Video Xuất huyết tiêu hóa
Nhờ những kỹ thuật thăm dò hiện đại, vị trí và nguyên nhân chảy máu thường có thể xác định. Điều trị tùy thuộc vào căn nguyên.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ ghi nhận bệnh sử của bạn
Hoàn cảnh khởi phát
- Các triệu chứng của bạn xuất hiện liên tục hay thường xuyên?
- Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng đến mức nào?
- Điều gì làm giảm triệu chứng?
- Điều gì làm các triệu chứng của bạn trầm trọng hơn?
- Bạn có đang dùng thuốc chống viêm không steroid, aspirin hoặc các thuốc khác không?
- Bạn có uống rượu không?
Đồng thời, bác sĩ sẽ thăm khám các triệu chứng thực thể và có thể yêu cầu các xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm máu: công thức máu toàn phần để xem xét số lượng hồng cầu, hemoglobin và tiểu cầu..., tốc độ lắng máu, xét nghiệm chức năng gan.
- Xét nghiệm phân: Phân tích tìm hồng cầu trong phân giúp xác định chảy máu tiềm ẩn mà mắt thường không nhìn thấy được.
- Rửa dạ dày qua sonde: Một ống (sonde dạ dày) được đưa qua mũi vào dạ dày để loại bỏ các chất trong dạ dày nhằm xác định dạ dày có đang chảy máu không.
- Nội soi dạ dày - tá tràng: Quy trình này sử dụng một camera nhỏ ở đầu một ống dài, đưa qua miệng để kiểm tra đường tiêu hóa từ thực quản đến tá tràng.
- Nội soi đại tràng: Quy trình này sử dụng một camera nhỏ ở đầu của một ống dài, được đưa qua hậu môn để kiểm tra đại tràng và trực tràng.
- Nội soi đường tiêu hoá bằng viên nang: Bệnh nhân được nuốt một viên nang chứa một camera nhỏ bên trong. Viên nang di chuyển qua đường tiêu hóa và chụp hàng nghìn bức ảnh được gửi đến máy ghi và lưu trữ ảnh mà bạn đeo trên thắt lưng. Điều này cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong ruột non, khu vực mà nội soi đường tiêu hoá trên hoặc nội soi đại tràng không nhìn thấy.
- Nội soi đại tràng sigma bằng ống mềm: Một ống có đèn và camera được đưa qua trực tràng để quan sát trực tràng và phần cuối cùng của đại tràng dẫn đến trực tràng (đại tràng sigma).
- Nội soi ruột dưới sự hỗ trợ của bóng. Một ống soi chuyên dụng kiểm tra các phần của ruột non mà các thăm dò khác bằng ống nội soi không thể tiếp cận được. Đôi khi, phương pháp này được sử dụng vừa để chẩn đoán vừa để kết hợp điều trị nguyên nhân chảy máu
- Chụp mạch: Thuốc cản quang được tiêm vào động mạch, sau đó bệnh nhân được chụp mạch để tìm và điều trị các điểm mạch chảy máu hoặc các bất thường khác.
- Chẩn đoán hình ảnh: Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh, như chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, có thể được sử dụng để tìm nguồn gốc chảy máu.
Nếu tính trạng chảy máu nghiêm trọng và các thủ thuật không xâm lấn không thể tìm ra nguồn gốc, các bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để có thể kiểm tra toàn bộ đoạn ruột non. Tuy nhiên tình huống này khá hiếm.
Điều trị
Thông thường, xuất huyết tiêu hoá sẽ tự cầm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, việc điều trị tùy thuộc vào vị trí chảy máu. Ví dụ, nếu xuất huyết tiêu hoá do loét dạ dày tá tràng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm tĩnh mạch thuốc ức chế bơm proton (Proton-pump inhibitors - PPIs) nhằm giảm tiết acid trên bề mặt niêm mạc hoặc nội soi cầm máu bằng kẹp clip. Nếu xuất huyết từ polyp, cắt pọlyp có thể được tiến hành ngay trong quá trình nội soi.
Tùy thuộc vào lượng máu mất và tình trạng xuất huyết có còn tiếp diễn hay không, bác sĩ có thể yêu cầu truyền dịch hoặc thậm chí truyền máu. Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, bao gồm cả aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid, bệnh nhân có thể cần phải dừng thuốc.
Đặt lịch khám bệnh
Nếu tình trạng chảy máu của bạn không quá nghiêm trọng, bạn có thể gặp bác sĩ gia đình trước tiên hoặc được giới thiệu ngay đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
Trước khi đi khm, hãy hỏi xem bạn có cần chuẩn bị gì trước không, chẳng hạn như nhịn ăn trước khi kiểm tra. Đồng thời liệt kê các thông tin sau:
- Các triệu chứng của bạn bao gồm cả các triệu chứng không liên quan đến chảy máu.
- Tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc các thực phẩm chức năng khác mà bạn dùng kèm liều lượng.
- Tiền sử bệnh tiêu hóa mà bạn đã được chẩn đoán, ví dụ bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease - GERD), loét dạ dày tá tràng hoặc bệnh viêm ruột.
- Các câu hỏi của bạn cần được sự giải đáp từ bác sĩ
Tốt nhất nên có người nhà đi cùng để đề phòng trường hợp bạn quên triệu chứng.
Bạn có thể trao đổi với bác sĩ các thông tin sau:
- Lý do bác sĩ chẩn đoán bạn bị chảy máu tiêu hoá.
- Các nguyên nhân có thể nhất gây chảy máu tiêu hoá của bạn.
- Những xét nghiệm cần làm.
- Tình trạng của bạn có thể là tạm thời hay mãn tính?
- Phương pháp điều trị tốt nhất và các phương pháp khác có thể thay thế nếu cần.
- Nếu có bệnh kèm theo, trao đổi với bác sĩ để kiểm soát chúng tốt nhất trong khi xử trí chảy máu.
- Những điều bạn cần tránh làm.
- Tài liệu nào bạn có thể đọc để hiểu rõ hơn về bệnh của mình.
- Việc trao đổi với bác sĩ là hết sức bình thường, đừng ngần ngại.
Các chủ đề liên quan: Nôn ra máu. Đi ngoài phân đen. Xuất huyết tiêu hoá. Giãn tĩnh mạch thực quản. Nội soi đường tiêu hoá. Tiêu hóa. Thuốc ức chế bơm proton.
Xem thêm: