Chụp quá trình làm rỗng dạ dày là gì?
Quy trình này ứng dụng y học hạt nhân để xác định khả năng làm rỗng dạ dày. Nó khác với chụp Xquang thường quy vì nó sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ để phát ra năng lượng photon. Năng lượng được phát hiện bởi một máy quét gamma, máy quét này sẽ tạo ra hình ảnh được vi tính hóa.
Mục đích của chụp quá trình làm rỗng dạ dày
Chụp quá trình làm rỗng dạ dày thường được sử dụng để chẩn đoán liệt dạ dày, một bệnh lý mà trong đó các cơ của dạ dày hoạt động không bình thường. Tình trạng này làm trì hoãn việc đưa thức ăn đến ruột non.
Bác sĩ có thể chỉ định chụp quá trình làm rỗng dạ dày nếu bạn thường xuyên bị nôn mửa, cảm thấy chướng bụng sau khi ăn hoặc đau bụng. Các triệu chứng phổ biến khác của liệt dạ dày bao gồm:
- Sút cân
- Thay đổi chỉ số đường máu
- Mất nước nghiêm trọng
- Viêm thực quản
- Suy dinh dưỡng do không hấp thu được
Các triệu chứng này có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. Chụp quá trình làm rỗng dạ dày có thể giúp chẩn đoán bệnh liệt dạ dày hoặc rối loạn nhu động khác.
Những yêu cầu của chụp quá trình làm rỗng dạ dày
Chụp quá trình làm rỗng dạ dày được thực hiện tại bệnh viện bởi các bác sĩ thuộc chuyên ngành y học hạt nhân hoặc chẩn đoán hình ảnh.
Trước khi chụp, bạn sẽ ăn thức ăn đặc (thường là trứng chưng), thức ăn lỏng và một lượng nhỏ chất phóng xạ không vị. Chất phóng xạ cho phép máy quét theo dõi thức ăn trong quá trình tiêu hóa.
Sau đó, bạn sẽ nằm trên bàn trong khi máy quét chụp ảnh. Trong khoảng thời gian từ ba đến năm giờ, máy quét sẽ thực hiện bốn đến sáu lần quét kéo dài khoảng một phút mỗi lần. Một số bệnh viện sử dụng máy quét gamma với tư thế đứng. Điều quan trọng với cả hai cách là phải giữ nguyên tư thế trong quá trình quét.
Chụp quá trình làm rỗng dạ dày ở trẻ em
Các triệu chứng liệt dạ dày ở trẻ em tương tự như ở người lớn. Đưa trẻ đi khám nếu trẻ gặp bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên.
Quy trình chụp dành cho trẻ lớn giống với quy trình của người trưởng thành. Nếu là trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, trẻ sẽ được ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức có chứa chất phóng xạ, đây được gọi là xét nghiệm “quét sữa” hoặc “quét chất lỏng”. Trong trường hợp này, bạn có thể được hướng dẫn mang sữa công thức hoặc sữa riêng từ nhà để đảm bảo trẻ không bị dị ứng.
Chất phóng xạ an toàn cho trẻ cũng như cho người trưởng thành. Quá trình “quét sữa” thường mất khoảng ba giờ đối với trẻ em. Trong trường hợp “quét chất lỏng”, máy quét sẽ chụp ảnh liên tục trong khoảng một giờ. Điều quan trọng là trẻ phải giữ nguyên tư thế trong suốt quá trình chụp. Hãy chắc chắn rằng trẻ tích cực hoặc ngồi yên trước và trong khi chụp để quá trình diễn ra suôn sẻ. Những điều sau đây có thể giúp trẻ thoải mái:
- Âm nhạc
- Đồ chơi
- Phim
- Sách
- Gối ôm
Nguy cơ của chụp quá trình làm rỗng dạ dày
Bạn sẽ bị phơi nhiễm một lượng nhỏ bức xạ từ chất phóng xạ trong thức ăn trước khi chụp. Điều này không được coi là nguy hiểm trừ khi bạn đang cho con bú, đang mang thai hoặc dự định có thai. Nếu bạn thuộc đối tượng trên, hãy nói cho bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm.
Chuẩn bị cho chụp quá trình làm rỗng dạ dày
Ngoài thức ăn có chứa chất phóng xạ, bạn không nên ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng bốn đến sáu giờ trước khi chụp. Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, hãy mang theo thuốc hoặc insulin để đề phòng trường hợp bác sĩ yêu cầu bạn dùng thuốc khi xét nghiệm.
Bạn nên mang theo sách hoặc âm nhạc để thư giãn. Cha mẹ có thể mang theo đồ chơi hoặc núm vú giả yêu thích của trẻ.
Hãy cho kỹ thuật viên biết nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào. Tất cả các loại thuốc sau đây đều có thể ảnh hưởng đến tốc độ làm rỗng dạ dày:
- Thuốc hỗ trợ nhu động ruột (prokinetic) gây tăng tốc độ làm rỗng dạ dày
- Thuốc chống co thắt (antispasmodic) gây chậm tốc độ làm rỗng dạ dày
- Thuốc phiện, chẳng hạn như codein, Norco, Percocet và oxycontin
Các bệnh lý như bệnh tiểu đường hoặc hạ đường huyết, có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm. Ngoài ra, hormon cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nên hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang ở nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.
Các xét nghiệm thay thế
Bác sĩ cũng có thể sử dụng các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh liệt dạ dày, bao gồm:
- Xét nghiệm hơi thở (breath test): bạn sẽ ăn thức ăn có chứa một loại carbon xác định, sau đó cung cấp các mẫu hơi thở vài giờ một lần để bác sĩ có thể phân tích thành phần của hơi thở.
- Xét nghiệm Smartpill: bạn sẽ nuốt một viên nang điện tử, nó sẽ di chuyển qua đường tiêu hóa và gửi dữ liệu đến nguồn thu mà bạn đeo bên cạnh trong suốt quá trình xét nghiệm.
- Siêu âm: đánh giá tình trạng đường tiêu hóa và phát hiện các tổn thương khác ngoài bệnh liệt dạ dày mà có thể gây ra các triệu chứng.
- Nội soi đường tiêu hóa trên: sử dụng ống nội soi để xem thực quản, dạ dày và tá tràng để chẩn đoán các bệnh lý dạ dày hoặc tắc nghẽn.
- Chụp dạ dày ruột hàng loạt: bạn sẽ uống barit (rất dễ phát hiện trên phim chụp X-quang) và chụp một loạt hình X-quang ổ bụng.
Hãy hỏi bác sĩ về những xét nghiệm thay thế này nếu bạn lo lắng về xét nghiệm chụp quá trình làm rỗng dạ dày.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi chụp quá trình làm rỗng dạ dày
Xét nghiệm thường có kết quả trong vòng vài ngày sau khi chụp.
Bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc như metoclopramide (Reglan), erythromycin hoặc thuốc chống nôn để điều trị bệnh liệt dạ dày và các triệu chứng của bệnh. Bác sĩ cũng có thể chỉ định kích thích điện dạ dày. Trong thủ thuật này, một thiết bị nhỏ gọi là máy kích thích thần kinh dạ dày sẽ được đưa vào bụng nhờ phẫu thuật để kích thích các cơ dạ dày. Thủ thuật này thường chỉ được chỉ định khi không đáp ứng với thuốc.
Một số trường hợp nghiêm trọng hiếm gặp có thể phải phẫu thuật mở thông hỗng tràng. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ luồn một ống dẫn thức ăn qua bụng vào hỗng tràng (là một phần của ruột non). Thủ thuật này chỉ được thực hiện nếu bệnh liệt dạ dày nghiêm trọng và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Trong hầu hết các trường hợp, chẩn đoán và điều trị bệnh liệt dạ dày trước khi bất kỳ triệu chứng chính nào xảy ra đều sẽ có kết quả tốt hơn.
Xem thêm:
- Dấu hiệu nhận biết polyp dạ dày & thời điểm cần đi khám
- Những điều cần biết về tăng axit dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Hội chứng Zollinger-Ellison: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Những điều cần biết về bệnh polyp dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Chế độ ăn uống & bệnh polyp dạ dày