Video chăm sóc sơ sinh những ngày đầu
Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích cho bạn về những điều nên và không nên làm trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh.
Nâng đỡ em bé
Trẻ sơ sinh chưa có khả năng kiểm soát đầu tốt cho đến khi cột sống và cơ cổ cứng cáp vào lúc khoảng 6 tháng tuổi.
- Luôn đỡ đầu và cổ bé khi bạn bế và đặt bé nằm xuống.
- Không bao giờ được lắc hoặc tung trẻ vào không khí. Điều này có thể gây xuất huyết/phù não và thậm chí tử vong.
- Nếu bạn đặt bé trong xe nôi, xe đẩy hoặc ghế ngồi trên ô tô, hãy luôn đảm bảo rằng em bé được đặt đúng vị trí và thắt dây an toàn đúng cách.
- Không đi thang cuốn với em bé trong xe đẩy. Hãy sử dụng thang máy để thay thế.
Những đặc điểm có thể nhận thấy ở trẻ sơ sinh
- Đầu - Đầu của em bé có thể có hình dạng không đồng đều (trông giống như hình nón hoặc dài ra). Điều này là do áp lực lên đầu trẻ lúc đi qua âm đạo khi được sinh ra. Đừng lo lắng, đầu của bé sẽ trở lại hình dạng bình thường khi lớn lên.
- Thóp - Nằm ở phía trước và phía sau đầu của trẻ - là nơi các xương sọ chưa kết nối với nhau. Thóp trước thường dễ sờ thấy và có hình thoi, có thể hơi phồng lên khi bé khóc hoặc gắng sức. Các thóp thường đóng trong vòng 12 - 18 tháng.
- Mặt - Mí mắt của bé có thể sưng húp trong vài ngày đầu sau khi sinh. Điều này là bình thường vì áp lực lên mặt trong khi sinh. Sau khi hết sưng mí mắt, bé sẽ mở mắt dễ dàng.
- Da - Lớp trên cùng của da em bé sẽ bong ra khỏi bàn tay và bàn chân trong vài tuần đầu tiên. Bạn có thể nhận thấy những đốm trắng giống như mụn trên mặt, được gọi là mụn sữa. Chúng vô hại và sẽ biến mất sau vài tuần. Bạn cũng có thể nhận thấy những nốt mụn nhỏ màu đỏ trên má của trẻ sau 1 tháng tuổi. Đây là mụn trứng cá sơ sinh và sẽ biến mất sau vài tháng. Một số trẻ sơ sinh có thể có các mảng màu xám xanh ở mông hoặc lưng dưới, được gọi là các bớt. Chúng thường biến mất sau một vài năm.
- Chân - Chân của bé có thể bị cong, điều này là bình thường.
- Các bộ phận cơ thể khác - Cả bé trai và bé gái đều có thể bị sưng vú do các hormone của mẹ truyền vào máu của em bé trước khi sinh. Bé gái có thể ra một ít dịch âm đạo hoặc ra máu. Điều này là bình thường và sẽ ngừng sau vài ngày. Bé trai có thể có dịch trong bìu, được gọi là tràn dịch màng tinh hoàn. Tình trạng này thường mất 6 -12 tháng để khỏi. Nếu bìu của bé có biểu hiện sưng to, hãy đưa bé đi khám bác sĩ.
Những cuộc khám sức khỏe định kì cho trẻ sơ sinh giúp phát hiện những bất thường trong việc phát triển thể chất của trẻ. Nếu bạn nhận thấy điều gì ở con mình mà bạn không chắc chắn, hãy hỏi bác sĩ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh cơ bản
Tắm rửa
Tắm cho trẻ sơ sinh có thể là một kỹ năng mới đối với bạn, vì vậy đừng ngại học hỏi và thực hành. Sau đây là một số điểm cần lưu ý:
- Giữ cho nước trong chậu tắm cạn.
- Pha nước vừa ấm, luôn kiểm tra nhiệt độ của nước bằng khuỷu tay của bạn trước khi tắm cho trẻ.
- Cởi quần áo cho em bé và quấn em bé trong một chiếc khăn tắm. Trước tiên, hãy làm sạch mắt, sau đó dùng bông gòn ẩm (không có xà phòng) lau mặt. Sử dụng một miếng bông mới cho từng phần của khuôn mặt.
- Kẹp em bé dưới cánh tay của bạn, đỡ đầu trẻ bằng cùng bàn tay cùng bên. Tay còn lại của bạn gội đầu cho bé, lau nhẹ nhàng. Sau khi gội xong thì lau khô tóc để em bé không bị lạnh.
- Tháo khăn quấn bé ra và nhẹ nhàng đặt bé vào trong nước. Nâng đỡ đầu, cổ và vai em bé bằng cánh tay của bạn.
- Dùng khăn mềm để rửa nhẹ vùng nách cho bé, sau đó để bé nằm úp lại để rửa mông và bộ phận sinh dục.
- Nâng bé ra khỏi bồn, quấn khăn khô và lau thật khô cho trẻ. Mặc tã và quần áo sạch cho bé.
Ghi chú: Khi tắm cho em bé phải luôn theo dõi, không được để em bé một mình trong khi tắm.
Cách vệ sinh các bộ phận trên cơ thể cho trẻ sơ sinh Mắt Rửa nhẹ từng mắt bằng bông gòn ướt (dùng nước đun sôi để nguội). Đôi tai Tai có khả năng tự làm sạch. Ráy tai và bụi sẽ dần dần được đẩy ra phía ngoài để dễ dàng thoát ra. Lau nhẹ bằng khăn mềm hoặc bông gòn ẩm là đủ. Không bao giờ được nhét bất cứ thứ gì vào ống tai của bé. Mũi Dùng bông gòn thấm nước ấm đun sôi để nhẹ nhàng làm sạch gỉ mũi xung quanh lỗ mũi của bé. Không bao giờ nhét bất cứ thứ gì vào mũi của bé. Bộ phận sinh dục Sử dụng miếng bông ướt để lau. Đối với bé gái, luôn lau từ trước ra sau để tránh truyền vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo/niệu đạo. Rốn Tắm cho trẻ như bình thường, sau đó dùng khăn sạch thấm nhẹ vào rốn. Không bôi bất kỳ thứ gì lên rốn. Dây rốn sẽ đổi màu từ xanh vàng sang nâu và đen, cuối cùng tự rụng sau 1 - 2 tuần. Trong khi đó, hãy để tã dưới rốn để rốn và dây rốn được khô thoáng. Khi dây rốn rụng có thể chảy ra một ít máu hoặc dịch vàng trong vài ngày. Móng tay Trẻ sơ sinh có thể có móng tay và móng chân dài, sắc và mềm. Hãy đeo bao tay và bao chân cho bé để tránh làm trầy xước mình. Không cắt tỉa những móng trong vài tuần đầu tiên vì móng rất mềm. Sau vài tuần, khi móng tay đã cứng, hãy dùng kéo hoặc bấm móng tay dành riêng cho trẻ. Bạn có thể thấy dễ dàng hơn để cắt móng tay cho trẻ khi em bé đang ngủ và nhờ một người lớn khác giúp đỡ. |
Sử dụng tã
Trong 2 - 3 ngày đầu sau sinh, trẻ đi ngoài ra phân su – là phân đặc, dính, đen hoặc xanh đen. Sau đó trẻ bú sữa mẹ có xu hướng đi ngoài ra phân màu vàng, sệt lỏng/ướt nhìn như bị tiêu chảy, mùi hơi chua, có thể có những hạt trắng trộn lẫn trong phân. Trẻ sơ sinh thường sử dụng đến 6 - 8 tã mỗi ngày.
- Thay tã cho em bé khi bị bẩn hoặc dính nhiều nước tiểu. Vệ sinh vùng kín sau mỗi lần thay.
- Bạn có thể bôi thuốc mỡ hoặc kem bảo vệ sau mỗi lần thay tã.
- Nếu bạn sử dụng tã vải, hãy giặt tã bằng chất tẩy rửa không có mùi thơm.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ của em bé nếu có phát ban ở vùng quấn tã.
Lời khuyên
|
Quấn bé sơ sinh
Trong bệnh viện, bạn có thể thấy những đứa trẻ sơ sinh được quấn lại. Việc được quấn trong các tấm vải mang lại cho trẻ sơ sinh cảm giác an toàn và thoải mái vì nó gợi lại vị trí của em bé khi nằm trong tử cung mẹ. Bạn sẽ cần một tấm vải vuông mỏng để làm việc này:
- Trải tấm vải ra mặt phẳng và gấp góc trên xuống.
- Cho trẻ nằm ngửa, đặt trẻ vào giữa chăn và gối đầu lên phần gấp góc.
- Quấn một bên tấm vải lên người trẻ, nhét phần cuối dưới lưng vào bên dưới cánh tay đối diện của trẻ.
- Kéo phần dưới của tấm vải lên và trùm lên bụng.
- Đưa phía còn lại của tấm vải lên người trẻ và nhét vào dưới lưng trẻ.
- Hãy đảm bảo rằng bạn quấn không quá chặt, nhưng cũng không quá lỏng để nó không bị rơi ra khi trẻ chuyển động. Luôn đảm bảo rằng mặt của trẻ không bị che.
- Sau một vài tuần, em bé sẽ không cần phải quấn mọi lúc, đặc biệt là khi bé còn thức.
Mát-xa
Hãy tận hưởng thời gian gắn bó với con bạn bằng cách ôm con vào gần ngực bạn, âu yếm hoặc xoa bóp nhẹ cho con. Mát-xa cho bé sau khi tắm vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ là một cách tốt để giúp bé bình tĩnh lại, chỉ ra cho bé biết rằng đã đến giờ đi ngủ và giúp bé dễ đi vào giấc ngủ.
Làm dịu trẻ với âm thanh
Trẻ sơ sinh thích sự chú ý và âm thanh, vì vậy hãy thường xuyên nói chuyện, hát và thủ thỉ với bé. Nếu trẻ quấy khóc, hãy thử hát các bài hát ru. Nhịp điệu và lời của các bài hát này có thể làm dịu em bé xuống. Một số em bé thích âm thanh dài "shh…".
Ợ hơi
Trẻ sơ sinh có thể nuốt phải nhiều không khí trong khi bú, đặc biệt nếu trẻ bú bình. Điều quan trọng là phải cho trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú để giải phóng khí trong dạ dày. Bạn thậm chí có thể phải dừng bú giữa chừng để cho trẻ ợ hơi. Dưới đây là một số tư thế sẽ giúp bé ợ hơi.
- Vỗ ợ hơi khi bế qua vai: Bế vác trẻ một bên ngang ngực và vai. Vỗ hoặc xoa lưng nhẹ nhàng. Bạn nên có một miếng vải lót ở vai bạn, phòng trường hợp bé trớ.
- Vỗ ợ hơi khi trẻ trong lòng mẹ: Đặt trẻ ngồi lòng bạn. Sử dụng một tay để bế trẻ, lòng bàn tay nâng đỡ phần ngực trong khi các ngón tay nhẹ nhàng nâng cằm và hàm dưới. Không đặt ngón tay vào bên trong miệng của trẻ. Cho trẻ ngồi hướng nhẹ về phía trước và vỗ lưng trẻ bằng tay còn lại. Các động tác đều nên được thực hiện một cách nhẹ nhàng và tránh làm đau trẻ.
Tại sao trẻ khóc?
Khóc là một hình thức giao tiếp của trẻ với mọi người xung quanh. Dưới đây là một số lý do khiến trẻ có thể khóc:
Nguyên nhân | Dấu hiệu | Điều cần làm |
Dấu hiệu khi trẻ đã rất đói | Mút tay, xoay người về phía ngực của bạn và rúc tìm vú mẹ. | Cho trẻ bú. Luôn để ý các phản ứng khi trẻ mới bắt đầu đói để tránh điều này. |
Tình trạng quấy khóc do bụng đầy hơi của trẻ sau sinh (Colic) | Trẻ từ 1-2 tháng tuổi khóc nhiều vào buổi tối mà không có dấu hiệu đau ốm gì khác. | Cho trẻ ợ hơi, đặc biệt nếu trẻ bú bình. Một số bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau bụng với simethicone. |
Tã/bỉm bẩn | Tã/bỉm nặng, có mùi | Thay tã/bỉm |
Nóng/lạnh quá | Trẻ khó chịu và quấy khóc | Cảm nhận cơ thể của trẻ. Nếu trẻ bị lạnh, hãy mặc thêm quần áo hoặc tăng nhiệt độ phòng. Nếu trẻ quá nóng, hãy cởi bớt quần áo, thay quần áo nhẹ hoặc giảm nhiệt độ phòng. Kiểm tra nhiệt độ của trẻ để đảm bảo trẻ có khỏe hay không. |
Quá kích thích | Trẻ mệt nhưng không ngủ được nên khó chịu. | Giúp trẻ thư giãn, bình tĩnh lại bằng cách tắm nước ấm, mát-xa hoặc bế và cố gắng xoa dịu trẻ. |
Cô đơn | Trẻ thích ở bên bạn, và khóc khi được đặt xuống. | Hãy bế trẻ lại gần bạn và ở trong tầm nhìn của trẻ. |
Bị ốm | Trẻ có thể bị sốt, sổ mũi, ho, dễ cáu kỉnh hoặc buồn ngủ. | Kiểm tra nhiệt độ của trẻ, nếu trên 37.5 °C thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. |
Xem thêm: