Hướng dẫn kỹ thuật chườm nóng
Bạn có thể chườm ấm trong một số tình huống sau:
- Đau cơ bắp
- Tắc nghẽn xoang
- Các vấn đề về mắt, chẳng hạn như lẹo mắt
- Nhiễm trùng tai
- Đau bụng kinh
- Nhọt và mụn nang
Có hai loại chườm ấm chính:
- Chườm ấm ẩm. Là sử dụng một chất lỏng ấm để chườm. Một ví dụ về cách chườm ấm ẩm là chườm bằng khăn được ngâm trong nước nóng.
- Chườm ấm khô. Loại này sử dụng vật dụng khô để chườm. Ví dụ như một chai nước nóng bằng cao su hoặc một tấm sưởi.
Đọc tiếp để biết cách thực hiện cả hai phương pháp trên và khi nào cần sử dụng.
Chườm ấm khô hay chườm ấm ẩm?
Cả chườm ấm khô và ẩm đều truyền nhiệt cho vùng bị tổn thương. Nhưng nhiệt ẩm thường hiệu quả hơn nhiệt khô, đặc biệt là đối với đau mô cơ ở sâu.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2013 phát hiện ra rằng nhiệt ẩm giúp giảm đau cơ trong một phần tư thời gian so với chườm bằng nhiệt khô để đem lại tác dụng tương tự. Nhiệt ẩm có thể được sử dụng để điều trị đau đầu do xoang, và đau nhức cơ.
Nhưng nếu bạn không ở nhà, hoặc cần vật dụng tiện lợi và không cần làm sạch, thì một miếng gạc khô có thể là một lựa chọn tốt.
Cách làm với một miếng gạc ấm ẩm
Bạn có thể dễ dàng chườm ấm ẩm tại nhà theo một số cách.
- Phương pháp một
Chuẩn bị một chiếc khăn nhỏ và một chiếc bát lớn, sau đó thực hiện các bước sau:
- Đổ đầy nước vào bát khi sờ vào có cảm giác nóng nhưng không gây bỏng.
- Nhúng khăn vào nước nóng, vắt bớt nước.
- Gấp khăn thành hình vuông và chườm lên vùng bị đau.
- Giữ khăn trên da tối đa 20 phút mỗi lần.
- Phương pháp hai
Nếu có điều kiện sử dụng lò vi sóng, bạn cũng có thể thử làm tấm chườm của riêng mình. Chỉ cần lấy thêm một chiếc khăn và một túi có khoá ziplock an toàn với lò vi sóng, sau đó làm theo các bước sau:
- Làm ướt cả hai chiếc khăn với nước. Vắt hết nước thừa cho đến khi chúng chỉ còn hơi ẩm.
- Cho một chiếc khăn vào túi ziplock, nhớ để túi mở. Đặt túi vào lò vi sóng khoảng 2 phút. Đảm bảo rằng túi ziplock được thiết kế để sử dụng an toàn trong lò vi sóng.
- Lấy túi ra khỏi lò vi sóng. Hãy cẩn thận, vì túi sẽ nóng. Bịt kín túi ziplock và quấn chiếc khăn ướt còn lại quanh túi.
- Đắp miếng chườm nóng tự chế của bạn lên vùng bị đau. Nhiệt sẽ kéo dài khoảng 20 phút.
Cách chườm ấm khô
Bạn có thể dễ dàng tự làm một miếng chườm ấm khô bằng các vật liệu có ở nhà.
Thay vì một cái khăn, hãy gom một ít gạo chưa nấu và một chiếc tất dài sạch. Bạn có thể dùng muối nếu không có gạo. Bạn cũng sẽ cần một nguồn nhiệt, chẳng hạn như lò vi sóng.
Sau khi chuẩn bị, hãy làm theo các bước sau:
- Đổ gạo chưa nấu vào phần chân của chiếc tất.
- Buộc phần đầu của chiếc tất.
- Đặt tất đầy gạo vào lò vi sóng trong 30 giây. Tiếp tục làm nóng thêm 15 giây cho đến khi sờ vào có cảm giác ấm nhưng không nóng.
- Đắp tất lên vùng bị đau trong tối đa 20 phút mỗi lần.
Nếu bạn chỉ cần sử dụng nhiệt trên một khu vực nhỏ, bạn cũng có thể đặt thìa kim loại dưới vòi nước nóng trong khoảng 10 giây hoặc cho đến khi thìa nóng lên. Lau khô thìa và giữ trên vùng bị đau trong tối đa 20 phút. Chỉ cần đảm bảo rằng thìa không quá nóng trước khi bạn thoa lên da.
Khi nào không sử dụng nhiệt
Chườm ấm nói chung là an toàn, nhưng tốt nhất là bạn không nên áp dụng nếu bạn mới bị chấn thương, chẳng hạn như đứt tay hoặc bong gân. Đối với những vùng bị thương mới, chườm lạnh có thể có lợi hơn để giảm đau và viêm.
Điểm mấu chốt
Chườm ấm là một trong những biện pháp điều trị tại nhà hữu ích nhất. Bạn có thể sử dụng trong nhiều tình huống, từ vùng cơ đang bị co thắt cho đến đau do mụn nang. Chỉ cần không áp dụng vùng tổn thương mới.
Xem thêm: