Video cách điều trị bệnh Viêm loét dạ dày tá tràng hiệu quả
Trên thế giới có khoảng 10% số người lớn bị viêm loét dạ dày tá tràng ít nhất 1 lần trong đời.
Khi vết viêm loét nằm ở vị trí dạ dày, nó được gọi là viêm loét dạ dày, tại tá tràng được gọi là viêm loét tá tràng, và được gọi là viêm loét thực quản nếu vết loét tại vị trí thực quản.
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng là do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và sử dụng thuốc chống viêm không steroid (non-steroidal anti-inflammatory drugs – NSAIDs).
Một số thông tin nhanh về viêm loét dạ dày tá tràng:
- Viêm loét dạ dày tá tràng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vị trí nào trong hệ thống tiêu hóa.
- Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng vùng thượng vị, đôi khi có cảm giác khó tiêu và buồn nôn.
- Nguyên nhân thường dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm vi khuẩn và một số loại thuốc.
- Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc kháng sinh.
Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng
Không hiếm người bị loét dạ dày tá tràng mà không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, bệnh thường dẫn đến đau tức bụng, khó tiêu.
Cơn đau do viêm loét dạ dày tá tràng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào từ rốn đến xương ức. Đau có thể thoáng qua nhưng cũng có thể kéo dài hàng giờ. Đau nặng hơn khi đói hoặc ngay sau khi ăn (tùy thuộc vào vị trí của của vết loét); đôi khi tình trạng đau có thể nặng hơn khi ngủ. Một số loại thức ăn có thể làm giảm tình trạng đau trong khi một số khác dẫn đến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Nuốt nghẹn
- Trào ngược
- Khó chịu sau ăn
- Sụt cân
- Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn
Các thuốc không kê đơn có thể giúp giảm các triệu chứng thường gặp này. Đôi khi, các vết loét có thể gây ra các triệu chứng, hội chứng trầm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Nôn ra máu
- Đi ngoài phân đen, hoặc phân đen lẫn máu đỏ tươi
- Buồn nôn, nôn kéo dài và đặc biệt trầm trọng
Đây là những triệu chứng báo hiệu tình trạng cấp cứu, cần được nhập viện ngay lập tức để được khám và điều trị kịp thời.
Các biến chứng viêm loét dạ dày tá tràng
Nguy cơ biến chứng tăng lên nếu vết loét không được điều trị, hoặc việc điều trị không được tuân thủ. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Chảy máu trong
- Huyết động không ổn định: chảy máu trong là một biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến rối loạn huyết động và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể
- Viêm phúc mạc: vết loét gây thủng dạ dày, ruột non.
- Sẹo xơ
- Hẹp môn vị: một biến chứng của viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính
Viêm loét dạ dày tá tràng có khả năng tái phát. Khi đã có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh nhân dễ có nguy cơ mắc thêm các vết loét khác sau đó.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Phương pháp điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra loét dạ dày tá tràng. Việc điều trị sẽ tập trung vào việc giảm nồng độ axit trong dạ dày để vết loét có thể lành lại hoặc tiêu diệt vi khuẩn H. pylori.
Thuốc ức chế bơm proton (Proton pump inhibitors – PPIs)
PPI làm giảm sản xuất axit trong dạ dày. Chúng được kê đơn cho những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn H. pylori. Điều trị thường kéo dài 1-2 tháng, nhưng nếu vết loét nghiêm trọng, việc điều trị có thể kéo dài hơn.
Điều trị nhiễm H. pylori (viêm loét dạ dày HP (+))
Bệnh nhân bị nhiễm H. pylori thường sẽ cần điều trị kết hợp PPI và kháng sinh. Phương pháp điều trị này có hiệu quả ở hầu hết các bệnh nhân và vết loét sẽ bắt đầu lành lại trong vài ngày. Khi quá trình điều trị kết thúc, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lại để khẳng định đã tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn H. Pylori. Khi cần thiết, vi khuẩn H. Pylory chưa được tiêu diệt hoàn toàn, bệnh nhân sẽ phải điều trị thêm 1 đợt kháng sinh nữa.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng do sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Nếu vết loét xuất phát từ điều trị NSAID, bệnh nhân sẽ phải ngừng sử dụng loại thuốc này. Các thuốc thay thế bao gồm acetaminophen. Nếu bệnh nhân không thể ngừng sử dụng NSAID, bác sĩ có thể giảm liều điều trị và xem xét đáp ứng của bệnh nhân. Một số loại thuốc khác có thể được kê đơn lâu dài cùng với NSAID.
Theo dõi điều trị
Ngay cả khi vết loét đã lành và đợt điều trị kết thúc, bệnh nhân vẫn có thể bị khó tiêu. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ có thể tư vấn một số thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống. Nếu các triệu chứng vẫn còn, có thể kê đơn PPI liều thấp hoặc thuốc kháng thụ thể H2. Trường hợp nghiêm trọng có chảy máu, có thể cần nội soi để cầm máu tại chỗ loét.
Chế độ ăn
Việc thay đổi chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa viêm loét dạ dày tá tràng.
Nên tránh thực phẩm và hương liệu kích thích dạ dày tăng sản xuất axit, chẳng hạn như bột ớt, tỏi, tiêu đen và caffeine. Rượu cũng có tác dụng tương tự đối với dạ dày và cũng nên tránh.
Chế độ ăn nên có nhiều thực phẩm bổ sung vitamin A và chất xơ dễ tan. Ví dụ như:
Nguồn chất xơ hòa tan
- Yến mạch
- Táo
- Cam
- Cà rốt
- Vỏ hạt psyllium
- Đậu
- Hạt lanh
- Quả hạch
- Lúa mạch
Nguồn cung cấp vitamin A
- Gan
- Bông cải xanh
- Cải xoăn
- Rau chân vịt
- Khoai lang
- Cải xanh
Các loại thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như một loạt các loại quả mọng và đậu Hà Lan, được khuyến khích sử dụng. Trà xanh cũng đã được chứng minh có tác dụng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn H. pylori trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu nó có tác động tương tự bên trong cơ thể con người hay không.
Một chế độ ăn uống cân bằng với trái cây và rau quả và giảm thiểu các loại gia vị và hương vị mạnh sẽ giúp hỗ trợ điều trị loét dạ dày tá tràng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng thường xảy ra do:
- Vi khuẩn H. pylori
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm loét dạ dày và tá tràng. NSAIDs là một nguyên nhân ít có khả năng xảy ra hơn.
H. pylori gây viêm loét dạ dày tá tràng như thế nào?
Mặc dù nhiều người mang vi khuẩn H. pylori một cách tự nhiên, nhưng không phải tất cả đều bị viêm loét dạ dày tá tràng, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao H. Pylory chỉ gây bệnh ở một số người. H. pylori lây lan qua thức ăn và nước uống. Chúng sống trong chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày và tá tràng, sản xuất ra urease, một loại enzym trung hòa axit trong dạ.
Để bù đắp điều này, dạ dày tiết ra nhiều axit hơn, và điều này gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn cũng làm suy yếu hệ thống phòng thủ của dạ dày và gây viêm. Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng do H. pylori cần được điều trị để loại bỏ vi khuẩn này khỏi dạ dày và ngăn ngừa chúng quay trở lại.
Cơ chế gây viêm loét dạ dày do NSAIDs
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) là thuốc trị đau đầu, đau bụng kinh và các cơn đau khác. Ví dụ như aspirin và ibuprofen. Nhiều NSAID có thể mua được mà không cần đơn của bác sĩ.
NSAIDs làm giảm khả năng tạo lớp chất nhầy bảo vệ của dạ dày. Điều này làm cho nó dễ bị tổn thương bởi axit dịch vị. NSAIDs cũng có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến dạ dày, làm giảm khả năng sửa chữa các tế bào, mô bị tổn thương.
Các nguyên nhân khác gây viêm loét dạ dày tá tràng
- Di truyền: Một số lượng đáng kể những người bị loét dạ dày tá tràng có tiền sử gia đình họ hàng gần cũng mắc bệnh, cho thấy rằng các yếu tố di truyền có thể liên quan.
- Hút thuốc lá: Những người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc viêm loét dạ dày tá tràng cao hơn so với những người không hút thuốc.
- Uống rượu: Những người thường xuyên uống nhiều rượu có nguy cơ cao bị loét dạ dày tá tràng.
- Sử dụng corticosteroid: Những người sử dụng corticosteroid liều cao hoặc kéo dài cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Stress: stress không liên quan đến việc tạo ra các ổ viêm loét dạ dày tá tràng mới nhưng có vẻ chúng là trầm trong thêm các triệu chứng của các ổ viêm cũ.
Chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng
Các triệu chứng bệnh nhân mô tả sẽ định hướng bác sĩ đến chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Các xét nghiệm để chẩn đoán xác định bao gồm:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra H. pylori, mặc dù xét nghiệm dương tính không phải lúc nào cũng có nghĩa là có nhiễm trùng đang hoạt động
- Kiểm tra hơi thở, sử dụng nguyên tử carbon phóng xạ để phát hiện H. pylori
- Xét nghiệm kháng nguyên phân để phát hiện H. pylori trong phân
- Chụp X-quang đường tiêu hóa trên (GI) để xác định vết loét
- Nội soi cũng có thể được sử dụng. Phương pháp này sử dụng một ống dài và hẹp có gắn camera ở đầu được luồn theo đường miệng xuống thực quản và vào dạ dày, tá tràng. Đây là phương tiện chẩn đoán tốt nhất.
Nếu phát hiện có vết loét, bác sĩ có thể lấy sinh thiết (một mẫu mô nhỏ) để kiểm tra dưới kính hiển vi. Sinh thiết có thể kiểm tra H. pylori và tìm kiếm bằng chứng của bệnh ung thư. Nội soi có thể được lặp lại một vài tháng sau đó để xác định liệu vết loét đã lành hay chưa.
Tiên lượng của viêm loét dạ dày tá tràng
Tiên lượng của bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng nhìn chung là tốt.
Viêm loét dạ dày tá tràng có thể gây đau đớn và suy nhược cơ thể nhưng phần lớn các trường hợp đều có thể được điều trị khỏi và dự phòng tái phát.
Diệt vi khuẩn H. Pylori và tránh sử dụng NSAIDs là một trong các biện pháp dự phòng viêm loét dạ dày tá tràng.
Xem thêm:
- Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
- Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Hãy đến gặp bác sĩ thay vì tự dùng thuốc kháng axit ở nhà
- Kế hoạch chăm sóc và điều trị bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng
- Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng