Video cách điều trị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh gì?
Viêm da cơ địa (chàm thể tạng) là một trong những dạng lâm sàng của bệnh chàm (eczema). Đây là tình trạng viêm da mãn tính, có tiến triển dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát. Bệnh có xu hướng khởi phát sớm trong những năm đầu đời (chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi) và có đến 50% trường hợp thuyên giảm khi trưởng thành.
Triệu chứng điển hình của bệnh là xuất hiện các ban da có màu hồng đỏ, da dày sừng, ngứa ngáy và khô ráp. Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa là hệ quả do sự tăng sinh quá mức của kháng nguyên IgE trong huyết tương. Nguyên nhân sâu xa gây ra bệnh lý này chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên qua một số nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy bệnh có liên hệ mật thiết đến yếu tố cơ địa.
Mặc dù có tính chất dai dẳng và chưa thể điều trị hoàn toàn nhưng viêm da cơ địa là bệnh da liễu lành tính, chủ yếu gây thương tổn ngoài da và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên ngoài tổn thương da, bệnh đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội gây ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các giai đoạn của bệnh
Viêm da cơ địa có giai đoạn luân phiên nhau
- Giai đoạn cấp tính: Biểu hiện bệnh khi cấp tính là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khư trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.
- Giai đoạn bán cấp với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.
- Giai đoạn mạn tính da dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, các vết nứt đau; đây là hậu quả của việc người bệnh ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.
Tiến triển: Nếu không điều trị bệnh tiến triển trong nhiều tháng, nhiều năm. Khoảng gần 50% bệnh khỏi khi ở tuổi thiếu niên, nhưng cũng nhiều trường hợp bệnh tồn tại lâu trong nhiều năm cho đến tuổi trưởng thành. Nhiều người bệnh bị hen hoặc các bệnh dị ứng khác.
Điều trị bệnh viêm da cơ địa tại nhà
Viêm da cơ địa không thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh cũng có thể tự thuyên giảm sau một thời gian nhất định. Hiện nay, điều trị viêm da cơ địa được thực hiện với mục đích giảm thương tổn da, cải thiện ngứa ngáy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào giai đoạn phát triển, mức độ tổn thương và khả năng đáp ứng của từng cá thể.
Trong các đợt cấp, người bệnh nên đến khám tại chuyên khoa da liễu, nhận định, chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh và có được phương án điều trị phù hợp.
Dưới đây là các biện pháp người bệnh có thể áp dụng tại nhà giúp kiểm soát bệnh hiệu quả:
Dưỡng ẩm
Dưỡng ẩm cho da là một bước điều trị đặc biệt quan trọng trong điều trị viêm da cơ địa cả trong giai đoạn bệnh cấp và mạn. dưỡng ẩm tốt giúp cải thiện các triệu chứng khô và ngứa da, phục hồi chức năng hàng rảo bảo vệ da, giúp làm giảm thời gian và mức độ sử dụng corticoid.
Lựa chọn loại dưỡng ẩm lý tưởng:
- Duy trì được độ ẩm lý tưởng của da, pH tương tự với da tự nhiên
- An toàn khi sử dụng lâu dài, không chứa hương liệu, không gây kích ứng
- Tiện lợi, hiệu quả, phù hợp về mặt thẩm mỹ và kinh tế
Hướng dẫn sử dụng chất dưỡng ẩm:
- Lựa chọn chất dưỡng ẩm phù hợp với từng cá nhân, vị trí tổn thương mà mức độ khô da.
- Nên sử dụng ít nhất 2-3 lần/ngày, tăng số lần nếu da khô nhiều.
- Sử dụng ngay sau khi tắm 3-5 phút để duy trì độ ẩm trên da.
- Trong giai đoạn cấp, nên sử dụng kết hợp corticoid bôi để làm giảm nhanh các triệu chứng. Bôi dưỡng ẩm trước khi bôi corticoid giúp tăng khả năng hấp thu thuốc của da.
- Lượng dưỡng ẩm dử dụng cho người lớn là 500-600g/tuần, trẻ em 250-300g/tuần.
- Sử dụng duy trì hàng ngày dù không có triệu chứng.
Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ da liễu để lựa chọn được loại dưỡng ẩm phù hợp .
Sử dụng thuốc không kê toa
Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa đã được bác sĩ chỉ định dùng chữa viêm da cơ địa tại nhà:
- Kem chống ngứa: Sau khi dưỡng ẩm da, bạn có thể thoa kem chống ngứa vào vùng da bị ảnh hưởng để giúp giảm ngứa tạm thời nhưng không nên bôi quá 2 lần mỗi ngày. Khi tình trạng ngứa giảm bớt, bạn có thể giảm tần suất sử dụng kem
- Thuốc chống dị ứng hoặc chống ngứa dạng uống: Một số loại thuốc chống dị ứng không cần kê toa (thuốc kháng histamine) chẳng hạn như cetirizine (Zyrtec) hoặc fexofenadine (Allegra) có thể sử dụng để chống dị ứng. Cần tuân thủ liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Thay đổi lối sống
Để kiểm soát bệnh hiệu quả thì ngoài việc dùng thuốc và dưỡng ẩm, các biện pháp thay đổi lối sống cũng đóng vai trò quan trọng, nhằm cải thiện hàng rào bảo vệ da, giúp da mau lành
- Tắm nước ấm: Bạn có thể bỏ chút baking soda hay yến mạch xay nhỏ vào bồn tắm với nước ấm. Bạn lưu ý chỉ nên ngâm mình từ 10–15 phút rồi lau khô cơ thể và dùng kem dưỡng ẩm ngay.
- Không gãi chỗ ngứa: Thay vì dùng móng tay gãi, bạn hãy dùng đầu ngón tay ấn vào chỗ ngứa để cảm thấy bớt khó chịu hơn. Bạn còn có thể cắt móng tay hay đeo bao tay vào ban đêm để tránh làm da bị tổn thương khi vô tình gãi. Để giảm cơn ngứa, bạn có thể ngâm chân trong nước lạnh và chườm mát vùng da bị tổn thương bằng khăn có nhúng nước muối. Thực hiện nhiều lần trong ngày sẽ khắc phục được cơn ngứa, ngăn chặn nhiễm trùng trên da.
- Dán băng cá nhân: Bạn hãy dùng băng cá nhân băng chỗ ngứa lại để bảo vệ da và tránh việc vô tình gãi làm tổn thương da.
- Dùng xà phòng dịu nhẹ: Dùng xà phòng không hương và không chất tẩy sẽ tránh làm da bị kích ứng. Sau khi dùng xà phòng, bạn cần rửa vùng da tiếp xúc với xà phòng thật sạch.
- Dùng máy tạo độ ẩm: Nhiệt độ nóng ẩm có thể khiến tình trạng ngứa và tróc da nặng thêm. Bạn hãy mua một máy tạo độ ẩm để không khí trong nhà mát mẻ và đủ ẩm hơn nhé.
- Mặc quần áo thoải mái: Bạn có thể giảm kích ứng cho da bằng cách tránh những bộ quần áo chật và cứng. Bạn hãy chọn những trang phục thấm mồ hôi và mềm mại nhé.
- Giảm căng thẳng và lo lắng: Stress và những rối loạn khác về mặt tâm lý khác có thể khiến chứng viêm da cơ địa nặng thêm. Bạn cần tìm cách cải thiện sức khỏe tâm lý của mình để bớt tình trạng ngứa da.
- Cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Cân bằng dinh dưỡng trong các bữa ăn để đảm bảo cơ thể hấp thụ đủ và tốt nhất. Nhất là các dạng vitamin, chất xơ, khoáng chất,…có trong trái cây, rau củ,…Chúng là những thành phần quan trọng giúp tái tạo tế bào da, cải thiện tình trạng viêm hiệu quả.
- Uống nhiều nước để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, tránh tình trạng thiếu nước, làm làn da khô
- Tránh các tác nhân có hại cho da: Những tác nhân có thể làm bệnh viêm da cơ địa nặng thêm là mồ hôi, căng thẳng, thừa cân hay tiếp xúc với xà phòng quá mạnh, chất tẩy rửa, bụi và phấn hoa. Bạn hãy xác định mình bị viêm da do tác nhân nào và hạn chế tiếp xúc với tác nhân đó.
Chữa viêm da cơ địa bằng mẹo dân gian
Nhiều người bệnh truyền tai nhau các bài thuốc dân gian chữa viêm da cơ địa tại nhà. Tuy nhiên, hiệu quả cũng như cách sử dụng các bài thuốc này chưa được kiểm chứng rõ ràng. Thực tế nhiều trường hợp chịu biến chứng bội nhiễm nặng nề do áp dụng sai cách. Vì vậy trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào tại nhà, bạn nên trao đổi với bác sĩ
Có thể liệt kê các biện pháp thường được áp dụng dưới dây
- Trà xanh
- Lá lốt
- Nha đam
- Lá khế
- Lá ổi
- Lá đinh lăng
- Dầu dừa
- Bồ công anh
- Cây sài đất
Những lưu ý khi chữa viêm da cơ địa bằng mẹo dân gian:
- Trước khi áp dụng các cách dân gian cần đi khám và tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn cho da.
- Các cách dân gian chỉ nên áp dụng trong trường hợp viêm da nhẹ, mới khởi phát. Những trường hợp viêm nặng hơn, đã bị tổn thương da, nứt nẻ, rỉ máu hoặc bội nhiễm thì không nên áp dụng.
- Thuốc dân gian có độ lành tính cao tuy nhiên vẫn cần cẩn tìm hiểu kỹ lưỡng vì da có thể bị kích ứng với một số nguyên liệu tự nhiên.
- Thuốc dân gian thường phát huy công dụng từ từ, do vậy khi sử dụng cần hết sức kiên trì.
- Với những vùng da bị viêm nặng, có tổn thương hở da thì không nên chà xát hoặc gãi trên da.
- Hiệu quả của các phương pháp tùy thuộc vào cơ địa của từng người bệnh. Do đó sau một thời gian nhất định, nếu triệu chứng không thuyên giảm thì không nên lạm dụng cách chữa dân gian mà cần tìm một phương pháp phù hợp hơn.
- Bên cạnh điều trị, người bệnh cần có chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt khoa học nhằm giúp cải thiện sức đề kháng cho cơ thể.
Xem thêm: