Video bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em và cách điều trị
Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa (hay bệnh chàm thể tạng) là bệnh viêm da xuất hiện từ nhỏ, với đặc trưng là da đỏ, khô, bong vảy, một số trường hợp chảy dịch và ngứa. Ở trẻ dưới 2 tuổi, tổn thương hay gặp ở mặt, hiếm khi gặp ở thân mình, cẳng chân, bàn chân, cánh tay và bàn tay. Ở những tuổi lớn hơn, bệnh hay gặp ở vùng nếp gấp như khuỷu, gối, cổ. Bệnh gây ngứa dữ dội, khiến cho trẻ thường xuyên cào gãi hoặc chà xát, làm hàng rào da thêm tổn thương, nhiễm trùng. Vì vậy, trẻ có thể ăn kém, khó ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài, vùng da có thể trở nên lichen hóa, có nghĩa dày và cứng và sẫm màu hơn.
Nguyên nhân trẻ bị viêm da cơ địa
Hiện các nguyên nhân gây viêm da cơ địa trẻ nhỏ vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số tác nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Yếu tố di truyền: Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 60% trẻ mắc bệnh viêm da cơ địa có cha hoặc mẹ cũng có tiền sử mắc bệnh tương tự. Ngoài ra, trường hợp cha mẹ mắc các bệnh lý liên quan đến cơ địa như viêm mũi dị ứng, bệnh viêm da tiếp xúc, bệnh chàm tổ đỉa, hen suyễn,… con cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
- Hệ miễn dịch suy giảm, sức đề kháng kém: Trong những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên dễ bị tác động bởi các tác nhân kích thích từ bên ngoài. Vì vậy, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh da liễu mãn tính như viêm da cơ địa, chàm sữa, viêm da dị ứng,…
- Phản ứng dị ứng: Trẻ có thể bị viêm da cơ địa do phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với những tác nhân như thực phẩm có khả năng kích ứng (hải sản, đậu phộng, nấm…), hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm chứa bụi bẩn, hóa chất, phấn hoa, nấm mốc,…
- Khí hậu thời tiết lạnh, hanh khô: Viêm da cơ địa rất dễ bùng phát ở điều kiện thời tiết lạnh lẽo, hanh khô, độ ẩm thấp. Vào mùa đông, da khô hơn, làn da cũng trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy, da dễ bị kích ứng từ môi trường bên ngoài.
Các yếu tố làm nặng bệnh là gì?
Có rất nhiều yếu tố có thể khởi phát đợt bệnh và làm trầm trọng bệnh. Khí hậu hanh khô làm cho da khô hơn nên các trẻ viêm da cơ địa thường nặng hơn về mùa đông và đỡ hơn về mùa hè. Sử dụng xà phòng, tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa cũng làm bệnh nặng lên. Điều kiện vệ sinh kém, nhiễm khuẩn, thức ăn cũng là những yếu ố hay gặp khởi phát đợt cấp của viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa có thể có lây không, có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa là bệnh không lây. Tuy nhiên, viêm da cơ địa là một yếu tố thuận lợi để lây các nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn hoặc virus như chốc, u mềm lây, herpes.
Do đặc tính kéo dài dai dẳng và dễ tái phát, nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm da cơ địa bội nhiễm: Do ngứa ngáy nên trẻ thường gãi cào, chà xát trên da dẫn đến hình thành những vết trầy xước, vết thương hở trên da. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào, gây nhiễm trùng và tổn thương thứ phát. Viêm da cơ địa bội nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Trẻ biếng ăn, chậm lớn: Các triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể khiến trẻ khó chịu, mất ngủ, biếng ăn và mệt mỏi, quấy khóc. Khi tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ sụt cân, chậm phát triển và suy dinh dưỡng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến cơ địa, di truyền: Viêm da cơ địa kéo dài có thể làm tăng mức độ nhạy cảm của cơ địa trẻ. Nhiều trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa có thể gây bùng phát một số vấn đề sức khỏe có liên quan đến yếu tố cơ địa như viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô, hen suyễn,…
Do đó, để ngăn ngừa và phòng tránh những biến chứng do viêm da cơ địa gây ra, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên da của bé, cha mẹ cần đưa ngay con đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Trẻ bị viêm da cơ địa có triệu chứng gì?
Trẻ em bị viêm da cơ địa thường có những triệu chứng đặc trưng như tình trạng phát ban, mẩn ngứa màu hồng hoặc đỏ, da khô, sần sùi, bong tróc vảy trắng. Tuy nhiên, trên thực tế, tổn thương da ở trẻ do viêm da cơ địa thường có hình thái, kích thước đa dạng. Điều này phụ thuộc vào mức độ phát triển bệnh lý, cơ địa và độ tuổi của trẻ.
Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
- Da nổi các nốt ban đỏ hoặc hồng nhạt, hình móng ngựa ở hai bên má, cằm và trán.
- Xuất hiện các mụn nước kích thước nhỏ trên bề mặt da, sau một thời gian, các mụn nước này vỡ ra, chảy dịch, tạo thành trợt loét và tạo thành lớp vảy tiết.
- Da ngứa và sần sùi, vùng da tổn thương khô lại và bong tróc.
Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em
- Vùng da tổn thương có dấu hiệu chuyển thành mảng lichen hóa: Da khô ráp, nứt nẻ, hình thành lớp tế bào sừng dày, có nhiều vết hằn.
- Tổn thương da xuất hiện chủ yếu ở các vùng da hay bị tỳ đè, cọ xát và có nhiều nếp gấp như mu bàn tay, bàn chân, khuỷu tay.
- Bệnh thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 2-12 tuổi.
Phương pháp điều trị viêm da cơ địa?
Nguyên tắc điều trị chính là phục hồi hàng rào da, kiểm soát nhanh đợt cấp bằng thuốc chống viêm, duy trì tình trạng ổn định của bệnh bằng dưỡng ẩm.
Dưỡng ẩm đều đặn
Da khô chính là một trong những nguyên nhân và triệu chứng mà viêm da cơ địa gây ra, vì thế không được quên dưỡng ẩm đều đặn cho làn da của trẻ. Có những cách dưỡng ẩm da cho trẻ sau:
- Dùng kem dưỡng ẩm: Nên sử dụng cho trẻ trước khi đi ngủ và trước khi đến trước. Thuốc mỡ có tác dụng dưỡng ẩm và phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ hơn là dưỡng ẩm dạng kem.
- Dùng máy tạo ẩm: Để không khí trong nhà mát mẻ, độ ẩm dễ chịu hơn, cũng giúp làn da viêm cơ địa giảm khô, ngứa, bong tróc.
Tắm nước ấm
Tắm cho trẻ với nước ấm có pha baking soda hoặc bột yến mạch cũng giúp giảm triệu chứng viêm da cơ địa. Lưu ý nên tắm nước vừa ấm trong 10 - 15 phút, sau đó lau khô nhẹ nhàng, bôi kem dưỡng ẩm khi làn da vẫn còn giữ ẩm sau khi tắm.
Dùng thuốc
Trong các đợt cấp, bạn nên đưa con đến khám tại chuyên khoa da liễu, nhận định, chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh và có được phương án điều trị phù hợp. Điều trị cơ bản là corticoid bôi tại chỗ và phục hồi hàng rào da bằng dưỡng ẩm và chất làm mềm da. Trong một số trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc bôi và thuốc uống cần thiết khác như:
Kem chống ngứa: Thoa kem chống ngứa sau khi dưỡng ẩm giúp giảm cảm giác ngứa tạm thời. Tần suất sử dụng ban đầu có thể là 2 lần mỗi ngày, khi triệu chứng thuyên giảm thì giảm số lần và lượng bôi trên da.
Thuốc chống dị ứng, thuốc chống ngứa: có những loại thuốc uống không kê toa như thuốc kháng histamin hoặc thuốc kê toa như diphenhydramine sử dụng cho trẻ.
Hạn chế trẻ gãi ngứa
Trẻ thường chưa ý thức được hết hành động của mình, viêm da gây ngứa nên trẻ thường dùng móng tay gãi gây trầy xước da. Việc này càng gây viêm nhiễm da nặng hơn. Cần khắc phục bằng cách:
- Cắt ngắn móng tay và dũa cho trẻ để tránh làm tổn thương da.
- Đeo bao tay cho trẻ khi ngủ để tránh trẻ tự ý gãi.
- Băng vùng da bị viêm: bảo vệ da và chống trầy xước.
Giảm nguy cơ mắc bệnh và tái phát viêm da cơ địa ở trẻ
Để giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như nguy cơ tái phát viêm da cơ địa ở trẻ, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp đơn giản sau
- Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để có hệ miễn dịch tốt;
- Giữ phòng ngủ của trẻ thoáng mát, sạch sẽ, có độ ẩm hợp lý;
- Nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bụi bẩn hay lông động vật;
- Khi cho trẻ uống sữa, thực phẩm dinh dưỡng, bột,... cần theo dõi xem bé có dấu hiệu dị ứng không, nếu có thì cần đổi loại thực phẩm khác;
- Quần áo của trẻ nên làm từ các loại vải mềm, không có bụi vải và nên hạn chế đồ len, dạ vì dễ gây ngứa, kích ứng da;
- Vệ sinh cơ thể trẻ bằng nước ấm, không quá nóng hay quá lạnh;
- Chọn sữa tắm có độ pH thích hợp cho bé, có tính axit nhẹ, giúp tái tạo và duy trì pH da, rửa sạch chất bẩn, không làm khô da và không chứa các thành phần gây kích ứng da;
- Bôi thuốc dưỡng ẩm cho bé ngay sau khi tắm;
- Vệ sinh sạch sẽ vùng tã lót của trẻ, tránh hăm da;
- Canh chừng, không để trẻ cào, gãi làm tổn thương da;
- Bổ sung đầy đủ nước và các thực phẩm giàu vitamin A, B, C, Omega-3 cho bé để tăng cường sức đề kháng, chống viêm từ bên trong cơ thể.
Xem thêm: