý thức về tư thế, đi đứng và ngồi đúng cách, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ lưng nếu cần thiết.
Tổng kết
Hầu hết các trường hợp đau lưng xuất hiện do các vấn đề về lối sống, như tình trạng yếu cơ hoặc hoạt động lặp lại quá mức. Trong những trường hợp này, thay đổi lối sống, gồm tập thể dục thường xuyên và kéo giãn, có thể giúp giảm đau.
Trong trường hợp bị chấn thương hoặc đau lưng mạn tính, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu thì nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Họ có thể đề nghị các bài tập cụ thể hoặc giới thiệu bạn đến một nhà trị liệu vật lý.
Xem thêm:
- Đau lưng trong kỳ kinh: Nguyên nhân, các triệu chứng và biện pháp điều trị
- Đau ngực và đau lưng: 14 nguyên nhân thường gặp và biện pháp điều trị...
- Đau lưng kèm khó thở: Nguyên nhân, các biện pháp khắc phục tại nhà và điều trị chuyên khoa
- 5 tư thế ngủ tốt nhất để giảm đau lưng dưới
- Giảm đau lưng tại nhà bằng các biện pháp đơn giản và hiệu quả