Nguyên nhân gây ra chảy nước mũi
Bình thường trong mũi và xoang có tiết ra chất nhầy để làm ẩm và lọc sạch không khí khi đi vào mũi. Nhiều nguyên nhân dẫn đến lượng chất nhầy tiết ra quá nhiều và thoát ra ngoài, gây ra tình trạng chảy nước mũi có thể kể đến như sau:
- Cảm lạnh, cảm cúm
- Khóc: khi khóc, nước mắt chảy qua ống dẫn nước mắt vào khoang mũi, rồi chảy qua lỗ mũi.
- Thời tiết lạnh
- Nhiễm trùng xoang: các xoang của mặt đều có ống dẫn thông với mũi, khi bị viêm, các xoang này chứa đầy chất nhầy bị nhiễm trùng.
- Viêm mũi dị ứng: chất nhầy có thể do dị ứng hoặc phản ứng của mũi với các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông vật nuôi trong nhà.
- Viêm mũi không do dị ứng: dịch nhầy có thể là do phản ứng của mũi với chất kích thích như khói, bụi.
- Phù nề các cuốn mũi: các cuốn trong mũi có thể sưng nề to lên do dị ứng hoặc nhiễm trùng và dẫn đến tắc mũi.
- Polyp mũi: niêm mạc mũi phát triển các tổ chức được gọi là polyp.
- Dị vật: thường gặp ở trẻ nhỏ, nguyên nhân do dị vật lọt vào mũi gây tắc mũi và tiết dịch nhầy có mùi hôi.
- Nang hoặc u ở mũi: hiếm gặp, tắc nghẽn do khối u lành tính hoặc ác tính, các triệu chứng thường gặp ở một bên mũi.
- Tật hẹp lỗ mũi sau: bình thường lỗ mũi sau là phần sau của mũi thông với vòm họng, tật hẹp lỗ mũi sau là khi lỗ này bị đóng lại gây hẹp đường thở. Nếu xảy ra ở cả hai bên thì thường được phát hiện ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu chỉ biểu hiện ở một bên thì có thể phát hiện muộn hơn khi trẻ lớn.
- Lệch vách ngăn mũi: hai lỗ mũi phải và trái được ngăn cách bởi một vách ngăn bằng xương và sụn gọi là vách ngăn mũi. Đôi khi, vách ngăn có thể lệch về một bên nhiều hơn gây cản trở bên đó. Dị tật này có thể xuất hiện khi mới sinh hoặc do chấn thương ở mũi sau này.
Chảy nước mũi có đáng lo ngại không?
Thông thường chảy nước mũi sẽ tự hết. Khi kéo dài hơn 10 ngày, sổ mũi có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác như một số bệnh được liệt kê ở trên. Nếu có biểu hiện sốt cao cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Khi chảy nước mũi kéo dài, bác sĩ khám ban đầu sẽ giới thiệu đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi bệnh, tiền sử y khoa trước đây. Dụng cụ khám bao gồm mỏ vịt nhỏ để quan sát bên trong mũi, máy nội soi tai mũi họng để đánh giá toàn bộ khoang mũi cho đến tận vòm họng cũng như các cấu trúc của tai có thể quan sát được ở phía ngoài.
Điều trị chảy nước mũi như thế nào?
Video: Bác sĩ hướng dẫn các cách rửa mũi bằng nước
Điều trị theo nguyên nhân gây chảy nước mũi. Các phương pháp điều trị chung như rửa mũi bằng nước muối sinh lý, dùng thuốc uống hoặc thuốc xịt mũi. Một số bệnh lý yêu cầu phẫu thuật để điều trị triệt để.
Chảy nước mũi có ảnh hưởng gì không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chảy nước mũi mà bệnh có thể ảnh hưởng lâu dài khác nhau. Tắc mũi có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ nếu tình trạng này kéo dài. Mũi tắc nghẽn ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Nếu trẻ tắc mũi, chúng sẽ thở bằng miệng, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của khuôn mặt trong thời thơ ấu. Nhiễm trùng xoang cấp tính có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị, tuy nhiên khá ít gặp. Chảy nước mũi do viêm nhiễm của mũi có thể gây viêm tai do có sự thông thương giữa tai và mũi, nếu không được điều trị tốt sẽ ảnh hưởng đến thính giác của trẻ.
Xem thêm: