Video: Bệnh viêm dạ dày cấp tính
Viêm dạ dày mạn tính là một trong những bệnh lý mạn tính phổ biến nhất, có thể kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí suốt đời nếu không được điều trị. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây viêm dạ dày mạn tính.
Có thể điều trị các trường hợp viêm dạ dày nhẹ có thể bằng thuốc và thay đổi lối sống. Tuy nhiên, một số bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính nặng có thể không được điều trị khỏi hoàn toàn và trọng tâm của điều trị sẽ là kiểm soát các triệu chứng.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến các triệu chứng, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và các biến chứng của bệnh viêm dạ dày mạn tính. Bài viết cũng cho bạn biết về thời điểm gặp nên bác sĩ, chẩn đoán, các phương pháp điều trị bệnh và thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
Triệu chứng viêm dạ dày mạn tính
Khó tiêu, buồn nôn, đầy bụng và cảm giác bỏng rát dạ dày có thể là các triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính.
Những người bị viêm dạ dày nhẹ do vi khuẩn Helicobacter pylori đôi khi không cảm thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính đều trải qua nhiều triệu chứng sau đây:
- Khó tiêu
- Cảm giác nóng rát hoặc cồn cào trong dạ dày
- Cảm giác đầy bụng ngay cả khi chỉ khi ăn một lượng nhỏ
- Buồn nôn và nôn
- Ợ hơi
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Đầy hơi
- Chán ăn
- Đau hoặc khó chịu vùng bụng trên
- Chảy máu, thường chỉ gặp trong viêm dạ dày ăn mòn
- Viêm dạ dày được gọi là “ăn mòn” nếu lớp niêm mạc dạ dày bị bào mòn, khiến lớp mô bên dưới tiếp xúc trực tiếp với axit trong dạ dày.
Nguyên nhân viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính là những tổn thương mạn tính của niêm mạc dạ dày.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh viêm dạ dày mạn tính, nhưng hầu hết các trường hợp đều liên quan đến một trong những nguyên nhân sau:
Nhiễm vi khuẩn H. pylori
Vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm dạ dày trên toàn thế giới. Nhiều bệnh nhân khởi phát bệnh lần đầu tiên từ thời thơ ấu, nhưng không phải ai cũng xuất hiện các triệu chứng
H. pylori có thể gây ra cả viêm dạ dày cấp tính và mãn tính, những nó thường không liên quan đến viêm dạ dày ăn mòn.
Các nhà nghiên cứu đã cho rằng vi khuẩn H. pylori lây lan qua thức ăn, nước uống, nước bọt và dịch cơ thể.
Tổn thương niêm mạc dạ dày
Tổn thương niêm mạc dạ dày có thể dẫn đến viêm mạn tính. Nguyên nhân là do:
- Lạm dụng hoặc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen trong thời gian dài
- Uống quá nhiều rượu
- Stress mạn tính
- Chấn thương
- Tiếp xúc với bức xạ
- Trào ngược dịch mật từ ruột non lên dạ dày tái đi tái lại
- Sử dụng cocaine
Các bệnh tự miễn
Ở những bệnh nhân viêm dạ dày tự miễn, hệ thống miễn dịch tấn công niêm mạc dạ dày mà không rõ nguyên nhân. Viêm dạ dày tự miễn thường là mạn tính và không ăn mòn.
Ở một số người, viêm dạ dày tự miễn có thể liên quan đến nhiễm H. pylori nặng hoặc mạn tính.
Các nguyên nhân khác
Nguyên nhân ít phổ biến hơn của viêm dạ dày mạn tính bao gồm:
- Bệnh crohn
- Hội chứng ruột kích thích
- Bệnh sarcoidosis
- Dị ứng thực phẩm
- Các loại nhiễm trùng nấm, vi khuẩn hoặc vi rút khác
Các yếu tố nguy cơ gây viêm dạ dày mạn tính
Các yếu tố nguy cơ gây viêm dạ dày mạn tính bao gồm chế độ ăn nhiều chất béo, dầu, muối và chất bảo quản.
Các yếu tố nguy cơ có thể có của viêm dạ dày mãn tính bao gồm:
- Chế độ ăn nhiều muối hoặc chất bảo quản
- Chế độ ăn nhiều chất béo và dầu, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo đã chuyển hóa
- Hút thuốc
- Uống rượu trong thời gian dài
- Rối loạn hệ thống miễn dịch
- Sử dụng cocaine
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid và một số loại thuốc khác trong thời gian dài
- Sử dụng thuốc điều trị trào ngược dạ dày và chứng khó tiêu trong thời gian dài
Các biến chứng có thể xảy ra do viêm dạ dày mạn tính
Nếu được điều trị đúng cách thì viêm dạ dày cấp tính hiếm khi có biến chứng. Tuy nhiên, viêm dạ dày mãn tính nặng hoặc không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Viêm dạ dày thể ăn mòn có thể gây loét dạ dày tá tràng. Một khi vết loét đã hình thành, chúng có thể dần dần làm thoái hóa các mô xung quanh, tự mở rộng và tăng kích thước. Các vết loét nghiêm trọng cuối cùng sẽ gây ra xuất huyết dạ dày, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Các biến chứng khác có thể xảy ra của viêm dạ dày mạn tính là:
- Thiếu máu do thiếu sắt
- Thiếu máu do xuất huyết trong dạ dày
- Thiếu vitamin B12
- Xuất hiện những tổn thương ở dạ dày: như polyp và khối u
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sỹ nếu các triệu chứng nêu trên:
- Rất nghiêm trọng
- Kéo dài hơn một tuần
- Không đáp ứng với thay đổi lối sống hoặc điều trị
Xuất huyết dạ dày cần được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức. Các dấu hiệu của xuất huyết dạ dày bao gồm:
- Chóng mặt
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
- Xanh xao
- Phân đen như nhựa đường
- Phân lẫn máu đỏ tươi
- Máu đỏ trong chất nôn hoặc nôn ra máu
- Buồn ngủ không rõ nguyên nhân
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Chóng mặt
- Ngất
Chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính
Các bác sĩ sử dụng nhiều loại xét nghiệm và phương pháp để chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính, bao gồm:
- Khai thác tiền sử bệnh
- Khám thực thể
- Xét nghiệm phân để kiểm tra sự có mặt của vi khuẩn H. pylori và các dấu hiệu của xuất huyết
- Nội soi: đưa một ống mềm đầu có gắn camera từ cổ họng vào dạ dày
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang
- Test hơi thở urê để phát hiện vi khuẩn H. Pylori
Điều trị viêm dạ dày mạn tính
Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào thể bệnh, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Viêm dạ dày do nhiễm H. pylori thường được điều trị nội khoa: kết hợp thuốc kháng axit và thuốc kháng sinh, ngay cả khi bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào.
Bệnh nhân cần phải sử dụng các sản phẩm bổ sung hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa các biến chứng nếu bệnh viêm dạ dày mạn tính của họ gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
Hầu hết các loại thuốc điều trị viêm dạ dày đều tập trung vào việclàm giảm lượng axit trong dạ dày.
Các loại thuốc làm giảm axit phổ biến là:
- Thuốc kháng axit. Thuốc kháng axit thường chứa magiê, canxi, natri hoặc muối nhôm. Cơ chế tác dụng của thuốc là trung hòa axit trong dạ dày. Loại thuốc này đôi khi có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy và một số tác dụng phụ khác.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI). Tác dụng của thuốc là làm giảm lượng axit mà dạ dày sinh ra. Mọi người có thể mua các phiên bản lansoprazole và omeprazole cường độ thấp không cần kê đơn, nhưng hầu hết các PPI chỉ có sẵn theo đơn.
- Thuốc chẹn H2. Đây là thuốc kháng histamin, có tác dụng làm giảm sản xuất axit dạ dày. Hầu hết các loại thuốc chẹn H2 đều có sẵn trên thị trường ở cả dạng thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn.
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
Chế độ ăn nhiều trái cây và rau có thể được ngăn ngừa hoặc điều trị viêm dạ dày.
Bất kể nguyên nhân hoặc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lựa chọn một lối sống lành mạnh đều có thể điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh viêm dạ dày.
Sau đây là các gợi ý về chế độ ăn uống cho bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính:
- Tránh hoặc giảm uống rượu
- Tránh thức ăn cay
- Tránh những món ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ chiên rán
- Tránh thực phẩm có tính axit, đặc biệt là trái cây và nước trái cây họ cam quýt
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
- Hạn chế sử dụng muối
- Hạn chế ăn thịt đỏ
Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, giàu chất chống oxy hóa, chất xơ và men vi sinh rất có ích cho bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính. Bạn có thể tùm thấy những chất này trong:
- Trái cây và rau
- Bánh mì, ngũ cốc, gạo và mì ống nguyên cám
- Các sản phẩm lên men, bao gồm: sữa chua, nấm sữa kefir, bánh mì sourdough, dưa cải bắp và kim chi
- Protein nạc, bao gồm: thịt gà, cá, đậu, các loại đậu, quả hạch và hạt
Một số thực phẩm có đặc tính chống khuẩn có thể có lợi cho bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính:
- Tỏi
- Rau thì là
- Gừng
- Nghệ
- Quả nham lê (cranberry)
- Ớt
- Cà ri nhạt
- Bỏ hút thuốc
- Tránh hoặc giảm sử dụng các thuốc chống viêm không steroid, hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc thay thế.
- Duy trì chế độ ăn uống hợp lí và vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên
- Tập thể dục thường xuyên
- Uống nhiều nước
- Kiểm soát đau và stress bằng các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như: thiền, yoga, tập thở và châm cứu.
Tổng kết
Viêm dạ dày mạn tính có thể khiến bệnh nhân đau, khó chịu và gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày mạn tính.
Kiểm soát viêm dạ dày mãn tính bao gồm: điều trị triệu chứng, sử dụng thuốc làm giảm lượng axit dạ dày và duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý.
Xem thêm:
- Những triệu chứng của bệnh viêm dạ dày
- Những điều cần biết về bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Viêm dạ dày- tá tràng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân viêm dạ dày
- Các liệu pháp tự nhiên giúp điều trị bệnh viêm dạ dày