Video: Người bị trào ngược dạ dày nên ăn gì, nên kiêng gì
Trào ngược axit dạ dày là gì?
Hiện tượng này sẽ được chẩn đoán là bệnh trào ngược dạ dày-thực quản khi các triệu chứng trào ngược xuất hiện hơn 2 lần một tuần.
Một yếu tố nguy cơ góp phần làm triệu chứng trào ngược axit nặng hơn, có liên quan tới thức ăn là:
- Tư thế của cơ thể sau khi ăn
- Lượng thức ăn ăn vào trong một bữa
- Loại thức ăn
Bạn có thể kiểm soát những yếu tố này bằng cách thay đổi những thực phẩm mà bạn ăn và cách ăn chúng. Ngoài ra, giữ tư thế ngồi thẳng hoặc đứng thằng sau khi ăn và ăn một lượng thức ăn vừa phải có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng trào ngược.
Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới y học về loại thực phẩm nào mới là nguyên nhân thực sự gây ra các triệu chứng trào ngược. Tuy vậy, vẫn có các loại thực phẩm mà các nhà khoa học cùng thống nhất rằng nên tránh để ngăn ngừa rối loạn tiêu hoá, ợ hơi, ợ nóng và các triệu chứng khác đi kèm trào ngược axit dạ dày.
Bên cạnh đó, việc giảm cân có thể giúp ích trong việc làm giảm các triệu chứng của tình trạng trào ngược.
Sau đây là những loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Thực ăn chứa nhiều chất béo và đồ chiên rán
Thức ăn chưa nhiều chất béo làm giảm áp lực lên cơ thắt thực quản dưới và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng trào ngược. Để ngăn chặn sự trào ngược, bạn cần giảm lượng chất béo hấp thụ vào cơ thể.
Dưới đây là những loại thức ăn giàu chất béo mà bạn nên tránh:
- Khoai tây chiên
- Vòng hành chiên giòn
- Khoai tây miếng chiên
- Bơ
- Sữa nguyên kem
- Phô-mai
- Kem
- Kem béo
- Kem béo trộn salad
- Các loại sốt chấm béo ngậy
- Thịt đỏ nhiều chất béo: thịt thăn và sườn.
Đồ ăn cay
Một số nghiên cứu có đưa ra rằng nếu bạn mắc các rối loạn tiêu hoá, đồ ăn cay nóng có thể gây ra các cơn đau bụng và cảm giác nóng ruột.
Tuy nhiên, một nghiên cứu lại chỉ ra rằng thường xuyên sử dụng capsaicin sẽ thấy dễ chịu hơn so với thỉnh thoảng mới sử dụng chất này. Capsaicin chính là chất khiến cho tiêu và bột ớt có vị cay. Các nhà khoa học nhấn mạnh: việc ăn đồ ăn cay nóng có thể làm tăng các triệu chứng của GERD nếu sử dụng hàng ngày.
Vì vậy, bạn nên để ý cảm nhận của bản thân và cơ thể sau khi nạp bất kỳ loại thức ăn nào. Đánh giá khả năng ăn cay của bản thân để xây dựng thực đơn cũng như nấu các món ăn phù hợp.
Trái cây và các loại rau
Các loại rau quả chiếm một phần quan trọng trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm thuộc nhóm này không tốt cho bệnh trào ngược dạ dày-thực quản, thậm chí có thể làm cho các triệu chứng nặng lên. Nhưng loại rau quả nên tránh là:
- Dứa
- Các loại quả chua, có chứa axit citric như cam, bưởi, chanh vàng và chanh xanh.
- Cà chua và các loại thức ăn làm từ cà chua như sốt cà chua, sốt salsa, ớt, sốt pizza
- Hành và tỏi
Nếu có nghi ngờ về bất kỳ loại thực phẩm nào có được phép ăn hay không, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chính xác. Ngoài ra, bạn có thể liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để thiết kế chế độ ăn cùng khẩu phần phù hợp với tình trạng của bạn.
Đồ uống
Một số loại đồ uống phổ biến không tốt cho tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản, chúng bao gồm:
- Đồ uống có chứa cồn
- Cà phê và trà
- Đồ uống có gas
- Các loại nước quả có axit citric và nước ép cà chua
Cà phê có chứa cafeine hay không thì đều không tốt cho người mắc GERD. Tuy nhiên, có một vài trường hợp lại thích ứng tốt với việc uống cà phê. Vì vậy quan trọng nhất là theo dõi các triệu chứng của bạn và đảm bảo chỉ sử dụng các loại đồ uống không khiến tình trạng sức khoẻ của bản thân tệ hơn.
Những loại thực phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng khác
Một vài loại thực phẩm và thuốc làm cho cơ thắt thực quản dưới giãn ra và không thực hiện được chức năng của chúng là ngăn không cho thức ăn và dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản - một nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng GERD. Ví dụ về các loại thực phẩm này là:
- Sô-cô-la
- Bạc hà, kể cả húng bạc hà
- Các loại thực phẩm chức năng bổ sung sắt và kali
- Kháng sinh
- Thuốc aspirin hay các loại thuốc giảm đau khác
- Thuốc chứa bisphosphonate (phòng chống loãng xương)
- Thuốc chứa nitrate
- Thuốc chặn kênh can-xi
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclis)
- Thuốc giãn phế quản điều trị hen (Theophyline)
- Thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn
Luôn luôn tư vấn bác sĩ trước khi dừng bất kỳ loại thuốc nào mà bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc điều trị và thực phẩm chức năng nếu bạn nghĩ chúng khiến các triệu chứng trào ngược axit hay ợ hơi, ợ nóng xuất hiện.
Kết luận
Việc thay đổi chế độ và thói quen ăn uống có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản và giúp cho bệnh nhân không phải sử dụng thuốc kháng axit. Sử dụng thuốc kháng axit trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Thực chất thuốc kháng axit chỉ là một giải pháp tạm thời vì nó có tác dụng trung hoà axit trong dạ dày ngay lập tức để ngăn ngừa các cơn đau gây ra bởi axit trào ngược, nhưng nó không có tác dụng chữa lành các tổn thương ở thực quản. Nhưng ảnh hưởng của thuốc kháng axit nếu dùng trong một thời gian dài:
Việc sử dụng quá liều thuốc kháng axit có thể dẫn tới tình trạng tăng canxi máu và ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể. Thêm vào đó, tích tụ ma-giê và nhôm trong cơ thể có thể dẫn tới những tình trạng nghiêm trọng cho bệnh nhân có bệnh lý về thận.
Chia nhỏ lượng thức ăn mỗi bữa và ăn thành nhiều bữa trong ngày. Giữ tư thế ngồi thẳng hoặc đứng thẳng sau khi ăn. Tránh ăn các loại đồ ăn nhiều chất béo, đồ ăn cay nóng và một số loại rau, quả và đồ uống không tốt cho tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản.
Ngoài ra, cần để ý các dấu hiệu và triệu chứng bất thường sau khi sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Nếu có bất kỳ điều gì cần liên hệ ngay với bác sĩ để tư vấn tìm các giải pháp thuốc thay thế hoặc các phương pháp khác giúp kiểm soát tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về trào ngược dạ dày thực quản
- Sự khác nhau giữa ợ nóng, trào ngược acid và trào ngược dạ dày thực quản
- Trào ngược dạ dày thực quản: đối tượng nguy cơ và điều trị
- Biện pháp ngăn ngừa tình trạng trào ngược dạ dày thực quản
- 8 phương pháp điều trị tại nhà cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản