Bệnh ho gà: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng do một loại vi khuẩn có tên là Bordetella pertussis gây ra. Tình trạng nhiễm trùng gây ra những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được và có thể gây khó thở. Ho gà có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Video: Bệnh ho gà - Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, bệnh lý

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trước khi có vắc-xin, ho gà là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em ở Hoa Kỳ. Báo cáo của CDC cho biết tổng số ca mắc bệnh ho gà trong năm 2016 chỉ dưới 18.000 ca, với 7 trường hợp tử vong được ghi nhận. 

Triệu chứng của bệnh ho gà

Theo CDC, thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi nhiễm ban đầu đến khi xuất hiện các triệu chứng) đối với bệnh ho gà là khoảng 5 đến 10 ngày, nhưng các triệu chứng có thể không xuất hiện trong vòng 3 tuần.

Các triệu chứng ban đầu giống với cảm lạnh thông thường và bao gồm sổ mũi, ho và sốt. Trong vòng hai tuần, ho khan, dai dẳng có thể tiến triển khiến việc thở gặp khó khăn. Trẻ em thường phát ra âm thanh “khục khục” khi chúng cố gắng lấy hơi sau những cơn ho, mặc dù âm thanh kinh điển này ít phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh. Bệnh ho gà cũng có thể gây ra:

  • Nôn mửa
  • Da xanh hoặc tím quanh miệng
  • Mất nước
  • Sốt nhẹ
  • Khó thở

Người lớn và thanh thiếu niên thường gặp các triệu chứng nhẹ hơn, chẳng hạn như ho kéo dài mà không có âm thanh “khục khục”. 

Chẩn đoán và điều trị ho gà

Nếu bạn hoặc con bạn gặp các triệu chứng của bệnh ho gà, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức, đặc biệt nếu các thành viên trong gia đình bạn chưa được tiêm vắc-xin. Bệnh ho gà rất dễ lây lan , vi khuẩn có thể xâm nhập vào không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc cười và có thể nhanh chóng lây sang người khác.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh ho gà, bác sĩ sẽ khám và lấy mẫu chất nhầy trong mũi và họng. Sau đó, những mẫu này sẽ được kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn B. pertussis. Xét nghiệm máu cũng có thể cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh.

Lấy dịch mũi họng chẩn đoán ho gà (nguồn: https://holo-tech.ca/) Lấy dịch mũi họng chẩn đoán ho gà (nguồn: https://holo-tech.ca/)  Điều trị

Nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ phải nhập viện để điều trị giúp theo dõi và hỗ trợ hô hấp tốt hơn. Một số có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch (IV) để điều trị triệu chứng mất nước.

Vì ho gà là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính. Thuốc kháng sinh có hiệu quả nhất trong giai đoạn đầu của bệnh ho gà. Chúng cũng có thể được sử dụng trong giai đoạn muộn của bệnh để ngăn lây lan sang người khác.

Mặc dù thuốc kháng sinh có thể giúp điều trị nhiễm trùng nhưng chúng không có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị ho. Tuy nhiên, các loại thuốc ho không được khuyến khích sử dụng vì chúng không có tác dụng đối với các triệu chứng của bệnh ho gà và có thể mang lại các tác dụng phụ có hại cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Hầu hết các bác sĩ khuyên bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của trẻ  để giữ không khí ẩm và giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh ho gà. 

Các biến chứng có thể xảy ra khi mắc bệnh ho gà

Trẻ sơ sinh bị ho gà cần được theo dõi chặt chẽ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra do thiếu oxy. Các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

  • Tổn thương não
  • Viêm phổi
  • Cơn động kinh 
  • Chảy máu trong não
  • Ngưng thở (thở chậm lại hoặc ngừng thở)
  • Co giật (không kiểm soát được, run nhanh)
  • Tử vong

Nếu trẻ sơ sinh có các triệu chứng nhiễm trùng, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức.

Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có thể gặp các biến chứng, bao gồm:

  • Khó ngủ
  • Tiểu không kiểm soát (mất kiểm soát bàng quang)
  • Viêm phổi
  • Gãy xương sườn

Tiên lượng xa cho bệnh ho gà

Các triệu chứng của bệnh ho gà có thể kéo dài đến bốn tuần hoặc lâu hơn, ngay cả khi đã được điều trị. Trẻ em và người lớn thường phục hồi nhanh chóng nếu được can thiệp y tế sớm. Trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong liên quan đến ho gà cao nhất, ngay cả khi được bắt đầu điều trị sớm. Cha mẹ nên theo dõi trẻ sơ sinh cẩn thận. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại hoặc tiến triển nặng hơn, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Phòng bệnh ho gà

 

Tiêm vắc-xin phòng ho gà (nguồn: https://flo.health/) Tiêm vắc-xin phòng ho gà (nguồn: https://flo.health/) 

Tiêm phòng là chìa khóa để phòng bệnh. CDC khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ sơ sinh tại thời điểm:

  • 2 tháng
  • 4 tháng
  • 6 tháng

Cần tiêm các mũi tăng cường cho trẻ tại:

  • 15 đến 18 tháng
  • 4 đến 6 tuổi và một lần nữa khi 11 tuổi

Trẻ em không phải là đối tượng duy nhất dễ mắc bệnh ho gà. Nói chuyện với bác sĩ về việc tiểm ngừa nếu:

  • Làm việc, thăm nom hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em
  • Trên 65 tuổi
  •  Làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!