Cách nhận biết axit sunfuhiđric (H2S)
I. Cách nhận biết axit sunfuhiđric
- Axit sunfuhiđric là một axit rất yếu, yếu hơn cả axit cabonic và là axit 2 nấc.
H2S ⇄ HS- + H+
HS- ⇄ S2- + H+
- Cách nhận biết: Dùng quỳ tím
- Hiện tượng: Quỳ tím chuyển đỏ
Ngoài ra, có thể nhận biết axit sunfuhiđric bằng dung dịch muối như CuSO4 hay Pb(NO3)2; (CH3COO)2Pb … hiện tượng sinh ra kết tủa màu đen.
Phương trình hóa học:
H2S + CuSO4 → CuS↓ + H2SO4
H2S + Pb(NO3)2 → PbS↓ + 2HNO3
Lưu ý: Không nhận biết H2S bằng muối của kim loại sắt hay kẽm … (như FeCl2, FeSO4, ZnCl2, ZnSO4 …) vì phản ứng không xảy ra.
II. Mở rộng
- Dung dịch axit sunfuhiđric ngoài tính axit yếu còn có tính khử mạnh.
- Dung dịch axit sunfuhiđric tiếp xúc với không khí, nó dần trở nên vẩn đục màu vàng, do oxi của không khí đã oxi hóa H2S thành S:
2H2S + O2 → 2H2O + 2S↓
III. Bài tập nhận biết axit sunfuhiđric
Bài 1: Trình bày phương pháp hóa học nhận biết các dung dịch không màu sau: Na2S, H2S, NaOH, HCl, NaCl chứa trong các lọ mất nhãn.
Hướng dẫn giải:
- Đánh số thứ tự từng lọ mất nhãn, trích mỗi lọ một ít sang ống nghiệm đánh số tương ứng (trích mẫu thử).
- Nhúng các mẩu quỳ tím vào các dung dịch mẫu thử, hiện tượng:
+ Quỳ tím chuyển sang màu đỏ: H2S, HCl (nhóm I).
+ Quỳ tím chuyển sang màu xanh: Na2S, NaOH (nhóm II).
+ Quỳ tím không đổi màu: NaCl
- Nhỏ vài giọt dung dịch CuCl2 vào các mẫu thử ở nhóm I và II, ta có hiện tượng:
Nhóm I:
+ Xuất hiện kết tủa màu đen: H2S
H2S + CuCl2 → CuS↓ + 2HCl
+ Không hiện tượng: HCl
Nhóm II:
+ Xuất hiện kết tủa màu đen: Na2S
Na2S + CuCl2 → CuS↓ + 2NaCl
+ Xuất hiện kết tủa màu xanh: NaOH
CuCl2 + 2NaOH → Cu(OH)2↓ + 2NaCl
Bài 2: Bằng phương pháp hóa học hãy phân biệt 2 dung dịch axit sau: H2S và H2SO4?
Hướng dẫn giải:
Dùng dung dịch Ba(OH)2 để phân biệt, ta thu được hiện tượng:
- Xuất hiện kết tủa trắng: H2SO4
Ba(OH)2 + H2SO4 → BaSO4↓ + 2H2O
- Không hiện tượng: H2S
Ba(OH)2 + H2S → BaS + 2H2O
Xem thêm các bài viết về cách nhận biết các chất hóa học hay và chi tiết khác:
Cách nhận biết axit clohiđric (HCl)
Cách nhận biết axit sunfuric (H2SO4)
Cách nhận biết axit nitric (HNO3)