Bệnh Zona thần kinh trên mặt

Bệnh zona thần kinh là một nhiễm trùng phổ biến do vi-rút varicella-zoster gây ra.

Video Bệnh Zona Thần Kinh và những thông tin cần biết

Thường xuất hiện những mảng đỏ tại một bên vùng ngực và lưng. Nó cũng có thể phát triển tại một phía của mặt hoặc khu vực xung quanh mắt. 

Tình trạng bệnh có thể diến tiến rất nặng: gây ra đau đớn nhiều cho bệnh nhân và để lại những tác hại lâu dài đối với sức khoẻ. Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh zona thần kinh một cách dứt điểm, nhưng để hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng, chúng ta cần bắt đầu điều trị bệnh càng sớm càng tốt. 

Những triệu chứng của bệnh zona thần kinh là gì?

Bệnh zona thần kinh gây ra những mảng đỏ, hoặc những vết mụn nước tập trung thành đám nằm kề nhau giống nhau 1 dải nằm tại một phía của cơ thể hoặc vùng trên mặt. Những mảng đỏ này có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi xung quanh cơ thể hoặc chỉ tập trung tại một vài khu vực. Mặt là vùng xuất hiện phổ biến thứ hai của những tổn thương này. Nó có thể lan từ tai ra tới mũi và trán. Hoặc lan ra khu vực xung quanh của một mắt, khiến cho mắt bị đỏ lên và sưng tấy ở vùng da lân cận bên mắt bị tổn thương. Có một số trường hợp ghi nhận các mảng đỏ có phát triển ở trong miệng. 

Rất nhiều người có cảm giác râm ran, châm chích hoặc nóng ở vùng da mà sau này phát triển thành những mảng đỏ. Những mảng này bắt đầu là những mụn nước, những mụn nước này có thể tập trung thành nhiều đám nhỏ và các đám nhỏ này rải rác khắp nơi trên cơ thể, hoặc chúng có thể tập trung rất nhiều tại một vùng khiến cho vùng tổn thương nhìn giống như các tổn thương khi bị bỏng. Sau vài ngày tới vài tuần, những mụn nước này sẽ vỡ ra, rỉ chất dịch ở trong ra ngoài và hình thành lớp vảy, sau một thời gian ngắn thì lớp vảy cũng rơi ra.

 Các vết tổn thương bắt đầu đóng vảy. Nguồn ảnh: webmd.com

Các vết tổn thương bắt đầu đóng vảy. Nguồn ảnh: webmd.com

Một số các triệu chứng khác của bệnh zona thần kinh:

  • Ngứa
  • Tăng sự mẫn cảm
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Sốt

Nguyên nhân gây ra bệnh zona thần kinh?

Vi-rút varicella-zoster chính là thủ phạm gây ra bệnh zona thần kinh. Đây cũng là loại vi-rút gây ra bệnh thuỷ đậu. Bạn chỉ có thể bị mắc bệnh zona thần kinh khi trước đây bạn đã có tiền sử mắc bệnh thuỷ đậu.

Sau khi bệnh thuỷ đậu được chữa khỏi, những con vi-rút này vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong cơ thể con người. Chúng có thể luôn luôn duy trì trạng thái không hoạt động tới khi người đó chết, hoặc chúng sẽ trở lại trạng thái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh. Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân làm cho vi-rút này lại trở lại trạng thái hoạt động, nhưng những người có hệ miễn dịch kém thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các lứa tuổi đều có khả năng mắc zona thần kinh, tuy nhiên nguy cơ sẽ tăng lên sau tuổi 60. Và cũng chưa rõ vì sao một số trường hợp lại chủ yếu chỉ xuất hiện các tổn thương zona thần kinh ở trên mặt.

Những biến chứng của bệnh zona thần kinh là gì?

Bệnh zona thần kinh biểu hiện ở trên mặt có thể gây ra nhiều biến chứng phụ thuộc vào vị trí xuất hiện các mảng tổn thương.

Mắt

“Giời leo” xuất hiện quanh mắt là một tình trạng nghiêm trọng cần tư vấn từ bác sĩ mắt. Nguồn ảnh: medicalnewstoday.com

“Giời leo” xuất hiện quanh mắt là một tình trạng nghiêm trọng cần tư vấn từ bác sĩ mắt. Nguồn ảnh: medicalnewstoday.com

“Giời leo” phát triển quanh khu vực mắt là một tình trạng khá nghiêm trọng. Vi-rút có thể gây ảnh hưởng đến cả các bộ phận bên trong và bên ngoài mắt, như: giác mạc và các tế bào thần kinh cảm thụ ánh sáng. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đỏ mắt
  • Sưng mắt
  • Phù nề khu vực xung quanh mắt
  • Nhiễm trùng
  • Gặp các vấn đề về thị giác

Bệnh zona thần kinh phát triển bên trong mắt hoặc xung quanh khu vực mắt có thể dẫn tới tình trạng mù vĩnh viễn.

Tai

Bệnh zona thần kinh phát triển ở khu vực gần tai hoặc ngay trong tai có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Tình trạng này có thể dẫn tới:

  • Các vấn đề về thính giác
  • Các vấn đề về thăng bằng
  • Làm yếu các cơ trên mặt

Ở một số trường hợp, những triệu chứng trên có thể kéo dài ngay cả khi những mảng đỏ đặc trưng của bệnh đã biến mất, thậm chí có thể phát triển thành tình trạng mạn tính.

Miệng

Bệnh zona thần kinh phát triển trong khoang miệng sẽ rất đau cho người bệnh, khiến người mắc bệnh gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống cho tới khi khỏi bệnh. Thậm chí nó còn làm thay đổi vị giác của những người mắc phải.

Những biến chứng khác

Một trong số những biến chứng khá phổ biến của bệnh zona thần kinh đó là tình trạng đau dây thần kinh hậu zona (postherpetic neralgia hay còn gọi là PHN). Khi có tình trạng này thì người bệnh vẫn sẽ bị đau ở những vùng đã từng có các mảng đỏ do zona thần kinh gây ra, thậm chí ngay cả khi các tổn thương đó đã lành và biến mất. Tình trạng này có thể kéo dài vài tuần, cho tới vài tháng, thậm chí cả năm.

Nếu bạn bị vi khuẩn xâm nhập vào các tổn thương của bệnh zona thần kinh thì chúng có thể để lại sẹo vĩnh viễn.

Sẹo vĩnh viễn do zona thần kinh. Nguồn ảnh: sciencephoto.com

Sẹo vĩnh viễn do zona thần kinh. Nguồn ảnh: sciencephoto.com

Bệnh zona thần kinh có khả năng làm tăng nhẹ nguy cơ mắc đột quỵ trong một vài tuần cho tới vài tháng. Nguy cơ này sẽ cao hơn nếu zona thần kinh phát triển trên mặt.

Bệnh zona thần kinh cũng có thể gây ảnh hưởng tới não, tuỷ sống và các mạch máu, nhưng các trường hợp này tương đối hiếm. Tuy nhiên, viêm phổi và nhiễm trùng não vẫn có thể xảy ra.

Có 1-4% số bệnh nhân mắc bệnh zona thần kinh đã phải nhập viện do gặp các biến chứng. Khoảng 30% trong số đó có hệ miễn dịch bị suy giảm. Bệnh zona thần kinh là nguyên nhân của khoảng 96 ca tử vong mỗi năm tại Hoa Kỳ.

Chẩn đoán bệnh zona thần kinh như thế nào?

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào có thể liên quan tới bệnh zona thần kinh, đặc biệt là khi các biểu hiện xuất hiện trên mặt, hãy tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh để nhận tư vấn từ các bác sĩ mắt sớm nhất có thể.

Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh zona thần kinh hay các mảng đỏ tổn thương đặc trưng của bệnh bằng các test vật lý hoặc quan sát. Đồng thời, có thể lấy mẫu vảy từ tổn thương của bệnh nhân gửi tới phòng xét nghiệm để xác nhận sự có mặt của vi-rút.

Khi bạn có một hệ miễn dịch dễ mắc bệnh, thì việc tới trung tâm y tế sớm để được khám và điều trị bệnh là rất quan trọng. Việc điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng nghiệm trọng của bệnh zona thần kinh. 

Điều trị bệnh zona thần kinh biểu hiện trên mặt như thế nào?

Bệnh zona thần kinh hoàn toàn có thể phát triển và kết thúc một cách tự nhiên, tuy nhiên vẫn có một số điều trị can thiệp mà chúng ta có thể thực hiện:

  • Thuốc kháng vi-rút.
  • Thuốc kháng viêm, đặc biệt khi ảnh hưởng tới vùng mặt và mắt.
  • Thuốc giảm đau mua ở các hiệu thuốc hoặc thuốc giảm đau liều cao cần kê đơn.
  • Túi chườm lạnh để làm dịu các mảng đỏ rát.

Bạn nên chú ý giữ các vết tổn thương thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Kết luận

Bệnh zona thần kinh có thể kéo dài hàng tháng trước khi biến mất hoàn toàn nếu tình trạng bệnh nặng. Với một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài hơn và gây ảnh hưởng tới cuộc sống người bệnh. Bệnh nhân nên gặp và tư vấn bác sĩ thường xuyên nếu gặp tình trạng đau dây thần kinh hậu Zona (PHN).

Những biến chứng ảnh hưởng tới vùng mắt và tai cần được tiếp tục theo dõi và chăm sóc trong thời gian dài, đặc biệt khi bạn vẫn gặp một số vấn đề với thính giác và thị giác.

Zona thần kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt và vùng da xung quanh. Nguồn ảnh: medicalnewstoday.com

Zona thần kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt và vùng da xung quanh. Nguồn ảnh: medicalnewstoday.com

Hầu hết mọi người thường chỉ mắc bệnh zona thần kinh một lần. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp có thể tái mắc, điều này thường xảy ra nếu bạn có một hệ miễn dịch yếu.

Khi bạn không mắc phải bất kỳ biến chứng nào thì các triệu chứng zona thần kinh của bạn sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng vài tuần, hoặc chỉ để lại rất ít ảnh hưởng.

Làm cách nào để không lây lan vi-rút?

Bệnh Zona không thể lây truyền từ người này sang người khác, nhưng vi-rút varicella-zoster lại có khả năng lây lan. Nếu bạn mắc bệnh zona thần kinh và bạn tiếp xúc với những người chưa từng mắc thuỷ đậu trước đây hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng loại bệnh này thì có khả năng cao bạn sẽ truyền vi-rút sang cho họ. Họ sẽ mắc bệnh thuỷ đậu chứ không phải zona thần kinh, nhưng điều này cũng khiến họ có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh sau này.

Thời điểm dễ lây lan nhất là thời điểm khi mà những nốt mụn nước bắt đầu vỡ, dịch ở trong những nốt mụn này bắt đầu rỉ ra ngoài cho tới khi chúng bắt đầu đóng vảy. 

Giai đoạn vi-rút varicella-zoster dễ lây lan. Nguồn ảnh: medicalnewstoday.com

Giai đoạn vi-rút varicella-zoster dễ lây lan. Nguồn ảnh: medicalnewstoday.com

Hãy thực hiện những điều sau để tránh làm lây lan vi-rút này sang người khác:

  • Che chắn các mảng đỏ cẩn thận khi tiếp xúc với người khác, nhất là vào thời điểm các nốt mụn nước bắt đầu vỡ ra.
  • Không sờ, gãi hay chà xát các mảng tổn thương.
  • Rửa tay kỹ càng và thường xuyên.

Bên cạnh đó, cần tránh tiếp xúc với những người chưa mắc thuỷ đậu bao giờ hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng thuỷ đậu, nhất là với:

  • Phụ nữ mang thai
  • Trẻ sơ sinh
  • Người nhiễm HIV
  • Người đang phải dùng thuốc gây suy giảm hệ miễn dịch hoặc đang hoá trị.
  • Bệnh nhân ghép tạng

Bạn không cần lo lắng về khả năng sẽ lây vi-rút cho những người đã từng mắc thuỷ đậu hay đã tiêm vắc xin thuỷ đậu. Nếu bạn trên 60 tuổi và mắc thuỷ đậu chứ không phải bệnh zona thần kinh, thì hãy tư vấn các bác sĩ xem trường hợp của mình có cần tiêm vắc xin phòng zona thần kinh hay không.

Xem thêm : 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!