Video Vi khuẩn HP có lây không và lây qua đường nào?
Mặc dù nhiễm H. pylori thường vô hại nhưng chúng là nguyên nhân gây ra hầu hết các vết loét trong dạ dày và đường tiêu hóa. Những vết loét này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư dạ dày.
Đọc tiếp để tìm hiểu cách mà bạn có thể bị nhiễm H. pylori, các triệu chứng và cách điều trị.
Tỷ lệ nhiễm H. pylori
H. pylori hiện diện ở khoảng 60% dân số thế giới. Một nghiên cứu năm 2014 trên Tạp chí của trung tâm tiết niệu Châu Âu cho thấy rằng có tới 90% những người bị nhiễm H. pylori có thể mang vi khuẩn trong miệng và nước bọt của họ. Điều này có nghĩa là nhiễm trùng có thể lây lan qua quan hệ tình dục bằng miệng (ngoài hôn) và cũng có thể là nguyên nhân gây viêm niệu đạo. Viêm niệu đạo là tình trạng viêm nhiễm ở niệu đạo có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng H. pylori có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm một số loại ung thư dạ dày và loét dạ dày. Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng H. pylori cũng có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh Parkinson.
Các bằng chứng cho thấy sự phổ biến của H. pylori có thể đang giảm chủ yếu ở các quốc gia phát triển và ở trẻ em. Điều đó cho thấy, tình trạng nhiễm vi khuẩn này tiếp tục là mối quan tâm của nhiều nhóm các dân tộc thiểu số.
Một báo cáo năm 2018 trên tạp chí Tiêu hóa ghi nhận một mối lo ngại khác: Tình trạng kháng thuốc kháng sinh của H. pylori trên toàn thế giới có thể đang gia tăng đáng kể.
H. pylori rất dễ lây lan
Nhiễm H. pylori có thể lây lan qua hôn, quan hệ tình dục bằng miệng và thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm. Nếu bạn đang dùng thuốc kháng sinh để điều trị H. pylori, bạn vẫn có thể lây lan ra cộng đồng cho đến khi các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm vi khuẩn biến mất.
Các yếu tố nguy cơ nhiễm H. pylori là gì?
Sống trong điều kiện đông đúc hoặc ở những khu vực không có nguồn cung cấp nước sạch làm tăng nguy cơ nhiễm H. pylori. Điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại nhà hoặc trong cộng đồng cũng có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh.
Những tình trạng này có xu hướng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển, đó là lý do tại sao H. pylori vẫn là mối đe dọa lớn hơn ở những vùng này so với những vùng có nguồn nước sạch được đảm bảo.
Ngoài ra, sống với các thành viên trong gia đình hoặc những người khác bị nhiễm H. pylori có thể khiến bạn dễ mắc bệnh. Những người dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm H. pylori vẫn có thể lây nhiễm ra cộng đồng cho đến khi các xét nghiệm xác nhận đã hết nhiễm vi khuẩn.
Phòng ngừa nhiễm H. pylori
Không phải lúc nào vi khuẩn H. pylori cũng được truyền từ người này sang người khác theo cơ chế rõ ràng, nhưng vệ sinh cá nhân tốt là một cách để giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm. Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên là điều quan trọng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn hoặc nấu nướng.
Bạn cũng nên đảm bảo rằng thực phẩm của bạn sạch sẽ và đã được chế biến, nấu chín đúng cách. Tương tự như vậy, hãy đảm bảo rằng nước uống an toàn và sạch sẽ.
Hãy đặc biệt lưu ý đến các biện pháp phòng ngừa này nếu bạn ở một quốc gia nào khác trên thế giới có điều kiện vệ sinh công cộng không tốt, nguồn nước sạch và thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn.
Nếu bạn sống chung với người nhiễm H. pylori, hãy đảm bảo rằng họ đã điều trị khỏi hoàn toàn theo chỉ định của bác sĩ. Một người vẫn có khả năng lây nhiễm cho đến khi họ dùng hết thuốc kháng sinh và các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng không còn.
Các triệu chứng
Hầu hết những người bị nhiễm H. pylori không có triệu chứng. Không rõ cơ chế tại sao sự lây nhiễm lại gây ra vấn đề cho một số cá nhân chứ không phải cho mọi người. Nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn, nhưng không có dấu hiệu của nó, có thể sức đề kháng của bạn mạnh hơn tác động của vi khuẩn lên cơ thể.
Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm:
- Đau bụng dữ dội hơn khi đói
- Đau bụng hoặc có cảm giác nóng rát trong ruột
- Buồn nôn
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Đầy hơi
- Đầy chướng bụng
Nếu tình trạng chướng bụng không giảm bớt hoặc kèm theo phân đen như nhựa đường hoặc chất nôn màu đen giống bã cà phê, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Khó nuốt cũng là một dấu hiệu của bệnh do nhiễm H. pylori đang nặng hơn.
Nếu bạn bị H. pylori nhưng không có triệu chứng bạn vẫn có thể là nguồn lây
Nếu bạn không có triệu chứng rõ ràng, nhưng vẫn bị nhiễm H. pylori, bạn có thể truyền bệnh cho người khác.
Một người đang điều trị vẫn có khả năng lây nhiễm cho đến khi họ kết thúc đợt kháng sinh và các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng đã biến mất.
Chẩn đoán
Nhiễm H. pylori được chẩn đoán bằng sự kết hợp giữa khám lâm sàng và một số xét nghiệm. Các xét nghiệm để tìm vi khuẩn hoặc các dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang chống lại sự nhiễm vi khuẩn.
Các xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm này kiểm tra các kháng thể cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori.
- Xét nghiệm phân. Một mẫu phân nhỏ được gửi đến phòng thí nghiệm và kiểm tra xem có vi khuẩn trong phân hay không.
- Kiểm tra hơi thở. Thử nghiệm này được thực hiện sau khi bạn nuốt một viên urê có chứa các phân tử carbon đánh dấu phongd xạ. Nếu khí carbonic được phát hiện từ dạ dày, điều đó cho thấy rằng cơ thể bạn đang tạo ra một loại enzym gọi là uease. Enzyme này làm cho dịch vị ít axit hơn và làm suy yếu hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Việc điều trị diễn ra như thế nào?
Điều trị nhiễm H. pylori thường cần dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, hai loại kháng sinh khác nhau được kết hợp với nhau.
Bạn sẽ được kiểm tra lại sau khi kết thúc đợt dùng thuốc kháng sinh để đảm bảo rằng tình trạng nhiễm vi khuẩn đã biến mất. Một số bệnh lý cần dùng thêm một đợt kháng sinh nữa.
Các loại thuốc khác cũng được phối hợp cùng kháng sinh. Trong số đó có:
- Thuốc ức chế bơm proton (Prilosec, Nexium, Prevacid) để hạn chế lượng axit tạo ra trong dạ dày
- Thuốc chẹn thụ thể histamin H2 (Tagament), cũng làm giảm nồng độ axit trong dạ dày
- Muối bismuth (Pepto-Bismol) để bao phủ dạ dày niêm mạc, bảo vệ khỏi axit dạ dày
Thuốc kháng sinh là phương tiện hiệu quả nhất để điều trị các triệu chứng của H. pylori. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị H. pylori tự nhiên cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Việc điều trị tự nhiên của bạn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố chính, quan trọng nhất là mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và các triệu chứng kèm theo. Các cân nhắc khác bao gồm:
- Tuổi
- Sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh lý
- Khả năng chịu đựng hoặc tình trạng dị ứng của bạn với một số loại thuốc
- Tiên lượng bệnh
Quá trình phục hồi diễn ra như thế nào?
Sau khi bắt đầu điều trị, bạn nên đến gặp bác sĩ để tái khám sau khoảng bốn tuần. Bạn sẽ được kiểm tra lại để xem mức độ đáp ứng của bạn với điều trị và liệu tình trạng nhiễm vi khuẩn còn hay không.
Nếu vẫn bị nhiễm vi khuẩn,bạn có thể cần một đợt kháng sinh bổ sung. Bác sĩ có thể xem xét sự kết hợp khác nhau giữa thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác để có được kết quả mong muốn.
Các biến chứng của nhiễm H. pylori có thể bao gồm loét, cũng như ung thư dạ dày và ung thư thực quản. Nếu không có biến chứng nào phát sinh, tiên lượng của bạn thường tốt sau khi được điều trị thích hợp.
Nguy cơ tái nhiễm vi khuẩn thấp - khoảng 1% đến 2% đối với nam giới, và 5% đến 8% đối với phụ nữ và trẻ em. Bạn sẽ không lây bệnh cho người khác nếu các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng đã biến mất.
Tiên lượng
H. pylori là một loại vi khuẩn phổ biến có thể không gây ra triệu chứng hoặc biến chứng gì. Nhiễm H. pylori có thể biểu hiện nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được.
Điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu nhiễm vi khuẩn. Hãy nói với bác sĩ của bạn nếu bạn nghĩ rằng bạn đã tiếp xúc với vi khuẩn. Ví dụ: nếu bạn có thể đã bị phơi nhiễm trong những chuyến du lịch gần đây hoặc sống cùng với người bị nhiễm bệnh. Điều này có thể giúp bác sĩ của bạn chỉ định xét nghiệm H. pylori.
Cũng nên nhớ rằng để thuốc kháng sinh có hiệu quả, bạn cần phải uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tiếp tục dùng thuốc kháng sinh đầy đủ, ngay cả khi các triệu chứng của bạn đã biến mất. Tình trạng nhiễm trùng có thể kéo dài mặc dù thực tế là bạn đã có thể cảm thấy tốt hơn.
Ngoài ra, hãy nhớ tái khám với bác sĩ sau khi hoàn thành đợt điều trị bằng thuốc kháng sinh để xác nhận rằng tình trạng nhiễm H. pylori đã biến mất.
Xem thêm:
- Nhiễm H. pylori: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng
- Nhiễm H. pylori có thể bảo vệ phụ nữ khỏi bệnh đa xơ cứng
- 7 phương pháp tự nhiên điều trị H. pylori
- Các phương pháp tự nhiên nào điều trị H. pylori tốt nhất?
- Những điều cần biết về H.pylori: Cách bạn bị nhiễm, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị