Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng
Nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như NSAIDs hoặc aspirin
- Hội chứng Zollinger-Ellison
- Thuốc lá hoặc rượu
- Căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như bỏng hoặc bệnh nặng
- Tiền sử gia đình bị loét dạ dày tá tràng
Các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
- Đau bụng, nóng rát vùng thượng vị, thường xảy ra sau bữa ăn từ 1 đến 3 giờ hoặc khi dạ dày rỗng.
- Cơn đau nặng hơn vào ban đêm, đau có thể kéo dài hàng tuần.
- Cơn đau thuyên giảm đáng kể sau bữa ăn hoặc khi bạn sử dụng thuốc kháng acid.
- Buồn nôn, nôn hoặc ợ hơi
- Đại tiện phân đen hoặc lẫn máu do xuất huyết tại vị trí vết loét.
Phương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng.
- Xét nghiệm máu: H. pylori có thể được xác định bằng xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm phân: Xét nghiệm này có thể cho biết bạn có nhiễm H. pylori hay không. Bên cạnh đó, nó cũng giúp đánh giá tình trạng máu trong phân.
- Xét nghiệm ure qua khí thở để kiểm tra H. pylori. Bạn sẽ uống một chất lỏng có carbon phóng xạ. Ba mươi phút sau khi bạn uống chất lỏng, bạn sẽ thổi vào một cái túi. Cacbon phóng xạ sẽ hiển thị nếu bạn đang nhiễm H. pylori.
- Nội soi ống mềm để quan sát đánh giá trực tiếp bên trong đường tiêu hóa. Ống nội soi là một ống dài, mềm dẻo có đèn chiếu sáng ở đầu. Có thể sử dụng máy ảnh gắn với ống nội soi để lưu lại hình ảnh trong lòng ruột. Nội soi có thể giúp các bác sĩ quan sát thấy các tổn thương trong lòng ống tiêu hóa. Các mảnh sinh thiết tổn thương có thể được lấy trong quá trình nội soi để gửi đến phòng xét nghiệm.
- Chụp X-quang đường tiêu hóa trên hiển thị hình ảnh của dạ dày và ruột. Bạn sẽ được uống một lượng chất lỏng chứa Bari trước khi chụp. Chất lỏng này giúp dạ dày và ruột hiển thị tốt hơn trên phim chụp X-quang. Phương pháp này có thể cho biết bạn có đang bị loét dạ dày tá tràng hay không.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.
- Điều trị nội khoa: Bạn có thể được kê các thuốc làm giảm tiết acid trong dạ dày. Đơn thuốc cũng có thể bao gồm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày và thuốc kháng sinh để điều trị vi khuẩn H. pylori. Bác sĩ cũng có thể đề nghị đổi loại thuốc hiện tại mà bạn đang sử dụng nếu nó làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng. Không tự ý đổi thuốc nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.
- Phẫu thuật có thể được cân nhắc nếu vết loét không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác. Phẫu thuật cắt dây thần kinh X của dạ dày có thể được thực hiện để giúp dạ dày tiết ra ít axit hơn. Một loại phẫu thuật khác là phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày cũng có thể được thực hiện. Phẫu thuật khâu lỗ thủng được chỉ định trong các trường hợp biến chứng thủng dạ dày tá tràng do loét.
Nhập viện cấp cứu (gọi 115)
Nhập viện cấp cứu (gọi 115) nếu bệnh nhân xuất hiện các tình trạng:
- Nhịp tim nhanh hoặc thở nhanh.
- Chóng mặt, mệt mỏi không thể đứng lên được
- Nôn ra máu đỏ tươi.
- Đi ngoài ra máu đỏ tươi.
Các trường hợp nên đi khám ngay lập tức
Bạn nên đi khám ngay nếu:
- Đau bụng dữ dội.
- Nôn ra chất đen như bã cà phê.
- Đi ngoài phân đen.
- Khó thở đột ngột.
Các trường hợp nên đi khám theo lịch hẹn
Ban nên sắp xếp lịch để đi khám nếu xuất hiện các biểu hiện:
- Sốt.
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
- Cơn đau dạ dày không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn sau khi đã uống thuốc.
- Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào về các triệu chứng hoặc tình trạng sức khỏe của bản thân.
Trao đổi với bác sĩ về kế hoạch chăm sóc điều trị
Bệnh nhân có quyền tham gia và lập kế hoạch chăm sóc cho chính bản thân họ. Tìm hiểu về tình trạng sức khỏe và cách điều trị. Thảo luận về các phương pháp điều trị các bác sĩ để quyết định lựa chọn phương pháp phù hợp. Bệnh nhân luôn có quyền từ chối điều trị.
Những thông tin ở phía trên mang tính chất cung cấp kiến thức tham khảo. Nó không nhằm mục đích tư vấn y tế cho một trường hợp bệnh nhân cụ thể nào. Trao đổi với bác sĩ, y tá hoặc dược sĩ của bạn trước khi lựa chọn bất kì một phương pháp điều trị nào để xem liệu nó có an toàn và hiệu quả cho bạn hay không.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về viêm loét dạ dày tá tràng và chế độ chăm sóc
- Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
- Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng
- Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng
- 5 kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng