Video Bị viêm loét dạ dày nên ăn gì?
Viêm dạ dày thường là một bệnh nhẹ và được cải thiện sau điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp, viêm dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như loét hay tăng nguy cơ gây ung thư.
Mọi người có thể thực hiện theo chế độ ăn dành cho người viêm dạ dày, tránh các loại thực phẩm gây kích ứng và làm giảm các triệu chứng bệnh lý.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét những thực phẩm nên ăn và những thực phẩm cần tránh khi mắc viêm dạ dày. Chúng tôi cũng sẽ bàn về thực đơn nên dùng và các cách ngăn ngừa viêm dạ dày.
Viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày là tình trạnh tổn thương của niêm mạc dạ dày.
Bệnh lý này có thể do các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống, lối sống, nhiễm khuẩn và một số bệnh lý khác.
Viêm dạ dày là một tình trạng phổ biến. Nếu không được điều trị, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
Chế độ ăn
Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Hoa Kì (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases), chưa có bằng chứng rõ ràng liệu chế độ ăn uống và dinh dưỡng có đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra viêm dạ dày hay không.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thử một chế độ ăn hỗ trợ sức khỏe đường ruột và có hiệu quả chống viêm.
Thực phẩm có tính kháng viêm
Viêm dạ dày là một tình trạng viêm, do đó, tuân theo một chế độ ăn uống kháng viêm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Bạn có thể thử các loại thực phẩm có đặc tính đó, chẳng hạn như:
- Rau lá xanh như bắp cải, cải xoăn kale, rau bina và rau xà lách arugula
- Cá chứa nhiều dầu như cá hồi, cá thu và cá mòi.
- Các loại hạt, bao gồm hạnh nhân, óc chó và hạt phỉ (hazelnut)
- Trái cây như dâu tây, việt quất, anh đào và quả mâm xôi
- Dầu ô liu
Tỏi, gừng và nghệ cũng có đặc tính chống viêm, theo các nghiên cứu đã chứng minh.
Thực phẩm chứa lợi khuẩn (Probiotic foods)
Theo một nghiên cứu năm 2014, ăn thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua tự nhiên có thể ngăn ngừa vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu không khẳng định được kết luận này. Ngoài ra, men vi sinh có thể giúp duy trì đường ruột khỏe mạnh.
Thực phẩm chứa lợi khuẩn có lợi bao gồm:
Thực đơn khuyên dùng
Sau đây là những ví dụ về cách mọi người có thể kết hợp các loại thực phẩm có lợi cho bệnh viêm dạ dày trong các bữa ăn lành mạnh.
- Bữa sáng: sữa chua tự nhiên với việt quất và các loại hạt xay nhỏ
- Bữa trưa: salad sốt tempeh với bánh mì sourdough
- Bữa tối: cá hồi với bông cải xanh và cải xoăn hấp gừng
Các thực phẩm cần tránh
Người bị viêm dạ dày nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống gây kích ứng niêm mạc dạ dày như:
- Rượu bia
- Cafein
- Thức ăn cay
- Đồ ăn nhiều chất béo
- Đồ uống có tính axit như nước cam và nước ép cà chua
Tránh các thực phẩm gây viêm cũng rất hữu ích. Chúng bao gồm:
- Thịt chế biến sẵn
- Carbohydrates tinh luyện , chẳng hạn như bánh mì trắng và mì gói
- Đồ ngọt và đồ ăn có đường
- Nước ngọt và nước uống có ga.
Nguyên nhân của bệnh viêm dạ dày
Viêm dạ dày có một số nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số trong chúng.
Nhiễm H. pylori
Theo một nghiên cứu năm 2015, nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm dạ dày trên toàn thế giới là do vi khuẩn H. pylori.
H. pylori là vi khuẩn gây bệnh cho dạ dày. Chúng thường truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nôn hoặc phân.
Các nguyên nhân khác
Các thói quen ăn uống và lối sống có thể gây ra viêm dạ dày bao gồm:
- Ăn thức ăn cay
- Uống quá nhiều rượu
- Hút thuốc
- Dùng aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kéo dài
Các bệnh có thể gây viêm dạ dày bao gồm:
- Bệnh lý tự miễn, khiến hệ thống miễn dịch tấn công các mô lành mạnh trong cơ thể
- Thiếu máu ác tính, xảy ra khi dạ dày không thể hấp thu vitamin B12
- Trào ngược acid mật mãn tính, là tình trạng trào ngược dịch mật vào cổ họng.
Đôi khi, viêm dạ dày xảy ra sau các phẫu thuật lớn hoặc bị bỏng, chấn thương.
Viêm dạ dày cũng có thể do căng thẳng. Chất dẫn truyền thần kinh kích thích hormon và histamin tăng sản xuất axit trong dạ dày. Axit gây ra tổn thương cho các biểu mô lót dạ dày. Hậu quả dẫn đến các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày.
Các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày
Các triệu chứng đặc trưng của viêm dạ dày bao gồm:
- Đau hoặc khó chịu ở bụng
- Đau liên tục vùng rốn và hạ sườn
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Buồn nôn và ói mửa
- Ợ hơi, đầy bụng hoặc cảm giác quá no sau khi ăn
Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm dạ dày mãn tính có thể phá hủy các tế bào niêm mạc dạ dày và gây ra tình trạng dạ dày không sản sinh được axit. Điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư và loét dạ dày tá tràng và ngăn cản hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin B12.
Điều trị
Bác sĩ khuyên một người nên tránh các tác nhân gây viêm dạ dày như rượu, thuốc lá hoặc một số loại thực phẩm. Ghi lại chế độ ăn uống hàng ngày giúp bạn phát hiện ra các tác nhân là nguy cơ gây bệnh.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm dạ dày, bác sĩ có thể kê một loại thuốc thay thế.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn nhiễm H. pylori, họ có thể thực hiện các xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán xác định. Chúng có thể bao gồm xét nghiệm máu , xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm hơi thở.
Đôi khi, bác sĩ có thể cần tiến hành nội soi đường tiêu hóa trên. Khi đó, họ sẽ đưa một ống chứa máy quay vào cổ họng và xuống dạ dày để kiểm tra.
Một số loại thuốc làm giảm axit dạ dày và giúp giảm các triệu chứng của viêm dạ dày. Những loại thuốc này bao gồm:
- Thuốc kháng axit không kê đơn, chẳng hạn như TUMS và Pepto Bismol
- Thuốc chẹn kênh H2, còn được gọi là thuốc làm giảm axit dạ dày, chẳng hạn như cimetidin (Tagamet) và famotidin (Pepcid)
- Thuốc ức chế bơm proton, chẳng hạn như omeprazol (Prilosec), esomeprazol ( Nexium ) và lansoprazol (Prevacid)
Phòng bệnh
Mọi người có thể tránh mắc viêm dạ dày bằng cách không tiêu thụ các thực phẩm gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Chúng bao gồm rượu, thức ăn cay và caffein.
Nếu bạn đang sử dụng aspirin hoặc NSAID, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc thay thế hoặc làm thế nào để kiểm soát các triệu chứng của mình.
Lên kế hoạch chăm sóc bản thân để giảm bớt căng thẳng, do đó có thể tránh được tình trạng viêm dạ dày.
Bạn có thể tránh nhiễm H. pylori, nguyên nhân thể dẫn đến viêm dạ dày, bằng cách đảm bảo vệ sinh, như:
- Rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh
- Đảm bảo sử dụng thực phẩm sạch và nấu chín một cách an toàn
- Đảm bảo nước uống an toàn và sạch sẽ.
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ
Một người có các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Viêm dạ dày nặng có thể dẫn đến ăn mòn niêm mạc dạ dày và gây ra các vết loét đau đớn. Một trong các dấu hiệu của xuất huyết trong dạ dày là đi ngoài phân đen.
Viêm dạ dày cũng có thể gây tình trạng thiếu máu và mệt mỏi .
H. pylori là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm dạ dày, vì vậy bác sĩ có thể sẽ thực hiện các xét nghiệm để xác định xem một người có bị nhiễm vi khuẩn này hay không. Theo một nghiên cứu năm 2014, H. pylori là nguyên nhân chính gây ra loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày .
Tổng kết
Những người bị viêm dạ dày có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách tránh một số thực phẩm, bao gồm thức ăn cay, chua và béo. Họ cũng nên tránh sử dụng rượu và caffein.
Thực hiện theo một chế độ ăn uống chống viêm bao gồm các thực phẩm chứa lợi khuẩn sẽ giúp hỗ trợ đường ruột và giảm các triệu chứng bệnh lý.
Nếu không điều trị, viêm dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Đây là lý do tại sao một người có các triệu chứng viêm dạ dày nên đến để các bác sĩ khám.
Bạn cũng có thể tránh bị nhiễm H. pylori bằng cách duy trì thói quen vệ sinh đúng đắn và nấu ăn một cách an toàn.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về bệnh viêm dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và dự phòng
- Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm dạ dày mạn tính
- Các liệu pháp tự nhiên giúp điều trị bệnh viêm dạ dày
- 10 triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm dạ dày
- Viêm dạ dày cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị