Hội chứng Zollinger-Ellison: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Hội chứng Zollinger-Ellison là một rối loạn hiếm gặp, thường xảy ra khi một khối u gọi là gastrinoma phát triển trong tụy hoặc tá tràng.

Video hội chứng Zollinger-Ellison  

Gastrinoma tiết ra một loại hormon gọi là gastrin, dẫn đến sản xuất quá mức axit trong dạ dày.

Các gastrinoma gây ra hội chứng Zollinger-Ellison có thể bắt nguồn từ tuyến tụy hoặc ít hơn là từ ruột non. Đôi khi chúng xuất phát từ các cơ quan khác trong cơ thể, ví dụ như các hạch bạch huyết, dạ dày, gan và buồng trứng. 

Theo Viện Quốc gia về Bệnh đái tháo đường, Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK), hội chứng Zollinger-Ellison rất hiếm gặp. Cứ khoảng một triệu người thì có một người mắc hội chứng này, phổ biến nhất ở nam giới từ 30 đến 50 tuổi. 

Khi mắc hội chứng Zolllinger-Ellison, bệnh nhân sẽ có khả năng bị loét nghiêm trọng và dễ tái phát ở thực quản, dạ dày, tá tràng và hỗng tràng, là những phần trên của ruột non. Các vết loét hình thành do lượng axit dư thừa. 

Triệu chứng hội chứng Zollinger-Ellison

Nguồn ảnh : https://creativemeddoses.comNguồn ảnh : https://creativemeddoses.comHầu hết những người mắc hội chứng Zollinger-Ellison đều có nhiều khối u trong hệ nội tiết, cũng như các khối u trong tuyến tụy. 

Các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như của loét dạ dày tá tràng và bao gồm:

  • Khó chịu ở bụng trên
  • Cảm giác nóng và đau ở vùng bụng trên
  • Tiêu chảy
  • Xuất huyết đường tiêu hóa
  • Mệt mỏi
  • Phân đen, "hắc ín", do xuất huyết đường tiêu hóa
  • Buồn nôn
  • Sụt cân
  • Chán ăn hoặc nhanh no
  • Nôn  

Một số người sẽ bị ợ chua, hoặc trào ngược dạ dày thực quản, khi axit dịch vị và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản, đây là vấn đề nghiêm trọng. 

Nguyên nhân hội chứng Zollinger-Ellison

Hiện nay, nguyên nhân gây ra hội chứng Zollinger-Ellison hoặc các khối gastrinoma vẫn chưa được tìm ra. 

Các khối gastrinoma tiết ra quá nhiều gastrin, dẫn đến quá nhiều axit dịch vị trong dạ dày và tá tràng. Theo thời gian, lượng axit dư thừa này gây ra loét dạ dày tá tràng hình thành trong niêm mạc tá tràng. Từ đó dẫn đến nhiều vết loét gây đau hoặc xuất huyết đường tiêu hóa trên. 

Ngoài việc gây ra sản xuất dư thừa axit, các gastrinoma có thể là ác tính hoặc ung thư. Ung thư có thể lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể, phổ biến nhất là đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc gan. 

Hầu hết mọi người mắc hội chứng Zollinger-Ellison mà không có lý do rõ ràng. Tuy nhiên, một tình trạng di truyền được gọi là u đa tuyến nội tiết loại 1 (MEN1) là nguyên nhân của 25 đến 30 phần trăm các trường hợp. 

MEN1 cũng gây ra nhiều bệnh ung thư nội tiết. 

Một người có 50% nguy cơ phát triển hội chứng Zollinger-Ellison khi có cha hoặc mẹ mắc hội chứng này. 

Một người có thể có nguy cơ mắc ung thư biểu mô dạ dày nếu họ có nhiều thành viên trong gia đình bị ung thư nội tiết hoặc nếu họ có một thành viên gia đình mắc MEN1. 

Chẩn đoán hội chứng Zollinger-Ellison

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh và chỉ định một số xét nghiệm. 

Xét nghiệm máu

Mức độ cao của gastrin trong máu có thể cho thấy một người có khối u trong tuyến tụy hoặc tá tràng. 

Trước khi làm xét nghiệm máu, nên:

  • Nhịn ăn
  • Tránh dùng thuốc giảm axit trong thời gian mà bác sĩ sẽ chỉ định 

Họ có thể cần phải lặp lại xét nghiệm máu ít nhất ba lần, vì nồng độ gastrin có thể dao động. 

Mức độ axit trong dạ dày

Những người bị viêm dạ dày mạn tính và những người vừa phẫu thuật dạ dày có thể có lượng gastrin trong máu cao, ngay cả khi dạ dày không tiết ra nhiều axit. 

Điều cần thiết là bác sĩ phải xác định lý do tại sao người đó có nồng độ gastrin cao, để tìm ra phương pháp điều trị chính xác. Họ có thể kiểm tra độ acid của dạ dày. 

Nếu nồng độ axit trong dạ dày không cao, thì rất ít khả năng người đó mắc hội chứng Zollinger-Ellison. 

Nếu dạ dày sản xuất quá nhiều axit, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm kích thích tiết secretin. Điều này liên quan đến việc đo nồng độ gastrin, tiêm hormon secretin và đo lại nồng độ gastrin. 

Nếu nồng độ gastrin tăng lên, điều này cho thấy đang có hội chứng Zollinger-Ellison  

Nội soi đường tiêu hóa trên 

Nội soi đường tiêu hóa trên bao gồm việc bác sĩ đưa một ống nội soi vào miệng của người bệnh, xuống thực quản và vào dạ dày và tá tràng để tìm vết loét. 

Ống nội soi là một ống dài, mỏng có ánh sáng và máy quay video ở đầu cho phép bác sĩ xem những gì đang diễn ra trong các bộ phận cụ thể của cơ thể. 

Các tên khác của thủ thuật này:

  • Nội soi trên
  • Nội soi đường tiêu hóa trên
  • Nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng (EGD) 

Bác sĩ cũng có thể lấy sinh thiết hoặc mẫu mô từ tá tràng để xét nghiệm các khối u sản xuất gastrin. 

Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nhịn ăn trong một thời gian cụ thể trước khi thực hiện thủ thuật này. 

Chẩn đoán hình ảnh khác

Bác sĩ có thể xác định vị trí các khối u bằng cách sử dụng:

  • Quét hạt nhân
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Siêu âm 

Trong siêu âm nội soi, bác sĩ đưa một ống nội soi có thiết bị siêu âm vào bên trong cơ thể. Điều này cho phép họ nhìn thấy bên trong dạ dày và tá tràng. 

Siêu âm bên trong giúp xác định chính xác khối u và lấy mẫu mô. Người bệnh phải nhịn ăn một thời gian trước khi làm thủ thuật này. 

Chụp mạch có thể giúp tìm các khối u trong tuyến tụy. Bác sĩ đưa một ống thông, là một ống mềm, vào các động mạch gần tuyến tụy. 

Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào mạch máu qua ống thông. Thuốc nhuộm hiển thị trên hình ảnh X-quang, làm nổi bật các mạch máu. Chúng có xu hướng dày đặc hơn bên trong các khối u. 

Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison

Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison tập trung vào các khối u và vết loét. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau 

Bác sĩ thường sẽ điều trị các khối u trước. 

Ngăn chặn sự phát triển của khối u

Các lựa chọn điều trị để ngăn chặn sự phát triển của khối u có thể bao gồm:

  • Hóa trị, để làm chậm tốc độ phát triển của khối u
  • Loại bỏ gastrinoma từ gan có thể ngăn chặn các khối u khác phát triển trong gan
  • Gây tắc mạch hoặc cắt nguồn cung cấp máu cho khối u
  • Tiêm thuốc trực tiếp vào khối u

Giảm sản xuất gastrin

Bác sĩ cũng có thể sử dụng một loại thuốc hormon gọi là octreotide để kiểm soát các triệu chứng. Octreotide là một loại thuốc có thể làm giảm sản xuất gastrin.

Giảm nồng độ axit

Dòng điều trị đầu tiên để xử lý axit dư thừa là thuốc ức chế bơm proton (PPI). Đây là một loại thuốc giúp kiểm soát việc sản xuất axit dư thừa. PPI làm giảm axit bằng cách ngăn chặn hoạt động của các máy bơm nhỏ bên trong các tế bào tiết axit.

Ví dụ về PPI bao gồm:

  • Esomeprazole (Nexium)
  • Omeprazole (Prilosec)
  • Lansoprazole (Prevacid)
  • Pantoprazole (Protonix)
  • Rabeprazole (Aciphex) 

Những người mắc hội chứng Zollinger-Ellison mạn tính có thể sử dụng viên nén giải phóng chậm pantoprazole như một lựa chọn điều trị lâu dài. 

Nếu nồng độ axit trong dạ dày giảm xuống, các vết loét dạ dày tá tràng có cơ hội chữa lành tốt hơn và sẽ có ít triệu chứng của hội chứng Zollinger-Ellison hơn. 

Phẫu thuật

Các khối u có thể khó loại bỏ vì chúng có xu hướng nhỏ và khó tìm. Phẫu thuật viên có thể loại bỏ một khối u nhưng không thể tiến hành phẫu thuật nếu có nhiều khối u hoặc nếu chúng đã di căn khắp gan. 

Theo Tổ chức về Rối loạn Hiếm gặp (NORD), cắt bỏ thành công một khối gastrinoma xảy ra ở khoảng 20-30% trường hợp. 

Nếu một người bị loét dạ dày tá tràng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để: 

  • Khâu bất kỳ tổn thương hoặc thủng nào đã xảy ra, ví dụ, ở thành dạ dày hoặc tá tràng
  • Để loại bỏ tắc nghẽn do loét
  • Để cầm máu

Trong một số trường hợp hiếm và nghiêm trọng, phẫu thuật viên có thể cắt bỏ dạ dày. 

Phòng bệnh hội chứng Zollinger-Ellison

Hầu hết các trường hợp hội chứng Zollinger-Ellison thường xảy ra đơn độc. Điều này có nghĩa là nó không xuất phát từ một tình trạng bệnh lý khác, và cũng không thể dự đoán ai sẽ mắc bệnh này hoặc có cách phòng tránh nó. 

Tuy nhiên, nếu tiền sử gia đình có đột biến gen MEN1, bác sĩ có thể đề nghị một người làm xét nghiệm dự đoán ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào. 

Ở tuổi 20, một người mang đột biến gen MEN1 có 50% khả năng mắc các triệu chứng. Ở tuổi 40, cơ hội phát triển các triệu chứng tăng lên 95%, theo Trung tâm Thông tin về Bệnh Hiếm và Di truyền (GARD). 

Nếu một người không xuất hiện các triệu chứng trước 40 tuổi, rất có khả năng họ không bị đột biến MEN1. 

Cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển hội chứng này. 

Hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào?

Dạ dày, tá tràng và tuyến tụy là thành phần của hệ tiêu hóa. Dạ dày và tuyến tụy tiết ra gastrin kích thích sản xuất axit dịch vị và các dịch tiêu hóa khác giúp phân cắt thức ăn.

Gastrin di chuyển trong máu và báo hiệu cho các tế bào dạ dày khác để giải phóng axit dịch vị giúp phân cắt thức ăn.

Thức ăn di chuyển vào tá tràng, phần đầu tiên của ruột non. Ở đó, dịch tiết sẽ cắt nhỏ thức ăn hơn nữa. Ruột non là cơ quan hình ống nằm giữa dạ dày và ruột già.

Ở hệ tiêu hóa khỏe mạnh, các tế bào dạ dày kiểm soát lượng gastrin được sản xuất. Điều này ngăn chặn lượng axit dạ dày hình thành quá mức.

Trong hội chứng Zollinger-Ellison, có sự mất cân bằng, bởi vì các khối gastrinoma sản xuất nhiều gastrin.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!