Đau đại tràng: Vị trí, nguyên nhân, chẩn đoán và biện pháp điều trị

Đại tràng là cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa. Sau khi ăn, thức ăn đi qua dạ dày rồi đến ruột non, nơi cơ thể hấp thụ phần lớn các chất dinh dưỡng. Phần dịch còn lại sau đó sẽ di chuyển vào đại tràng, tại đây cơ thể hấp thu nước và chất dinh dưỡng còn lại. Sau đó, phần chất thải cuối cùng sẽ được tạo thành phân và đào thải ra khỏi cơ thể.

Bài viết này nói về triệu chứng đau đại tràng, nguyên nhân, cách điều trị đau đại tràng.

Triệu chứng đau đại tràng

Giải phẫu đại tràng (Nguồn ảnh medicinenet.com)Giải phẫu đại tràng (Nguồn ảnh medicinenet.com)

Đại tràng dài khoảng 160cm nằm ở chu vi ổ bụng, đi lên ở bên phải, đi ngang qua trên rốn sau đó xuống bên trái tới hố chậu trái tương ứng với đại tràng sigma và cuối cùng kết thúc thấp nhất ở trực tràng. Trực tràng nối với hậu môn là nơi đào thải phân ra khỏi cơ thể.

Đại tràng co bóp (còn gọi là nhu động) để đẩy chất thải dần ra bên ngoài. Ở một đại tràng khỏe mạnh, những cơn co bóp này không gây đau đớn và mọi người hiếm khi cảm nhận thấy.

Tuy nhiên, một số tổn thương xảy ra tại đại tràng có thể gây đau. Ví dụ, khi đại tràng bị kích thích, nhiễm trùng, tắc nghẽn, các cơn co thắt mạnh có thể xảy ra. Khi đó chúng có thể gây đau và khó chịu.

Do đại tràng đi quanh chu vi của ổ bụng, một người có thể cảm thấy đau đại tràng ở một số vị trí khác nhau.

Ví dụ, một số có thể bị đau bụng nói chung, không rõ vị trí. Trong khi những người khác có thể cảm thấy đau ở một vị trí cụ thể (bên phải bụng, bên trái bụng, vùng trực, dưới rốn). Cơn đau có thể cảm thấy buốt và nhói hoặc âm ỉ.

Nguyên nhân gây đau đại tràng

Táo bón

Táo bón xảy ra khiến phân không thể ra khỏi đại tràng và trực tràng một cách dễ dàng (Nguồn ảnh markwongsurgery.com)Táo bón xảy ra khiến phân không thể ra khỏi đại tràng và trực tràng một cách dễ dàng (Nguồn ảnh markwongsurgery.com)

Khi phân quá lớn hoặc quá cứng, nó không thể ra khỏi đại tràng và trực tràng một cách dễ dàng. Điều này có thể gây đau bụng ở vị trí gần trực tràng và hậu môn. 

Đôi khi, phân cứng có thể gây rách hoặc nứt niêm mạc hậu môn, dẫn đến triệu chứng chảy máu và đau khi đi đại tiện.

Những người bị táo bón cần nhiều chất xơ hơn trong chế độ ăn uống. Một số phương pháp giúp làm mềm phân và dễ đi đại tiên hơn bao gồm:

  • Ăn trái cây và rau quả nhiều chất xơ
  • Các thực phẩm chức năng bổ sung xơ
  • Uống nhiều nước 

Một số loại thuốc cũng có thể gây táo bón. Nên báo với bác sĩ nếu tác dụng phụ này gây ảnh hưởng nhiều.

Tiêu chảy

Tiêu chảy có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác nhau như không dung nạp thức ăn, do vi rút, vi khuẩn gây ra…Tiêu chảy xảy ra khi đại tràng co bóp quá mức, gây ra đi phân lỏng hoặc nước.

Những cơn co bóp nhanh này có thể dẫn đến co thắt đại tràng làm xuất hiện cơn đau đại tràng. Phân lỏng cũng có thể gây kích ứng làm đau hậu môn.

Tiêu chảy thường chỉ xảy ra một thời gian ngắn nếu do vi rút hoặc không dung nạp thức ăn gây ra. Tuy nhiên, một số vi khuẩn và bệnh gây tiêu chảy có thể nặng và dẫn đến mất nước.

Lựa chọn điều trị cho tiêu chảy nhẹ thường là uống điện giải (để ngăn mất nước) và một chế độ ăn nhẹ. Viện Quốc gia Bệnh tiểu đường, Bệnh Tiêu hóa và Bệnh thận (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases - NIDDK) cho biết thuốc trị tiêu chảy không kê đơn có thể giúp điều trị tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, đối với trẻ em không nên sử dụng thuốc không kê đơn khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những người bị tiêu chảy kéo dài nên đến khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị đúng đắn.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome - IBS) thường có các triệu chứng ảnh hưởng đến đại tràng. IBS có thể gây đau dạ dày và đau quặn thắt ở đại tràng, thường xuất hiện vào xung quanh khoảng thời gian đi đại tiện.

IBS cũng có thể gây ra các triệu chứng:

  • Chướng bụng đầy hơi
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Có nhầy trong phân

Các chuyên gia hiện này vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra IBS. Tuy nhiên, có thể có mối liên hệ giữa IBS và sự tăng nhạy cảm của ruột hoặc hệ thống miễn dịch.

Một số lựa chọn điều trị hội chứng ruột kích thích bao gồm:

  • Ăn nhiều chất xơ
  • Tránh thực phẩm có gluten
  • Tuân theo chế độ ăn ít FODMAP (fermentable oligosaccharides, disaccharides, monosaccharides and polyols: đường đa có thể lên men, đường đôi, đường đơn và chất tạo ngọt thay thế).
  • Sử dụng các liệu pháp giúp giảm căng thẳng

Một số loại thuốc không kê đơn và kê đơn cũng có thể được dùng, tùy thuộc vào các triệu chứng của mỗi người.

Một số phương pháp điều trị IBS (Nguồn ảnh gi.md)Một số phương pháp điều trị IBS (Nguồn ảnh gi.md)

Bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa (Nguồn ảnh healthline.com)Bệnh túi thừa (Nguồn ảnh healthline.com)

Bệnh túi thừa là một tình trạng đại tràng hình thành các túi phình trên thành của nó. Tỉ lệ mắc bệnh lên đến 35% người trưởng thành dưới 50 tuổi ở Mỹ và gần 60% những người trên 60 tuổi (theo NIDDK).

Nếu túi thừa này bị viêm, nó có thể gây đau, chảy máu và các triệu chứng khác. Đây còn được gọi là bệnh viêm túi thừa đại tràng.

Viêm túi thừa gây đau đại tràng, kèm một số triệu chứng khác như:

  • Tiêu chảy hoặc đại tiên phân lỏng
  • Đau co thắt bụng dưới
  • Máu trong phân
  • Sốt
  • Nôn, buồn nôn

Mọi người có thể giảm nguy cơ phát triển túi thừa và bệnh viêm túi thừa bằng cách đi đại tiện đều đặn. Để duy trì được điều này bạn nên áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ, tập thể dục thường xuyên và giữ đủ nước.

Những người có các triệu chứng viêm túi thừa đại tràng nên đi khám. Một số trường hợp ít gặp, viêm túi thừa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Viêm đại tràng

Viêm đại tràng đề cập đến một nhóm các tình trạng gây viêm trong thành đại tràng:

  • Viêm loét đại tràng: là một loại bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease - IBD). Nó được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính của đại tràng với các vết loét và phù nề.
  • Bệnh Crohn: là một loại bệnh viêm ruột IBD khác. Nó đặc trưng bởi tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiêu hóa. Trong khi đó, viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng đến đại tràng.
  • Viêm đại tràng nhiễm trùng: nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng làm kích ứng và phù nề đại tràng.
  • Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: do giảm lưu lượng máu đến đại tràng, có thể gây đau.
  • Viêm đại tràng do tia xạ.

Điều trị ung thư bằng xạ trị đôi khi cũng gây ra viêm và tổn thương đại tràng.

  • Viêm đại tràng vi thể: tình trạng viêm chỉ có thể nhìn thấy khi kiểm tra bằng kính hiển vi đối với các mẫu mô của đại tràng. Bệnh gây ra triệu chứng đi ngoài phân lỏng nhưng thường ít nghiêm trọng hơn các nguyên nhân viêm khác.

Viêm đại tràng có thể gây đau ở đại tràng và một số triệu chứng có thể đi kèm bao gồm:

  • Đi ngoài ra máu
  • Mót rặn
  • Sốt
  • Sút cân
  • Mệt mỏi
  • Thiếu các chất dinh dưỡng
  • Chất nhầy trong phân
  • Tiêu chảy hoặc táo bón

Một số người bệnh có thể cần thuốc, dịch truyền tĩnh mạch hoặc kháng sinh để điều trị viêm đại tràng. Viêm đại tràng nặng đôi khi cần phải phẫu thuật.

Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại tràng (Nguồn ảnh www.medicinenet.com)Ung thư đại tràng (Nguồn ảnh www.medicinenet.com)

Ung thư có thể xảy ra ở đại tràng hoặc trực tràng. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 5 gây tử vong liên quan đến ung thư của nam giới và phụ nữ nói chung ở Việt Nam.

Điều quan trọng cần lưu ý là nhiều người bị ung thư đại trực tràng không có các triệu chứng ngay lập tức.

Những người bị đau đại tràng nên khám bác sĩ để được tư vấn về các xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng, đặc biệt nếu họ thuộc nhóm nguy cơ cao có thể mắc bệnh.

Nội soi là cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng có thể gây đau bụng ở quanh đại tràng, với một số triệu chứng khác kèm theo như:

  • Thay đổi nhu động ruột gây táo bón hoặc tiêu chảy
  • Máu đỏ tươi trong phân
  • Mót rặn, nhưng sau đi đại tiện không làm giảm bớt triệu chứng
  • Phân sẫm màu
  • Mệt mỏi
  • Gầy sút cân

Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và thuốc đi kèm.

Chẩn đoán đau đại tràng

Soi đại tràng chẩn đoán nguyên nhân gây đau ( Nguồn ảnh ucihealth.org)Soi đại tràng chẩn đoán nguyên nhân gây đau ( Nguồn ảnh ucihealth.org)

 Đau đại tràng có nhiều nguyên nhân, vì vậy không có xét nghiệm hoặc phương pháp thăm khám duy nhất để chẩn đoán xác định.

Bác sĩ có thể bước đầu đề nghị thay đổi chế độ ăn đối với các triệu chứng nhẹ. Người bệnh cũng có thể được thực hiện các thủ thuật thăm khám đại tràng, chẳng hạn như nội soi đại tràng. Đôi khi, người bệnh cũng có thể phải xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, chụp cắt lớp vi tính.

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh trước khi đề xuất các xét nghiệm khác.

Điều trị đau đại tràng 

Điều trị triệu chứng đau đại tràng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Sau khi người bệnh được chẩn đoán xác định, bước đầu có thể cần thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống, chẳng hạn như:

  • Ăn nhiều xơ hơn
  • Tránh thực phẩm gây kích thích đại tràng
  • Bỏ hút thuốc

Người bệnh cũng có thể cần điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc các thủ thuật.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Thăm khám chuyên khoa tìm nguyên nhân đau đại tràng (Nguồn ảnh: https://www.onhealth.com)Thăm khám chuyên khoa tìm nguyên nhân đau đại tràng (Nguồn ảnh: https://www.onhealth.com)

Những người bị đau đại tràng nên đi khám bác sĩ nếu cơn đau hoặc triệu chứng bất thường kéo dài hơn một vài ngày.

Hầu hết các cơn đau đại tràng là do rối loạn tiêu hóa tạm thời. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như IBD hoặc ung thư đại tràng.

Tổng kết

Đau đại tràng không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp, một số thực phẩm hoặc thậm chí căng thẳng đều có thể gây ra vấn đề tiêu hóa và cuối cùng sẽ tự biến mất.

Tuy nhiên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi bị đau đại tràng liên tục hoặc bất kỳ vấn đề tiêu hóa nào khác để xác định nguyên nhân và liệu có cần điều trị hay không.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!