6 điều cần biết về viêm tuyến vú

Viêm tuyến vú hay viêm tuyến sữa là tình trạng viêm ở nhu mô tuyến vú, dẫn đến đau, sưng, nóng, đỏ vú.

Viêm tuyến vú khi cho con bú

Viêm tuyến vú thường gặp ở phụ nữ cho con bú, đặc biệt trong ba tháng đầu sau sinh. Nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở phụ nữ không cho con bú, phụ nữ mãn kinh và ở nam giới.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển gây ra viêm mủ, hình thành ổ áp-xe vú. Trường hợp nặng có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết và tử vong.

Nguyên nhân viêm tuyến vú 

Ở phụ nữ đang cho con bú là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm tuyến vú nhất, viêm tuyến vú có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình cho con bú nhưng thường bị trong khoảng 3 tháng đầu sau sinh. Viêm tuyến vú thường do ứ đọng sữa trong tuyến vú, sau đó có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn.

  • Cho con bú sai kỹ thuật (chỉ sử dụng một tư thế cho con bú, không đổi bên, con không bú hết sữa một bên, em bé bú sai khớp ngậm) dẫn đến sữa bị ứ đọng trong vú gây ra viêm nhiễm.
  • Ống dẫn sữa bị tắc (tắc tia sữa) dẫn đến viêm nhiễm.
  • Vi khuẩn từ mũi và miệng của trẻ thông qua những vết nứt ở núm vú hoặc qua tuyến sữa khi cho bú xâm nhập vào vú.

Ở phụ nữ không cho con bú hoặc phụ nữ mãn kinh, viêm tuyến vú có thể liên quan đến tình trạng viêm mạn tính của các ống dẫn dưới núm vú, và sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể có thể khiến các ống dẫn sữa bị tắc nghẽn. Những ống dẫn bị tắc làm cho nhiễm trùng lan rộng. 

Viêm tuyến vú do nhiễm khuẩn: Bình thường hệ vi khuẩn ngụ trên da không gây hại. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào mô vú do tổn thương vùng da xung quanh hoặc núm vú, chúng có thể dẫn đến viêm vú. Vi khuẩn hay gặp nhất là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Ít gặp hơn là beta-haemolytic Streptococcus hoặc Escherichia coli.

Yếu tố nguy cơ viêm tuyến vú

  • Loét hoặc nứt đầu vú
  • Mặc áo ngực quá chật
  • Đã từng bị viêm tuyến vú trước đó
  • Stress, mệt mỏi, căng thẳng kéo dài trong thời kỳ chăm con
  • Suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tiểu đường

Triệu chứng

Viêm tuyến vú hình thành ổ áp xe. Nguồn ảnh: healthline.comViêm tuyến vú hình thành ổ áp xe. Nguồn ảnh: healthline.comViêm tuyến vú thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vú và các triệu chứng rầm rộ tiến triển nhanh chóng. Các triệu chứng của viêm tuyến vú có thể bao gồm:

  • Xuất hiện vùng sưng đỏ trên vú, có thể cảm thấy nóng và đau khi chạm vào
  • Xuất hiện khối u vú hoặc vùng cứng trên vú
  • Đau vú có thể liên tục hoặc khi cho con bú
  • Tiết dịch núm vú: dịch tiết có thể có màu trắng hoặc có vệt máu
  • Toàn thân; sốt, ớn lạnh và mệt mỏi.
  • Áp xe vú: đây là biến chứng của viêm tuyến vú. Khối áp xe sưng nóng đỏ đau, vùng da xung quanh căng bóng, có thể vỡ mủ trên bề mặt da.

Chẩn đoán

Hầu hết các trường hợp viêm tuyến vú đều có thể chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử (thời điểm xuất hiện triệu chứng, mức độ đau…) và khám vú.

Xét nghiệm:

  • Siêu âm vú: giúp phân biệt viêm tuyến vú đơn thuần, áp xe và các khối u vú.

Siêu âm tuyến vú. Nguồn ảnh: healthline.comSiêu âm tuyến vú. Nguồn ảnh: healthline.com

  • Công thức máu, xét nghiệm CRP máu
  • Cấy mủ: có thể được thực hiện từ bệnh phẩm sữa mẹ hoặc mủ chọc hút từ ổ áp xe để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, giúp quyết định loại kháng sinh nào sẽ sử dụng.
  • Ở phụ nữ không cho con bú bị viêm vú hoặc những người không đáp ứng với điều trị, có thể được chụp X quang tuyến vú hoặc sinh thiết vú. Đây là một biện pháp sàng lọc ung thư vú mặc dù nguyên nhân từ viêm vú là hiếm gặp.

Điều trị viêm tuyến vú

Viêm tuyến vú thường có thể dễ dàng điều trị và hầu hết phụ nữ phục hồi hoàn toàn rất nhanh. 

Những trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà:

  • Sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn: hạ sốt giảm đau (ibuprofen, paracetamol), các loại kháng sinh (không nên tự ý uống bất kỳ loại kháng sinh nào trong thời kỳ cho con bú mà không có chỉ định của bác sĩ)
  • Nếu đang cho con bú, tiếp tục cho bé bú hoặc vắt sữa (chỉ cắt sữa khi không nuôi con bằng sữa mẹ hay nhiễm trùng nặng, áp-xe tái phát nhiều lần). Nuôi con bằng sữa mẹ khi viêm tuyến vú sẽ không gây hại cho em bé và còn giúp cải thiện triệu chứng của mẹ, nên cho con bú thường xuyên hơn đồng thời vắt sữa còn lại sau khi bé bú xong.

Cho con bú kể cả khi bị viêm tuyến vú. Nguồn ảnh: todaysparent.comCho con bú kể cả khi bị viêm tuyến vú. Nguồn ảnh: todaysparent.com

  • Chườm ấm để hỗ trợ phản xạ tiết sữa và dẫn sữa ra ngoài.
  • Chườm lạnh sau khi cho con bú để giảm đau và giảm phù nề.
  • Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ăn uống đủ chất, uống nhiều nước.
  • Hạn chế mặc quần áo bó sát, bao gồm cả áo lót cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.

Khi tình trạng bệnh không thuyên giảm sau khi đã sử dụng kháng sinh, có thể do hình thành ổ áp xe vú. Điều trị áp xe cần chọc hút hoặc dẫn lưu mủ:

  • Đường kính ổ áp-xe < 3cm: chọc hút bằng kim 18-19G kết hợp bơm rửa bằng nước muối sinh lý. Chọc hút tối đa 3 lần. Nếu không đáp ứng cần rạch dẫn lưu mủ.
  • Đường kính ổ áp-xe 3-5cm: Chọc hút và dẫn lưu bằng catheter.
  • Đường kính ổ áp-xe >5cm: rạch dẫn lưu mủ.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa bệnh viêm tuyến vú, có thể kể đến một số biện pháp sau:

  • Vệ sinh đầu vú và bầu vú trước và sau khi cho con bú để hạn chế tổn thương khô, nứt da.
  • Cho con bú đúng tư thế, đúng khớp ngậm, cho bé bú hoàn toàn một bên vú trước khi chuyển sang vú khác, vắt hết sữa thừa sau bữa bú.
  • Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước.

Câu hỏi liên quan

Một số nhóm thức ăn mà người bệnh nên kiêng để hạn chế viêm tuyến sữa càng nặng hơn như: Nhóm thực phẩm nhiều dầu mỡ, Đồ nướng, đồ chiên, xào, Đồ ăn nhanh, Nhóm thực phẩm chứa nhiều đường,...
Xem thêm
Dưới đây là 15 cách chữa tắc tia sữa đơn giản tại nhà nhưng lại đem đến hiệu quả đáng kinh ngạc. Mẹ có thể tham khảo: Cho bé bú thường xuyên, Cách chữa tắc tia sữa tại nhà bằng massage, Cách chữa tắc tia sữa bằng lược, Chườm nóng,...
Xem thêm
Khi bị viêm tuyến vú thường xuất hiện các triệu chứng sau: Đau, ngứa, sưng vú, Vùng vú bị viêm sưng, ấn thấy đau, đỏ thường có dạng hình nêm (hình chữ V), Khi cho con bú có cảm giác nóng rát, sữa tiết ra không thông suốt, Sốt, sợ lạnh,...
Xem thêm
Sữa này vẫn an toàn cho trẻ vì dịch tiêu hóa trong cơ thể trẻ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Viêm tuyến sữa
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!