Video Viêm loét miệng có phải triệu chứng bình thường
Mọi người cũng có thể sử dụng thuốc không kê đơn để giảm đau.
Bài viết sẽ thảo luận chi tiết hơn về loét miệng, bao gồm nguyên nhân gây ra, triệu chứng, cách điều trị, cách xác định và khi nào thì cần đến gặp bác sĩ.
Loét miệng là gì?
Loét miệng (thường được biết đến với tên nhiệt miệng) là những vết loét màu trắng xuất hiện trên lưỡi, ở bên trong môi và má. Đôi khi có thể xuất hiện ở các vùng khác của miệng, chẳng hạn như nướu, lưỡi và vòm miệng.
Chúng có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc gặp từ hai đến bốn vết cùng một lúc.
Nhiệt miệng có nhiều kích thước khác nhau, thường sẽ rộng vài mm và được gọi là vết nhiệt miệng thể nhỏ. Tuy nhiên, nếu có kích thước từ 1–3 cm, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe gọi là vết nhiệt miệng thể lớn , chúng sẽ đau hơn và mất nhiều thời gian để lành thương hơn.
Nhiệt miệng không lây và không thể lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng.
Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết loét miệng
Triệu chứng chính mà một người sẽ nhận thấy là đau.
Cơn đau có thể tồi tệ hơn nếu vết loét tiếp xúc với một vật thể, chẳng hạn như bàn chải đánh răng. Một số loại thực phẩm cũng có thể làm nặng thêm tình trạng loét, đặc biệt là những thực phẩm cay hoặc chua.
Bản thân các vết loét thường rộng vài mm, có màu trắng, tương đối tròn và hơi trũng.
Một số vết loét có thể có vùng tấy đỏ xung quanh vòng ngoài của chúng, đặc biệt nếu có thứ gì đó gây kích ứng.
Nguyên nhân loét miệng
Không có nguyên nhân duy nhất gây ra loét miệng. Thay vào đó, có một số tác nhân tiềm ẩn.
Một người có thể bị loét miệng vì tổn thương trong miệng do:
- Cắn vào lưỡi
- Chấn thương trong quá trình khám chữa răng
- Niềng răng hoặc đeo các khí cụ trong miệng
- Răng giả không khít
- Bỏng do ăn thức ăn nóng
- Ăn thức ăn chua hoặc cay
- Đánh răng bằng bàn chải lông cứng
Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh (National Health Service - NHS) lưu ý rằng các vết loét cũng có thể xảy ra trong miệng do:
- Thay đổi nội tiết tố
- Thuốc, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm
- Mức độ căng thẳng cao
Cũng có thể bị loét miệng khi lần đầu tiên ngừng hút thuốc.
Một bài báo năm 2020 lưu ý rằng có tới 20% trường hợp có thể là do thiếu chất, chẳng hạn như sắt hoặc một số vitamin B.
Yếu tố di truyền cũng có vai trò trong việc bị loét miệng. Nghiên cứu trên tạp chí Tiến bộ về Da liễu và Dị ứng nói rằng những người có một số gen nhất định có thể dễ bị loét tái phát hơn.
Các bệnh lý có thể gây loét miệng
NHS lưu ý rằng những người bị một số vết loét trên lưỡi hoặc các vị trí khác trong miệng có thể có các triệu chứng của các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tay chân miệng hoặc lichen phẳng ở miệng.
Những người mắc một số bệnh lý nào đó bị loét miệng nên báo cáo điều này với bác sĩ của họ. Các bệnh lý này bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh viêm ruột
- Bệnh Celiac
- Các tình trạng làm suy yếu hệ thống miễn dịch
- Hội chứng Behcet
Một số dạng loét trên lưỡi và trong miệng có thể là dấu hiệu của ung thư miệng. Bất kỳ ai lo lắng về các triệu chứng mắc phải nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán.
Điều trị loét miệng
Các vết loét ở miệng có xu hướng tự lành. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hầu hết các tổn thương sẽ lành trong 4–14 ngày.
Mặc dù các vết loét ở miệng có xu hướng tự khỏi, nhưng các phương pháp điều trị tại nhà khác nhau có thể giúp giảm bớt các triệu chứng trong quá trình lành thương.
Mọi người có thể làm dịu vết loét tại nhà bằng cách súc miệng với:
- Nước sạch, đặc biệt là sau khi ăn
- Nước muối ấm
- Baking soda hòa tan trong nước
Bạn cũng có thể thử chườm nước đá lên vết loét hoặc ngậm đá bào.
Sử dụng thuốc
Điều trị vết loét ở miệng thường tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng trong khi xác định và điều trị bất kỳ tình trạng tiềm ẩn nào gây ra vết loét.
Thuốc không kê đơn có thể hữu ích cho các triệu chứng của loét miệng. Mọi người có thể thử sử dụng thuốc giảm đau (như paracetamol) hoặc gel làm tê (như benzocain).
Tuy nhiên, tác động gây tê có thể khiến vị trí bị loét khó cảm nhận hơn. Do đó, những người sử dụng gel nên cẩn thận để tránh làm tổn thương thêm, chẳng hạn như do cắn phải.
Còn nguyên nhân nào nữa không?
Một số tình trạng khác có thể gây ra vết loét rát xuất hiện trong miệng.
Sưng nụ vị giác
Khi một hoặc nhiều nụ vị giác bị tổn thương sẽ khiến chúng bị sưng và nhạy cảm hoặc gây đau.
Chấn thương do cắn, bỏng do nhiệt độ nóng hoặc do thức ăn đều có thể gây ra tổn thương này.
Lichen phẳng vùng miệng
Bệnh lichen phẳng ở miệng là một tình trạng viêm có thể gây ra các ban màu trắng, có dạng lưới ren trong miệng.
Theo Trung tâm Thông tin về Bệnh Hiếm và Di truyền của Mỹ, hầu hết người mắc bệnh này không gặp phải các triệu chứng. Tuy nhiên, những người khác có thể bị lở hoặc loét trong miệng.
Một số người cũng có thể gặp các triệu chứng ảnh hưởng đến cánh tay và chân.
Bệnh tay chân miệng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Mỹ (CDC), bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bệnh này có thể gây ra lở miệng 1-2 ngày sau khi bắt đầu bị sốt. Các vết loét thường bắt đầu như những chấm đỏ nhỏ ở phía sau miệng.
Vết loét lạnh (hay mụn rộp do virus)
Các vết loét lạnh có thể xảy ra bên trong miệng, bao gồm cả trên lưỡi hoặc bên trong môi.
Chúng xảy ra do nhiễm virus tiềm ẩn trong cơ thể. Khi có các yếu tố kích hoạt virus thì bệnh khởi phát và có thể bị mắc lại nhiều lần trong đời.
Phòng ngừa loét miệng
Có thể không tránh được mọi nguyên nhân gây loét miệng. Tuy nhiên, có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với một số nguyên nhân.
Các biện pháp này bao gồm:
- Chuyển sang kem đánh răng nhẹ
- Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm
- Tránh thức ăn có tính axit hoặc cay
Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ trong từng trường hợp. Nếu một người thường xuyên bị loét miệng, bác sĩ có thể giúp xác định có phải nguyên nhân là do một bệnh lý tiềm ẩn nào hay không và điều trị nó, điều này có thể giúp ngăn ngừa có thêm các vết loét trong tương lai.
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ
Bất kỳ ai thường xuyên gặp phải nhiệt miệng hoặc nhiều vết nhiệt miệng xuất hiện cùng một lúc nên đi khám bác sĩ.
Bác sĩ sẽ giúp xác định có tình trạng hay bệnh lý nào khác góp phần gây ra những vết loét này hay không.
Vết loét miệng kéo dài cũng cần được điều trị trong trường hợp đó là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn.
Kết luận
Loét miệng thường không đáng lo ngại. Chúng tương đối phổ biến và có một số nguyên nhân và tác nhân gây ra. Những người có thể xác định các tác nhân gây ra vết loét miệng sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc ngăn ngừa hình thành vết loét.
Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm bớt các triệu chứng hoặc đẩy nhanh quá trình lành thương. Bất kỳ ai bị vết loét dai dẳng không lành hoặc vết loét tái phát thường xuyên, nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Xem thêm: