Đau mắt cá chân: Nguyên nhân, biện pháp chăm sóc và điều trị

Đau mắt cá chân đề cập đến tình trạng đau hoặc khó chịu ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của mắt cá chân

Video: Đau mắt cá chân, nguyên nhân do đâu

Đau thường thuyên giảm khi điều trị tại nhà như nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Áp dụng lộ trình vật lý trị liệu có thể giúp bạn tăng cường sức mạnh cơ bắp và ngăn ngừa chấn thương khác. Các bác sĩ điều trị cơn đau nghiêm trọng bằng cách nẹp cố định, tiêm thuốc giảm đau hoặc phẫu thuật.

Tổng quan về đau mắt cá chân

Đau mắt cá chân là gì?

Đau mắt cá chân là tình trạng đau hoặc khó chịu (do nhiều nguyên nhân khác nhau) ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của mắt cá chân. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm chấn thương, viêm khớp và tổn thương do lão hóa. Tùy thuộc vào nguyên nhân là gì mà bạn sẽ cảm thấy đau hoặc cứng ở những phần khác nhau xung quanh mắt cá chân. Khu vực này thậm chí sưng lên và không chịu được sức nặng của cơ thể.

Thông thường, cơn đau mắt cá chân sẽ thuyên giảm khi được nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Các bác sĩ cũng có thể điều trị chấn thương hoặc viêm khớp mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương mắt cá chân hoặc khi cơn đau không cải thiện sau điều trị thông thường, thì lúc đó bệnh nhân sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật. Nếu bị chấn thương mắt cá chân hoặc phải phẫu thuật thì sau đó thực hiện vật lý trị liệu (PT) cũng là một giải pháp cũng có thể giúp bạn hồi phục. PT tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ bàn chân và mắt cá chân, từ đó sẽ giảm đau và ngăn ngừa các chấn thương trong tương lai.

Giải phẫu mắt cá chân


Mắt cá chân (nguồn: https://www.kenhub.com/)Mắt cá chân (nguồn: https://www.kenhub.com/)

Mắt cá chân là một phần của hệ thống cơ xương. Chúng nâng đỡ cơ thể, giúp bạn đứng, giữ thăng bằng và di chuyển. Khớp mắt cá linh hoạt cho phép bạn gấp, duỗi, xoay và di chuyển bàn chân từ bên này sang bên kia.

Các xương cẳng chân (xương chày và xương mác) cùng với xương sên kết hợp với nhau, được giữ cố định bởi các dây chằng và tạo thành mắt cá chân. Gân, cơ và các mô mềm khác có cấu trúc phức tạp cho phép bàn chân và mắt cá chân chuyển động linh hoạt. Nhưng cũng vì lí do này mà khu vực mắt cá đặc biệt dễ bị chấn thương.

Đau mắt cá chân phổ biến như thế nào?

Đau mắt cá chân và chấn thương mắt cá chân rất phổ biến, khả năng xảy ra cao ở những người:

  • Trên 65 tuổi.
  • Chơi thể thao hoặc thực hiện các hoạt động liên quan đến nhảy, chuyển động sang hai bên hoặc thay đổi hướng nhanh chóng.
  • Đeo đồ nặng trên người hoặc béo phì.

Nguyên nhân có thể của đau mắt cá chân

Những nguyên nhân phổ biến nhất của đau mắt cá chân là gì?

Đau ở mắt cá chân có thể do một số chấn thương và tình trạng bệnh lý gây ra. Các chấn thương phổ biến nhất gây đau mắt cá chân bao gồm:

  • Viêm bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là các túi chứa đầy chất lỏng, có chức năng đệm cho xương khi di chuyển.Viêm bao dịch xảy ra khi các túi này bị kích thích và trở nên viêm.
  • Gãy xương: Tai nạn hoặc chấn thương có thể khiến xương bị gãy. Gãy xương mắt cá chân có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của xương mắt cá. Tình trạng này gây sưng và đau mắt cá chân.
  • Đứt dây chằng : Đứt dây chằng mắt cá chân là nguyên nhân phổ biến gây đau ở khu vực này, xảy ra khi dây chằng bị giãn hoặc đứt. Đứt, giãn dây chằng hoặc trẹo mắt cá chân xảy ra khi mắt cá bị trượt mạnh ra khỏi vị trí bình thường của nó.
  • Viêm gân: Là tình trạng tổn thương mô mềm khi gân bị viêm hoặc kích ứng. Gân có nhiệm vụ kết nối cơ với xương và đôi khi chúng có khả năng bị rách (chẳng hạn như rách gân Achilles). Khi ấy sẽ cần phải phẫu thuật sửa chữa tổn thương.

Nhiều bệnh lý và tình trạng rối loạn khác nhau cũng có thể dẫn đến đau mắt cá chân:

  • Viêm khớp: Đau và cứng khớp mắt cá chân có thể là do viêm khớp mắt cá. Viêm xảy ra khi sụn (mô trong khớp có nhiệm vụ đệm cho xương) bị vỡ, khiến xương cọ xát vào nhau. Chấn thương và hoạt động quá sức có thể dẫn đến viêm khớp và bệnh này phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi. Một số loại viêm khớp ảnh hưởng đến mắt cá chân, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp.
  • Bàn chân bẹt : Chân quá bẹt (không có vòm) có thể gây sưng đau ở mắt cá chân và bàn chân. Đôi khi vòm chân của trẻ em không phát triển bình thường khi chúng lớn lên dẫn đến tình trạng này.
  • Bệnh gút:Bệnh gút (một loại viêm khớp) là hậu quả của sự tích tụ axit uric trong cơ thể. Thông thường, axit uric được đào thải ra khỏi cơ thể trong nước tiểu. Axit uric dư thừa sẽ tạo ra các tinh thể lắng đọng trong khớp. Bệnh gút ở mắt cá chân có thể rất đau.
  • Nhiễm trùng: Một số loại nhiễm trùng (bao gồm cả viêm mô tế bào) có thể gây sưng và đau khớp mắt cá chân. Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương) có thể do tụ cầu khuẩn gây ra.
Bàn chân bẹt (nguồn: https://footandanklespecialistsofcentralpa.com/)Bàn chân bẹt (nguồn: https://footandanklespecialistsofcentralpa.com/)

 Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân của đau mắt cá chân như thế nào?

Bác sĩ sẽ khám mắt cá chân và bàn chân của bạn, đồng thời kiểm tra tình trạng sưng, đau và bầm tím, tùy thuộc vào vị trí của cơn đau và liệu gần đây bạn có bị chấn thương hay không. Ngoài ra họ có thể chỉ định chụp phim X-quang, CT hoặc MRI để tạo ra hình ảnh của xương và mô mềm, giúp các bác sĩ kiểm tra được xem có bị tổn thương hay không.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng thì có thể họ sẽ chỉ định sinh thiết bằng cách lấy một mẫu mô và gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra vi khuẩn.

Chăm sóc và điều trị đau mắt cá chân

Tôi có thể làm gì để giảm đau mắt cá chân?

Hầu hết các cơn đau mắt cá chân sẽ thuyên giảm khi nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm đau mắt cá chân tại nhà. Họ có thể đề xuất liệu pháp RICE (nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao chân). Nếu bạn thấy quá đau hoặc mắt cá chân vẫn còn đau sau vài ngày chăm sóc tại nhà, hãy đi khám ngay lập tức.

Các cách giảm đau mắt cá chân tại nhà phổ biến nhất là:

  • Nghỉ ngơi: Nếu bị chấn thương như đứt hoặc giãn dây chằng, bạn nên để chân nghỉ ngơi một thời gian. Các vật dụng như nạng hoặc giày hỗ trợ đi bộ sẽ giúp bạn đi lại mà không gây áp lực lên mắt cá chân.
  • Chườm đá: Để giảm sưng, hãy chườm lạnh lên vùng đó trong vòng 15 đến 20 phút, lặp lại sau vài giờ.
  • Băng ép: Hãy hỏi bác sĩ xem có cần quấn băng thun quanh mắt cá chân để giảm viêm không. Nếu có thì cần chú ý không được quấn quá chặt.
  • Nâng cao: Nghỉ ngơi và nâng mắt cá chân cao hơn tim giúp giảm sưng. Bạn cũng có thể cố gắng kê cao chân khi ngủ vào ban đêm.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giảm đau và giảm sưng, tuy nhiên cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Giày hỗ trợ: Đi những đôi giày thoải mái cho bàn chân và mắt cá chân, tránh đi dép xỏ ngón, xăng đan và giày quá lỏng. Quan trọng hơn nữa là phải mang giày phù hợp khi chơi thể thao vì các hoạt động như bóng rổ và bóng chuyền có thể dẫn đến chấn thương mắt cá chân, đặc biệt là khi không có giày dép phù hợp.

Cách điều trị đau mắt cá chân

Hầu hết các chấn thương ở mắt cá chân đều khỏi khi thực hiện phương pháp điều trị tại nhà. Những chấn thương nặng hơn có thể phải phẫu thuật. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau bằng các phương pháp như là:

  • Nẹp và băng ép: Nẹp mắt cá chân có thể giảm đau và giữ ổn định cho khu vực này. Một số nẹp khác nhau sẽ phù hợp với từng hoạt động nhất định, vì vậy hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để dùng loại nẹp phù hợp.
  • Chọc hút dịch khớp: Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa kim vào khớp và hút dịch dư thừa ra, qua đó làm giảm đau và sưng tấy.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể giảm viêm và giảm đau mắt cá chân. Ví dụ như thuốc điều trị viêm khớp và bệnh gút có tác dụng làm giảm đau và sưng tấy đáng kể.
  • Miếng lót chỉnh hình chân: Miếng lót chỉnh hình là miếng lót vừa vặn với giày của bạn, giúp hỗ trợ và bảo vệ bàn chân bằng cách ổn định các liên kết ở khu vực này. Bạn có thể mua chúng từ cửa hàng và tùy chỉnh nó sao cho vừa với đôi chân của mình.
  • Vật lý trị liệu (PT): Áp dụng lộ trình vật lý trị liệu sẽ giúp bạn cải thiện tính linh hoạt và tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ mắt cá chân. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ thiết lập một lộ trình với các bài tập giúp giãn cơ được thiết kế dành riêng cho bạn. Hãy thực hiện các bài tập theo quy định và kéo giãn cơ thể thường xuyên.
  • Tiêm steroid: Bác sĩ sử dụng kim để tiêm thuốc chống viêm trực tiếp vào khớp. Tiêm cortisone làm giảm viêm và đau.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật mắt cá chân có thể sửa chữa các dây chằng hoặc gân bị rách. Một số phẫu thuật sẽ giúp giảm đau do viêm khớp hoặc điều chỉnh chứng bệnh chân bẹt. Ngoài ra, phẫu thuật thay khớp mắt cá chân cũng giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp mắt cá.

Làm thế nào để ngăn ngừa đau mắt cá chân?

Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa được đau tại vị trí mắt cá chân. Nhưng bạn có thể giữ cho xương, dây chằng và gân chắc khỏe bằng cách duy trì sức khỏe tốt. Để ngăn ngừa đau mắt cá chân do chấn thương, bạn nên:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Mang nặng gây áp lực dư thừa lên các khớp, bao gồm cả mắt cá chân.
  • Tăng cường các cơ khác: Giữ cho các cơ khác khỏe sẽ bổ trợ cho mắt cá chân và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Dừng lại nếu bạn cảm thấy đau: Đừng cố gắng chịu đau. Nếu một động tác hoặc hoạt động khiến bạn thấy không thoải mái, hãy nghỉ ngơi. Đi khám nếu cơn đau không thuyên giảm. Tiếp tục chịu đau tập luyện có thể khiến chấn thương trở nên nặng hơn.
  • Khởi động đúng cách: Khởi động trước khi tập thể dục. Cơ bắp và các mô mềm (như dây chằng và gân) ít bị tổn thương hơn khi chúng còn đang ấm.

Khi nào cần đi khám đau mắt cá chân

Khi nào tôi cần đi khám khi bị đau mắt cá chân?

Gọi cho bác sĩ nếu:

  • Đau mắt cá chân nặng hoặc không thuyên giảm sau hai đến ba ngày điều trị tại nhà.
  • Đau và sưng tấy cuất hiện đột ngột.
  • Khu vực mắt cá có màu đỏ, ấm khi chạm vào hoặc bạn bị sốt, vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
  • Bạn không thể đặt dồn trọng lực lên mắt cá chân của mình.

Một số lưu ý từ tác giả

Đau mắt cá chân là một triệu chứng của nhiều chấn thương và bệnh lý khác nhau. Sưng, cứng và đau có thể gây khó khăn hoặc không thể đi lại được. Hầu hết các chấn thương ở mắt cá chân sẽ thuyên giảm với các phương pháp điều trị mà bạn có thể thực hiện tại nhà, chẳng hạn như kê cao chân và nghỉ ngơi nhiều. Đau mắt cá chân thường không cần phẫu thuật. Nếu cơn đau nghiêm trọng, bạn bị sưng nhiều hoặc cơn đau không biến mất sau một vài ngày, hãy đi khám ngay. Một số phương pháp điều trị không xâm lấn có thể giúp bạn bình phục trở lại.

Câu hỏi liên quan

Một số nguyên nhân dẫn đến việc mắt cá chân bị sưng đau có thể liệt kê như: Bong gân mắt cá chân, Gout, Viêm khớp cổ chân
Xem thêm
Khi bị sưng đau mắt cá chân, nếu tình trạng này xảy ra lần đầu tiên với mức độ không quá nghiêm trọng, bạn có thể tự chăm sóc mắt cá chân tại nhà: Nghỉ ngơi, Chườm lạnh, Băng cố định,...
Xem thêm
Một số tình trạng hay bệnh lý sau cũng có thể gây sưng mắt cá chân hay phù chân như: Thừa cân, béo phì, Tĩnh mạch hoạt động kém, Có thai, Viêm khớp dạng thấp, Huyết khối ở chân, Suy tim,...
Xem thêm
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng mắt cá chân bị sưng là: Ít hoạt động thể chất, Mang thai, Suy tim, Thừa cân và béo phì,...
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Sưng đau mắt cá chân
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!