Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là những vết loét hở phát triển tại niêm mạc bên trong dạ dày và phần trên của ruột non. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là đau dạ dày.

Viêm loét dạ dày tá tràng bao gồm: 

  • Viêm loét dạ dày xảy ra ở bên trong dạ dày
  • Viêm loét tá tràng xảy ra ở bên trong phần trên của ruột non (tá tràng) 

Video: Bệnh loát dạ dày - tá tràng

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm loét dạ dày tá tràng là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và sử dụng kéo dài các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen (Advil, Motrin IB, …) và naproxen sodium (Aleve). Stress và thức ăn cay không gây ra viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, chúng có thể làm cho các triệu chứng của bệnh tồi tệ hơn. 

Chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng

Đề chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng, đầu tiên các bác sĩ sẽ khai thác về tiền sử và bệnh sử của bạn, thực hiện thăm khám lâm sàng. Tiếp đó, bạn có thể sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm, thăm dò cận lâm sàng như:

  • Các xét nghiệm tìm H. pylori trong phòng thí nghiệm. Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm để xác định xem vi khuẩn H. pylori có tồn tại trong cơ thể bạn hay không. Nhiễm H. pylori có thể được xác định bằng xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở. Kiểm tra hơi thở là chính xác nhất. 

Xét nghiệm H. Pylori qua hơi thở (nguồn ảnh: https://www.mcssl.com/)Xét nghiệm H. Pylori qua hơi thở (nguồn ảnh: https://www.mcssl.com/) Để thực hiện test H. Pylori qua hơi thở, Cacbon phóng xạ sẽ được đưa vào cơ thể bạn thông qua một món ăn hoặc đồ uống. H. pylori phân hủy thức ăn chứa Cacbon phóng xạ trong dạ dày. Sau đó, bạn thổi khí vào một túi, niêm phong lại. Nếu bị nhiễm H. pylori, mẫu hơi thở của bạn sẽ chứa carbon phóng xạ ở dạng carbon dioxide. 

Nếu bạn đang dùng thuốc kháng axit, trước khi xét nghiệm H. pylori, hãy thông báo cho bác sĩ của bạn. Tùy thuộc vào xét nghiệm được chỉ định, bạn có thể phải ngừng thuốc trong một khoảng thời gian vì thuốc kháng axit có thể dẫn đến kết quả âm tính giả. 

  • Nội soi. Bác sĩ có thể sử dụng một ống soi để kiểm tra hệ thống tiêu hóa trên của bạn (ống nội soi). Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ đưa một ống rỗng được gắn camera tại đầu ống (ống nội soi) xuống cổ họng, vào thực quản, dạ dày và ruột non của bạn. Với ống nội soi, bác sĩ có thể quan sát thấy các vết loét dạ dày tá tràng. 

Khí phát hiện vết loét, các bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết một mẫu mô nhỏ để gửi đến kiếm tra tại phòng xét nghiệm. Sinh thiết cũng có thể xác định liệu H. pylori có trong niêm mạc dạ dày của bạn hay không. 

Nội soi sẽ thường được chỉ định nếu bạn lớn tuổi, có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa, sụt cân gần đây hoặc nuốt nghẹn, ăn uống kém. Nếu nội soi phát hiện vết loét trong dạ dày của bạn, sau khi điều trị, nên nội soi kiểm tra lại để cho thấy rằng nó đã lành, ngay cả khi các triệu chứng của bạn được cải thiện.

Nội soi sử dụng trong chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng (nguồn ảnh: https://drbcshah.blogspot.com/)Nội soi sử dụng trong chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng (nguồn ảnh: https://drbcshah.blogspot.com/)

  • Chụp X quang đường tiêu hóa trên, đôi khi được gọi là nghiệm pháp nuốt Bari. Bạn được chụp X quang để có được hình ảnh của thực quản, dạ dày, ruột non. Trong quá trình chụp, bạn nuốt phải một chất lỏng màu trắng (có chứa bari) phủ lên đường tiêu hóa và làm cho vết loét hiển thị rõ ràng hơn. 

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng

Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, việc điều trị sẽ bao gồm việc tiêu diệt vi khuẩn H. pylori (nếu có), loại bỏ hoặc giảm thiểu sử dụng NSAIDs (nếu có thể) và thuốc hỗ trợ lành vết loét.

Thuốc có thể bao gồm: 

  • Thuốc kháng sinh để diệt H. pylori. Nếu vi khuẩn H. pylori được tìm thấy trong đường tiêu hóa của bạn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh kết hợp để tiêu diệt vi khuẩn này. Chúng có thể bao gồm amoxicillin (Amoxil), clarithromycin (Biaxin), metronidazole (Flagyl), tinidazole (Tindamax), tetracycline và levofloxacin. 

Thuốc kháng sinh được sử dụng sẽ phụ thuộc vào tình hình khu vực bạn sinh sống và tỷ lệ kháng kháng sinh hiện tại. Bạn có thể sẽ cần dùng thuốc kháng sinh trong hai tuần, cũng như kết hợp các loại thuốc bổ sung để giảm axit dạ dày, bao gồm thuốc ức chế bơm proton và có thể là bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol). 

  • Thuốc ngăn chặn sản xuất axit dịch vị và thúc đẩy quá trình lành vết loét. Thuốc ức chế bơm proton - còn được gọi là PPI - làm giảm axit trong dạ dày bằng cách ngăn chặn hoạt động của các tế bào tạo axit. Những loại thuốc này bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn như omeprazole (Prilosec), lansoprazole (Prevacid), rabeprazole (Aciphex), esomeprazole (Nexium) và pantoprazole (Protonix). 

Một số thuốc PPI hay được sử dụng trên lâm sàng (nguồn ảnh: https://feldmanpinto.com/)Một số thuốc PPI hay được sử dụng trên lâm sàng (nguồn ảnh: https://feldmanpinto.com/) Sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài, đặc biệt ở liều cao, có thể làm tăng nguy cơ gãy xương chậu, xương cổ tay và cột sống. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết rằng liệu bổ sung Canxi có thể có ích trong trường hợp này không. 

  • Thuốc để giảm sản xuất axit. còn được gọi là thuốc chẹn histamine (H-2) - làm giảm lượng axit tiết vào đường tiêu hóa của bạn, dẫn đến giảm đau do loét, tạo điều kiện liền ổ loét. 

Thuốc có sẵn ở dạng kê đơn hoặc không kê đơn, bao gồm các loại như famotidine (Pepcid AC), cimetidine (Tagamet HB) và nizatidine (Axid AR). 

  • Thuốc trung hòa axit dạ dày. Bác sĩ có thể kê thuốc trung hòa acid dạ dày trong đơn của bạn. Loại thuốc này có thể giảm đau nhanh chóng do viêm loét. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm táo bón hoặc tiêu chảy, tùy thuộc vào các thành phần thuốc. 

Các thuốc trung hòa acid dạ đày có thể giúp giảm triệu chứng một cách nhanh chóng nhưng không có tác dụng lên quá trình lành vết loét của bạn.

  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc được gọi là tác nhân bảo vệ tế bào giúp bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày và ruột non của bạn. 

Các lựa chọn bao gồm thuốc kê đơn sucralfate (Carafate) và misoprostol (Cytotec).

Theo dõi sau điều trị 

Viêm loét dạ dày tá tràng thường có thể được điều trị khỏi, các vết loét được chữa lành. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bạn đặc biệt nghiêm trọng hoặc các triệu chứng vẫn kéo dài sau điều trị, bác sĩ có thể đề nghị nội soi để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng của bạn. 

Nếu vết loét được phát hiện trong quá trình nội soi, sau khi điều trị khỏi nên tiến hành nội soi lại để đảm bảo các vết loét đã lành hoàn toàn. Trao đổi với bác sĩ để biết bạn có nên làm các xét nghiệm tiếp theo sau khi điều trị hay không. 

Vết loét không thể chữa lành 

Ổ viêm loét dạ dày không lành khi điều trị được gọi là loét kháng trị. Có nhiều lý do khiến vết loét không thể lành lại, bao gồm: 

  • Không dùng thuốc theo đúng hướng dẫn
  • Thực tế là một số loại H. pylori kháng lại thuốc kháng sinh
  • Thường xuyên sử dụng thuốc lá
  • Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau – ví dụ như NSAIDs - làm tăng nguy cơ viêm loét 

Ít gặp hơn, loét kháng trị có thể là kết quả của:   

  • Sản xuất quá nhiều axit dạ dày, chẳng hạn như xảy ra trong hội chứng Zollinger-Ellison
  • Nhiễm trùng không phải H. pylori
  • Ung thư dạ dày
  • Các bệnh khác có thể gây ra viêm loét dạ dày và ruột non, ví dụ như bệnh Crohn 

Điều trị loét kháng trị thường bao gồm việc loại bỏ các yếu tố có thể cản trở việc chữa lành, cùng với việc sử dụng các loại kháng sinh khác nhau. 

Nếu bạn bị biến chứng nghiêm trọng từ vết loét, như chảy máu cấp tính hoặc thủng dạ dày ruột, bạn có thể phải phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện này tỉ lệ phải tiến hành phẫu thuật đã giảm đáng kể so với trước đây do có nhiều loại thuốc hiệu quả. 

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà

Dừng hút thuốc lá và hẹn chế rượu bia là một trong những biện pháp phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng (nguồn ảnh: https://www.pngjoy.com/)Dừng hút thuốc lá và hẹn chế rượu bia là một trong những biện pháp phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng (nguồn ảnh: https://www.pngjoy.com/) Bạn có thể giảm đau do loét dạ dày bằng cách:

  • Cân nhắc chuyển loại thuốc giảm đau. Nếu bạn phải sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên, hãy trao đổi với bác sĩ xem acetaminophen (Tylenol, ...) có thể là một lựa chọn cho bạn hay không. 
  • Giảm căng thẳng, stress. Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng. Tìm hiểu nguyên nhân gây ra căng thẳng của bạn và làm những gì bạn có thể để giải quyết các nguyên nhân đó. Đôi khi stress là không thể tránh khỏi, nhưng bạn có thể học cách đối phó với nó bằng cách tập thể dục, dành thời gian cho bạn bè hoặc viết nhật ký. 
  • Dừng hút thuốc. Hút thuốc có thể gây ảnh hưởng đến lớp màng bảo vệ của dạ dày, khiến dạ dày của bạn dễ bị loét hơn. Hút thuốc lá cũng làm tăng tiết acid dịch vị. 
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu. Sử dụng quá nhiều rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn lớp màng nhầy trong dạ dày và ruột của bạn, gây viêm và chảy máu. 

Các thuốc bổ trợ  

Các sản phẩm có chứa bismuth có thể giúp điều trị các triệu chứng của loét dạ dày tá tràng. Cũng có một số bằng chứng cho thấy kẽm có thể giúp chữa lành vết loét. Bột mastic, sản phẩm của một loại cây bụi thường xanh, cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng và tăng tốc độ chữa lành vết loét dạ dày tá tràng. 

Mặc dù một số loại thuốc không kê đơn và thuốc bổ trợ có thể hữu ích, nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về hiệu quả. Do đó chúng không được khuyến cáo là phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Đi khám bác sĩ

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn lo lắng về các triệu chứng của bản thân (nguồn ảnh: https://healthfully.com/)Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn lo lắng về các triệu chứng của bản thân (nguồn ảnh: https://healthfully.com/) Đến khám bác sĩ nếu bạn lo lắng về các dấu hiệu và triệu chứng của mình. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến chuyên khoa tiêu hóa. 

Bạn nên chuẩn bị tốt trước khi đi khám. Dưới đây là một số thông tin về những điều bạn nên chuẩn bị và những việc bác sĩ có thể làm khi bạn đến khám. 

Những điều bạn có thể làm

  • Hãy biết về những thứ bạn nên kiêng trước khi đi khám: Chẳng hạn như hạn chế chế độ ăn uống của bạn. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm loét dạ dày tá tràng, vì vậy bạn có thể được bác sĩ yêu cầu tàm dừng thuốc hoặc đổi loại thuốc khác
  • Liệt kê lại bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải, cũng như thức ăn bạn đang ăn. Những người bị viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp nhiều hơn khi dạ dày rỗng
  • Viết ra thông tin cá nhân chính, bao gồm cả các bệnh đang điều trị, những stress lớn hoặc những thay đổi trong cuộc sống gần đây.
  • Lập danh sách tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc không kê đơn, vitamin hoặc chất bổ sung mà bạn đang dùng. Điều đặc biệt quan trọng là phải lưu ý các thuốc giảm đau và liều lượng mà bạn đang sử dụng.
  • Viết ra các câu hỏi về các thắc mắc của bạn đối với bệnh để bác sĩ giải đáp 

Đối với viêm loét dạ dày tá tràng, một số câu hỏi bạn có thể muốn hỏi bác sĩ bao gồm:

  • Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh của tôi có thể là gì?
  • Tôi cần làm những xét nghiệm gì và chuẩn bị gì dể thực hiện các xét nghiệm đó
  • Tình trạng bệnh của tôi chỉ diễn biến trong một thời gian hay có thể kéo dài thành mãn tính?
  • Tôi có nguy cơ bị các biến chứng nào
  • Có những phương pháp điều trị nào
  • Nếu phương pháp điều trị ban đầu không hiệu quả, tôi nên làm gì tiếp theo
  • Tôi có phải kiêng ăn gì không
  • Tôi có các bệnh khác đi kèm. Làm thế nào để tôi kiểm soát cả bệnh nền và viêm loét dạ dày tá tràng 

Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị, đừng ngần ngại hỏi thêm những câu hỏi khác trong khi đi khám. 

Những điều bác sĩ có thể làm trong quá trình thăm khám.

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy sẵn sàng trả lời để tiết kiệm thời gian cho các bước khác của quá trình thăm khám. Bác sĩ của bạn có thể hỏi:

  • Các triệu chứng xuất hiện từ khi nào?
  • Các triệu chứng liên tục hay ngắt quãng?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng đến mức nào?
  • Các triệu chứng của bạn có tồi tệ hơn khi bạn đói không?
  • Bạn đã dùng thuốc gì để giảm các triệu chứng của mình chưa?
  • Có bất cứ điều gì làm cải thiện các triệu chứng của bạn không?
  • Điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn?
  • Bạn có dùng thuốc giảm đau hoặc aspirin không? Nếu có thì tần suất thế nào?
  • Bạn có cảm thấy buồn nôn hoặc có bị nôn không?
  • Bạn đã bao giờ nôn ra máu hoặc chất màu đen chưa?
  • Bạn có nhận thấy máu trong phân của mình hoặc phân đen không?

Bạn có thể làm gì trong thời gian chờ khám. 

Trong thời gian chờ gặp bác sĩ, bạn hãy tránh thuốc lá, rượu, thức ăn cay và căng thẳng stress. 

Xem thêm: 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!