Cách thử đường huyết tại nhà

Biết được chỉ số đường huyết giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng ở hiện tại và trong tương lai.

Chỉ số đường huyết là gì?

Chỉ số đường huyết, hay còn gọi là nồng độ glucose máu, cho biết lượng đường có trong máu. Glucose là một loại đường mà bạn nhận được từ thức ăn và đồ uống hằng ngày. Lượng đường trong máu lên xuống trong ngày. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, sự dao động này lớn hơn và xảy ra thường xuyên hơn so với những người không mắc tiểu đường.

Bạn có thể tự kiểm tra chỉ số đường huyết của mình tại nhà bằng cách sử dụng thiết bị test nhanh đường huyết đầu ngón tay hoặc máy đo đường huyết liên tục (CGM). Bạn có thể tự kiểm tra một vài lần trong ngày để theo dõi chỉ số đường huyết và điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như lượng thuốc cần dùng. 

Nhưng không phải ai mắc bệnh tiểu đường cũng cần phải đo đường huyết thường xuyên như vậy. Việc kiểm tra nhiều lần là cần thiết nếu bạn đang phải dùng một số loại thuốc trị tiểu đường. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên về việc có nên tự đo đường huyết tại nhà hay không và tần suất thực hiện như thế nào.

Một loại xét nghiệm khác gọi là HbA1c. Xét nghiệm này đo mức đường huyết trung bình trong vài tháng gần đây. Tất cả những ai bị tiểu đường đều có thể thực hiện xét nghiệm này.

Lượng đường trong máu cao sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy hãy luôn cố gắng nắm chắc thông tin về chỉ số đường huyết hiện tại của mình.

Tại sao phải kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên?

Nếu bạn dùng một số loại thuốc, như insulin hoặc sulphonylureas, theo dõi đường huyết là một công việc quan trọng để sống chung với bệnh tiểu đường. Việc theo dõi có thể giúp bạn biết được khi nào bạn cần dùng thêm thuốc, khi nào bạn cần bổ sung năng lượng hoặc khi nào bạn cần đứng dậy và đi lại nhiều hơn.

Việc kiểm tra định kỳ sẽ giúp bạn biết khi nào đường huyết của mình bắt đầu xuống quá thấp (hạ đường huyết) hoặc quá cao (tăng đường huyết). Đó là một cách để hiểu hơn về cơ thể mình và cách thức nó hoạt động, cũng như giúp bạn và bác sĩ nắm bắt được chu kỳ lên xuống của glucose máu. Hãy ghi lại kết quả ở mỗi lần đo, điều đó có thể hữu ích đấy.

Và một điều quan trọng nữa đó là việc theo dõi đường huyết chặt chẽ sẽ giúp bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng nặng của bệnh tiểu đường ở hiện tại và tương lai. Vâng, chúng tôi đang muốn nói đến các tổn thương nghiêm trọng ở những nơi như chân và mắt - xảy ra do lượng đường trong máu quá cao làm hỏng các mạch máu, khiến máu khó lưu thông đến khắp mọi nơi trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như mất thị lực và cần phải cắt cụt chi. 

Theo dõi đường huyết chặt chẽ sẽ giúp bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng nặng của bệnh tiểu đường như mất thị lực. Nguồn ảnh: diabetes.org.ukTheo dõi đường huyết chặt chẽ sẽ giúp bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng nặng của bệnh tiểu đường như mất thị lực. Nguồn ảnh: diabetes.org.uk

Nồng độ đường huyết của bạn càng cao và càng kéo dài, bạn càng có nhiều nguy cơ gặp biến chứng.

Cách kiểm tra lượng đường trong máu

Test đường máu mao mạch đầu ngón tay

Nguồn ảnh: healthline.comNguồn ảnh: healthline.com

Đây là cách giúp bạn xác định nhanh lượng đường trong máu của mình. 

Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách thực hiện xét nghiệm và điều quan trọng là bạn phải làm nó đúng cách - nếu không, bạn có thể nhận được kết quả sai.

Đối với một số người, test đường máu mao mạch đầu ngón tay không phải là vấn đề và nó nhanh chóng trở thành một phần trong thói quen bình thường của họ. Nhưng đối với nhiều người khác, đó có thể là một trải nghiệm căng thẳng và điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Chia sẻ với những người khác cũng bị tiểu đường có thể giúp ích cho bạn. Họ cũng đã trải qua điều đó và sẽ hiểu những lo lắng của bạn.

Bạn sẽ cần những dụng cụ sau để thực hiện test đường máu đầu ngón tay:

  • Máy đo 
  • Một thiết bị chích đầu ngón tay
  • Một số que thử
  • Một cây kim rất ngắn, mảnh
  • Thùng đựng vật nhọn để bạn có thể vứt kim đi một cách an toàn. 

Máy đo 

Các loại máy đo mới xuất hiện liên tục trên thị trường, vì vậy có thể khó chọn đúng được một chiếc. Tốt nhất bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn về loại máy đo phù hợp với mình.

Nếu bạn có vấn đề về thị lực, bạn có thể không sử dụng được một số máy đo. Bác sĩ sẽ đề xuất các lựa chọn thay thế.

Que thử

Que thử thường có 50 chiếc trong một bộ và phải phù hợp với loại máy đo bạn đã chọn.

Thiết bị chích ngón tay và kim chích

Thiết bị này dùng kim đâm vào da đầu ngón tay để lấy một giọt máu làm xét nghiệm. Bạn có thể điều chỉnh thiết bị để thay đổi độ sâu nó đi vào da, phụ thuộc vào độ dày da của bạn.

Kim chích máu có nhiều kích cỡ và độ dày khác nhau. Kim mỏng hơn sẽ ít đau hơn, nhưng nó không phải lúc nào cũng lấy đủ máu cho quá trình test.

Bạn chỉ có thể sử dụng một kim chích một lần vì khi dùng nhiều lần chúng sẽ bị cùn và gây đau đớn khi sử dụng.

Làm thế nào để thực hiện kiểm tra đường máu mao mạch đầu ngón tay?

Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách thực hiện lần đầu tiên. Dưới đây là các bước quan trọng:

Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm. Không sử dụng khăn ướt vì glycerine trong chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Đảm bảo tay bạn ấm để dễ lấy máu hơn và không bị đau nhiều.

Lấy que thử khỏi hộp và đặt nó vào máy đo rồi bật máy lên. Đóng nắp hộp ngay sau khi tháo que ra để ngăn hơi nước ảnh hưởng. Đôi khi que thử có sẵn ở trong máy.

Dùng thiết bị chích máu và chích vào phía bên cạnh đầu ngón tay. Không nên chích vào đầu ngón tay vì gây ra cảm giác đau đớn và không lấy đủ máu cho xét nghiệm. Một vài máy đo đường huyết dùng kim chích máu để lấy mẫu máu thử những vị trí khác thay vì lấy từ ngón tay, như lòng bàn tay hay cánh tay trước.

Nhỏ một giọt máu vào đúng chỗ trên que thử.

Ép bông gòn lên chỗ ngón tay bị chích để ngừng chảy máu.

Nghe theo hướng dẫn máy đo để lấy kết quả. Một vài máy chỉ mất vài giây để đưa ra kết quả. Hãy ghi lại nó.

Lấy que thử ra và vứt bỏ que thử. 

Máy đo đường huyết không cần lấy máu

Nguồn ảnh: newsroom.unsw.edu.auNguồn ảnh: newsroom.unsw.edu.au

Ngày càng có nhiều người mắc bệnh tiểu đường chọn sử dụng máy theo dõi đường huyết không cần lấy máu. Với sản phẩm FreeStyle Libre, người dùng chỉ cần gắn bộ cảm biến của máy lên bắp tay liên tục trong vòng 10 ngày. Kích thước miếng dán chỉ bằng một đồng xu và khá mỏng nhẹ, đặc biệt là khả năng chống nước tốt nên bạn có thể đeo liên tục mà không cần tháo lắp thường xuyên. 

Nhưng các thiết bị theo dõi đường huyết không xâm lấn không đo được lượng đường trong máu của bạn. Chúng đo lượng đường trong dịch kẽ bao quanh tế bào. Điều này gây ra sự chậm trễ khi đọc kết quả, vì vậy chúng không hoàn toàn chính xác. Do đó, bạn vẫn cần phải đo đường máu theo cách truyền thống thường xuyên.

Định lượng HbA1c

Nguồn ảnh: metropolisindia.comNguồn ảnh: metropolisindia.com

Cũng như việc phải thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết ít nhất mỗi năm một lần, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tái khám định kỳ để làm xét nghiệm HbA1c. Xét nghiệm này kiểm tra mức đường huyết trung bình của bạn trong vài tháng gần đây và giúp bác sĩ biết được diễn biến của bệnh theo thời gian.

Đây là một trong những xét nghiệm cần thiết với bệnh nhân tiểu đường và điều quan trọng là bạn phải được hiểu ý nghĩa của kết quả. Ngay cả mức HbA1c hơi cao cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng với mắt, bàn chân, tim và thận. Vì vậy, đừng bỏ qua nó, hãy cập nhật thông tin về chỉ số HbA1c thường xuyên.

Ghi lại các kết quả xét nghiệm của bạn

Hãy ghi lại kết quả đo đường huyết vào nhật ký, sổ tay hoặc lịch trên điện thoại của bạn. Một số máy đo có phần mềm giúp bạn dễ dàng lưu lại kết quả. Bạn cũng có thể thử cài đặt một ứng dụng dành cho bệnh tiểu đường.

Sau đó, bạn và bác sĩ điều trị cho bạn có thể nhìn lại kết quả để xem liệu bạn có cần điều chỉnh phương pháp điều trị của mình hay không.

Mức đường huyết mục tiêu của tôi là bao nhiêu?

Vào thời điểm trước bữa ăn, mức đường huyết cho người trưởng thành bị tiểu đường typ 1 và typ 2 như sau:

  • Dưới 4 mmol/l: quá thấp – hạ đường huyết
  • Từ 4 – 7 mmol/l: đạt mục tiêu
  • Trên 7 mmol/l: quá cao – tăng đường huyết

Bạn có thể đang hỏi lượng đường trong máu bình thường là bao nhiêu? Câu trả lời là, có một phạm vi tốt cho sức khỏe mà bạn nên nhắm đến. Thông tin trên cho biết mục tiêu trung bình ở người trưởng thành bị tiểu đường, nhưng mục tiêu cá nhân cho mức đường huyết của bạn có thể khác, và sẽ được xác định bởi bác sĩ trực tiếp điều trị cho bạn. Bạn sẽ có chỉ số đường huyết khác nhau vào các thời điểm khác nhau trong ngày, tùy thuộc vào những gì bạn đã ăn và mức độ hoạt động thể chất của bạn. Dưới đây là hướng dẫn để giúp bạn bắt đầu tìm phạm vi mục tiêu của mình:

Đối với một đứa trẻ mắc bệnh tiểu đường typ 1:

  • Khi mới thức dậy và trước bữa ăn: 4 – 7 mmol/l
  • Sau bữa ăn: 5 – 9 mmol/l

Đối với người lớn mắc bệnh tiểu đường typ 1:

  • Khi bạn mới thức dậy và chưa ăn sáng: 5 – 7 mmol/l
  • Trước bữa ăn vào các thời điểm khác trong ngày: 4 – 7 mmol/l

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường typ 2:

  • Trước bữa ăn: 4 – 7 mmol/l
  • Hai giờ sau bữa ăn: dưới 8.5 mmol/l 

Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ:

  • Lúc đói: dưới 5.3 mmol/l
  • Một giờ sau bữa ăn: dưới 7.8 mmol/l
  • Hai giờ sau bữa ăn: dưới 6.4 mmol/l 

Nếu bạn đang mang thai và mắc bệnh tiểu đường, mục tiêu của bạn sẽ khác. 

Điều gì xảy ra khi lượng đường trong máu quá thấp?

Nguồn ảnh: everydayhealth.comNguồn ảnh: everydayhealth.com

Nếu lượng đường trong máu quá thấp (thường là dưới 4 mmol/l), bạn có thể bị hạ đường huyết. Hạ đường huyết cần phải được xử trí ngay lập tức, nếu không lượng đường trong máu sẽ giảm hơn nữa và bạn có thể bị hạ đường huyết nghiêm trọng và cần được điều trị khẩn cấp.

Hạ đường huyết có nhiều triệu chứng khác nhau, vì vậy, điều quan trọng là bạn phải nắm được các dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu của mình đang xuống quá thấp. 

Điều gì xảy ra khi đường máu quá cao?

Nguồn ảnh: beatoapp.comNguồn ảnh: beatoapp.com

Nếu chỉ số đường huyết cao hơn một chút so với mục tiêu của bạn, nó thường không biểu hiện triệu chứng. Nhưng nếu lượng đường máu trở nên quá cao, một số triệu chứng có thể xuất hiện. Ngưỡng đường huyết mà ở đó các triệu chứng bắt đầu xuất hiện ở mỗi người là khác nhau, nhưng các triệu chứng phổ biến bao gồm đi tiểu nhiều hơn bình thường, rất khát nước, đau đầu, cảm thấy mệt mỏi và hôn mê.

Điều quan trọng là bạn phải biết cách xử lý khi bị tăng đường huyết để tránh gặp phải tình trạng nhiễm toan ceton, có thể dẫn đến hôn mê.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!