Theo dữ liệu năm 1998 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những vi khuẩn này là nguyên nhân gây ra tới 80% loét dạ dày và 90% gây loét tá tràng. Chúng cũng có thể gây ra các vấn đề về dạ dày khác, bao gồm:
- Đau rát ở bụng
- Đầy hơi
- Buồn nôn
- Ăn không ngon miệng
- Ợ hơi thường xuyên
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
Việc sử dụng các phương pháp điều trị thông thường như kháng sinh có thể gây khó chịu cho một số người. Có thể gặp các tác dụng phụ tiêu cực, chẳng hạn như buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn. Một số người dị ứng với thuốc kháng sinh, điều này có thể làm phức tạp hóa các phương pháp điều trị truyền thống. Kết quả là, sự quan tâm đến các phương pháp điều trị tự nhiên ngày càng tăng.
7 phương pháp điều trị tự nhiên khi nhiễm H. pylori
Nhiều nghiên cứu in vivo và in vitro về phương pháp điều trị H. pylori tự nhiên đã được thực hiện. Hầu hết các phương pháp điều trị đều làm giảm số lượng vi khuẩn trong dạ dày nhưng không thể tiêu diệt chúng vĩnh viễn.
Hãy chắc chắn gặp bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu một chế độ điều trị tự nhiên. Bạn không nên thay thế việc điều trị H. pylori theo khuyến nghị của bác sĩ bằng các biện pháp tự nhiên. Với sự chấp thuận của bác sĩ, bạn có thể sử dụng các phương pháp điều trị tự nhiên như một liệu pháp bổ trợ. Điều này có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc thông thường.
Men vi sinh
Men vi sinh giúp duy trì sự cân bằng giữa hệ vi khuẩn đường ruột có lợi và có hại. Theo một nghiên cứu năm 2012 Thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại trong dạ dày. Men vinh sinh giúp bổ sung lợi khuẩn. Chúng cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển nấm men. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy vi khuẩn Lactobacillus acidophilus mang lại kết quả tốt nhất trong điều trị.
Trà xanh
Một nghiên cứu năm 2009 trên chuột cho thấy trà xanh có thể giúp tiêu diệt và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter. Nghiên cứu cho thấy rằng uống trà xanh trước khi bị nhiễm khuẩn sẽ ngăn ngừa được viêm dạ dày. Uống trà trong thời gian bị nhiễm bệnh làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm dạ dày.
Mật ong
Mật ong đã cho thấy khả năng kháng khuẩn chống lại H. pylori. Đã có nhiều nghiên cứu bổ sung và đều đưa đến kết luận này. Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy mật ong có thể tự diệt trừ vi khuẩn. Các nhà nghiên cứu cho rằng sử dụng mật ong với các phương pháp điều trị thuốc thông thường có thể rút ngắn thời gian điều trị. Mật ong thô và mật ong Manuka có thể có nhiều tác dụng kháng khuẩn nhất.
Dầu ô liu
Dầu ô liu cũng có thể điều trị vi khuẩn H. pylori. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy dầu ô liu có khả năng kháng khuẩn mạnh mẽ chống lại tám chủng H. pylori. Ba trong số những chủng này có khả năng kháng thuốc kháng sinh. Dầu ô liu cũng duy trì ổn định trong axit dịch vị.
Rễ cây cam thảo
Rễ cam thảo là một phương thuốc tự nhiên phổ biến cho bệnh viêm loét dạ dày. Nó cũng có thể chống lại H. pylori. Theo một nghiên cứu năm 2009, rễ cam thảo không trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn, mặc dù nó có thể giúp ngăn vi khuẩn bám vào thành tế bào.
Mầm súp lơ
Một hợp chất trong mầm súp lơ được gọi là sulphoraphane có thể có hiệu quả chống lại vi khuẩn H. pylori. Nghiên cứu trên chuột và người cho thấy rằng nó giúp làm giảm viêm dạ dày. Nó cũng có thể làm giảm sự xâm nhập của vi khuẩn và ảnh hưởng của chúng. Một nghiên cứu trên những người mắc bệnh tiểu đường typ 2 và đồng thời nhiễm H. pylori cho thấy rằng bột mầm súp lơ chống lại vi khuẩn và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch.
Quang trị liệu
Nghiên cứu cho thấy H. pylori nhạy cảm với ánh sáng. Quang trị liệu là biện pháp sử dụng tia cực tím để giúp loại bỏ H. pylori trong dạ dày. Các nhà nghiên cứu tin rằng liệu pháp quang trị liệu được sử dụng trong dạ dày là an toàn. Nó có thể có lợi nhất khi không sử dụng được thuốc kháng sinh.
Phương pháp điều trị thông thường đối với nhiễm H. pylori
Các bác sĩ thường kê đơn kết hợp hai loại thuốc kháng sinh và một loại thuốc giảm axit để điều trị H. pylori. Đây được gọi là liệu pháp “Bộ ba”.
Nếu bạn dị ứng thuốc kháng sinh, bác sĩ có thể thêm một loại thuốc khác vào đơn thuốc điều trị của bạn. Mục tiêu là loại bỏ 90% hoặc nhiều hơn số vi khuẩn H. pylori hiện có.
Điều trị thường kéo dài không quá hai tuần. Sử dụng hai loại kháng sinh để làm giảm nguy cơ kháng kháng sinh. Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị H. pylori bao gồm:
- Amoxicillin
- Tetracyclin
- Metronidazol
- Clarithromycin
Thuốc giảm axit giúp niêm mạc dạ dày nhanh lành lại. Một số trong số này là:
- Thuốc ức chế bơm proton, chẳng hạn như omeprazol (Prilosec) và lansoprazole (Prevacid), làm ngừng sản xuất axit trong dạ dày
- Thuốc chẹn thụ thể histamin, chẳng hạn như cimetidin (Tagamet), chẹn histamin kích thích thế bào dạ dày tiết axit
- Muối bismuth (Pepto-Bismol), bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày ngăn chặn sự phá hủy của axit.
Tiên lượng
Nhiều người có vi khuẩn tồn tại trong dạ dày suốt cuộc đời và không gặp phải triệu chứng gì. Khi nó gây ra viêm dạ dày mạn tính và không được điều trị, có thể xảy ra các biến chứng nghiêm trọng. Chúng có thể bao gồm loét, chảy máu và ung thư dạ dày. H. pylori là yếu tố nguy cơ chính của một số loại ung thư dạ dày.
Theo dữ liệu năm 1998 từ CDC, tỷ lệ tiệt H. pylori đạt được 61 đến 94% khi sử dụng phương pháp điều trị kháng sinh được FDA chấp thuận. Tỷ lệ cao nhất khi kháng sinh được kết hợp với một chất giảm axit dịch vị. Thêm các phương pháp điều trị tự nhiên có thể mang lại lợi ích chữa bệnh bổ sung.
Bạn có thể làm gì bây giờ
Tại Hoa Kỳ, các bác sĩ hiếm khi xét nghiệm H. pylori trừ khi bạn có các triệu chứng. Nếu bạn có các triệu chứng, hãy gọi cho bác sĩ để được thăm khám. Nhiễm H. pylori có chung các triệu chứng với các tình trạng dạ dày khác, chẳng hạn như trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản. Điều quan trọng là bạn phải được chẩn đoán đúng để đảm bảo điều trị đúng cách.
Nếu bạn có kết quả dương tính với H. pylori, bạn bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị tự nhiên không có khả năng gây hại cho bạn, chúng không được chứng minh là có thể loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Không sử dụng chúng thay thế các phương pháp điều trị thông thường mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn
Nguồn gốc của H. pylori là không rõ ràng. Không có khuyến nghị chính thức nào từ CDC để ngăn chặn nó. Nói chung, bạn nên thực hành vệ sinh tốt bằng cách thường xuyên rửa tay và chế biến thức ăn đúng cách. Nếu bạn được chẩn đoán nhiễm H. pylori, hãy tuân thủ và hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị để giảm nguy cơ tái phát.
Xem thêm:
- Nhiễm H. pylori: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng
- Nhiễm H. pylori có thể bảo vệ phụ nữ khỏi bệnh đa xơ cứng
- Xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H. Pylori)
- Các phương pháp tự nhiên nào điều trị H. pylori tốt nhất?
- Những điều cần biết về H.pylori: Cách bạn bị nhiễm, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị