Bài viết này đánh giá mức độ ảnh hưởng của chế độ ăn ketogenic đến sức khỏe của phụ nữ.
Chế độ ăn keto có hiệu quả cho phụ nữ không?
Chế độ ăn ketogenic được hứa hẹn khi sử dụng để điều trị cải thiện một số tình trạng sức khỏe.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể được sử dụng để giảm mỡ cơ thể và cải thiện lượng đường trong máu, và thậm chí là một phương pháp điều trị bổ sung cho một số bệnh ung thư.
Mặc dù phần lớn các nghiên cứu tập trung vào việc chế độ ăn keto hiệu quả như thế nào ở nam giới, nhưng một số nghiên cứu đã thực hiện trên cả phụ nữ hoặc chỉ tập trung vào tác động của chế độ ăn keto đối với phụ nữ.
Keto và giảm cân cho phụ nữ
Một trong những lý do chính khiến phụ nữ chuyển sang chế độ ăn kiêng keto là để giảm lượng mỡ thừa trên cơ thể.
Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn keto có thể là một cách hiệu quả để khuyến khích giảm béo ở phụ nữ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng theo chế độ ăn keto có thể giúp giảm cân bằng cách tăng cường đốt cháy chất béo và giảm lượng calo cũng như các hormone thúc đẩy cảm giác đói như insulin - tất cả đều có thể giúp khuyến khích giảm béo.
Ví dụ: một nghiên cứu ở 45 phụ nữ bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung cho thấy rằng những phụ nữ theo chế độ ăn ketogenic trong 12 tuần có tổng lượng mỡ cơ thể ít hơn đáng kể và giảm 16% mỡ bụng so với những phụ nữ được chỉ định ăn chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ.
Một nghiên cứu khác ở người lớn mắc chứng béo phì bao gồm 12 phụ nữ đã chứng minh rằng việc tuân theo chế độ ăn ketogenic rất ít calo trong 14 tuần đã làm giảm đáng kể lượng mỡ trong cơ thể, giảm cảm giác thèm ăn và cải thiện chức năng tình dục của nữ giới.
Ngoài ra, một đánh giá của 13 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng - tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu - trên một quần thể bao gồm 61% phụ nữ cho thấy rằng những người tham gia theo chế độ ăn ketogenic giảm nhiều hơn 2 pound (0,9 kg) so với những người ăn chế độ ăn ít chất béo sau 1 đến 2 năm.
Mặc dù nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng cách ăn kiêng rất ít carb này để tăng cường giảm mỡ trong thời gian ngắn, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các nghiên cứu đánh giá tác động lâu dài của chế độ ăn keto đối với việc giảm cân.
Thêm vào đó, một số bằng chứng cho thấy lợi ích thúc đẩy giảm cân của chế độ ăn keto giảm xuống sau 5 tháng, có thể là do tính chất hạn chế của nó.
Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn hạn chế ít carb hơn có thể mang lại hiệu quả tương đương và dễ duy trì lâu dài hơn.
Ví dụ, một nghiên cứu bao gồm 52 phụ nữ đã chỉ ra rằng chế độ ăn ít và vừa phải carb chứa 15% và 25% carbs, giảm mỡ cơ thể và vòng eo trong 12 tuần tương tự như chế độ ăn ketogenic chứa 5% carbs.
Thêm vào đó, chế độ ăn nhiều carb hơn khiến phụ nữ dễ tuân thủ hơn.
Keto và kiểm soát đường máu cho phụ nữ
Chế độ ăn ketogenic thường giới hạn lượng carb nạp vào dưới 10% tổng lượng calo. Vì lý do này, chế độ ăn kiêng được ưa chuộng bởi những phụ nữ có lượng đường trong máu cao, bao gồm cả những người mắc bệnh đái tháo đường típ 2.
Một nghiên cứu kéo dài 4 tháng bao gồm 58 phụ nữ mắc bệnh béo phì và bệnh đái tháo đường típ 2 cho thấy chế độ ăn keto rất ít calo giúp giảm cân và giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói và hemoglobin A1c (HbA1c) so với chế độ ăn ít calo tiêu chuẩn.
HbA1c là chỉ số cho thấy sự kiểm soát đường máu lâu dài.
Một case study (nghiên cứu về một trường hợp có thật trong thực tế) năm 2019 ở một phụ nữ 65 tuổi có tiền sử 26 năm mắc bệnh đái tháo đường típ 2 và trầm cảm đã chứng minh rằng sau khi tuân theo chế độ ăn ketogenic trong 12 tuần, cùng với liệu pháp tâm lý và tập thể dục cường độ cao, HbA1c của cô ấy đã giảm dưới tiêu chuẩn bệnh đái tháo đường.
Đường huyết lúc đói và các dấu hiệu trầm cảm của cô ấy đã trở về bình thường. Về cơ bản, trường hợp điển hình này cho thấy chế độ ăn ketogenic đã đảo ngược bệnh đái tháo đường típ 2 của người phụ nữ này.
Một nghiên cứu ở 25 người bao gồm 15 phụ nữ cho kết quả tương tự. Sau 34 tuần theo chế độ ăn keto, khoảng 55% dân số nghiên cứu có mức HbA1c dưới mức đái tháo đường, so với 0% theo chế độ ăn ít chất béo.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hiện tại, có ít nghiên cứu về sự tuân thủ lâu dài, an toàn và hiệu quả của chế độ ăn ketogenic trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Thêm vào đó, nhiều chế độ ăn kiêng ít hạn chế khác, bao gồm cả chế độ ăn Địa Trung Hải, đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ và nổi tiếng về độ an toàn và tác dụng có lợi đối với việc kiểm soát lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể.
Keto và điều trị ung thư cho phụ nữ
Chế độ ăn ketogenic đã được chứng minh là có lợi khi được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung cho một số loại ung thư cùng với các loại thuốc truyền thống.
Một nghiên cứu ở 45 phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư buồng trứng cho thấy rằng việc tuân theo chế độ ăn ketogenic làm tăng nồng độ ceton trong máu và giảm mức độ yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-I), một loại hormone có thể thúc đẩy sự lây lan của tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu công nhận sự thay đổi này, cùng với sự giảm lượng đường trong máu ở những người theo chế độ ăn ketogenic, tạo ra một môi trường không thuận lợi cho các tế bào ung thư, có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của chúng.
Thêm vào đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ ăn ketogenic có thể cải thiện chức năng thể chất, tăng mức năng lượng và giảm cảm giác thèm ăn ở phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung và buồng trứng.
Chế độ ăn ketogenic cũng cho thấy nhiều hứa hẹn khi được sử dụng như một phương pháp điều trị cùng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn như hóa trị cho các bệnh ung thư ảnh hưởng đến phụ nữ bao gồm u nguyên bào thần kinh đệm đa dạng, một loại ung thư mạnh ảnh hưởng đến não.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là do tính chất hạn chế của chế độ ăn ketogenic và hiện tại thiếu nghiên cứu chuyên sâu, chế độ ăn kiêng này không được khuyến nghị như một phương pháp điều trị cho hầu hết các bệnh ung thư.
Kết luận: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn ketogenic có thể có hiệu quả trong việc thúc đẩy giảm cân và cải thiện việc kiểm soát đường máu ở phụ nữ. Ngoài ra, nó có thể có lợi khi được sử dụng như một liệu pháp bổ sung ở phụ nữ mắc một số loại ung thư.
Chế độ ăn ketogenic có gây ra bất kỳ rủi ro nào cho phụ nữ không?
Một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với việc tuân theo một chế độ ăn kiêng có hàm lượng chất béo cao, ít carb là những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với tim mạch.
Điều thú vị là, trong khi một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn ketogenic có thể làm tăng một số yếu tố nguy cơ bệnh tim bao gồm cholesterol LDL (xấu), các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng chế độ ăn này có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu nhỏ bao gồm 3 nữ vận động viên Crossfit đã cho rằng sau 12 tuần theo chế độ ăn ketogenic, cholesterol LDL đã tăng khoảng 35% trong chế độ ăn ketogenic, so với những vận động viên theo chế độ ăn có kiểm soát.
Tuy nhiên, một nghiên cứu ở phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung và buồng trứng đã chứng minh rằng việc tuân theo chế độ ăn ketogenic trong 12 tuần không có tác dụng phụ lên lipid máu khi so sánh với chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ.
Tương tự như vậy, các nghiên cứu khác đã cho thấy kết quả trái ngược nhau.
Một số phát hiện chỉ ra rằng chế độ ăn ketogenic làm tăng cholesterol HDL bảo vệ tim, giảm cholesterol toàn phần và LDL, trong khi một số phát hiện khác cho thấy chế độ ăn ketogenic làm tăng đáng kể LDL.
Điều quan trọng cần lưu ý là tùy thuộc vào thành phần của chế độ ăn uống, chế độ ăn ketogenic có khả năng ảnh hưởng khác nhau đến các yếu tố nguy cơ sức khỏe tim mạch.
Ví dụ, chế độ ăn ketogenic giàu chất béo bão hòa có nhiều khả năng làm tăng LDL cholesterol hơn so với chế độ ăn keto chủ yếu bao gồm chất béo không bão hòa.
Thêm vào đó, mặc dù người ta đã chứng minh rằng chế độ ăn keto có thể làm tăng một số yếu tố nguy cơ nhất định đối với bệnh tim. Nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định chế độ ăn nhiều chất béo này có thể làm tăng hay giảm nguy cơ mắc bệnh tim như thế nào và hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe tổng thể.
Chế độ ketogenic không phù hợp với một số phụ nữ
Do tỷ lệ dinh dưỡng đa lượng hạn chế và khó duy trì, chế độ ăn ketogenic không phù hợp với nhiều người.
Ví dụ: nó không được khuyến nghị cho các quần thể sau:
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Những người bị suy gan hoặc thận.
- Những người sử dụng rượu hoặc ma túy.
- Những người mắc bệnh đái đường típ 1.
- Những người bị viêm tụy.
- Những người bị rối loạn ảnh hưởng đến chuyển hóa chất béo.
- Những người bị thiếu hụt nhất định bao gồm cả thiếu hụt carnitine.
- Những người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.
- Những người không thể duy trì dinh dưỡng đầy đủ.
Ngoài những chống chỉ định được liệt kê ở trên, có những yếu tố khác cần xem xét khi nghĩ đến việc thử chế độ ăn ketogenic.
Ví dụ, chế độ ăn ketogenic có thể gây ra các triệu chứng khó chịu được gọi chung là bệnh cúm keto trong giai đoạn thích ứng của chế độ ăn kiêng.
Các triệu chứng bao gồm khó chịu, buồn nôn, táo bón, mệt mỏi, đau cơ, v.v.
Mặc dù các triệu chứng này thường giảm dần sau một tuần hoặc lâu hơn, những tác động này vẫn nên được xem xét khi nghĩ đến việc thử áp dụng chế độ ăn keto.
Kết luận: Ảnh hưởng lâu dài của chế độ ăn ketogenic đối với sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể vẫn chưa được biết rõ do thiếu các nghiên cứu chuyên sâu. Chế độ ăn keto không thích hợp với nhiều người và có thể gây ra các tác dụng phụ như khó chịu.
Bạn có nên thử chế độ ăn kiêng keto?
Bạn có nên thử chế độ ăn keto hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước khi bạn bắt đầu bất kỳ thay đổi trong chế độ ăn uống nào, điều quan trọng là phải xem xét mặt tích cực và tiêu cực của chế độ ăn uống, cũng như tính phù hợp của nó dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.
Ví dụ: chế độ ăn ketogenic có thể là lựa chọn thích hợp cho một phụ nữ bị béo phì, tiểu đường hoặc không thể giảm cân hoặc kiểm soát lượng đường trong máu của mình bằng cách sử dụng các phương pháp điều chỉnh chế độ ăn uống khác.
Ngoài ra, chế độ ăn này cũng có thể hiệu quả đối với những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì và mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS - polycystic ovarian syndrome). Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn keto có thể giúp phụ nữ mắc PCOS giảm cân, cải thiện sự mất cân bằng nội tiết tố và tăng cường khả năng sinh sản.
Tuy nhiên, do chế độ ăn ketogenic có tính chất hạn chế và thiếu các nghiên cứu dài hạn, chuyên sâu để ủng hộ tính an toàn và hiệu quả của nó, các chế độ ăn kiêng ít hạn chế hơn có thể là lựa chọn tốt nhất cho hầu hết phụ nữ.
Tùy thuộc vào sức khỏe và nhu cầu ăn kiêng của bạn, bạn nên áp dụng một chế độ ăn uống giàu thực phẩm toàn phần, giàu dinh dưỡng để có thể duy trì suốt đời.
Trước khi thử chế độ ăn keto, bạn nên thử các phương pháp khác ít hạn chế hơn để cải thiện sức khỏe và đạt được mục tiêu sức khỏe của mình.
Vì chế độ ăn keto rất hạn chế và hiệu quả của nó phụ thuộc vào việc duy trì trạng thái ketosis, chúng tôi khuyến nghị rằng chế độ ăn này chỉ được tuân theo khi tham khảo với chuyên gia y tế có trình độ.
Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn muốn thử chế độ ăn ketogenic.
Kết luận: Mặc dù chế độ ăn ketogenic có thể có những thay đổi tích cực về sức khỏe ở một số phụ nữ, nhưng chế độ ăn kiêng này rất hạn chế. Hầu hết phụ nữ có thể sẽ thành công lâu dài bằng cách áp dụng một chế độ ăn ít hạn chế hơn, giàu chất dinh dưỡng để có sức khỏe lâu dài.
Tổng kết
Chế độ ăn ketogenic đã cho thấy nhiều hứa hẹn khi được sử dụng trong điều trị để cải thiện một số khía cạnh sức khỏe ở phụ nữ bao gồm cả trọng lượng cơ thể và kiểm soát lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, có một số lưu ý đi kèm với chế độ ăn keto, bao gồm việc thiếu các nghiên cứu về tác động lâu dài của chế độ ăn này đối với sức khỏe tổng thể và thành phần dinh dưỡng đa lượng hạn chế của nó.
Ngoài ra, chế độ ăn này không an toàn cho một số nhóm phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú.
Mặc dù một số phụ nữ có thể thành công khi theo chế độ ăn kiêng ketogenic, nhưng việc lựa chọn một chế độ ăn ít hạn chế hơn, giàu dinh dưỡng và có thể tuân theo suốt đời có thể có lợi hơn cho đa số phụ nữ.
Xem thêm: