Video nguyên nhân và hình ảnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa còn có tên gọi khác là chàm thể tạng, đây là một thể bệnh thường gặp nhất của bệnh chàm nói chung (tên tiếng anh là Eczema). Bệnh lý này có thể đi kèm với các bệnh cơ địa khác như hen suyễn, sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng. Bệnh thường gặp phổ biến ở trẻ sơ sinh và có thể kéo dài tới khi trưởng thành
Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể tìm ra thông tin chính xác về nguyên nhân gây nên căn bệnh mạn tính này. Một số ý kiến cho rằng bệnh này liên quan đến yếu tố gia đình. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra căn bệnh này:
- Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người đã từng mắc viêm da cơ địa và một số bệnh liên quan đến cơ địa khác thì bạn cũng có khả năng cao mắc bệnh này.
- Có tiền sử mắc các bệnh cơ địa như hen suyễn, viêm mũi - xoang dị ứng,…
- Có tiền sử dị ứng với thức ăn hoặc thuốc: hải sản, ngũ cốc, trứng, sữa, thuốc giảm đau, thuốc an thần,…
- Sức đề kháng yếu, da không được khỏe mạnh hoàn toàn cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh.
- Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học: Lười tắm gội, tắm quá nhiều, ít vệ sinh da, thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, tác nhân gây ngứa,…
- Sự ảnh hưởng của thời tiết và môi trường sống: Khi thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường sống ô nhiễm cũng có thể gây nên bệnh.
Các nguyên nhân trên đây chỉ mang tính chất giả thuyết và không được chắc chắn 100%. Để biết được nguyên nhân gây nên căn bệnh này cần phải nghiên cứu thực hiện những thí nghiệm chuyên sâu hơn.
Các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa là gì?
Bệnh thường có 3 giai đoạn luân phiên nhau:
- Giai đoạn cấp tính: Biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khư trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.
- Giai đoạn bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.
- Giai đoạn mạn tính: da dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, các vết nứt đau; đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.
Triệu chứng bệnh chủ yếu là: khô da, ban đỏ - ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa – gãi - ban đỏ - ngứa… Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen. Các biểu hiện bệnh lý như chứng vẽ nổi (dermographism), bệnh vẩy cá thông thường, dày sừng nang lông…có thể gặp trên bệnh nhân viêm da cơ địa.
Vị trí hay gặp mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, mi mắt, cổ tay, mu tay, mu chân, trường hợp nặng có thể lan toàn thân.
Viêm da cơ địa biểu hiện các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của người bệnh.
Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm
- Da khô, ngứa, có vảy
- Phát ban trên da đầu hoặc má
- Phát ban có thể có mụn nước và chảy nước trong
Trẻ sơ sinh có các triệu chứng này có thể khó ngủ do ngứa da. Trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa cũng có thể bị nhiễm trùng da do gãi.
Các triệu chứng ở trẻ em có thể bao gồm:
- Phát ban ở các nếp gấp của khuỷu tay, đầu gối hoặc cả hai
- Các mảng da có vảy tại vị trí phát ban
- Các đốm da sáng hoặc sẫm màu
- Ca dày
- Da cực kỳ khô và có vảy
- Phát ban trên cổ và mặt, đặc biệt là xung quanh mắt
Các triệu chứng ở người lớn có thể bao gồm:
Người lớn bị viêm da cơ địa khi còn nhỏ có thể có làn da đổi màu, dễ bị kích ứng.
Tiến triển: Không điều trị bệnh tiến triển trong nhiều tháng, nhiều năm. Khoảng gần 50% bệnh khỏi khi ở tuổi thiếu niên, nhưng cũng nhiều trường hợp bệnh tồn tại lâu trong nhiều năm cho đến tuổi trưởng thành. Nhiều bệnh nhân bị hen hoặc các bệnh dị ứng khác.
Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa đều không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên đây là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người bệnh. Một số tác hại của căn bệnh này là:
- Gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như giấc ngủ của người bệnh.
- Bệnh mạn tính, tái phát thường xuyên và khó điều trị dứt điểm. Bệnh nhân phải sống chung với căn bệnh này trong một thời gian dài.
- Gãi nhiều làm tổn thương da, đặc biệt là các vùng da nhạy cảm, tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập gây viêm da bội nhiễm.
- Một số trường hợp bội nhiễm do virus có thể gây sốt, tổn thương các nội quan bên trong, đe dọa đến sức khỏe của người bệnh.
- Nếu các vết chàm ngứa xuất hiện ở vùng mắt có thể gây ảnh hưởng đến thị lực.
- Gãi nhiều và không được điều trị ngoài da sẽ dễ gây sẹo về sau, bệnh lan rộng gây ban đỏ toàn thân, khó điều trị.
- Các biến chứng khác: bệnh nhân có thể sẽ bị suy hô hấp, hen suyễn, hen phế quản,…
Điều trị bệnh viêm da cơ địa như thế nào?
Người bệnh tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng. Đồng thời người bệnh sẽ được sử dụng thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa. Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết, vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện. Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng như đề cập ở trên. Với trẻ em, không dùng đồ len dạ trực tiếp vào da của trẻ, bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ.
Điều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa bác sĩ và người bệnh, đối với trẻ nhỏ là bố mẹ bệnh nhân. Tuỳ theo giai đoạn bệnh là cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà cho thuốc bôi phù hợp.
Viêm da cơ địa cấp tính: cần đắp ẩm thương tổn và bôi kem corticoid + kháng sinh. Cho kháng sinh uống để chống tụ cầu trùng vàng trong trường hợp bội nhiễm. Kháng histamin chống dị ứng và chống ngứa.
Viêm da cơ địa bán cấp và mạn tính được điều trị bằng các thuốc sau:
- Làm ẩm da bằng kem bôi hoặc sữa tắm có kem.Thuốc corticosteroid: rất có hiệu quả đối với viêm da cơ địa nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu dùng lâu dài, do vậy cần có chỉ định của bác sĩ.
- Các thuốc chống viêm khác không phải corticosteroid như tacrolimus có thể thay thế corticosteroid mà không gây các tác dụng phụ như thuốc này và có thể dùng lâu dài, thuốc có thể chống viêm và chống ngứa.
- Uống kháng histamin chống ngứa.
- Một số trường hợp nặng có thể uống corticoid, nhưng cần có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.
- Các phương pháp điều trị khác: UVA, UVB, các thuốc như cyclosporin…
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán ban đầu. Bác sĩ có thể giúp bạn lập một kế hoạch điều trị hiệu quả và giúp bạn hiểu rõ các tác nhân gây bệnh.
Nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng do viêm da cơ địa hoặc mất ngủ, hãy trao đổi với bác sĩ. Đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn thấy các dấu hiệu của nhiễm trùng da do vi khuẩn, chẳng hạn như:
- Sưng tấy xung quanh tổn thương
- Dịch tiết từ tổn thương
- Sốt
Xem thêm: